Lý Thành Phương
Triều đại nhà Lý bắt đầu khi Lý Công Uẩn lên ngôi vào năm 1009, sau khi giành được quyền lực từ tay nhà Tiền Lê. Triều đại này trải qua chín vị hoàng đế và chấm dứt khi Lý Chiêu Hoàng, lúc đó mới có bảy tuổi, bị ép thoái vị để nhường ngôi cho chồng là Trần Cảnh vào năm 1225 – tổng cộng là 216 năm.
Trong thời đại này, lần đầu tiên nhà Lý đã giữ vững được chính quyền một cách lâu dài đến hơn 200 năm, khác với các vương triều cũ trước đó chỉ tồn tại hơn vài chục năm. Vào năm 1054, Lý Thánh Tông đã đổi quốc hiệu từ Đại Cồ Việt thành Đại Việt, mở ra kỷ nguyên Đại Việt rực rỡ trong lịch sử Việt Nam.
Trong nước, mặc dù các vị Hoàng đế đều sùng bái Phật giáo nhưng ảnh hưởng của Nho giáo cũng rất cao với việc mở các trường đại học đầu tiên là Văn Miếu (1070) và Quốc tử giám (1076) và các khoa thi để chọn người hiền tài không có nguồn gốc xuất thân là quý tộc ra giúp nước. Khoa thi đầu tiên được mở vào năm 1075, và Trạng nguyên đầu tiên là Lê Văn Thịnh.
Về thể chế chính trị, đã có sự phân cấp quản lý rõ ràng hơn và sự cai trị đã dựa nhiều vào pháp luật hơn là sự chuyên quyền độc đoán của cá nhân. Sự kiện nhà Lý chọn thành Đại La làm kinh đô, đổi tên thành Thăng Long đã đánh dấu sự cai trị dựa vào sức mạnh kinh tế và lòng dân hơn là sức mạnh quân sự để phòng thủ như các triều đại trước. Những danh thần như Lê Văn Thịnh, Bùi Quốc Khái, Doãn Tử Tư, Đoàn Văn Khâm, Lý Đạo Thành, Tô Hiến Thành,… đã góp sức lớn về văn trị và chính trị, tạo nên một nền văn hiến rực rỡ của triều đại nhà Lý.
Quân đội nhà Lý được xây dựng có hệ thống đã trở nên hùng mạnh, ngoài chính sách Ngụ binh ư nông, các Hoàng đế nhà Lý chủ trương đẩy mạnh các lực lượng thủy binh, kỵ binh, bộ binh, tượng binh…. cùng số lượng lớn vũ khí giáo, mác, cung, nỏ, khiên và sự hỗ trợ công cụ công thành như máy bắn đá, những kỹ thuật tiên tiến nhất học hỏi từ quân sự Nhà Tống. Việc trang bị đầu tư và quy mô khiến quốc lực dồi dào, có đủ khả năng thảo phạt các bộ tộc man di ở biên giới, cũng như quốc gia kình địch phía Nam là Chiêm Thành hay cướp phá thường xuyên, bảo vệ thành công lãnh thổ và thậm chí mở rộng hơn vào năm 1069, khi Lý Thánh Tông chinh phạt Chiêm Thành và thu về đáng kể diện tích lãnh thổ.
Quân đội nhà Lý còn vẻ vang hơn khi đánh bại quân đội của Vương quốc Đại Lý, Đế quốc Khmer và đặc biệt là sự kiện danh tướng Lý Thường Kiệt dẫn quân đội đánh phá vào lãnh thổ nhà Nhà Tống vào năm 1075, dẫn đến Trận Như Nguyệt xảy ra trên đất Đại Việt và quân đội hùng mạnh của nhà Tống hoàn toàn thất bại.
Bên cạnh quân sự, nhà Lý còn nổi tiếng về nghệ thuật với kinh đô Thăng Long phỏng theo mô hình kinh thành Trường An của nhà Đường và Khai Phong của nhà Tống, tạo nên một quần thể kiến trúc quy mô và hoa lệ. Những hiện vật về mái ngói, linh thú trang trí trên nóc mái và các loại gạch lót cho thấy trình độ mỹ nghệ cao của nghệ nhân thời Lý. Con Rồng thời Lý được xem là hình tượng đỉnh cao của nghệ thuật tạo hình đương thời, bên cạnh các tượng Phật lớn còn lại cho thấy tư duy của người thời Lý rất lớn. Ba trong bốn bảo vật của An Nam tứ đại khí là Tháp Báo Thiên, Chuông Quy Điền, và Tượng phật Chùa Quỳnh Lâm được tạo ra trong thời đại nhà Lý. Cùng với sự sùng đạo Phật, những tinh hoa nhất của nghệ thuật thời Lý đa phần đều thể hiện qua các bức tượng Phật, chùa chiền, phản ánh sự xa hoa tột độ của Phật giáo thời Lý.
