Nghệ. Nghệ sĩ. Nghệ danh. Điệu nghệ

by Tim Bui

HAI DỐT

Nghệ trong tiếng Việt thuần túy là một loại thảo mộc có củ giống củ gừng, thường dùng làm gia vị. Tự điển wikipedia mô tả “Nghệ hay nghệ nhà, nghệ ta, khương hoàng (tên khoa học Curcuma longa) là loại cây thân thảo lâu năm thuộc họ Gừng, (Zingiberaceae), có củ (thân rễ) dưới mặt đất, có nguồn gốc ở vùng nhiệt đới Tamil Nadu, phía đông nam Ấn Độ. Nghệ cần nhiệt độ từ 20 độ C đến 30 độ C (68 độ F và 86 độ F) và một lượng mưa hàng năm đáng kể để phát triển. Cây được thu hoạch hàng năm để lấy phần củ, và được nhân giống từ một phần trong số củ đó vào mùa sau.

Khi không được sử dụng ngay, củ nghệ được luộc khoảng từ 30 đến 45 phút và sau đó đem sấy khô rồi được nghiền thành bột có màu vàng cam sậm thường được sử dụng làm gia vị và các loại cà ri. Thành phần chính của nghệ là chất curcumin có vị hơi cay nóng, hơi đắng. Curcumin là tâm điểm thu hút vì tính năng trị bịnh tiềm tàng với một số chứng như ung thưAlzheimertiểu đườngdị ứng, viêm khớp, loét bao tử và một số bịnh khác. Ấn Độ là nước sản xuất nghệ chính.

Ở nước ta, ngoài viêc dùng làm gia vị, nghệ còn được dùng làm phụ gia dược liệu. Nghệ cũng là thành phần chính để trị bịnh loét bao tử.

Trong tiếng Hán Việt, Nghệ không liên quan gì tới củ nghệ mà có nghĩa là “nghề nghiệp”.

Hẳn chúng ta đều đã từng nghe câu “nhất nghệ tinh, nhất thân vinh”. Nghệ trong câu này chính là nghề nghiệp. Một nghề nghiệp giỏi, cả đời không phải lo lắng.
Vậy nghệ sĩ, chẳng lẽ là nghề sĩ?

Xin thưa, ngày xưa, chính quyền nước ta chia dân chúng ra làm ba loại là Sĩ, Nông, Công, Thương. Sĩ là những người có học, biết chữ như quan lại, thầy giáo, thầy thuốc…Nông là người làm nông nghiệp, chuyên nghề trồng cấy…Công là sản xuất máy móc, thợ thủ công và Thương là buôn bán, doanh nghiệp.

Sĩ là nghề nghiệp đứng đầu, nông thứ hai. Có câu “Nhất sĩ nhì nông, hết gạo chạy rông, nhất nông nhì sĩ” bởi miếng ăn là miếng không thể thiếu với sinh vật. Miếng ăn là miếng tồi tàn, mất ăn một miếng lộn gan lên đầu! Thế giới từ cạnh tranh đến chiến tranh không chỉ vì miếng ăn sao?

Và trong nhiều cái “sĩ” ấy, hoàn toàn không có “nghề ca hát” dù đây là nghề xuất hiện cũng đã lâu đời. Do vậy mà trước đây có câu “xướng ca vô loài”, nghề hát xướng không được xếp vào loại nào trong xã hội, theo quan niệm của chính quyền ngày xưa.

Trải qua nhiều đời và sự phát triển, xã hội không còn chỉ có bốn loại người nữa. Tỉ dụ những nghề như nghề đi vận động hành lang, nghề môi giới [còn gọi là cò], nghề hướng dẫn du khách… Song, dù có nhiều nghề khác nhau nhưng “Sĩ” vẫn luôn đứng đầu. Tiến sĩ là người học giỏi hoặc rất giỏi, bác sĩ người giỏi nghề y, văn sĩ giỏi nghề sáng tác, nhạc sĩ giỏi sáng tác âm nhạc, thi sĩ giỏi làm thơ… Tất nhiên ngày nay thứ gì cũng có đồ dỏm! Những người cũng viết văn, làm thơ, viết nhạc nhưng cả đời không làm cho ai nhớ được những gì họ viết ra dù tự nhận là “sĩ” nhưng người đời vẫn gọi họ là “thợ viết”!
Tất cả những “sĩ” nói trên đều hàm chứa nghề nghiệp, trừ “nghệ sĩ”!

