Nhà Đinh (968 – 980)

by Tim Bui
Nhà Đinh (968 – 980)

LÝ THÀNH PHƯƠNG

Trong hơn ba năm, Đinh Bộ Lĩnh đánh dẹp 12 sứ quân, thống nhất đất nước. Năm 968, Đinh Bộ Lĩnh lên ngôi Hoàng đế, gọi là Đinh Tiên Hoàng, đặt quốc hiệu là Đại Cồ Việt, đóng đô ở Hoa Lư.

Nhà Đinh là triều đại mở đầu chế độ phong kiến tập quyền và thời kỳ tự chủ với chế độ do một Hoàng đế của nước Việt Nam đứng đầu. Nhà Đinh bắt đầu năm 968 và kết thúc năm 980 khi con của Đinh Tiên Hoàng là Đinh Phế Đế nhường ngôi cho Lê Hoàn.

Bộ máy chính quyền
Năm 971, Đinh Tiên Hoàng bắt đầu quy định cấp bậc văn võ trong triều đình. Trong triều có sự tham gia của các nhà sư vì những đóng góp của họ trong quá trình dẹp loạn 12 sứ quân. Vua Đinh phong cho các quan văn võ:

Nguyễn Bặc làm Định quốc công
Đinh Điền làm ngoại giáp
Lưu Cơ làm Đô hộ phủ sĩ sư (chức vụ coi việc hình án)
Lê Hoàn làm Thập đạo tướng quân
Tăng thống Ngô Chân Lưu được ban hiệu là Khuông Việt đại sư
Trương Ma Ni làm Tăng lục
Đạo sĩ Đặng Huyền Quang được trao chức Sùng chân uy nghi

Năm 975 vua Đinh ban quy định áo mũ cho các quan văn võ. Bộ máy chính quyền nhà Đinh vẫn được xem là đơn sơ.

Quân đội
Theo sử sách, quân đội nhà Đinh có mười đạo: mỗi đạo có 10 quân, 1 quân 10 lữ, 1 lữ 10 tốt, 1 tốt 10 ngũ, 1 ngũ 10 người. Các nhà nghiên cứu nhiều ý kiến cho rằng quân đội nhà Đinh có khoảng 10 vạn người.

Pháp luật
Do ảnh hưởng nhiều năm từ thời loạn lạc, có nhiều người quen thói lúc loạn, không chịu tuân theo luật lệ. Do đó vua Tiên Hoàng dùng pháp luật nghiêm ngặt để trừng trị. Đại Việt sử ký toàn thư ghi về việc này: Vua muốn dùng uy chế ngự thiên hạ, bèn đặt vạc lớn ở sân triều, nuôi hổ dữ trong cũi, hạ lệnh rằng: “Kẻ nào trái phép phải chịu tội bỏ vạc dầu, cho hổ ăn”. Mọi người đều sợ phục, không ai dám phạm.

Đối ngoại
Nhà Tống đang trên đường thống nhất Trung Quốc sau hơn 50 năm loạn lạc. Quân Tống do Phan Mỹ chỉ huy đã áp sát nước Nam Hán (tỉnh Quảng Đông) ở cạnh nước Đại Cồ Việt. Năm 970 Đinh Tiên Hoàng sai sứ sang giao hảo với Tống Thái Tổ. Việc ngoại giao với phương bắc từ đó được duy trì khá đều đặn và hòa bình.

Sang năm 972, Tiên Hoàng lại sai con cả Đinh Liễn đi sứ sang Biện Kinh. Năm 973, Đinh Liễn trở về, nhà Tống lại sai sứ sang phong cho Tiên Hoàng làm Giao Chỉ quận vương, Đinh Liễn làm Kiểm hiệu thái sư Tỉnh Hải quân tiết độ sứ An Nam đô hộ.

Đầu năm 975, Tiên Hoàng lại sai Trịnh Tú đem vàng, lụa, sừng tê, ngà voi sang triều cống nhà Tống. Ngay mùa Thu năm đó, nhà Tống sai Hồng lô tự khanh Cao Bảo Tự cùng Vương Ngạn Phù sang gia phong cho Nam Việt Vương Đinh Liễn làm Khai phủ nghi đồng tam ty, Kiểm hiệu thái sư, Giao Chỉ quận vương. Từ đó về sau, Đinh Liễn được giao làm chủ việc ngoại giao với nhà Tống.

