BAN BIÊN TẬP TYTNT
Nhân dịp lễ Giáng sinh sắp đến, ban biên tập Tạp chí Tôi Yêu Tiếng Nước Tôi xin được cùng bạn đọc tìm hiểu về nguồn gốc và ý nghĩa của lễ hội nhộn nhịp và thiêng liêng nhất trong năm này.
Nguồn gốc
Lễ Giáng Sinh (còn được gọi là Noel, Christmas) được tổ chức vào ngày 25 tháng 12 hằng năm để kỷ niệm sự ra đời của Chúa Jesus. Đây là một ngày lễ tôn giáo và văn hóa có tính thánh thiện của hàng tỷ người trên thế giới.
Căn cứ theo kinh thánh Tân ước bà Maria là một phụ nữ người Do Thái quê ở Nazareth thuộc xứ Galilea nay thuộc nước Israel, sống trong khoảng thập niên của cuối thế kỷ thứ nhất TCN. Bà đã mang thai khi vẫn còn đồng trinh do quyền năng của chúa Thánh Thần. Việc mang thai xảy ra lúc bà còn là một thiếu nữ khoảng 14 tuổi, lúc ấy bà đã đính hôn với người thợ mộc tên Guise, và đang trong thời gian chờ hoàn thiện nghi thức kết hôn theo tập tục của người Do Thái.
Khi biết mình có thai, bà Maria và ông Giuse cùng một đoàn người Do Thái du hành đến Bethlehem xứ Judea, nay thuộc Palestine, gần thành Jerusalem. Sau khi đến Bethelem, bà Maria chuyển bụng trong một đêm tối trời. Vì không tìm được chỗ trọ, nên bà đã sinh ra một bé trai trong một máng cỏ tại một hang lừa, và đặt tên là Jesus. Theo kinh thánh Tân ước thì các thiên sứ của Thiên Chúa hiện xuống loan tin rằng người này sẽ là đấng cứu thế và các mục đồng chung quanh cùng nhau đến chiêm bái.
Herold Đại đế của Đế quốc La Mã nghe tin này đã ra lệnh tàn sát tất cả trẻ em ở Bethlehem để giết Jesus, trừ hậu hoạn. Gia đình của bà Maria đã kịp chạy trốn về Nazareth, thành ra Jesus còn có tên là Jesus của thành Nazareth.
Hầu hết các Kitô hữu tin rằng, Jesus chính là Thiên Chúa, là Đấng Messiah mà sự xuất hiện đã được chỉ rõ trong Kinh Thánh Cựu Ước. Họ tin rằng Jesus là Thiên Chúa hóa thân thành người, là Ngôi Hai trong Ba Ngôi (Thượng Đế-Jesus-Thánh Thần); rằng Jesus nhập thể bởi quyền phép của Thánh Thần, xuống thế gian để cứu nhân loại khỏi tội lỗi và cái chết của Jesus, khi bị đóng đinh trên thập tự giá, là để chuộc tội cho loài người.
Sự ra đời của Chúa Jesus mang thông điệp của Thượng đế đến cho con người. Những điều Thượng đế muốn dạy cho loài người là sự hối cải, tình yêu vô điều kiện, tha thứ, khoan dung, cũng như ý niệm về Thiên đường đã trở thành Kinh Thánh của Kitô giáo, và là những lời khuyên răn cho cả thế giới loài người.
Khởi đầu như một giáo phái nhỏ của người Do Thái, Kitô giáo, với những lời khuyên răn thánh thiện đã phát triển và trở thành một tôn giáo tách ra khỏi đạo Do Thái. Vài thập niên sau cái chết của Jesus, Kitô giáo đã nở rộ ra khắp đế quốc La Mã, dưới dạng được biết đến qua Tín điều Nicea. Qua hàng thế kỷ sau đó, Kitô giáo lan rộng khắp châu Âu và khắp nơi trên thế giới.