Như đã nói nghề ca hát xưa không được xếp vào loại nào trong xã hội, nay cũng vậy. Song với sự phát triển ngày càng cao của xã hội, đặc biệt trong lãnh vực văn hóa, nên nghề ca hát, biểu diễn nói chung được liệt vào hàng “hoạt động văn hóa”. Các hoạt động như ca hát, kịch, cải lương, hát bội…được  xếp vào hoạt động văn hóa nói chung. Xưa họ chỉ là “con hát”, “đào, kép”, “thầy tuồng”… được gọi chung là “nghệ sĩ”.

Dĩ nhiên nghệ sĩ cũng có nhiều hạng. Hạng cả đời lên sàn diễn nhưng chỉ “có tuổi mà không có tên” thì người ta gọi là “thợ diễn”. Để trở thành nghệ sĩ đúng nghĩa, họ phải có ngoài “thanh, sắc” còn có sự sáng tạo đủ sức biến những vai diễn của họ có sức sống đặc biệt trong lòng người coi. Giống như văn sĩ biến nhân vật “ảo” của họ trở thành như nhân vật có thật trong đời sống, biến những câu thơ, câu văn của họ thành tiếng lòng của nhiều người…

Còn nghệ danh, tên nghề nghiệp, gắn liền với nghệ sĩ và chỉ nghệ sĩ mà thôi chứ nghề khác không có. Bởi khi lên sân khấu, lên sàn diễn, sáng tạo một tác phẩm… họ có một đời sống hoàn toàn khác với những gì họ đang có. Và với cuộc sống ấy họ thường có một cái tên khác với cái tên được cha mẹ đặt cho. Không ai hỏi một nhà chính trị, một người thợ, một kỹ sư, luật sư hay bác sĩ…” nghệ danh” là gì?

Thiệt là vô duyên khi đặt câu hỏi như vậy! Và chỉ có “nghệ sĩ” mới có nghệ danh. Đó là điều đặc biệt mà xã hội dành cho giới “nổi tiếng dưới ánh đèn sân khấu”!

Giới khác thì chỉ có “bút danh” [những người sống bằng nghề cầm viết], “bí danh” giới làm chính trị, “biệt danh”, “hỗn danh”…Còn điệu nghệ?

Đây là tiếng Việt miền Nam rặt ròng chăm phần chăm.

Theo tự điển xưa thì “điệu” có nghĩa là “đẹp”, “làm đẹp”, “chơi đẹp”, “sống đẹp”… Và “nghệ” không phải là nghề nghiệp mà là “cách sống”, “cách chơi”, “cách đối nhân xử thế”, “đạt tới mức cao”… của một người.

Còn “điệu nghệ” theo nhiều bô lão đó là cách nói “trại” hai chữ “đạo nghĩa”.

Nói trại là một cách nói “khác đi một chút” do thổ âm [tiếng nói đặc trưng của một vùng, miền] hoặc vì lý do nào đó, phần nhiều là vì “kỵ úy”, kiêng cữ đến tên một người nào đó. Chẳng hạn “miêng” thay vì “minh”, “đước” thay cho “Đức”, “thơ” thay cho “thư”… Nói đâu xa, giới làm nghệ thuật sân khấu cả lương, ca vọng cổ hay đờn ca tài tử đều thờ chung một ông Tổ, đó là ông Nguyễn Quang Đại, hiện được thờ tự tại đình xã Mỹ Lệ, huyện Cần Đước, tỉnh Long An. Ông Đại là người từ Huế đem theo những bài bản đờn, nay được kêu là bài bản Tổ, phổ biến ở miền Nam. Đây là những bản đờn gốc trong giới đờn ca cổ nhạc. Dù tên Đại nhưng trong giới lại kêu ông tên là “ông Ba Đợi”. Đợi là cách nói trại chữ “Đại”. Nếu nghe một người Quảng Nam rặt ròng đọc chữ đại thì chúng ta cũng có thể nghe âm “đợi”!

Có thể vì vậy mà hai chữ “đạo nghĩa” bị biến thành “điệu nghệ” chăng? Hai tui không chắc nha, song giải thích này nghe vẫn có lý. Bởi đạo nghĩa thì ý nghĩa lớn lao, cao xa. Còn điệu nghệ thì gần gũi hơn. Một người “điệu nghệ” là một người có cách sống hài hòa gần gũi với mọi người, biết sống có tình nghĩa, sẵn sàng giúp đỡ mọi người dù không có yêu cầu, khéo léo… Nếu “thiện nghệ” là người rất giỏi trong nghề nghiệp của chính họ thì “điệu nghệ” không chỉ giỏi nghề mà còn có những sáng tạo đặc biệt tạo dấu ấn đặc sắc hơn, đẹp hơn.

You may also like

Leave a Comment

Verified by MonsterInsights