Đến năm 976, vua Đinh sai em của cố Sứ quân Trần Lãm là phò mã Trần Nguyên Thái sang nhà Tống đáp lễ. Năm sau (977), ông lại sai sứ sang mừng vua Tống mới là Tống Thái Tông lên ngôi. Đó cũng là lần ngoại giao cuối cùng giữa nhà Đinh và nhà Tống mà sử sách đề cập.

Bi kịch trong cung đình
Đinh Bộ Lĩnh có ba con trai: Đinh Liễn, Đinh Toàn và Đinh Hạng Lang. Đinh Liễn là con cả, đã cùng Đinh Bộ Lĩnh đánh dẹp 12 sứ quân. Năm 978, Đinh Bộ Lĩnh lập con út là Hạng Lang làm Thái tử. Đinh Liễn quá tức giận nên giết chết Hạng Lang vào mùa xuân năm 979.

Cuối năm 979, Đinh Tiên Hoàng và Đinh Liễn bị sát hại trong cung. Sử ghi thủ phạm là nội nhân Đỗ Thích, nhưng các nhà nghiên cứu gần đây cho rằng Đỗ Thích rất có thể bị vu oan.

Đinh Phế Đế
Năm 979 Đinh Toàn, con trai còn lại của Đinh Bộ Lĩnh và Thái hậu Dương Vân Nga lên ngôi khi đó mới 6 tuổi. Quyền lực thực tế nằm trong tay Thập đạo tướng quân Lê Hoàn, là nhiếp chính. Các đại thần Đinh Điền, Nguyễn Bặc, và Phạm Hạp thấy vậy, lại nghi Lê Hoàn tư thông cùng Thái hậu Dương Vân Nga nên cử binh đến đánh. Lê Hoàn dẹp tan, Đinh Điền, Nguyễn Bặc, Phạm Hạp đều bị giết chết. Phò mã Ngô Nhật Khánh bỏ trốn vào nam sang Chăm Pa, sau đó cùng vua Chăm Pa với hơn nghìn chiến thuyền định đến đánh kinh đô Hoa Lư nhưng bị bão dìm chết.

Năm 980, nhà Tống rục rịch điều quân sang đánh Đại Cồ Việt, Thái hậu Dương Vân Nga cùng triều thần tôn Lê Hoàn lên làm vua, tức vua Lê Đại Hành. Nhà Đinh kết thúc, truyền được đến đời thứ hai, trị vì 12 năm.

Lê Hoàn sau khi lên ngôi lập ra nhà Tiền Lê đã đánh thắng quân Tống (tháng Tư năm 981). Đinh Toàn trở thành Vệ Vương có mặt trong triều đình Tiền Lê 20 năm. Năm 1001, trong lần cùng vua Lê Đại Hành đi dẹp loạn Cử Long thuộc vùng Cầm Thuỷ Thanh Hóa, Đinh Toàn bị trúng tên chết.

Nghi án “Đỗ Thích thí vua”
Các chính sử đều ghi Đỗ Thích là thủ phạm giết vua Đinh Tiên Hoàng và Nam Việt vương Đinh Liễn với ý định tự lập mình làm vua. Theo đó, tháng Mười năm K Mão, 979 Đỗ Thích vì mơ thấy có sao rơi vào miệng mình, cho đó là điềm báo mình có vận mệnh đế vương, nên nảy ra ý định giết vua. Thừa dịp vua Đinh Tiên Hoàng và Nam Việt Vương Đinh Liễn say rượu sau một bữa tiệc, Đỗ Thích vào giết nhà vua và cả Nam Việt Vương Đinh Liễn. 