Mặc dù không rõ tháng và ngày sinh của Jesus, nhưng giáo hội vào đầu thế kỷ thứ tư đã ấn định ngày sinh của Người là 25 tháng 12. Điều này tương ứng với ngày Đông chí trên lịch La Mã. Hầu hết các tín đồ Kitô giáo mừng ngày Jesus ra đời vào hôm 25 tháng 12 theo lịch Gregory hay dương lịch. Lịch này đã được áp dụng gần như phổ biến trong lịch dân sự ở các nước trên thế giới. Tuy nhiên, một số giáo hội Kitô giáo Đông phương tổ chức lễ Giáng sinh vào ngày 25 tháng 12 của lịch Julius cũ hơn, hiện tương ứng với ngày 7 tháng 1 trong dương lịch. Đối với Kitô hữu, niềm tin rằng Thiên Chúa đến thế gian trong hình hài của con người để chuộc lỗi cho nhân loại được coi là mục đích chính trong kỷ niệm ngày Giáng sinh, chứ không cần phải biết ngày tháng năm sinh chính xác của Chúa Jesus.
Tên gọi
Noel từ tiếng Pháp Noël, có gốc từ tiếng Latinh nātālis có nghĩa là “(ngày) sinh.”
Cũng có ý kiến cho rằng tên gọi Noel xuất phát từ danh hiệu Emmanuel, tiếng Hebrew (Do Thái) nghĩa là “Thiên Chúa ở cùng chúng ta,” được chép trong sách Phúc âm Matthew.
Trong tiếng Anh, ngày lễ này được gọi phổ biến là Christmas, theo nghĩa chiết tự là “(ngày) lễ của Đức Kitô.” Chữ Mass nghĩa là thánh lễ. Chữ Christ là tước hiệu của Jesus, được viết trong tiếng Hy Lạp là Χριστός (Khristós, phiên âm Việt là “Ki-tô” hoặc “Cơ-đốc”), mở đầu bằng chữ cái “X” (Chi) nên Christmas còn được viết tắt là Xmas.
Sinh hoạt lễ Giáng sinh
Cả tín hữu Kitô giáo và người không theo Kitô giáo ở nhiều quốc gia trên thế giới ngày nay đều có thói quen ăn mừng lễ Giáng sinh với những sinh hoạt tương tự. Những sinh hoạt này gồm trang trí nhà cửa với cây Noel, trang trí vòng hoa mùa vọng, treo đèn Noel, tặng quà cho nhau, để nhạc Giáng sinh và hát mừng, xem phim về Chúa Giáng sinh, trao đổi thiệp Giáng sinh, đi lễ nửa đêm, và cùng nhau ăn một bữa ăn yên bình trong không khí sum họp gia đình.
Ngoài ra, sự kiện Ông già mang quà cho trẻ em trong mùa Giáng sinh mang lại niềm vui lớn cho trẻ em, do đó ông già Noel đã trở thành một truyền thống không thể thiếu được trong sinh hoạt của cộng đồng thế giới.
Vì việc tặng quà và nhiều sinh hoạt khác của lễ Giáng sinh làm cho các hoạt động kinh tế gia tăng, nên ngày lễ Giáng sinh đã trở thành một sự kiện quan trọng và là thời điểm bán hàng “on sale” cho các nhà bán lẻ và doanh nghiệp.
Vòng hoa mùa Vọng
Mùa Vọng (tiếng Anh: Advent) là khoảng thời gian bốn tuần lễ trước Giáng sinh. Chủ đề chính của mùa Vọng là chuẩn bị để kỷ niệm ngày Giáng sinh của Chúa Jesus. Mùa Vọng thường kéo dài từ 22 đến 28 ngày, trong đó có bốn Chúa Nhật bắt đầu từ Chúa Nhật thứ nhất của mùa Vọng và kết thúc trước Lễ vọng Giáng sinh chiều ngày 24 tháng 12.
Mùa Vọng theo tiếng Việt có nghĩa là “sự trông chờ”. Theo học thuyết thánh kinh hiện đại thì đây là sự chuẩn bị tâm linh nhằm hướng đến sự trở lại để phán xét thế gian của Jesus trong tương lai. Bằng nhiều hình thức, có thể là bốn vòng hoa hay bốn ngọn nến, nhiều nơi sử dụng những biểu tượng để đánh dấu thời gian cho bốn tuần của mùa Vọng với ý nghĩa tượng trưng: “Hy vọng”, “Tin tưởng”, “Niềm vui” và “Tình yêu.”
