Nguyễn thị Manh Manh (1914-2005), ký giả trẻ nhất và là nữ ký giả đầu tiên 

by Tim Bui
Nguyễn thị Manh Manh (1914-2005), ký giả trẻ nhất và là nữ ký giả đầu tiên

TRẦN NHẬT VY

Năm 1932, nhà báo Phan Khôi đăng bài thơ ‘Tình già’ mở đầu cho nền thơ mới của Việt Nam, với lời trần tình “trước kia, dầu không có tên tuổi trong làng thơ như ông Nguyễn Khắc Hiếu (Tản Đà), ông Trần Tuấn Khải (Á Nam), song ít ra trong một năm tôi cũng có được năm bảy bài, hoặc bằng chữ Hán hoặc bằng chữ Nôm. Mà năm bảy bài của tôi, không phải nói phách, đều là năm bảy bài nghe được.” Lời trần tình này viết trong bài “Một lối thơ mới trình chánh giữa làng thơ” trên báo Phụ Nữ Tân Văn số 122 ngày 10/3/1932. 

Vài tháng sau, tại Hội chợ Phụ nữ ủng hộ thành lập Hội dục anh của báo Phụ Nữ Tân Văn tổ chức tại Vườn Ông Thượng [vườn Tao Đàn], bà Nguyễn Thị Kiêm đã đăng đàn diễn thuyết về vấn đề Bình đẳng phụ nữ và văn học ủng hộ thể loại “thơ mới” của Phan Khôi. Và sau đó bà đăng bài thơ “Viếng phòng vắng” theo thể thơ mới với bút danh Nguyễn Thị Manh Manh trên số xuân Phụ Nữ Tân Văn số Xuân 1933 ngày 19/1/1933.

Viếng phòng vắng
(một lối thơ mới)

Gió lọt phòng không
Tạt hơi đông
Lạnh như đồng
Ngồi mơ tưởng

Ngày xưa phưởng phất
Dấy động tơ lòng
Trải mấy trăng
Hỡi nhện giăng

Với rêu lan
Tấm vách cũ
Từ khi người chủ
Một giấc lặng trang

Tan nát vóc xưa
Dưới mồ mưa
Sương phủ dập!
Đến hồn nàng

Thôi cũng bặt đàng
Biết sao được gập!
Hò hẹn kiếp sau
Lại tìm nhau

Có đặng nào?
Dầu có tin
Nàng sẽ tái sinh
ở vũ trụ nào?

Thôi duyên có bấy
Nhiêu ngần ấy!…
Hoa để tàn
Trong trương sách

Hơi lây lách
Như thấm từ hàng
Nàng tựa đóa hoa
Mà người ta

Là quyển sách
Lật nửa chừng,
Từ mỗi tờ, bừng
Hương lên bay tách

Gió lọt phòng không
Tạt hơi đông
Lạnh như đồng
Ngồ tơ tưởng

Tình xưa phất phưởng
ấm dịu cõi lòng

Nguyễn Thị Manh Manh

Bà Nguyễn Thị Manh Manh tên thật là Nguyễn Thị Kiêm (1914-2005), sanh năm 1914, tại làng Thành Phố, tỉnh Gò Công. Bà là con gái của ông huyện Nguyễn Đình Trị, nghị viên thành phố Sài Gòn, khi ấy đang là chủ quận Lái Thiêu, từng là một trong những người dẫn dắt đội banh Ngôi Sao Gia Định lừng lẫy một thời ở Sài Gòn. Lúc nhỏ Kiêm học trường làng ở Gò Công, sau lên học  Collèges des Jeunes filles Indigènes [Trung học Thiếu nữ bản xứ sau đổi tên là Gia Long nay là Nguyễn Thị Minh Khai]. Khi vừa tốt nghiệp bằng Thành Chung [tốt nghiệp cấp Hai thời nay] năm 1931 tuổi vừa 17, bà chính thức làm việc cho tờ Phụ Nữ Tân Văn với bút danh YM, MYM, Lệ Thủy. Lúc bấy giờ, bà là “nữ phóng viên đầu tiên” của làng báo Sài Gòn và là một phóng viên trẻ, rất trẻ.

