LÝ THÀNH PHƯƠNG
Tôi làm việc văn phòng nhiều năm. Vì ngồi nhiều quá, nên khi về già, mỗi lần ngồi xuống là đốt xương cuối cùng thốn một cái. Tôi phải mua một miếng gối hình donut để khi ngồi xuống đỡ bị đau.
Tôi đi bác sĩ Tây y, thì họ đưa qua chụp X-ray thấy không có gì. Họ lại đưa qua Physical Therapy xoa bóp, chạy điện, và tập các thao tác này nọ gọi là vật lý trị liệu, nhưng qua nhiều tháng chẳng thấy suy giảm gì hết.
Có người giới thiệu ông thầy bấm huyệt mà họ đã thử qua và nghen ngợi là giỏi. Tôi liền lấy hẹn. Ông thầy bấm huyệt cho tôi từ đầu đến chân, mỗi tuần hai ba lần, tổng cộng khoảng bảy lần, thì tôi khỏi hẳn. Từ đó đến nay đã hai năm rồi không thấy bị trở lại.
Theo ông thầy giải thích thì vì tôi ngồi nhiều quá mà không vận động thể dục vùng bàn tọa, cho nên máu bị động, không lưu thông đến để nuôi xương cùng, lâu ngày thì trở nên đau nhức. Ông ấy dùng thủ thuật bấm huyệt kích thích máu lưu thông đến vùng bị đau. Khi máu lưu thông đủ thì tự nhiên sẽ khỏi.
Một số bệnh có thể chữa bằng liệu pháp bấm huyệt
Kinh nghiệm này khiến tôi muốn tìm hiểu thêm về liệu pháp bấm huyệt. Bài viết này tóm lược những gì tôi gạn lọc được sau một thời gian tìm hiểu từ nhiều nguồn khác nhau.
Bấm huyệt là một kỹ thuật trong y học cổ truyền thường kết hợp với châm cứu hoặc ngải cứu . Phương pháp này dựa trên quan niệm rằng cơ thể có dòng năng lượng sống (khí) lưu thông qua các “kinh mạch.”
Người ta tin rằng khi kinh mạch bị tắc nghẽn, sức khỏe sẽ bị ảnh hưởng. Bấm huyệt sử dụng áp lực lên các điểm cụ thể trên cơ thể, gọi là huyệt đạo, để giúp khơi thông dòng chảy năng lượng. Áp lực này có thể thực hiện bằng ngón tay, móng tay, bàn tay, khuỷu tay, hoặc dụng cụ chuyên dụng.
Bấm huyệt thường có tác dụng tốt và chữa lành một số bệnh như:
§ Giảm đau.
§ Cảm lạnh.
§ Nhức đầu kinh niên.
§ Mất ngủ.
§ Đau bao tử và hệ tiêu hóa.
§ Táo bón.
§ Kinh nguyệt rối loạn.
§ Phục hồi sau khi bị tai biến mạch máu.
§ Giảm căng thẳng và cải thiện tâm trạng.
Những khái niệm chính trong Đông y
Liệu pháp bấm huyệt là một phần nhỏ của Đông y, một khoa học về chữa bệnh từ ngàn xưa đã phát triển ở phương Đông , cụ thể là ở những khu vực có nền văn minh rực rỡ như Trung Hoa và Ấn Độ, mà chúng ta thường gọi là Đông y.
Trong Đông y, hai khái niệm về “khí” và “huyết” được xem như nền tảng để hiểu biết và chữa các loại bệnh tật.
Khí trong Đông y, hiểu một cách đơn giản, là động lực giúp cho máu huyết lưu thông khắp châu thân. Khí bao gồm nguyên khí là do sự hiện hữu nguyên thủy từ di truyền của loài người do mẹ sinh ra đã có sẵn trong con người. Kết hợp với dinh khí từ thức ăn sinh ra, và tông khí chính là oxy do sự hít thở từ khí trời. Sự kết hợp này tạo nên một lực vô hình chuyên chở huyết đi khắp châu thân để nuôi dưỡng và bảo vệ thân thể cho con người.
Huyết hay máu cũng có người gọi là máu huyết, là một dịch thể màu hồng, nói ra thì ai cũng biết nó là gì và nó trông như thế nào. Tuy nhiên, phải có học qua thì mới biết vai trò của nó đối với cơ thể con người. Theo Đông y, huyết là dạng vật chất quan trọng có vai trò duy trì các hoạt động sống bên trong cơ thể. Huyết do khí thúc đẩy chảy đi khắp châu thân, mang chất dinh dưỡng đi nuôi da, thịt, xương, lông, lục phủ, phủ tạng.
Sở dĩ các giác quan có thể vận hành mắt thấy, tai nghe, mũi ngửi, miệng nhai, chân tay cử động, da dẻ mịn màng … là nhờ vào sự tuần hoàn của huyết. Nhưng huyết sở dĩ có thể vận chuyển không ngừng là nhờ vào sự thúc đẩy của khí.
