Nhìn lại quan hệ của CSVN với Nga và Trung Cộng

by Tim Bui
Nhìn lại quan hệ của CSVN với Nga và Trung Cộng

CHU TẤT TIẾN

Ngày 16/5/2024, Tập Cận Bình trải thảm đỏ đón Putin trong khi cuộc chiến xâm lăng của Nga vào Ukraine đang tiếp diễn căng thẳng. Đây là một sự hạ mình hiếm có của Nga vì trong nhiều thập niên của thế kỷ 19 và 20, Liên Xô và Trung Cộng đã tiếp tục một chiến tranh thầm lặng giữa hai quốc gia từng thân thiện lâu đời.

Sau khi Nga tấn công Ukraine bằng những chiến cụ tối tân, với lý lẽ hàm hồ là ngăn không cho Ukraine gia nhập NATO, Nga đã bị hầu như đa số các thành viên Liên Hiệp Quốc cấm vận, trừ Trung Cộng, Cộng Sản Việt Nam (CSVN) và vài quốc gia nhỏ bé ở Phi Châu và Á Châu. Đòn đau hơn nữa cho Nga là tòa án hình sự quốc tế đã ra lệnh cho bắt giữ Putin tại bất cứ quốc gia nào mà Putin đặt chân đến, cho nên Putin không đi đâu được trừ Trung Cộng. Vì bị cô lập trên chính trường quốc tế, nên Nga phải cầu cạnh Trung Cộng, mong Bắc Kinh yểm trợ cho cuộc chiến tranh tàn khốc này. Thực tế, cuộc hạ mình cầu thân của Nga cũng chỉ được đáp ứng cầm chừng, tuy Tập Cận Bình cũng tuyên bố hùng hồn là sẽ tiếp trợ cho Nga về mọi mặt, nhưng theo nhiều nguồn tin từ báo chí Mỹ, Trung Cộng chỉ viện trợ cho Nga một lô xe chuyên chở quân sự, mà không viện trợ vũ khí cũng như tài chánh. 

Nhìn lại lịch sử quốc tế, quan hệ giữa Nga và Trung Hoa đã bắt nguồn từ nhiều thế kỷ trước. Khởi đầu từ thế kỷ 17, khi triều Mãn Thanh cố tống khứ người Nga đến lập nghiệp tại Manchuria, nhưng vì quân đội Trung Hoa đa số là lính lác, gần như là nô lệ cho các quan, nên không có khả năng chiến đấu, do đó, nhà Thanh phải ký hiệp ước Treaty of Nerchinsk với Nga. Được lợi thế, Nga đã chiếm một số đất đai của nhà Thanh, biến thành đất của Nga. Tình hình êm dịu nhiều thập kỷ, tuy lính lác hai bên biên giới thỉnh thoảng đấu đá lẫn nhau, nhưng lính Nga mạnh hơn, có kỷ luật hơn, thường chiếm thượng phong. Nhiều quân lính Nga sang sinh sống trong đất Trung Hoa như những ông vua con, mà nhà Mãn Thanh phải chấp nhận. (Truyện chưởng Lộc Đỉnh Ký cũng kể lại giai đoạn này). 

Đến giữa thế kỷ thứ 19, cuộc chiến tranh lạnh với vũ khí tân tiến đã tăng cường khi hai nước đều là Cộng Sản tranh giành ảnh hưởng, hầu chiếm thế mạnh trong khối Cộng sản Quốc Tế. Vài trận đánh đã diễn ra tại biên giới hai nước trong thập niên 1960. Năm 1969, một trận đánh lớn đã xảy ra nhưng nhanh chóng bị hóa giải. Quan hệ giữa Nga và Trung Cộng căng thẳng mãi cho đến khi khối Cộng Sản Liên Xô sụp đổ năm 1991. 

