Ngôn ngữ báo chí trong tiếng Việt hiện nay

by Tim Bui

HẠO NHIÊN

Ngôn ngữ phản ảnh hiện thực đời sống và tiến hóa theo đời sống. Trong các loại phong cách ngôn ngữ, thì ngôn ngữ báo chí có vẻ sinh động, linh động gần gũi với cuộc sống đời thường hơn cả, nhờ nó chịu ảnh hưởng và tiếp thu nhanh nhạy từ tiếng nói bình dân hay khẩu ngữ, bao gồm cả tiếng lóng, tiếng địa phương, nhất là những tiếng mới xuất hiện để chỉ những sự vật mới, khái niệm mới…, trong số có nhiều từ ngữ mà các nhà biên soạn từ điển chưa kịp đưa vào công trình của mình.

Không ít từ ngữ ban đầu còn mới lạ, thí dụ như gin (chính gốc, chính hiệu), xịn (thuộc loại sang, đắt tiền, thường để chỉ hàng ngoại), dỏm/dổm/dởm (rởm) …, về sau được xã hội chấp nhận cho gia nhập chung vào kho ngôn ngữ phổ thông, có mặt trong các từ điển tiếng Việt, mà cả tác phẩm báo chí lẫn tác phẩm văn học đều có thể dùng, không húy kỵ.

Thời nay, ngoài báo chí truyền thống (báo giấy, đài phát thanh, truyền hình), còn có báo mạng, góp phần làm cho ngôn ngữ báo chí ngày càng tiến hóa, biến hóa khôn lường.

Ngay như từ báo mạng cũng là một từ mới, dùng chung cho tất cả các phong cách ngôn ngữ. Rồi nào là mạng xã hội, nền tảng mạng xã hội, không gian ba chiều, công nghệ 4.0 (cách mạng công nghiệp lần thứ tư), thế giới ảo… 

Bản thân tôi hàng ngày đọc tùm lum sách báo nhưng thỉnh thoảng cũng bị giật mình trước một số từ ngữ nghe lạ, lật đật phải tra cứu để tìm hiểu.

Như vậy dần dần người đọc sách báo đã làm quen với những từ ngữ mới có gốc nước ngoài, đôi khi được dịch ra nghĩa tiếng Việt, hoặc kết hợp với một từ tiếng Việt. Nhưng phần nhiều để nguyên gốc hoặc chỉ chuyển âm (phiên âm) cho gọn vì khó dịch sang tiếng Việt bằng một từ đối ứng sát nghĩa, như: marketing (tiếp thị); candidate (ứng viên/ người dự tuyển); fan (người hâm mộ, người say mê); idol (thần tượng); SIM điện thoại; SIM rác (SIM bán trôi nổi không chính chủ, sinh ra các cụm từ “cuộc gọi rác”, “tin nhắn rác”…); chụp CT (chụp cắt lớp); xét nghiệm ADN (DNA test); HIV (human immunodeficiency virus/ virut suy giảm miễn dịch ở người); Sida; AIDS (hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải); Covid-19 (bệnh viêm phổi cấp xuất hiện trong năm 2019); test kit (bộ đồ dùng xét nghiệm), CDC (Centers for Disease Control and Prevention/ Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh/ Cục Y tế dự phòng); con chip; mã QR (Quick response code/ mã phản hồi nhanh); mã OTP (One Time Password/ mật khẩu dùng một lần); AI (trí tuệ nhân tạo); website (trang mạng); chat (tán gẫu); Chat GPT (tên gọi đầy đủ: Chat Generative Pre-training Transformer); group (nhóm); group chat (chat theo nhóm); video; clip; Youtube; livestream; Facebook; Tik Tok; Zalo; hacker (tin tặc); online (trực tuyến); password (mật khẩu); SEA Games (Đại hội Thể dục thể thao Đông Nam Á); sale phòng (môi giới phòng trọ); sleep box (hộp ngủ); deal (cuộc giao dịch thành công giữa hai bên); khu compound (khu nhà ở tích hợp đầy đủ các loại tiện ích trong sinh hoạt); spa (“Sanitas per aqua”/ “Sức khỏe tốt nhờ vào nước”; liệu pháp tắm hơi); shipper (người giao hàng; nghĩa gốc là nhà buôn chở hàng bằng tàu); tuổi teen (teen-age/ thanh thiếu niên trong độ tuổi 13-19); hot girl (cô gái trẻ đẹp nổi bật); call girl (gái gọi/ gái bán dâm); U 70 (chưa tới 70/ độ tuổi từ 60 đến 69); thế hệ 8 X (những người sinh ra trong thập niên 1980); gen Z (thế hệ những cá nhân sinh ra trong thời gian 1995-2010); 100 K (một trăm ngàn)…