Nếu vì lý do nào đó khiến cho sự tuần hoàn của huyết dịch gặp trở ngại khiến cho da không được nuôi dưỡng thì sẽ màu sắc nhợt nhạt, chân tay không được nuôi dưỡng thì tê dại, lạnh, lâu dài không chỉ hạn chế vận động mà còn có thể khiến bại liệt.
Thời đại của chúng ta quen thuộc với Tây y hơn. Tây y có khái niệm tương tự với khí huyết như sau:
Thức ăn được miệng nhai kỹ và đồng thời được hòa tan với nước bọt có chất acid nhẹ và enzyme hỗ trợ cho việc tiêu hóa. Thức ăn đã nhai, sau đó xuống dạ dày, ở đây một lần nữa được hòa tan với dịch vị có chất acid mạnh hơn để làm mềm thức ăn và được nhồi bóp bởi các cơ bao tử. Cuối cùng, những thành phần dinh dưỡng nằm trong phần chất lỏng chảy qua ruột non, thành phần cặn bã dạng sệt được đẩy ra ruột già và đưa ra ngoài qua cửa hậu môn.
Thành phần chất lỏng, chứa chất dinh dưỡng lại được hòa tan với một số dịch tiêu hóa khác tiết ra từ tuyến tụy, gan, và túi mật. Hỗn hợp này sẽ thấm qua thành ruột non và vào máu, chảy đi khắp cơ thể để nuôi những tế bào, mô, và các cơ quan cấu tạo nên con người. Tây y gọi hoạt động này là quá trình của bộ máy tiêu hóa. Khái niệm này xem như tương tự với hoạt động của huyết trong Đông y, nhưng được diễn tả một cách khoa học hơn.
Trong khi đó, trái tim con người bẩm sinh ra đã bắt đầu đập, và nếu không bị tai nạn xảy ra, thì tim tiếp tục đập liên tục cho đến khi bộ máy con người ngừng hoạt động. Hoạt động tim đập thúc đẩy các ống dẫn máu đã dùng rồi gọi là máu đen chứa nhiều thán khí trở về lại trái tim qua hệ thống tĩnh mạch, và trái tim nhận oxy từ phổi kết hợp với chất dinh dưỡng từ ruột non thành máu đỏ bơm đi qua hệ thống động mạch lớn, trung nhỏ, mao mạch đi khắp nơi để nuôi sống toàn bộ cơ thể con người. Hoạt động này tương tự như khái niệm khí của Đông y. Tây y gọi đây là hệ thống tuần hoàn.
Kinh lạc
Theo Đông y, khí huyết vận hành trong cơ thể theo hệ thống kinh lạc, Đường chính của nó gọi là kinh hay kinh mạch, nhánh của nó gọi là lạc hay lạc mạch, kinh với lạc liên kết xen kẽ ngang dọc, liên thông trên dưới trong ngoài, là cái lưới liên lạc toàn thân.
Trong kinh mạch gồm chính kinh và kỳ kinh, chính kinh có 12 sợi, tả hữu đối xứng. Kỳ kinh có 8 sợi, tức đốc mạch, nhâm mạch, xung mạch, đới mạch, âm duy mạch, dương duy mạch, âm kiểu mạch, dương kiểu mạch.
Mười hai đường kinh chính có quan hệ trực tiếp với các tạng phủ bên trong, còn kỳ kinh là khoảng giao nhau của tất cả 12 kinh chính trên, thông qua 12 kinh chính và phát sinh thêm quan hệ gián tiếp với tạng phủ, là kinh mạch ngoài chính kinh. Vì tám đường kinh này khác với 12 kinh mạch nên gọi là kỳ kinh.
Thông thường, các chuyên gia châm cứu và bấm huyệt thường chú ý đến mười hai kinh mạch của chính kinh và thêm vào hai mạch chính của kỳ kinh là nhâm đốc gọi chung mười bốn kinh mạch chính.
Hiện nay chưa có bằng chứng khoa học về sự tồn tại của kinh lạc.

Ngũ tạng lục phủ

Rất tương tự với các bộ máy tuần hoàn, tiêu hóa, bài tiết… của Tây y, theo Đông y, ngũ tạng lục phủ là nhóm các cơ quan trong cơ thể, hoạt động thống nhất với nhau tạo thành một thể hoàn chỉnh giúp nuôi dưỡng cơ thể lớn lên, giúp cơ thể khỏe mạnh, và phòng tránh bệnh tật. Dựa vào chức năng của từng cơ quan để phân chúng thành lục phủ, ngũ tạng. Trong đó, nhóm Tạng gồm những cơ quan có chức năng chứa đựng, co bóp và chuyển hóa; nhóm Phủ gồm những cơ quan có chức năng thu nạp và vận chuyển dinh dưỡng. Các cơ quan trong lục phủ ngũ tạng được phân chia cụ thể như sau:
- Ngũ tạng: Bao gồm 5 cơ quan là tâm (tim), tỳ (lách), phế (phổi), can (gan), thận (cật) có chức năng mang huyết, tân, dịch, thần, khí nên đóng vai trò quan trọng đối với cơ thể. Các cơ quan này gắn kết với nhau và hoạt động theo một chu trình nhất định.