Vòng hoa mùa Vọng là vòng tròn kết bằng cành lá xanh thường được đặt trên bàn hay treo lên cao để mọi người trông thấy, trong 4 tuần mùa Vọng. Cây xanh thường được trang hoàng trong các bữa tiệc của dịp Đông chí – dấu hiệu của mùa Đông sắp kết thúc. Trên vòng lá đặt 4 cây nến. Tục lệ này được khởi xướng bởi các tín hữu Giáo hội Luther ở Đức vào năm 1839 với 24 cây nến gồm 20 nến đỏ và 4 nến trắng, cứ mỗi ngày gần Giáng sinh được đốt thêm một cây nến.
Vòng lá có hình tròn nói lên tính cách vĩnh hằng và tình yêu thương vô tận của Thiên Chúa. Màu xanh lá nói lên hy vọng rằng Đấng Cứu Thế sẽ đến cứu con người. 4 cây nến bao gồm ba cây màu tím – màu của Mùa Vọng, cây thứ 4 là màu hồng, là màu của Chúa Nhật thứ ba của mùa Vọng, hay còn gọi là Chúa Nhật Vui mừng (Gaudete Sunday).
Hang đá và máng cỏ
Vào mùa Giáng sinh, một máng cỏ được đặt trong hang đá (có thể làm bằng gỗ, giấy), được dựng lên trong nhà hay ngoài trời, với tượng Chúa Jesus, mẹ Maria, Thánh Guise, xung quanh là các thiên sứ, mục đồng cùng các gia súc như bò, lừa để kể lại sự tích Chúa ra đời trong máng cỏ. Bên trên thường có gắn một ngôi sao, biểu trưng cho ngôi sao đã dẫn đường cho các nhà chiêm tinh đến diện kiến Chúa Giáng sinh.
Cây Giáng sinh
Cây Giáng sinh là cây xanh thường là cây thông được trang hoàng để trình bày trong dịp lễ Giáng Sinh theo phong tục của người Kitô giáo.
Thiệp Giáng sinh
Bắt nguồn từ năm 1843 khi ông Henry Cole (1808 – 1882), một thương gia giàu có nước Anh, đã nhờ John Callcott Horsley (1817 – 1903), một họa sĩ ở Luân Đôn, vẽ một tấm thiệp thật đẹp để tặng bạn bè. Vào Noel năm đó, Horsley trình làng tấm thiệp đầu tiên trên thế giới và sau đó nó đã in ra 1000 bản. Thiệp Giáng sinh nhanh chóng bùng phát và trở thành mốt thịnh hành ở Anh trong suốt 10 năm kể từ khi Chính phủ Anh thông qua đạo luật năm 1846, cho phép bất kỳ người dân nào gửi thư đến bất kỳ nơi nào với giá rẻ. Không lâu sau, trào lưu này du nhập sang Đức và tới 30 năm sau người Mỹ mới chấp nhận nó.
Quà Giáng sinh
Những món quà biểu lộ tình yêu của mọi người với gia đình và bè bạn. Đối với một số người, quà Giáng sinh còn có một ý nghĩa tín ngưỡng sâu sắc. Đó là lễ kỷ niệm ngày sinh của Chúa Jesus, món quà mà Thiên Chúa đã ban tặng cho con người.
Theo truyền thuyết xưa, Ông già Noel, sứ giả của Thiên Chúa thường cưỡi xe tuần lộc (xe kéo bằng 4 con nai) trên trời, đến nhà có cây thông Giáng sinh và leo qua ống khói để đem đến những món quà cho các em nhỏ đang ngủ và thường để quà trong những chiếc bít tất (vớ).
Ngoài ra, ngày nay ở Việt Nam thì Giáng sinh cũng là dịp để các bạn trẻ có cơ hội gửi cho nhau những món quà, những bó hoa tươi và lời chúc tốt đẹp đến người thân và bạn bè.