Khi vào một quán cà phê hay quán ăn mua trả tiền trước, bạn sẽ được người bán hàng ở quầy yêu cầu phải “o đờ” (do chữ order/ đặt hàng). Nếu vừa dùng thức ăn gồm luôn cả thức uống thì gọi “combo” (mua sắm trọn gói; mua trọn gói một loạt trò chơi giải trí cũng dùng từ này)…

Thuộc lớp từ có gốc nước ngoài này, có một số từ không cũ nhưng cũng không mới lắm, đã khá lâu gia nhập kho từ vựng tiếng Việt trong khoảng 30-40 năm nay, như heroin (ma túy/thuốc làm dịu đau); robot (người máy); photocopy (gọi tắt photo/ sao chụp); fax/ telefax (sự hoặc máy truyền nguyên bản); telex (điện báo máy chữ); computer (máy điện toán/máy tính để bàn); laptop (máy tính xách tay); mobifone (điện thoại di động); email (điện thư); scan (quét hình); camera (máy quay phim); camera an ninh (để theo dõi an ninh trong khu phố); microwave (microwave oven nói tắt/ lò vi sóng); toilet (nhà vệ sinh); virus (virut/ siêu vi khuẩn); gen (yếu tố di truyền); massage (xoa bóp)…
 
Đối tượng có thể nghe/ đọc hiểu ngay một số từ ngữ thông dụng trong dân gian và trên báo chí như nêu trên, thường là những người trẻ đô thị, công nhân viên chức có một trình độ học vấn nhất định. Còn đối với những “hai lúa” (dân quê) thuộc thế hệ 5 X, 6 X trở về trước, phần nhiều họ bị mù tịt.

Một số từ mới (đôi khi có gốc ngoại lai) trở thành thuần Việt bình thường do trong đời sống đã xuất hiện những sự vật mới, khái niệm mới mà thế hệ cha ông chúng ta chưa thể nào biết tới, như: phố đi bộ’ phố tây, thế giới di động, siêu thị điện máy, điện máy xanh, cửa hàng rau sạch, không gian ba chiều, tiền ảo, công nghệ số, xe công nghệ, cư dân mạng, hóa đơn điện tử, trường chuyên lớp chọn, lớp học trực tuyến, du học tại chỗ, bệnh nhi ung thưtiếp sức đến trường, quán cơm 2000 (quán cơm bình dân có mục đích từ thiện), tốp đầu (trong số đứng đầu), đại án (vụ án lớn, như nói: đại án Việt Á…), đinh tặc (người rải đinh để bẫy xe cộ chạy trên đường), cát tặc (kẻ khai thác cát không giấy phép), cò giao thông (kẻ trung gian trục lợi trong việc xử phạt lỗi giao thông), núp lùm (cảnh sát giao thông núp vào chỗ khuất để rình bắt người dân vi phạm quy định giao thông), phạt nguội (phạt lỗi do camera phát hiện đã phạm trước đó), chính chủ (xe chính chủ, đất chính chủ, SIM chính chủ…)
 