- Lục phủ: Bao gồm 6 cơ quan là đởm (mật), tiểu trường (ruột non), vị (dạ dày), đại trường (ruột già), tam tiêu (thượng tiêu, trung tiêu, hạ tiêu), bàng quang (bọng đái). Các cơ quan này có chức năng tiếp nhận thức ăn, nước… đã được chuyển hóa bởi các tạng đi nuôi dưỡng cơ thể. Ngoài ra lục phủ còn có chức năng bài tiết chất độc ra khỏi cơ thể nên phòng ngừa bệnh hiệu quả.

Huyệt đạo
Huyệt là nơi (điểm) khí hoạt động vào ra, phân bố khắp phần ngoài của cơ thể, dọc theo hệ thống kinh mạch. Huyệt có quan hệ mật thiết với đường kinh mạch và tạng phủ mà nó phụ thuộc.
Theo tổ chức Y tế thế giới WHO công bố trong Báo cáo Danh mục châm cứu bấm huyệt Tiêu chuẩn quốc tế năm 1991, có tất cả 361 huyệt đạo truyền thống trên cơ thể người. Trong đó có 108 huyệt chính gọi là đại huyệt. Các huyệt này nằm trên 12 đường chính kinh và 8 đường kỳ kinh.
Những yếu tố bên ngoài như thời tiết nóng lạnh, tai nạn, ăn uống không đúng cách, thiếu vận động, vi trùng xâm nhập làm tắc nghẽn sự vận hành của khí huyết gây ra nhiều vấn đề khác nhau cho sức khỏe. Theo Đông y, sự xoa bóp ở các huyệt đạo liên quan có công dụng đả thông sự tắc nghẽn và vì vậy chữa được các bệnh này.
Theo tài liệu y học cổ truyền của Trung Quốc, trong quyển Hoàng Đế nội kinh ra đời vào thời nhà Chu, cách đây hơn mấy ngàn năm, phần Linh khu đã đề cập chi tiết đến thủ pháp châm cứu và bấm huyệt để trị bệnh.
Trong thời kỳ cận đại, việc khám phá ra vi trùng và thuốc trụ sinh trong Tây y có tính chất đột phá. Tây y với phát minh ra kính hiển vi và các nghiên cứu về cơ thể học một cách khoa học nắm vai trò thống trị trong y học ngày nay. Y học cổ truyền của phương Đông chỉ còn tính cách truyền thống.
Tuy nhiên, trong nhiều chứng bệnh không liên quan đến vi trùng như trật tay trật chân, đau đầu kinh niên, bao tử, mất ngủ, chữa bệnh theo Tây y thường không hiệu quả. Nhiều bệnh nhân trong các ca này, trở về với y học cổ truyền lại được các thầy châm cứu bấm huyệt chữa khỏi một cách lạ lùng. Câu hỏi đặt ra là khoa châm cứu và bấm huyệt có thật sự diệu kỳ và chữa được bách bệnh hay không?
Mặc dù lý thuyết Đông y có tính cách thuần lý, không giống như Tây y, mọi kết luận đều được kiểm nghiệm nhiều lần trong phòng thí nghiệm trước khi được áp dụng chữa bệnh cho con người. Tuy nhiên, trong quá trình tiến hóa, lịch sử chứng minh Đông y đã đóng một vai trò chữa trị của mình trong xã hội phương Đông. Do đó có thể nói, nếu các chuyên gia châm cứu và bấm huyệt hiểu rõ sự vận hành của khí huyết, vai trò của các huyệt đạo đối với sự ảnh hưởng của các thành phần trong cơ thể, thì họ có thể chữa hay ít nhất hạn chế triệu chứng của các bệnh liên quan.
Phương pháp bấm huyệt và châm cứu là những phương pháp quen thuộc trong Y học cổ truyền. Cả hai phương pháp này đều kích thích vào các vị trí huyệt đạo trên cơ thể để chữa bệnh và đem lại hiệu quả cao.
Kết luận
Thực tế chứng minh khoa bấm huyệt đã giúp chữa lành hoặc giảm triệu chứng của nhiều loại bệnh tật khác nhau. Tuy nhiên, nhìn chung thì các liệu pháp này không thể thay thế hệ thống Tây y được. Cho nên chúng ta có thể xem bấm huyệt như một công cụ hỗ trợ những mảng khiếm khuyết trong Tây y làm cho phương tiện chữa bệnh trong cuộc sống càng phong phú hơn.
Similar article: https://www.toiyeutiengnuoctoi.com/dau-bap-okra-trong-nhan-quan-y-khoa/