YẾN TUYẾT
Đón Tết ở đâu đi nữa vẫn là cái cảm xúc rất đặc biệt của từng người Việt Nam, nhất là những người Việt Nam sống xa nơi chôn nhau cắt rốn.
Dĩ nhiên, tôi cũng đã trải qua những tình cảm khác nhau khi “tiễn đưa năm cũ, đón chào năm mới”, suốt thời gian sống ở Mỹ trong nhiều thành phố khác nhau của miền Nam California. Trong 10 năm đầu đến Mỹ vào thập niên 80, tôi đón tết ở Los Angeles. Thập niên 90, tôi đón tết ở San Diego. Và 20 năm sau này, tôi đón Tết ở Orange County.
Nhớ lại những năm đầu tiên đến Mỹ sống ở thành phố Downey thuộc quận Los Angeles. Thành phố lúc ấy thưa thớt người Việt cư ngụ, và tôi chỉ có ông anh ruột là người bảo lãnh qua Mỹ, nhưng ông ấy bận rộn với việc xã hội hay đi “vác ngà voi” suốt ngày. Cho dù ông anh tôi là người đứng ra tổ chức các hội chợ Tết đầu tiên ở Mỹ nhưng là cho các đồng hương khác vui chơi, chứ tôi và các con nhỏ chẳng biết người ta đón Tết như thế nào.
Trong nhiều đêm giao thừa, khi các con đã yên giấc, tôi dọn một bàn thờ nhỏ có dĩa mứt, dĩa hạt dưa, cái bánh chưng, trái dưa hấu, bình hoa lay-dơn rồi thắp hương khấn vái cho một nắm mới sắp đến được an bình.
Bước qua Năm mới, dọn dẹp xong thì vào giường nằm, tủi thân khóc một mình vì nhớ mẹ và nhớ Việt Nam.
Những năm sau đó khi đã biết lái xe, tôi bỏ các con lên chiếc xe Toyota cũ, chạy cả tiếng đồng hồ từ Downey về quận Cam để tìm không khí Tết ở các ngôi chùa hay hội chợ Tết.
Nhìn lại 40 cái Tết mà mình đã trải qua để ghi nhận là người Việt Nam sống ở hải ngoại, kể cả cá nhân người viết, rất may mắn có những ngày Lễ hội tiếp theo nhau để ăn mừng. Sau khi đón chào lễ Giáng sinh và Năm Mới Dương lịch, người Việt Nam chưa dừng cuộc vui được vì còn sửa sọan đón Tết Âm lịch!
Năm nào mà ngày mùng một Tết rơi vào cuối tuần là ai nấy đều hớn hở. Chẳng hạn như năm nay mùng Một Tết Quí Mão sẽ là ngày Chủ Nhật nên chắc chắn sẽ vui và rộn ràng hơn những năm mà ngày Lễ Tết rơi vào một ngày nào khác trong tuần khi nhiều người phải đi làm.
Những cái Tết ở Hoa Kỳ và đặc biệt là ở quận Cam của California, nơi hãnh diện có khu Saigon Nhỏ đầu tiên (tên này không
còn là độc nhất nữa vì bây giờ một số tiểu bang khác cũng chọn tên Little Saigon cho những nơi đông người Việt cư ngụ của họ) càng lúc càng đông đảo và rộn ràng hơn rất nhiều.
Mấy tuần trước Tết, đi trên những con đường phố chính của khu Little Saigon ở quận Cam, chúng ta cảm thấy không khí Tết bàng bạc trong không gian mặc dù chúng ta ở xa quê hương ngàn dặm đường. Càng ngày càng có đông người Việt cư ngụ
ở tại ngay thủ đô tị nạn này, hay ở những thành phố lân cận đổ xô về, cho nên con đường Bolsa hay Brookhurst vốn chật cứng xe cộ vào những ngày cuối tuần trong năm, đến những ngày cận Tết thì eo ơi, lại càng kẹt xe khủng khiếp! Nhìn những chiếc xe hơi mới toanh, bóng lóang, gồm những trên hiệu nổi tiếng hay thông dụng như BMW, Mercedes, Lexus, hay Tesla di chuyển trên đường và cách người Việt mình sắm Tết một cách thoải mái, dân bản xứ có thể nghĩ rằng người Mỹ gốc Việt ai
cũng ăn nên làm ra và đều khá giả cả vì vẫn còn tiền để tiêu xài sau lễ Giáng sinh (và điều đó có thể là sự thật, cho dù theo
Cơ quan kiểm tra dân số thì số người Mỹ gốc Việt sống ở quận Cam phần đông có lợi tức khá thấp!)
