Theo truyền thông trong nước, tính đến sáng ngày 2/8, nhiều quốc lộ thuộc các tỉnh Điện Biên, Hà Giang, Bắc Ninh, Nam Định, Hải Phòng, Quảng Ninh, Hòa Bình, Sơn La, Thái Nguyên, Cao Bằng, Tuyên Quang, Nghệ An không đi được bình thường.
Nguyên nhân do mưa bão kéo dài nhiều ngày từ 24/7, khiến đường bị ngập, lở đất, đá ở vùng núi. Ít nhất đã có năm người chết và gần 800 điểm ách tắc trên các quốc lộ của những tỉnh kể trên. Ngay cả quốc lộ 2c đi qua tỉnh Tuyên Quang cũng bị ngập khiến xe cộ phải đứng ngó, không dám đi qua. Ở Hoàng Su Phì tỉnh Hà Giang có đoạn đường quốc lộ bốn bị xụp một đoạn dài tạo thành một hố sâu… Nguyên nhân các vụ kẹt đường này chưa được công bố, song người ta nghi ngờ đây chính là hậu quả của việc tàn phá rừng. Một đoạn đường từ Hòa Bình đi Sơn La xưa đều là rừng nguyên sinh, nay kiếm một cây lớn để tránh nắng trưa cũng khó như đi tìm vàng!
Trong khi đó, ở tỉnh Kon Tum, vào hai ngày cuối tháng Bảy đã xảy ra gần 50 trận động đất khiến dân tình hoảng loạn tháo chạy. Nguyên nhân động đất được ‘tình nghi” là do các thủy điện gây ra. Hiện ở cao nguyên miền Trung có hàng trăm thủy điện vừa và nhỏ đang hoạt động. Những thủy điện nầy đã góp phần tàn phá rừng và tác động mạnh đến môi trường sống của con người và sinh vật.