TRẦN HỮU NGƯ
Tôi biết tin muộn nhạc sĩ Cung-Tiến đã qua đời ngày 10.5.2022 tại Hoa-Kỳ.
Anh sinh ngày 27.11.1938 tại Hà Nội. Thọ 84 tuổi. Nghe tin này, tôi bồi hồi xúc động, dẫu biết rằng sinh lão bịnh tử là điều khó tránh khỏi. Thế là một nhạc sĩ tài danh đã vĩnh viễn xa chúng ta. Thành kính chia buồn cùng gia đình và cầu chúc hương hốn anh sớm siêu thoát.
Nếu nói nhạc Cung-Tiến là trữ tình, lãng-mạn, hay dùng những từ hoa mỹ nào khác để diễn tả về nhạc anh, tất cả đều phiến diện. Từ những lời ca ý nhạc trong sự trau chuốt từng nhạc phẩm của anh, để chúng ta nghe, thấy, rồi nói rằng, nhạc Cung Tiến là “Những gam màu tê tái” là không có gì cường điệu, và “Màu tê tái” xuất phát từ ý tưởng nhạc phẩm Thu vàng:
“… Nhặt lá vàng rơi
Xem màu lá con tươi
Nghe chừng như đây màu tê tái…”.
Cung Tiến tên thật là Cung-Thúc-Tiến, sinh năm 1938 tại Hà Nội. Chưa rõ anh và gia đình vào Nam năm nào (theo trang nhacxua.vn trong một bài phỏng vấn thì ông và gia đình vào Nam năm 1952), nhưng từ năm 1957 Cung-Tiến theo học ngành kinh tế ở Úc.
Những năm 1950 đến 1960, anh viết những bài phê bình, nhận định văn học với bút hiệu Thạch-Chương, và anh sống ở Hoa-Kỳ, thỉnh thoảng có viết báo ký tên Đăng-Hoàng. Anh đã từng học ký-xướng-âm với nhạc sĩ Chung-Quân và Thẩm-Oánh. Nếu nghe nhạc anh, chưa đủ, mà phải nhìn cách viết nhạc của anh mới thấy anh là người có nghề.
Trong khuôn nhạc mở đầu, anh luôn cẩn thận ghi “Giọng hát, đàn Dương cầm, Tây Ban Nha, và phân Gamme để người chơi nhạc dựa theo đó mà biến tấu”… (Năm 1972, tủ sách nhạc Kẻ Sĩ, đã in tập nhạc Cung-Tiến do Hiện Đại số 44/5 Công Lý Saigon tổng phát hành. Tập nhạc này chọn ra 9 nhạc phẩm. Con số 9 mang một ý nghĩa đặc biệt, và đăng hình anh qua nét vẽ của họa sĩ Duy Thanh).
Vậy mà Cung-Tiến không nhận mình là nhạc sĩ, chỉ viết nhạc như một thú tiêu khiển, mặc dù anh viết được 17 bài hát mà bài nào cũng đáp ứng được nhu cầu của giới thưởng thức có trình độ hiểu biết âm nhạc cao. Anh chẳng quan tâm đến tác quyền, tên tuổi, chỉ nhận mình là nghiệp dư, đây có lẽ là đức tính khiêm nhường “độc nhất vô nhị” ở Việt-Nam, vì có rất nhiều người tự phong cho mình là “nhạc sĩ” khi viết được một vài bản… nhạt!
Những nhà nghiên cứu và phê bình âm nhạc có thể đánh giá nhạc sĩ Phạm- Duy, Văn-Cao, Trịnh-Công-Sơn, Phạm-Đình-Chương… Nhưng ở Cung-Tiến, nhạc anh khó mà đánh giá, xếp hạng, cân đo đong đếm được!
Theo các tài liệu, thông tin, và những bài viết ngắn rải rác trên mạng… thì ca khúc Thu vàng và Hoài cảm được Cung-Tiến sáng tác năm 1953, lúc đó anh mới 15 tuổi! Nếu đúng như vậy, thì Cung Tiến cũng được xếp vào thần đồng âm nhạc Việt-Nam mà hơn nửa thế-kỷ qua giới nhạc sĩ đã quên ông?
Cung-Tiến cũng là một bậc thầy phổ thơ. Những bài thơ vượt thời gian của Thanh-Tâm-Tuyền (Đêm), Quang-Dũng (Đôi bờ), Thôi-Hiệu, Vũ-Hoàng- Chương dịch (Hoàng Hạc Lâu), Vũ-Đình-Tiên (Mai chị về, còn có tên là Kẻ ở), Xuân Diệu (Nguyệt-Cầm), Trần-Dạ-Từ (Thuở làm thơ yêu em), Vết chim bay (Phạm-Thiên-Thư)…, đã làm cho những bài thơ ấy thăng hoa và người nghe cảm thấy lòng mình an-bình mặc dù đất nước đang trong thời chiến.
Nhạc Cung-Tiến khó nghe đối với những cái tai “bình dân học vụ”, khó hát với những ca sĩ “múa hay hơn hát”. Nhưng nhạc anh là những con suối mát dịu, luồn qua lau lách chảy mãi không bến bờ, ca từ sang trọng, nhưng không làm dáng, sáo rỗng, những nốt nhạc không chạy theo lối mòn… bắt người nghe phải động não suy tư thấm thía trọn vẹn, mới thấy nhạc Cung-Tiến là những Gam màu tê-tái.
