NGUYỄN TIẾN ĐỨC
… Reverend Townsend was circling
around “Her”, “Lantern” in hand, chanting
a strange “Rhyme.”
By lamp light and fire’s spark
Help me find the witch mark…
By God’s will and grace divine,
Help me spot the devil’s sign…
(Ami Mc Kay: The Witches of New York, 419, Harper Collins, 2017)
Tặng phẩm trên trời đẹp nhất của Thượng Đế vẫn là sông Ngân Hà với những ngôi sao đêm lung linh và dưới đất vẫn là những con đom đóm lập lòe. “Ngõ trúc đêm khuya đóm lập lòe.”
Bắt đom đóm là một kinh nghiệm, một cái thú khó quên của thời thơ ấu. Đối với tôi thì bắt đom đóm bắt đầu bằng một con gà mái. Điều này có vẻ không hợp lý. Buổi sáng tôi chờ con gà mái với tiếng kêu cục ta cục tác thất thanh trong ổ rơm gần chuồng trâu là tôi biết nó đã tặng tôi một quả trứng trong ngày. Thời đó tôi cũng như những đứa trẻ ở thôn quê thường chọc con gà mái bằng cách nhại tiếng kêu đau đớn của nó… “vừa đau vừa rát.” Bây giờ thì mới biết mình đã cười trên cái đau khổ của nó. Ở thời đại mới của chúng ta, sự đau đớn của một bà mẹ sắp sinh được đo bằng máy mà mình có thể nhìn thấy rõ trên một màn hình nhỏ.
Sau con gà mái là đến lượt mẹ tôi lấy quả trứng ngâm vào cái bát sành màu da lươn với nước sôi và khi trứng chín một phần, tôi lấy đầu đũa chọc thủng hai đầu. Một đầu bịt bằng ngón tay, còn đầu kia rắc một tí muối tiêu là tôi đã có một món ăn vừa tinh khiết, vừa bùi vừa bổ. Cuối cùng, cái vỏ trứng được dùng để làm chiếc bóng đèn nhốt đom đóm trong đó. Như thế thì cũng có thể gọi những con đom đóm là những tù nhân đêm phát quang.
Khi bóng đêm trở về với tinh cầu thơ mộng và êm ả này, tôi và đám trẻ, trai có gái có, tụm năm tụm ba bắt đầu cuộc chơi. Bắt đầu cuộc săn lùng đom đóm. Chúng tôi cùng vỗ tay hát theo nhịp như những đám trẻ da đen ở Harlem hát nhạc rap bây giờ. Bài hát nó như thế này:
Đom đóm bay qua nóc nhà
Thầy tưởng là ma thầy ù thầy chạy
Ba thằng ba gậy đi đón thầy về
Bắt con lợn xề cho thầy chọc tiết
Bất con cá diếc cho thầy moi gan
Bắt con tôm càng cho thầy bóc vỏ…
Khi bị săn đuổi, đom đóm luôn luôn tiết ra một chất mầu nâu có mùi hôi. Đây là một loại độc tố để chống lại kẻ thù. Bắt được đom đóm, đứa thì đựng trong vỏ trứng, đứa thì đựng trong chai lọ thủy tinh, đứa thì đựng trong quả bóng hình vuông gấp bằng giấy học trò. Tôi thì luôn luôn đựng trong vỏ trứng và thường để cái “đèn huỳnh” có ánh sáng lân tinh đó trong màn để ngắm trong đêm trước khi vào giấc ngủ của tuổi thơ như một “Hoàng tử bé.” Trong một truyện cổ tích bà ngoại tôi kể thì “có cậu học trò nhà nghèo học bằng đèn đom đóm mà sau cũng đỗ đạt làm quan võng anh đi trước võng nàng theo sau.”
Hồi học trung học, tôi tình cờ đọc được một bài viết về côn trùng học thì tác giả gọi cái ánh sáng xanh lân tinh đó là Love lamp -chiếc đèn lồng tình ái- và mới đây khi viết bài này, tôi có ra thư viện Westminster và được cô quản thủ thư viện tìm cho hai cuốn sách nói về đom đóm của hai tác giả Joanne Ryder và Sally M. Walker.