Những buổi hội hè, đình đám cũng được tổ chức ngày một nhiều hơn vì có vô số hội đồng hương, ái hữu ra đời. Chúng ta có Hội chợ Tết, có Diễn hành Tết, có đại nhạc hội Tết, có múa lân, đốt pháo…và dĩ nhiên những tiệc tùng diễn ra rình ràng, kiểu cách hơn với Tiệc Tất niên rồi tiệc Tân Niên.
Đó là nói về chuyện cộng đồng, còn về cá nhân thì sau gần 50 năm định cư tại Mỹ, những việc bảo lãnh, đòan tụ qua những chương trình tị nạn, di dân, con lai… hầu như đều đã hòan tất nên nhiều gia đình có đầy đủ con cái, cháu chắt đông đúc, quây quần vào ngày Tết hơn những năm trước đây. Rất nhiều gia đình cũng sửa sọan bữa cơm cúng ông bà chiều 30 và trong ba
ngày Tết. Lễ Giao thừa cũng được một số gia đình bày biện tươm tất và không kém phần trang nghiêm, tuy hơi buồn vì không được phép đốt pháo như ngày New Year.
Cũng vì lý do này nên nếu chúng ta muốn tìm một chút hương vị Tết của đêm trừ tịch thì nên đến một ngôi chùa nào đó với khung cảnh khói hương nghi ngút, thập phương tranh nhau hái lộc trong tiếng nổ đì đùng của pháo.
Ở quận Cam bây giờ, có thể nói cứ một vài block đường lại thấy một ngôi chùa mọc lên nên Phật tử không cần phải đi chùa xa nữa.
Dù sao, nhìn thấy những người đồng hương ở chung quanh quận Cam đang xôn xao, rộn rịp và biết là mình cũng đang đón Tết, cảm giác ấy khá thú vị.
Ở quận Cam, có thể nói nhu cầu về Tết của người Việt Nam hầu như được đáp ứng đầy đủ. Thức ăn thì nào là bánh chưng, bánh tét, nem chả, bánh mứt đủ lọai, được sản xuất tại Mỹ hay nhập cảng từ Việt Nam, Trung quốc. Rượu, Trà thì tha hồ, có hàng trăm lọai giá từ vài ba đô la cho đến cả mấy trăm Mỹ kim. Và dĩ nhiên, nếu bạn yêu hoa thì sẽ có những lọai hoa đến từ
những nước xa lắc, xa lơ nào đó ở khắp nơi trên thế giới gồm có mai, lan, cúc, đào…đẹp tuyệt trần, chờ đón bạn rinh về nhà.
Nhiều cư dân Việt ở quận Cam đang có khuynh hướng tao nhã “chơi hoa lan” và hình như nó đang trở thành phong trào vì ai cũng sở hữu ít nhất là một vài cây hoa lan trong vườn nhà mình. Có những cái Tết, khi lái xe đi vòng vòng Little Saigon và nhìn thấy hoa đào màu hồng hay đỏ nở rộ trong sân nhà ai tự nhiên lòng tôi thấy vui như… Tết!
Phải ghi nhận là nếu chúng ta nhìn thấy mặt trước của vô số căn nhà ở nhiều thành phố từ Garden Grove đến Westminster, từ Fountain Valley đến Huntington Beach có những cây hoa đào đủ màu từ hồng đến đỏ khoe sắc dịp Tết bên cạnh những cây hoa chuông nở từng chùm màu vàng rất đẹp và vui tươi, chúng ta có thể đoán chủ nhân của chúng là người Việt Nam.
Từ đầu thập niên 90, khi các thành viên trong gia đình lớn của tôi lần lượt qua định cư ở Mỹ sau nhiều đợt vượt biên, ODP, HO. Gia đình tôi lập lại tục lệ Chúc Tết. Những người lớn tuổi như Mẹ tôi và các bà chị lớn sẽ ngồi ở ghế salon với xấp bao lì xì đỏ trong tay để phân phát cho đám cháu chắt đang sắp hàng đơi đến phiên mình chúc Tết.
Trẻ con người Mỹ gốc Việt thì giờ đã biết đến tập tục được lì xì nên khóai lắm. Thế nhưng, chúng cũng sẽ phải chuẩn bị lời chúc Tết sao cho trôi chảy bằng thứ tiếng Việt giới hạn của mình.
Nhân dịp này, chúng ta cũng phải đề cao và hoan hô những trường Việt ngữ hay những hội đoàn Hướng Đạo, Gia đình Phật Tử, Thiếu niên Thánh thể vì đã có công dạy cho một số rất đông trẻ em sinh ra ở Mỹ nói và viết được tiếng Việt. Đây là một họat đông rất cần được sự hỗ trợ mạnh mẽ của cộng đồng nói chung và phụ huynh nói riêng. Nhờ đó, ông bà cha mẹ rất hỉ hả được nghe những lời chúc bằng thứ tiếng Việt không ngọng nghịu của con cháu.