Cảm nhận những ca khúc của Cung-Tiến không phải “Đốt lò hương cũ”, mà là sự nhắc nhớ, tìm về, trong tình hình nhạc Việt-Nam “Que sera sera”?
Ngoài thơ phổ nhạc, đây là ba tác phẩm thuộc hàng hiếm do anh viết nhạc và lời: Hương xưa, Hoài cảm, Thu vàng. Những nhạc phẩm này tiêu biểu cho những ca khúc nhạc Việt, dù khó tính, hay đứng ở góc độ nào để bình phẩm, thì đây vẫn là đỉnh cao của nghệ thuật mà không phải nhạc sĩ chuyên nghiệp nào cũng đạt được?
Nhạc phẩm Thu vàng nhịp 6/8 với những nốt đô fa sol dièse (thăng) Gamme La trưởng, mở đầu:
“…Chiều hôm qua lang thang trên đường
Hoàng hôn xuống chiều thắm muôn hương
Chiều hôm qua mình tôi bâng khuâng
Có mùa Thu về tơ vàng vương vương
Một mình đi lang thang trên đường
Buồn hiu hắt và nhớ bâng khuâng…”.
Sự lặp lại “chiều hôm qua” và “bâng khuâng”, là chủ đích của tác giả, mà không có sự thừa thãi nào ở đây, để sau cùng anh viết một câu kết:
“… Chiều hôm nay trời nhiều mây vương
Có mùa Thu vàng bao nhiêu là hương…”
Nhạc sĩ Cung-Tiến sử dụng “chiều hôm qua” và “chiều hôm nay”, chỉ có mình anh “lang thang trên đường” là một thời gian gần và xa, có thể xác định hay không xác định cũng được, nghĩa là anh đem đến cho người nghe rất xa nỗi nhớ và rất gần trong cuộc đời.
Trong nhạc phẩm Hoài cảm, Cung-Tiến viết nhịp ¾, Gamme Đô thứ, la, si, mi bémol (giảm). Trong Andantino xa vắng, chậm, âm thầm… Đây là tác phẩm… hoài cảm, anh viết tặng Đỗ Đình Tuân và đầu bản nhạc anh đề hai câu thơ của Xuân Diệu: “Anh một mình nghe tất cả buổi chiều. Vào chầm chậm ở trong hồn hiu quạnh”. Hoàn cảnh ra đời nhạc phẩm này cũng vào buổi chiều mùa Thu “mơ hồ nghe lá thu mưa” và “buổi chiều chợt nhớ cố nhân. Sương buồn lắng qua hoàng hôn”.
Nghe Hoài cảm, người nghe như quặn lòng, thổn thức, buộc vào mình một nỗi đau,nếu chẳng may trong cuộc đời đánh mất một người thân yêu, để rồi:
“… Lòng cuồng điên vì nhớ
Ôi đâu người, đâu ân tình cũ?
Chờ hoài nhau trong mơ
Nhưng có bao giờ thấy nhau lần nữa…
Cố nhân xa rồi có ai về lối xưa?…”
Những ca khúc được viết từ năm 1938 còn ảnh hưởng nhạc Tây, những năm sau này, các nhạc sĩ tìm cách thoát Tây, viết nhạc ta. Theo lời nhạc sĩ Lê- Thương, trong giai đoạn này, có không ít nhạc sĩ “tai bay vạ gió” vì những bài hát trữ tình lãng mạn có mùi “tiểu tư sản”.
Từ năm 1953, Cung-Tiến nổi lên một ngôi sao sáng qua nhạc phẩm Thu vàng và Hoài cảm. Nhưng trong toàn bộ tác phẩm của anh, có lẽ ca khúc Hương xưa là tác phẩm dẫn đầu. Cung-Tiến hoài niệm, tìm nhớ về quá khứ của một thời hoàng kim để khơi dậy một Hương xưa trong lớp bụi mờ của thời gian:
“… Lời Đường thi nghe vẫn rền trong sương mưa
Dù có bao giờ lắng men đợi chờ
Tình Nhị Hồ vẫn yêu âm xưa
Cung Nguyệt Cầm vẫn thương Cô Tô
Nên hồn tôi vẫn nghe trong mơ tiếng đàn đợi chờ mơ hồ
Vẫn thương muôn đời nàng Quỳnh Như thuở đó…”
Làm sao nói hết những dòng nhạc Cung-Tiến…, một Hương xưa cũng đủ để nói lên rằng, nhạc Cung-Tiến là những Gam màu tê tái!
Ôi làm sao có được những bài hát như bài hát của Cung-Tiến? Hết rồi, mạt rồi, thời nghe nhạc đã qua, chỉ còn lại thời nghe… nói láo, và những nhạc phẩm cũng bây giờ cũng mang Gam màu tê, nhưng là tê… điếng!!!
Thành kính đốt một nén nhan khói bay về nơi đất khách, tiếc thương vô hạn người nhạc sĩ tài danh. Vô vàn kính mến anh đời đời.
Kính bút!