Trong cuốn Fireflies tác giả Walker giải thích về chiếc lồng đèn tình ái đó như sau: Trong bóng đêm, những con đom đóm đực thường bay ở trên chập chờn như ma trơi. Trong lúc đó thì những con đom đóm cái đậu trên lá cây ngọn cỏ chờ đom đóm đực. Đom đóm cái phải quan sát rất kỹ xem con đom đóm đực có phải cùng loại không (có khoảng 2000 loại đom đóm khác nhau). Nếu thấy là cùng loại, thì đom đóm cái sẽ nháy đèn tình ái, làm hiệu cho đom đóm đực biết để bay xuống làm tình! Điều thú vị là đom đóm cái có thể bắt chước điệu nhấp nháy của những đom đóm cái không cùng loại. Khi đom đóm đực không cùng loại xà xuống tưởng sẽ được làm tình, sẽ bị đom đóm cái ăn tươi nuốt sống. Thế là đom đóm đực đã bị giống cái lừa một cách thảm thương. Đây có thể gọi là một thứ quyến rũ chết người như một phim có tên Fatal Attraction!
Đom đóm không nhấp nháy suốt đêm thâu mà chỉ ra hiệu cho nhau trung bình khoảng 20 phút mà thôi. Cũng có loại lập lòe vài giờ đồng hồ. Cái thứ ánh sáng sinh học lạnh ở đuôi con đom đóm được cấu tạo bởi bốn chất hóa học pha trộn với nhau: oxygen, ATP- chất này có trong hầu hết các sinh vật, luciferin và luciferase. Nên biết quỷ Satan còn có tên là Lucifer.
Ở một vài nước Nam Mỹ đàn bà con gái còn bắt đom đóm cài lên tóc trước khi đi dự khiêu vũ đêm. Chi tiết này tôi đọc được trong một cuốn sách viết về lịch sử thời trang.
Bây giờ thì những khoảng không gian xanh của Thượng Đế càng ngày càng co cụm bởi con người đã phá đồng phá rừng xây xa lộ, xây nhà cao tầng, xây thành phố. Còn đâu đất đai cây cỏ để tìm đom đóm. Hơn nữa phụ nữ bây giờ đã có kim cương của De Beers thay cho đom đóm rồi. Chúng ta cũng có thể đi Las Vegas để ngắm những con đom đóm điện của Edison lung linh trên đường phố lập lòe, trong sòng bài, hoặc trên những cây thông giáng sinh trong Đêm Thánh Vô Cùng. Lãng mạn hơn thì trong đôi mắt của người tình cũng có thứ ánh sáng huyền ảo này.
Để kết thúc bài viết, tôi trích đoạn văn khá đẹp viết về đom đóm của Trương Diệp, một nhà văn nữ Trung Hoa:
“Đom đóm bay đến, nhẹ nhàng duyên dáng, linh hoạt vui vẻ, tôi thích đom đóm như thích một cây cỏ nhỏ bé tự do biểu đạt mình trong thế giới vô cùng. Không nhỏ bé, khi mà một sinh linh bé nhỏ dám tự đốt cháy mình đi xuyên qua đêm tối; không hèn hạ, chỉ cần có ánh sáng, bất kể là ánh sáng của mặt trời, ánh sáng của mặt trăng, ánh sáng của châu ngọc hay là ánh sáng của đom đóm, tất cả đều là như nhau trong sự hiến dâng.”
Có người không cho như vậy là phải: “con vật nhỏ bé này do sợ lạnh nên mới dùng ánh lửa của mình để sưởi ấm, chỉ một trận gió cũng để vùi nó vào trong đám cỏ rêu.”
Vì thế, tôi nghĩ đến cô gái nhỏ bé trong truyện Anderson… Nếu như không yêu cuộc sống, liệu cô gái đó có đốt lửa sưởi ấm trong đêm băng tuyết cực kỳ rét buốt hay không? Khi ngọn lửa nhỏ yếu nói lên sự gian nan của sinh tồn, thể hiện sự nhiệt tình của sinh mệnh, bạn có thể nói được rằng nó không đẹp sao? Không làm rung động lòng người sao?