Trong lớp từ phổ thông dân gian, gần đây thấy tái xuất hiện từ “sến” (vốn đã thấy có từ lâu), thường được dùng để chỉ cách ăn mặc điệu đà hay những lời nói ngọt ngào quá mức. Từ “sến” thường có yếu tố đi kèm để tạo nên một vài từ láy/ từ ghép, như “sến súa”, “sến đặc” hay “sến sẩm,”… Từ tám được dùng như động từ, có nghĩa “trò chuyện”; bùng phát là phát lên mạnh; toang có nghĩa tan tành, tan vỡ, đổ vỡ, thất bại hoàn toàn; cán mốc có nghĩa đạt tới mốc/ mức nhất định nào đó, như nói: cán mốc doanh thu 10 tỉ đồng…

Một số từ mới mang sắc thái của hoạt động chính trị, đặc biệt xuất hiện trong bối cảnh có những cuộc bị gán cho là đấu đá tranh giành quyền lực ở cấp cung đình Việt Nam, được nhiều trang Youtube hoặc báo mạng hiện đang sử dụng một cách phổ biến: thái tử đảng (con em của nhà lãnh đạo cấp cao), bóc mẽ (bóc trần sự thật), bóc phốt (công khai những thông tin lên mạng xã hội cho nhiều người cùng biết), dính phốt (dùng cho người bị bóc phốt), cưa ghế (cán bộ cấp cao bị mất chức), gãy ghế (bị cách chức, bị mất chức), ngã ngựa (bị rớt chức)… Siêu quyền lực dùng để chỉ Bộ Công an VN; Tổng chủ là cách nói tránh để chỉ chức danh Tổng bí thư…

Một số từ mang sắc thái của hoạt động kinh tế-thương mại: tầm nhìn (như nói: tầm nhìn đến 2050), tái cơ cấu, hàng độc, hàng hiếm, đất vàng, đất kim cương (đất có vị trí tốt, giá cao), chính hãng, thông thầu, thổi giá, đội giá, hậu kiểm (kiểm tra lại sau khi xảy ra vụ việc)…  

Dùng trong giới giang hồ: cộm cán (có máu mặt), hàng nóng (vũ khí quân dụng, hung khí)…

Đặc biệt là hiện tượng biến nghĩa/ mở rộng nghĩa trong ngôn ngữ báo chí Internet. Có thể nêu vài thí dụ.

Hệ sinh thái, nghĩa gốc tiếng Anh là ecosystem/ecological system, chỉ “đơn vị gồm tất cả các sinh vật và các yếu tố vô sinh của một khu vực nhất định có sự tác động qua lại và trao đổi vật chất với nhau” (Lê Đình Lương, Từ điển sinh học, NXB Khoa Học Và Kỹ Thuật, 1991, tr. 140-141), nay được dùng để chỉ hệ thống kinh doanh lớn của một tập đoàn hoạt động đa ngành, như nói hệ sinh thái Vạn Thịnh Phát, hệ sinh thái AIC…

Đại gia (Viện Ngôn ngữ học, Từ điển tiếng Việt, 2006, tr. 279: “dòng họ lớn có tiếng tăm thời trước”), mở rộng nghĩa để chỉ những người thành công lớn nổi tiếng về bất kỳ một lãnh vực hoạt động nào đó, như nói: đại gia ngành sách, đại gia Nguyễn Văn X, đại gia Lê Văn Y…

Thương hiệu là nhãn hiệu thương mại, hoặc tên cửa hàng, nay mở rộng nghĩa thành tên tuổi/ danh tiếng/ uy tín  của một cá nhân hoặc tổ chức thuộc bất kỳ lãnh vực hoạt động nào, như nói:  xây dựng thương hiệu cho bản thân, cho trường học, cho bệnh viện…

Thăng hoa (Anh/ Pháp: sublimation) là thuật ngữ dùng trong hóa học và triết học, được mở rộng nghĩa và hiểu nghĩa như tiến bộ, thăng tiến: sống thăng hoa, cuộc đời thăng hoa, sự nghiệp thăng hoa/ thăng hoa sự nghiệp, cảm xúc thăng hoa, giúp cho bè bạn được thăng hoa…

Gây sốt không phải gây nên cơn bệnh sốt, mà có nghĩa “gây nên sự chú ý, gây thành dư luận ồn ào và lan rộng”, như nói: sự kiện xảy ra đã gây sốt trên cộng đồng cư dân mạng những ngày gần đây…