Sau khi cha con vua Đinh Tiên Hoàng bị hành thích, thì đã có người nói là bị Đỗ Thích giết hại. Bấy giờ, lệnh lùng bắt thủ phạm rất gấp, Đỗ Thích phải trèo lên nằm trong máng nước ở trong cung suốt ba ngày liền, đói khát lắm. Thế rồi trời đổ mưa, Đỗ Thích thò tay hứng nước mà uống, cung nữ nhìn thấy nên đi báo. Đinh Quốc Công Nguyễn Bặc sai người bắt xuống và đem đi chém đầu. Sau khi chém xong, Nguyễn Bặc sai quân đập tan xương của Đỗ Thích và cắt thịt chia cho nhân dân bắt họ phải ăn. 

Tuy nhiên, những nghiên cứu gần đây cho thấy, Đỗ Thích có thể chỉ là người bị hàm oan. 

Đỗ Thích làm chức quan nội thị bé nhỏ, thế lực mỏng manh, nếu Đỗ Thích giết vua rồi ông ta có thể xưng vương được không? Trên phương diện tâm lý, rõ ràng một con người bình thường không thể có hành động thiếu suy nghĩ như vậy. Gia phả họ Đỗ ở Đại Đê, huyện Vụ Bản và sự tích đền Thảo Mã (tức đền Gạo ở xã Thanh Bình, huyện Thanh Liêm, Hà Nam) có nói tới việc Đỗ Thích có công cõng Đinh Tiên Hoàng chạy trốn khi ông bị Nam Tấn Vương đuổi. Sự tình trên đời, một con người chất phác đã từng cứu vua, thường thì chỉ trung thành với vị vua đó cho đến chết mà thôi. Sao Đỗ Thích lại thí vua để gánh lấy cái họa diệt tộc?

Như vậy nếu thủ phạm không phải là Đỗ Thích, thì kẻ chủ mưu là ai. Ai là người có được lợi ích trong việc thí quân này?

Có nhiều truyền thuyết cho rằng, Thập đạo tướng quân Lê Hoàn và Dương hoàng hậu lúc còn hàn vi có từng quen biết với nhau. Lê Hoàn và Dương thị đã có công giúp đỡ Đinh Liễn trốn khỏi tay của Ngô vương khi Đinh Liễn bị bắt làm con tin. Họ cùng nhau đến để phù trợ sứ quân Đinh Bộ Lĩnh. Lúc đó cả ba còn trong tuổi trẻ, mà Đinh sứ quân thì đã được hơn 40 tuổi rồi. Đinh Bộ Lĩnh đã phải lòng Dương thị và cưới bà về làm vợ, để lại cho Lê Hoàn một mối hận tình.

Chiến loạn giữa các sứ quân đã làm mọi người quên đi tình riêng nhi nữ, mà chỉ chú tâm đến sự nghiệp lớn là bình thiên hạ. Cuối cùng thì Đinh Bộ Lĩnh với sự giúp sức đắc lực của Lê Hoàn đã đánh bại các sứ quân khác và lên ngôi vua. Lê Hoàn là người có công, được cho quyền nắm toàn bộ quân đội và thị vệ trong thành với chức vị Thập đạo tướng quân.

Khi Đinh Bộ Lĩnh lên ngôi hoàng đế rồi thì với tam cung lục viện, không còn sủng ái Dương hậu nữa. Trong khi đó thì Lê Hoàn, có thể nói là người thân tín nhất của vua Đinh, lại là người chỉ huy thị vệ trong cung, có quyền ra vào trong cung cấm, có nhiều cơ hội gặp lại người xưa.

Thì có lẽ trong những lúc trai đơn – gái chiếc, họ đã không kềm lòng được, đã phạm tội tư thông. Tư thông với hoàng hậu vợ vua là tội lớn tày đình phải bị tru di cửu tộc. Có lẽ đây chính là động cơ của Lê Hoàn đi đến quyết định thí quân chăng? Nếu chuyện thí quân này thành công, thì Lê Hoàn được cả giang sơn và người đẹp. Lịch sử con người trải qua hàng ngàn năm, biết bao câu chuyện tương tự đã xảy ra. Nếu vì lợi ích cá nhân, thì chỉ là một động cơ nhỏ; nhưng nếu vì người đẹp thì chuyện gì người ta cũng dám làm, dù cho phải hy sinh cả tính mạng.Trích sách “Theo Dòng Sử Việt” của tác giả Lý Thành Phương

You may also like

Leave a Comment

Verified by MonsterInsights