Chợ Giáng sinh
Chợ Giáng sinh là một chợ đường phố kiểu truyền thống được tổ chức vào dịp Giáng sinh (thường bắt đầu khoảng 1 tháng trước Lễ Giáng sinh) có nguồn gốc tại vùng đất ngày nay là nước Đức và Đông Bắc nước Pháp. Bắt đầu xuất hiện từ cuối thời Thời kỳ Trung cổ (khoảng thế kỷ thứ 14), cho đến nay, chợ Giáng sinh vẫn là nét văn hóa truyền thống đặc sắc của Đức, Áo và Đông bắc Pháp trong dịp lễ Giáng sinh cũng như được phổ biến đến nhiều quốc gia khác trên thế giới.
Mừng lễ Giáng sinh
Ở Âu châu
Ở hầu hết các quốc gia châu Âu, lễ Giáng Sinh, rơi vào hai ngày 25 và 26 tháng 12 là dịp nghỉ lễ chính thức có trả lương cho tất cả mọi người lao động. Đối với người châu Âu, theo truyền thống, Giáng sinh trước hết là một dịp đoàn tụ gia đình, để mỗi người nói lên tình yêu và tỏ sự quan tâm tới người thân trong gia đình, họ hàng và với bạn bè, hàng xóm, khi những người con đi làm xa về để thăm gia đình. Buổi thánh lễ cử hành vào chiều ngày 24 tháng 12, thường được nối tiếp là một bữa ăn gia đình và trao quà vào lúc nửa đêm. Từ chiều ngày 24 tháng 12 là ngoài đường gần như không còn người qua lại. Sáng ngày 25 tháng 12, thường là cả gia đình cùng đi nhà thờ dự thánh lễ.
Tại Đức, chiều ngày 24 (nửa ngày), ngày 25 và 26 tháng 12 là ngày nghỉ quốc gia, có trả lương và không ai được phép mở cửa tiệm buôn bán (ngoại trừ tại nhà ga xe lửa hoặc sân bay). Chiều tối và đêm 24 tháng 12 nằm trong danh sách luật “những ngày lễ yên lặng” (Stille Tage), các tiểu bang có những luật cấm khác nhau như cấm tổ chức khiêu vũ, cấm làm ồn, cấm tổ chức tất cả các sự kiện giải trí bên ngoài mái ấm gia đình….
Tại Anh và các quốc gia Thịnh vượng chung có truyền thống trao quà vào Ngày tặng quà 26 tháng 12.
Ở Mỹ
Tương tự với Tết Nguyên Đán ở Việt Nam, Giáng Sinh là ngày lễ lớn nhất ở Hoa Kỳ, nhấn mạnh ý nghĩa sum họp gia đình. Sau lễ Tạ ơn vào Thứ Năm cuối cùng của tháng 11, dân chúng lẫn những cửa hàng và trung tâm buôn bán bắt đầu chuẩn bị cho lễ Giáng Sinh.
Ý nghĩa ngày Giáng sinh
Bên cạnh ý nghĩa về mặt tôn giáo là kỷ niệm ngày sinh của Chúa Jesus, lễ Giáng Sinh còn là ngày để gia đình sum họp, quây quần bên nhau, cùng nhau chia sẻ những chuyện vui buồn trong năm.
Dần dần ngày lễ Giáng sinh được đón nhận theo nhiều cách khác nhau, có thể dưới dạng sum họp gia đình, cùng bạn bè có những bữa tiệc thú vị, chính tay gia chủ chuẩn bị trang hoàng nhà cửa, treo quà lên cây Noel…
Giáng sinh cũng trở thành ngày lễ kỳ diệu trong ký ức của những em bé, là ngày mà những em bé có thể đặt ra những ước nguyện của riêng mình và trông chờ sự xuất hiện của “phép màu” được chính những người thân yêu trong gia đình tạo ra.
Nhiều em bé khi lớn lên vẫn chờ đợi ngày Giáng sinh và đợi quà của ông già Noel như một phép màu đẹp đẽ giữa cuộc sống bộn bề.
Ngày lễ Giáng sinh mang thông điệp của sự hoà bình: “Vinh danh Thượng Đế trên trời– Bình an cho người dưới thế.”