Thành lập
Nhà sử học Lê Văn Hưu viết: Lý Công Uẩn người châu Cổ Pháp (Từ Sơn, Bắc Ninh). Thuở nhỏ làm con nuôi nhà sư Lý Khánh Văn, theo học ở chùa Lục Tổ của sư Vạn Hạnh. Sau đó làm quan nhà Lê, giữ đến chức Điện tiền chỉ huy sứ, chỉ huy cấm quân ở kinh đô Hoa Lư. Ông là người có học, có đức và có uy tín nên được triều thần nhà Lê quý trọng.
Việc Lý Công Uẩn trưởng thành, thăng tiến trong bộ máy nhà Tiền Lê và lên ngôi vua có vai trò gây dựng rất lớn của thiền sư Vạn Hạnh. Các nhà nghiên cứu thống nhất ghi nhận vai trò của sư Vạn Hạnh và Đào Cam Mộc trong việc đưa Lý Công Uẩn lên ngôi nhanh chóng, êm thấm và kịp thời, khiến cục diện chính trị nước Đại Cồ Việt được duy trì ổn định trong quá trình chuyển giao quyền lực, không gây xáo trộn từ trong cung đình lẫn bên ngoài. Việc lên ngôi nhanh chóng và êm thuận của Lý Công Uẩn được xem là điều kiện thuận lợi và nền tảng để ông yên tâm bắt tay xây dựng đất nước thống nhất, mở đầu một vương triều thịnh vượng lâu dài, mở ra thời kỳ phục hưng toàn diện của đất nước.
Dời đô về Thăng Long
Hơn một năm sau khi lên ngôi vua, tháng Bảy Âm lịch năm 1010, Lý Thái Tổ dời đô từ Hoa Lư (Ninh Bình) về Đại La (Hà Nội). Ông đã ban hành Chiếu dời đô vào mùa Xuân năm 1010.
Việc tìm đất, nghị bàn đến việc chuẩn bị để dời đô diễn ra tương đối khẩn trương. Từ Hoa Lư về thành Đại La có thể đi theo đường bộ hoặc theo đường thủy. Sử cũ không ghi chép chi tiết nhà Lý dời đô bằng đường nào. Các nhà nghiên cứu đã kết luận: triều nhà Lý dời đô bằng đường thủy, và chỉ có dời đô bằng đường thủy thì mới an toàn và tải được cả bộ máy triều đình đông đảo cùng vật chất bảo đảm đồ sộ đi kèm.
Sử gia Ngô Thì Sỹ trong Đại Việt sử ký tiền biên nhận xét về kinh đô Thăng Long như sau:
Quyết định dời đô ra Thăng Long của Lý Thái Tổ được xem là sự kiện trọng đại, đánh dấu bước phát triển vượt bậc của vương triều Lý. Trong vòng 8 thế kỷ tiếp theo, hầu hết các triều đại phong kiến kế tục nhà Lý như nhà Trần, nhà Mạc, nhà Hậu lê đều tiếp tục dùng Thăng Long làm kinh đô và có thời gian tồn tại tương đối lâu dài.
Loạn tam vương
Khoảng tháng Ba năm 1028, Lý Thái Tổ qua đời, hưởng dương 55 tuổi, thụy hiệu là Thần Vũ hoàng đế, an táng ở Thọ Lăng.
Các đại thần đều đến cung Long Đức để dâng biểu, xin Thái tử Lý Phật Mã lên ngôi nhưng ba người em của ông là Đông Chinh vương, Dực Thánh vương và Vũ Đức vương không đồng ý nên đem quân của mình phục sẵn ở trong Hoàng thành nhằm cướp ngôi.
Lúc đó Đông Chinh vương phục ở trong Long Thành còn Dực Thánh vương và Vũ Đức vương phục binh ở cửa Quảng Phúc, đợi Thái tử đến sẽ đánh úp. Một lát sau, Thái tử từ cửa Tường Phù vào, đến điện Càn Nguyên, biết có biến, sai người hầu đóng hết các cửa điện và sai các vệ sĩ trong cung phòng giữ. Thấy Phật Mã không nỡ xuống tay, nội thị là Lý Nhân Nghĩa xin đánh một trận để quyết được thua, theo gương Đường Thái Tông và Chu Công Đán.