Nhiều tranh cãi gay gắt đã xảy ra cho đến tận thế kỷ 21. Năm 2019, hai nước vẫn còn trọ trẹ về nhiều vấn đề. Lúc thì ký hòa ước tạm, lúc lại pháo kích qua lại. Trong hai năm trở lại đây, Trung Cộng tỏ ý không hoan nghênh việc Nga chiếm Crimea, trong khi Nga cũng không đồng ý với Trung Cộng về việc Tàu âm mưu chiếm gần hết biển Đông. Tuy nhiên, như đã viết trên, sau khi Nga bị cô lập, thì Putin đành hạ mình làm quen lại với Bắc Kinh, và quan hệ hai nước đã dần dần nóng lại cho đến năm nay, 2024. 

Trở lại vấn đề quan hệ của CSVN và Trung Cộng, Nga Sô. Sau khi Hồ Chí Minh được đảng Cộng Sản Pháp chấp nhận là thành viên, vì còn cô thế và trong trứng nước, Hồ Chí Minh cầu viện đủ mọi nơi để thành lập quân đội. Đầu tiên là cầu viện Mỹ. Theo báo Quân Đội Nhân Dân, chính Hồ Chí Minh đã cầu cạnh Hoa Kỳ qua đội OSS (tiền thân của CIA), giúp cung cấp một số vũ khí và huấn luyện cho một đại đội đầu tiên của Việt Minh để chống Pháp (https://www.qdnd.vn/ky-niem-110-nam-ngay-bac-ho-ra-di-tim-duong-cuu-nuoc/chuyen-ve-nguoi/hop-tac-viet-my-o-tan-trao-661281). Sau khi huấn luyện cho đơn vị Việt Minh đầu tiên, người Mỹ nhận thấy khả năng của Việt Minh quá yếu, cho rằng chẳng có lợi gì, nên Mỹ bỏ cuộc. Hồ Chí Minh lúc ấy mới chạy sang Kremlin, cầu viện Staline. Thấy Staline hung thần Cộng Sản này cũng lơ là, không mặn lắm trong việc giúp Hồ Chí Minh, thì họ Hồ lại chạy qua Bắc Kinh, năn nỉ ỉ ôi Mao Trạch Đông giúp đỡ. Nhận thấy địa thế Việt Nam có lợi cho việc phát triển tư tưởng Cộng sản sang Châu Á, Mao trạch Đông nhận lời và giao cho Lưu Thiếu Kỳ, lúc ấy chưa bị hạ bệ, điều hành vấn đề Việt Minh. Họ Lưu cử Vi Quốc Thanh sang miền Bắc làm Đại Cố Vấn cho Hồ Chí Minh, chỉ huy quân sự và thành lập các đơn vị chiến đấu theo kiểu Trung Cộng.

Chính Vi Quốc Thanh là người soạn thảo chiến dịch Điện Biên Phủ, điều động và đốc thúc bộ đội Việt Minh tấn công quân Pháp. Võ nguyên Giáp chỉ thi hành theo lệnh của Vi Quốc Thanh mà thôi.  (https://vi.wikipedia.org/wiki/Vi_Qu%E1%BB%91c_Thanh). (Vì biết rõ Giáp không có tài cán gì, ngoài việc làm tay sai cho Vi Quốc Thanh, mà lại có tinh thần tôn trọng Nga, nên khi quan hệ của miền Bắc với Trung Cộng và Nga thay đổi, lật Nga, thờ Tàu, lập tức Giáp bị đì, từ Đại Tướng chỉ huy ba quân, xuống làm anh đặt vòng xoắn cho phụ nữ. Dân miền Bắc mới có thơ rằng:

Ngày xưa Đại Tướng công đồn 
Ngày nay Đại Tướng công L. chị em! 

Trong cuốn Đèn Cù của Trần Đĩnh, người viết tiểu sử của Hồ Chí Minh và các bài viết ca tụng Lê Duẩn, Trường Chinh cùng những lãnh đạo tối cao của Đảng Cộng Sản, Trần Đĩnh đã cho thấy quan hệ giữa Đảng CSVN với Nga và Trung Cộng thay đổi tùy theo từng thời kỳ và làm cho một số lớn những nhân vật tiền thân của chế độ bị loại, bị thất sủng hoặc tự tử nếu không thì bị giết chết, một khi Hồ Chí Minh và Lê Duẩn thay đổi quan điểm về các mối quan hệ này.  Khi Đảng CSVN mới thành lập dưới nhiều tên gọi khác nhau, và còn chưa đứng vững thì Trung Ương Đảng tôn thờ cả Liên Xô và Trung Cộng như những vị Thánh cứu độ.