Xưa nay, một người làm báo, một phóng viên, ký giả muốn nổi tiếng, muốn mọi người biết và nhớ tới phải chờ “hơi lâu,” phải có thời gian “làm quen” với độc giả. Có người “chờ cả đời” nhưng cái danh tiếng nó cứ lảng vảng ở đâu đó chứ không tới với họ! Bởi muốn “có tiếng” trong làng báo, trong lòng độc giả, người làm báo, viết báo phải có cái gì đó đặc biệt như viết hay, viết những loại tin tức độc đáo, có những bài phóng sự điều tra đặc biệt… Còn bà Kiêm thì khác. Chỉ chưa đầy một năm vô nghề bà đã nổi tiếng, không phải nổi tiếng vì những bài phỏng vấn, phóng sự, hay tin tức độc đáo mà bà nổi tiếng vì… diễn thuyết!

Nói đến ký giả hay phóng viên trẻ, có lẽ cần nhắc đến một nhân vật cũng trẻ, cũng làm báo nhưng trước bà Manh Manh vài năm. Đó là nhà báo Lâm Hiệp Châu. Tới nay, tài liệu về tiểu sử ông Lâm Hiệp Châu gần như trắng. Gom góp tư liệu nằm rải rác thì ông Lâm Hiệp Châu, có lẽ là một công tử nhà giàu, đang học Cao đẳng ở Hà Nội nhưng với lòng yêu nước nồng nàn và bị cuốn hút bởi các hoạt động có tính cách mạng ở Sài Gòn nên ông bỏ học và về Sài Gòn ra một tờ báo. Đó là tờ Jeune Annam (Tuổi Trẻ An Nam) bằng tiếng Pháp do chính ông làm chủ nhiệm vào ngày 23/5/1925.

Thời ấy, ra báo tiếng Pháp thì không cần xin phép theo Luật báo chí 1881. Nội dung tờ báo phần lớn là các bài tố cáo chính quyền thực dân với những lời lẽ nặng nề. Và ngay sau khi phát hành số đầu tiên, tờ báo đã bị tịch thu, cấm xuất bản và chủ nhiệm bị truy tố ra tòa. Nhưng tòa án Sài Gòn đã phải bó tay, chỉ phạt ông có 100 đồng tiền vạ rồi tha bổng vì “bị cáo chưa đủ tuổi vị thành niên”. Chi tiết này cho biết năm 1925 thì ông chưa đủ 21 tuổi nhưng không chắc lúc ấy ông mấy tuổi. Theo luật của Pháp thì một người từ 21 tuổi trở lên mới có quyền ứng cử, bầu cử và đã hết tuổi vị thành niên.

Bà Kiêm chính thức vô nghề báo khi mới 17 tuổi quả là quá trẻ và dường như chưa có ký giả nào trẻ hơn bà trong lịch sử nghề báo.

Bà Kiêm là một phụ nữ “trời bắt xấu” hay nói có văn hoa một chút là “bà ra đời dưới  một ngôi sao xấu”! Bà tướng người thấp lùn, mặt tròn không ưa nhìn, miệng chu ra như mỏ một con chim, ngày xưa kêu là “mặt dơi mỏ chuột”. Có thể vì vậy mà bà lấy bút danh là Manh Manh, tên một loài chim trong bài dân ca Nam bộ. “Con chim manh manh/nó đậu nhành chanh/tui lấy miểng sành/Tui liệng nó chết giãy…

Vào nghề báo ở một tờ báo đang nổi đình nổi đám là tờ Phụ Nữ Tân Văn, lúc ấy đang là tờ báo bán chạy nhất và cũng là tờ báo duy nhất ở Sài Gòn được phép bán ra miền Bắc, bản thân là một tiểu thơ đài các nhưng bà Manh Manh lại rất bình dân.