Không biết con cháu của bạn thì sao chứ mấy đứa nhỏ trong gia đình tôi và nhiều đứa trẻ khác tôi gặp thì hầu như chẳng thích món ăn đặc trưng Tết nào cả: “Ăn dưa chua, thịt đông không? Dạ, thôi được rồi mẹ/bà. “Bánh chưng, bánh tét nhé? Dạ không”. “Cắn thử mớ hạt dưa xem sao, thú lắm! Dạ no thanks, mẹ/bà”.
Tết thì không thể không bàn ra, tán vào về cái áo dài Việt Nam. Phải nói là chúng ta rất hãnh diện khi thấy mấy cô gái vị thành niên, hay các phụ nữ đang còn trong tuổi xuân xanh, vẫn thích mặc áo dài dù hiếm khi có dịp.
Khi đi chùa dịp Tết, chúng ta sẽ thấy phần đông các cô gái trẻ đều diện áo dài. Những dáng dấp mảnh khảnh ấy trông thật là dễ thương trong những chiếc áo dài mềm mại. (cũng giống như những bà mẹ của các cô ấy hồi xửa, hồi xưa!).
Phải nói là bây giờ việc đi về Việt Nam đã trở thành bình thường, không ai còn cãi cọ, phê bình gì nhau nữa. Nhờ đó, các vị phụ nữ đi qua, đi lại Việt Nam như đi chợ. So với những tiệm may áo dài ở bên ni thì nhân công bên nớ rẻ hơn nên khi trở lại Mỹ, ai cũng khuân cho mình và con gái ít nhất cả chục cái áo dài.
Một cô bạn của em tôi vừa thú thật là cô có tới 80 cái áo dài lận! Dù sao thì vì thân hình cô ấy vẫn còn thon thả, nên chi mặc dù tuổi tác đã hơn 6 bó, cô nàng mặc áo dài trông vẫn còn đặng lắm. Và nữa, bạn đừng lo rằng cô không có chỗ để trình diễn áo dài: nàng rất hay xuất hiện trên sân khấu để ca hát, do đó những cái áo dài đó sẽ được lần lượt ra mắt công chúng!
Với mục đích thương mại, áo dài sản xuất hàng loạt với giá rẻ đang được xuất cảng từ Việt Nam và khi đến Mỹ đang được nhiều phụ nữ ở đây ưa chuộng vì giá rất bèo, nên có mặc một lần rồi bỏ, cũng không sao.
Cho nên, nếu bước đến khu Phước Lộc Thọ, một phụ nữ chỉ cần tiêu 20 đô la là có thể sở hữu một chiếc áo dài hoa hòe tươi vui để mặc trong ngày Tết. Một cách chủ quan, tôi cho rằng áo dài Việt Nam đẹp nhất thế giới vì nó vừa thướt tha, vừa kín đáo, vừa khêu gợi.
Rất tiếc, giới phụ nữ lớn tuổi mà tôi là một, dù không còn “yểu điệu thực nữ” nữa nhưng lúc nào chúng ta cũng vẫn yêu cái áo dài truyền thống của mình vô cùng, phải không bạn.
Dịp Tết là lúc chúng ta nên diện áo dài, chẳng nên sợ ai khen chê mâp ốm gì ráo!
Nói cho cùng, như thế là chúng ta hạnh phúc lắm rồi vì được hưởng những cái Tết xa quê với đủ mọi hình thái.
Với tôi, hình như 40 mùa Tết đã đi qua như một cái chớp mắt ở nơi xin nhận làm quê hương thứ hai này.
Tôi nghĩ rằng cho dù mình có trở về Việt Nam để đón Tết đi nữa, cái Tết ấy cũng sẽ không thể nào mang hương vị của những ngày Tết xưa cũ mà tôi vẫn còn nhớ như in trong đầu có hình ảnh Ba Me và các chị em tôi đứng, ngồi, trao đổi những lời chúc tụng với bao tình thương yêu.
Tôi nhớ chung quanh nhà, xác pháo đỏ lẫn với những cánh hoa mai vàng rụng đầy sân. Tôi nhớ quá thành phố của những
ngày Tết êm đềm ấy, đã ra đi theo thời gian, và giờ đây chỉ còn là kỷ niệm. Tôi biết mình cũng chỉ là một trong hàng trăm ngàn người từng sinh ra và lớn lên ở Việt Nam, khó tránh khỏi đôi chút bâng khuâng khi nhớ về những cái Tết có những kỷ niệm đẹp, rất chung và rất riêng của mình.
Dù sao vẫn thấy mình may mắn còn được đón Tết ở một nơi rất xa quê hương.
YẾN TUYẾT
Bài trích trong Giai phẩm Xuân Quý Mão 2023 của tạp chí Tôi Yêu Tiếng Nước Tôi