Quân của ba vương đánh đến rất gấp, Thái tử bèn sai vệ sĩ trong cung mở cửa ra đánh. Lê Phụng Hiểu sức khỏe hơn người, một mình vượt hơn trăm quân lính, ra trước cửa Quảng Phúc xông thẳng đến chỗ ngựa của Vũ Đức Vương. Vương quay ngựa tránh, ngựa quỵ xuống, bị Phụng Hiểu bắt giết. Phủ binh của ba vương thua chạy. Quan quân đuổi theo chém giết hết, chỉ có hai vương Đông Chinh và Dực Thánh chạy thoát được.
Thái tử Phật Mã lên ngôi, tức là Lý Thái Tông, đổi niên hiệu là Thiên Thành. Hai vương chạy thoát sau đó được tha tội. Cũng vì biến loạn này, để ngăn ngừa về sau, Lý Thái Tông đặt ra Hội thề thần Đồng Cổ, là một buổi lễ thề rất quan trọng suốt triều đại nhà Lý. Ông xuống chiếu giao cho Hữu ty dựng miếu ở bên phải thành Đại La sau chùa Thánh Thọ, lấy ngày 25 tháng ấy, đắp đàn ở trong miếu, cắm cờ xí, chỉnh đốn đội ngũ, treo gươm giáo ở trước thần vị, đọc lời thề rằng: “Làm con bất hiếu, làm tôi bất trung, xin thần minh giết chết”. Các quan từ cửa Đông đi vào, đến trước thần vị cùng uống máu ăn thề, hàng năm lấy làm lệ thường. Sau vì tháng Ba có ngày quốc kỵ, chuyển sang mồng 4 tháng Tư. Nếu không có mặt trong buổi lễ, người bị tội sẽ bị đánh 50 trượng.
Việc thái tử Phật Mã dẹp được loạn, giữ được ngôi khiến chính trị nhà Lý từ đó được duy trì ổn định trong thời gian dài, chấm dứt tình trạng biến loạn gây hậu quả nặng nề sau khi vua khai quốc qua đời đã xảy ra với các triều đại trước như Ngô (Dương Tam Kha đoạt ngôi), Đinh (trung thần nhà Đinh chống Lê Hoàn dẫn tới nhà Đinh mất), Tiền Lê (các hoàng tử tranh ngôi).
Cha của Lý Công Uẩn là ai?
Sách Đại Việt sử lược và Đại Việt sử ký toàn thư đều chép Lý Công Uẩn người ở Cổ Pháp, Bắc Giang (nay thuộc huyện Từ Sơn, Bắc Ninh), mẹ họ Phạm. Lúc 3 tuổi, bà mẹ Lý Công Uẩn ẵm ông đến nhà sư Lý Khánh Văn, Khánh Văn bèn nhận làm con nuôi, từ nhỏ đã thông minh, vẻ người tuấn tú khác thường.
Dù rằng tên cha của Lý Công Uẩn không được chép rõ, nhưng là mẹ, bà Phạm thị tất phải biết rõ cha của con mình là ai, nhưng tại sao cho đến sau này khi Lý Công Uẩn đã lên ngôi vua cũng không thể tiết lộ danh tánh của cha ruột mình. Tất nhiên sự bộc lộ thân phận của nhân vật đó có điều bất tiện. Vậy nhân vật đó là ai? Tại sao lại không thể công khai thân phận ngay từ lúc Công Uẩn còn trong tuổi ấu thơ, trưởng thành trong chùa, đến lúc ra làm quan cho triều Lê, và cho đến lúc lên được ngôi vua?
Theo sách Việt sử tiêu án: Mẹ Lý Công Uẩn năm 20 tuổi nghèo hèn không có chồng, nương tựa người lão Sa môn ở chùa Ứng Thiên, làm việc thổi nấu, khi lửa tắt và bà đương ngủ lơ mơ, lão Sa môn ngẫu nhiên chạm phải, giật mình trở dậy rồi có thai mà sinh ra. Về sau Lý Thái Tổ nương nhờ cửa Phật, Khánh Vân nuôi lớn, Vạn Hạnh dạy dỗ.
Ai cũng hiểu đây chỉ là một truyền thuyết cố gắng giải thích và thần thánh hóa thân phận của một vì vua không cha. Nhưng vô tình nó lại nói lên thân phận của Lý Công Uẩn có dính líu tới các nhân vật trong chùa. Vậy tác giả của cái “long thai” ấy là ai? Nhân vật nào là thủ phạm đáng nghi nhất?