Nhà báo Ngọa Long kể “…Một hôm, cùng thiểu số bạn đồng nghiệp ngồi uống trà tán gẫu trong tiệm cà phê “hội sở” của các nhà báo Sài Gòn thời kinh tế khủng hoảng trước chợ Bến Thành, và nhân kể lại những ngày còn ôm cặp đến trường, nghe tôi nói tôi có tật hay thích ăn khoai lang nấu không lột vỏ vì dễ no mà cũng rất ngon. Câu chuyện nhằm để cho nữ sĩ Manh Manh và một nữ đồng nghiệp khác nữa là cô Nguyễn Trung Tam biết rằng tụi này lúc nào cũng sống “lao động bình dân”. Cô Kiêm cười một cách hồn nhiên và kể ngay một câu chuyện cô ăn chuối nấu. ‘Thú thật là mình không phải con nhà nghèo đói, nhất là học trò mà ăn chuối không lột vỏ thế nào cũng bị chị em dòm ngó. Nhưng tôi vẫn hay lén và thích được ăn luôn vỏ chuối nấu. Đã vậy khi lớn lên đọc sách được biết thêm là trong vỏ chuối này có rất nhiều vi ta min’. Sau câu chuyện khoai lang nấu, từ đó tôi mới hết mặc cảm và coi nữ sĩ Manh Manh như một bạn… trai, đồng tâm tình! Manh Manh là một phụ nữ có nam tính, không hề e lệ, ké né coi mình là phái yếu. Vả cử chỉ ấy được cả bọn chúng tôi, từ Nguyễn Văn Thới (Phi Anh), Nguyễn Văn Sinh (Mắt Xanh, sau này là Nam Quốc Cang), Linh Nhãn, Thúc Tề Hoàng Trọng Miên, Hiền Sĩ, Hoa Đường, Lê Pha, Bút Sơn đều coi Manh Manh là một bạn đồng nghiệp không phân loại, chỉ trừ Lư Khê Trương Văn Em (sau này là chủ nhiệm nhật báo Ánh Sáng)”.

Cũng theo Ngọa Long thì do ông nghị Nguyễn Đình Trị cứng đầu nên bà không được đi Tây học tiếp vì vậy đã vào làng báo! Không rõ sự “cứng đầu” của ông huyện Trị là gì?

Bà xuất hiện trên Phụ Nữ Tân Văn vào khoảng giữa năm 1931, phụ trách mục “Lời bạn trai” với bút hiệu Mym. Trước đó, trên các báo Sài Gòn cũng có những “nữ nhà báo” như Nguyễn Thị Nhung, Lê Thị Tuyền của báo Công Luận nhưng thực ra là ký giả “có râu” tên Nguyễn Pho. Hay nhiều loạt bài trên Phụ Nữ Tân Văn ký tên cô Vân Anh nhưng là “cô Đào Trinh Nhất”, một nhà báo nổi tiếng đương thời. Còn Mym là nữ giới chăm phần chăm! Mym là sao? Là “mình yêu mình”! Dù ăn nói nhanh nhẹn, thông minh, gọn gàng, duyên dáng nhưng vẻ ngoài của bà… có cái nhan sắc của một người đàn ông không đẹp trai!

Bà thật sự được mọi người chú ý và đánh giá cao từ năm 1932, trong Hội chợ phụ nữ ở vườn Ông Thượng.

Nhà báo Thiếu Sơn kể “Nguyên ban tổ chức hội chợ Phụ nữ có dự định mời một phụ nữ đăng đàn diễn thuyết. Bà Nhuận cậy tôi viết một bài viết nói về Nữ lưu với văn học để cổ động cho Nữ Lưu Học Hội ở Sài Gòn.

Cố nhiên tôi được viết chứ không được đọc. Người đọc phải là một bạn phụ nữ. Và đó là cô Nguyễn Thị Kiêm, nữ sinh mới tốt nghiệp trường Áo Tím, tuổi chưa đầy 20. Nhưng thay vì vui mừng được công chúng hoan nghênh, thì cô lại than phiền với chủ nhiệm báo rằng “đã buộc lòng phải nhận lấy những lời khen ngợi về một công trình không phải do cô sáng tạo”. 

(còn tiếp)

You may also like

Leave a Comment

Verified by MonsterInsights