Trong tất cả các cuộc biểu tình, mít tinh của dân miền Bắc thì hình ảnh của Mao Trạch Đông, Staline, Karl Marx và Engels được treo lộng lẫy trên hình của Hồ Chí Minh. Thập niên 1940-1950, hình ảnh Stalin được treo khắp mọi nơi, trong các công sở (Miền Bắc không có tư sở), trước chợ, trong đình làng, huyện, và tỉnh. Dân chúng phải buộc hễ mở miệng nói thì phải đọc như vẹt những câu tôn thờ Stalin song song với Mao Sếnh Sáng. Khi Stalin chết vì bị thuộc cấp cho uống thuốc độc, thì Hồ Chí Minh ra lệnh cho cả miền Bắc phải để tang trắng, ông già bà cả đến trẻ con đều phải buộc khăn tang vào đầu và đến họp ở các buổi mít tinh thương tiếc Bác Xít Ta Lin. Tố Hữu, tay gia nô, đã làm bài thơ khóc Stalin, đầy tính nô lệ, hèn hạ:

Đêm qua, loa gọi ngoài đồng
Tiếng loa xé ruột, xé lòng biết bao!
Làng trên xóm dưới xôn xao
Ông sao sáng nhất trời cao băng rồi!
Xta-lin ơi!
Hỡi ôi Ông mất, đất trời có không?
Thương cha, thương mẹ, thương chồng
Thương mình thương một, thương Ông thương mười. 

Nhưng bất ngờ, vì áp lực của Trung Cộng, Hồ Chí Minh đột ngột thay đổi quan điểm về Liên Xô và buộc toàn đảng, toàn dân phải tôn thờ Mao Sếnh Sáng và cấm được nhắc đến Liên Xô. Những ai có một lời thương tưởng đến Liên Xô liền bị trù dập cả họ, đang làm lớn, nghênh ngang trên ngai, bỗng rớt xuống hố sâu. Chính Trường Chinh, người đặt ra tư tưởng chủ đạo cho Đảng Cộng Sản cũng bị đì. Trần Đĩnh, cánh tay mặt của Hồ, Trường Chinh, và Lê Duẩn bị đi cải tạo 2 năm. Nhiều nhà báo, nhà tư tưởng, nhiều đồng chí lãnh đạo phải tự tử trước khi bị bắt đi nhốt tại những nhà lao như trại Lý Bá Sơ, nơi mà con người bị hành hạ tệ hơn súc vật, chỉ vì họ Hồ thay đổi quan điểm về Liên Xô. Bấy giờ, Nga ở quá xa lại ít viện trợ, nên bỏ Nga là phải. 

Từ thập niên 2000 cho đến nay, quan hệ giữa Việt Nam với Nga và Trung Cộng lại thay đổi. Nhà Nước Cộng Sản bây giờ khôn Ngoan hơn nên mềm mỏng với Nga, quỵ lụy Tàu khựa. Trong các cuộc họp của Liên Hiệp Quốc, bỏ phiếu tố cáo Nga xâm lăng Ukraine, Việt Nam luôn bỏ phiếu trắng! Ngày 19 tháng 7 năm 2024, Nguyễn Phú Trọng, nghe nói là thân Tàu hơn Nga, vừa qua đời, thì chưa biết có sự chuyển hướng nào không. Dân Việt chờ xem. Tuy nhiên, người quan sát cho rằng, dù Việt Cộng thờ Nga Cộng hay thờ Trung Cộng, thì Nhân Quyền của dân nghèo Việt Nam, dân nông thôn, công nhân vẫn bị vi phạm tàn bạo, hễ khiếu nại bất cứ điều gì bất công, thì lập tức bị Nhà Nước, một thành viên của Ủy Ban Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc, tống giam, cùm kẹp với tội danh “nói xấu Nhà Nước”, một tội danh chỉ có ở chế độ thực dân, phát xít mà thôi. 

Chu Tất Tiến
Cuối tháng 7, 2024

You may also like

Leave a Comment

Verified by MonsterInsights