Nếu tập trung ở những nhân vật trong chùa thì có hai người đáng chú ý nhất là nhà sư Lý Khánh Văn và sư Vạn Hạnh, trong đó sư Vạn Hạnh là có khả năng cao hơn, vì rằng sư Vạn Hạnh có cuộc sống phóng khoáng như một triết gia, nửa tu nửa tục.
Sư Vạn Hạnh quê cũng ở Cổ Pháp, từ thuở nhỏ đã thông minh, học thông Nho, Lão, Phật và nghiên cứu hàng trăm bộ luận Phật giáo. Năm 21 tuổi ông xuất gia, tu học với bạn là thiền sư Ðịnh Tuệ dưới sự chỉ dẫn của thiền sư Thiền Ông tại chùa Lục Tổ. Sau khi Thiền Ông mất, ông bắt đầu chuyên thực tập Tổng Trì Tam Ma Ðịa, nên sau này hễ ông nói lời gì đều được thiên hạ cho là phù sấm. Vua Lê Đại Hành rất tôn kính ông và thường hay hỏi ý kiến ông trong chính sách đối ngoại với Tống và Chiêm Thành.
Theo “Ngọc phả các vua triều Lê” ở các di tích cố đô Hoa Lư – Ninh Bình, Lý Công Uẩn hàng năm theo thiền sư Vạn Hạnh vào hầu vua Lê Hoàn ở thành Hoa Lư, Công Uẩn được vua yêu, cho ở lại kinh thành học tập quân sự. Lê Hoàn lại gả con gái cả là công chúa Lê Thị Phất Ngân, sinh ra Lý Phật Mã và đặc phong cho Công Uẩn làm Điện tiền cận vệ ở thành Hoa Lư. Dần dần, Công Uẩn thăng lên chức Điện tiền chỉ huy sứ. Chức ấy chỉ dành cho hoàng tộc hoặc quốc thích mới được trao. Chính nhờ vậy mà về sau, Lý Công Uẩn đã đem ngôi vua về cho họ Lý.
Trong cuộc vận động Lý Công Uẩn lên ngôi, sư Vạn Hạnh đã tác động dư luận quần chúng bằng sấm truyền rất hữu hiệu. Sách Thuyền Uyển Tập Anh nói những loại sấm truyền và tiên tri ông dùng có rất nhiều thứ không kể hết được
Thời vua Lê Long Đĩnh còn tại vị, ở hương Diên Uẩn, châu Cổ Pháp, có cây gạo bị sét đánh, có chữ trên ấy. Vị sư Vạn Hạnh mới bảo Lý Công Uẩn rằng: Mới rồi tôi thấy chữ bùa sấm kỳ lạ, biết họ Lý cường thịnh, tất dấy lên cơ nghiệp. Nay xem trong thiên hạ người họ Lý rất nhiều, nhưng không ai bằng Thân vệ là người khoan thứ nhân từ được lòng dân, lại đang nắm binh giữ quyền trong tay, đứng đầu muôn dân chẳng phải Thân vệ thì còn ai đương nổi nữa. Tôi đã hơn 70 tuổi rồi, mong được thư thả hãy chết, để xem đức hóa của ông như thế nào, thực là cái may nghìn năm có một. Lý Công Uẩn sợ câu nói ấy tiết lộ, bảo người đem Vạn Hạnh giấu ở Tiêu Sơn.
Nghiên cứu lời sấm trên, có thể đoán rằng, tác giả của lời sấm này chính là sư Vạn Hạnh. Nếu không phải thân thích với Công Uẩn, sao ông lại bỏ công dạy dỗ từ thuở nhỏ, đã dùng uy tín của mình với vua Lê để cất nhắc Công Uẩn trở thành tâm huyết của nhà vua, và dụng tâm lương khổ giúp Công Uẩn lên ngôi. Giả thuyết bất tiện ban đầu có phải là cha của vua là một vị sư chăng? Vì vậy Công Uẩn không tiện bộc lộ quan hệ máu huyết với cha mình ngay từ thuở nhỏ. Có thể ngày xưa chính sư Vạn Hạnh là người bảo Phạm thị, đem Công Uẩn đến em ông là nhà sư Lý Khánh Văn nhờ nuôi nấng nên người. Sư Vạn Hạnh có lẽ là một Lã Bất Vi, theo sử Trung Quốc, đã tạo ra được một Tần Thủy Hoàng. Một bằng chứng nữa là khi sư Vạn Hạnh qua đời, nhà vua đã kéo hết cả triều đình đến chiêm bái.