Lăn tăn, nghĩa gốc là có nhiều gợn nhỏ nổi liên tiếp chen sát nhau trên bề mặt (sóng gợn lăn tăn), mở rộng nghĩa để biểu thị còn có những băn khoăn, suy nghĩ, chưa thật yên tâm, thoải mái, như nói: vẫn còn lăn tăn chưa thể quyết định được

Nữ hoàng (người phụ nữ làm vua) dùng để chỉ nữ danh ca, như nói: nữ hoàng Bolero (danh ca hát nhạc Bolero). Nếu danh ca chuyên hát nhạc Bolero có lời ca buồn thì gọi nữ hoàng sầu muộn, hoặc sầu nữ Bolero…

Nhân đây xin đặc biệt nói qua về từ Cứu Cánh 究竟, đang khá thông dụng (kể cả ở các phương tiện truyền thông chính thống) và bị một số nhà nghiên cứu cho là dùng sai. Nguyên nghĩa của nó là “đích đến cuối cùng, mục tiêu sau cùng”, thường được biết đến nhiều nhất trong câu thành ngữ quen thuộc “Cứu cánh biện minh cho phương tiện”, mà người Cộng sản hay dùng, có nghĩa: để đạt được mục đích cuối cùng (được cho là tốt đẹp, lý tưởng) thì dùng phương tiện gì cũng được, thậm chí bất chấp thủ đoạn. Do chữ “cứu” 究 (cùng cực, kết cục) bị hiểu nhầm sang chữ “cứu” 救 đồng âm (trong nghĩa cứu giúp), nên “cứu cánh” thời gian gần đây đã bị không ít  người dùng lệch theo nghĩa “giải cứu”, “cứu thoát”, “cứu vớt”, “cứu vãn”, “cứu tinh”, “giải pháp cuối cùng”, “yếu tố giúp đỡ (cuối cùng) trong tình trạng hiểm nghèo”. Cho nên người ta nói, đại khái như: “Cặp giò anh ta là cứu cánh của đội tuyển”, “Cứu cánh cho người mắc bệnh xương khớp”, “Cứu cánh cho người nhiễm HIV/ AIDS”, “Gói tín dụng 50 ngàn tỉ đồng trở thành cứu cánh cho các nhà đầu tư”…

Ngôn ngữ là quy ước của xã hội để giao tiếp trong đời sống hàng ngày, để diễn đạt tư tưởng, hành vi, hoặc các khái niệm liên quan khoa học (gọi là thuật ngữ), nên có quan niệm rộng rãi cho rằng một từ ngữ nào đó cho dù bị chế tác sai lệch so với từ nguyên (gốc từ) nhưng nếu được nhiều người quen dùng và thừa nhận thì vẫn coi như đúng. Trái lại, với một số người khác câu nệ vào từ nguyên, người ta nhất định không chịu, cho là thiếu tính khoa học, làm mất đi sự trong sáng của tiếng Việt.

Theo tôi, trừ trường hợp dùng sai rõ rệt, như tham quan nói/ viết sai thành thăm quan…thì nên sửa; còn tình nhân (người tình, người yêu) nói thành nhân tình (tình người/ tình cảm giữa người với người), khúc xạ nói thành bức xạ (do khởi đầu đọc sai âm Hán gốc)… vì đã quen dùng lâu nên có thể chấp nhận, miễn không gây hiểu lầm là được.

          Thật ra, như những dữ liệu thực tế đã trình bày ở trên, không có sự phân chia rạch ròi giữa ngôn ngữ báo chí (truyền thống và mạng) với ngôn ngữ bình dân, hoặc với ngôn ngữ phổ thông, ngôn ngữ văn học, thuật ngữ khoa học. Một quan điểm thoáng hơn về sử dụng ngôn ngữ tùy theo ngữ cảnh sẽ giúp cho vốn từ tiếng Việt được ngày một thêm phong phú, đa dạng, sinh động nhiều màu sắc… 
HN
15.6.2024

You may also like

Leave a Comment

Verified by MonsterInsights