Những người muôn năm cũ Hồn ở đâu bây giờ

by Tim Bui
Những người muôn năm cũ

PHẠM HIỀN MÂY

Tết!

Không biết các bạn thì sao, chớ tôi, không vui cũng chẳng buồn, chỉ có cảm giác thảnh thơi, hôm nay, ba mươi mốt, mơi, mùng một, được nghỉ, không phải đi làm. 

Trưa, cái nắng dường như đã pha màu Tết. Cái màu Tết ấy mà, chỉ cảm thôi chớ khó tả lắm. Kiểu như là nó hanh, nhưng hanh rất Tết, hanh không làm khó người ra đường. Hanh cái kiểu làm rực vàng màu hoa cúc, hoa thọ, mai vàng, tà áo Xuân. Hanh màu chùa, màu của thanh vắng mà êm đềm, nhẹ nhàng mà yên tĩnh. Tóm lại, cái nắng mùa Xuân của Sài Gòn ấy mà, nó lạ lùng lắm, hiền hòa mà rực rỡ, yên vui, thanh bình và no ấm.

À, cái khoản no ấm thì tôi không chắc lắm. Mấy năm rồi, kể từ hai ngàn không trăm mười chín, dịch bệnh, đời sống hắt hiu, tiêu điều. Kinh tế như con rùa, lê bước chậm. Nhưng vẫn an ủi nhau, dịch bệnh mà, ở đâu chẳng thế, vận mệnh chung của cả trái đất, không riêng ai. Các nhà kinh tế học, thế giới học của hẻm cây me, đường bà mít, thì lên diễn đàn lối xóm, thậm chí ào lên cả trên mạng, mỗi diễn giả là một vương quốc bất khả xâm phạm, nổ hơn pháo Bình Đà, rằng thì là, sang năm hai ngàn không trăm hai mươi, hết dịch bệnh, sẽ trở lại bình thường.  Dè đâu, hai mươi mốt qua, hai mươi hai cũng qua, vẫn ạch đụi.

Rồi phấn khởi, rồi hồ hởi, hy vọng năm hai mươi ba, bà con ơi. Cũng không suôn. Ngân hàng và bất động sản sụm bà chè. Sàn này, thềm kia ôm mặt khóc rưng rức. Tiền trong dân để dành lấy ra xài, cạn. Thuế tăng. Vật giá leo thang chóng mặt. Leo bất chấp.

Chỉ lương là nằm yên.

Và các doanh nghiệp lớn nhỏ rụng hàng loạt. Còn thì giảm nhân viên, mà hơi thở xem chừng, đà thoi thóp lắm.

Thế nên, nói không buồn không vui là vậy đó. Ừa, mà cũng có chút chút ngậm ngùi, thêm một tuổi nữa rồi. Già! 

Cái già xồng xộc nó thì theo sau!

Trong cái nỗi ngậm ngùi len lén ấy, bỗng bật ra trong đầu, ngay lúc này đây, ngay cái thời khắc giao chuyển, thì, những người muôn năm cũ / hồn ở đâu bây giờ?

Hai câu đó là hay câu thơ tuyệt hay của Vũ Đình Liên.

Đa phần những người làm thơ đều xuất thân từ nghề dạy học. Vũ Đình Liên cũng vậy, ông vừa làm thơ, vừa dạy học, nghiên cứu, viết lý luận phê bình và dịch thuật. Ông là một trong những người đầu tiên theo phong trào ‘thơ mới’. 

Bài thơ ra đời năm một ngàn chín trăm ba mươi sáu. Tính đến hôm nay, “cụ bài thơ” ấy đã gần tròn tám mươi tám tuổi. Và tác giả thì cũng qua đời được hai mươi tám năm rồi. 

Ông Đồ

Mỗi năm hoa đào nở
Lại thấy ông đồ già
Bày mực tàu, giấy đỏ
Bên phố đông người qua
Bao nhiêu người thuê viết
Tấm tắc ngợi khen tài:
“Hoa tay thảo những nét
Như phượng múa, rồng bay”
Nhưng mỗi năm mỗi vắng
Người thuê viết nay đâu?
Giấy đỏ buồn không thắm
Mực đọng trong nghiên sầu
Ông đồ vẫn ngồi đấy
Qua đường không ai hay
Lá vàng rơi trên giấy
Ngoài trời mưa bụi bay
Năm nay đào lại nở
Không thấy ông đồ xưa
Những người muôn năm cũ
Hồn ở đâu bây giờ?

Bài thơ Ông Đồ sẽ chỉ là một bài thơ bình thường, nếu như không có hai câu cuối cùng: Những người muôn năm cũ / Hồn ở đâu bây giờ?

Chính hai câu này đã làm nên một lịch sử hiếm có cho tác giả. Nghĩa là, chỉ cần một bài thơ thôi, chỉ cần duy nhất một bài thơ Ông Đồ thôi, Vũ Đình Liên đã được góp mặt vào danh sách các nhà thơ trong phong trào ‘thơ mới’.

Thuộc cả bài thơ, thì không mấy người nhưng thuộc hai câu thơ này, thì ở thế hệ tôi, và trước nữa, thì nhiều lắm lắm. 

Ngoài Bắc, mùa Xuân, hoa đào nở. Ông Vũ Đình Liên, ổng người Bắc mà, nên ổng tả: Mỗi năm hoa đào nở / Lại thấy ông đồ già / Bày mực tàu, giấy đỏ / Bên phố đông người qua / Bao nhiêu người thuê viết / Tấm tắc ngợi khen tài: / “Hoa tay thảo những nét / Như phượng múa, rồng bay.”

Là ổng tả cái thời của ổng. Ổng sinh năm một ngàn chín trăm mười ba, đầu thế kỷ hai mươi, lúc ấy, người ta còn chuộng chữ Nho, học chữ Nho, viết chữ Nho. Nên mới có cái chuyện ông đồ già – là già chớ không phải trẻ, đồ trẻ chắc không chịu ra ngoài đường ngồi như vậy đâu – bày mực tàu, giấy đỏ, bên phố đông người qua, để chờ người thuê viết, hoặc câu đối, hoặc hoành phi, liễn thờ.

Còn trong Nam, những năm đầu thế kỷ hai mươi, Sài Gòn mùa Xuân có xuất hiện ông đồ không, thì thiệt là tôi không biết. Nhưng thế kỷ hai mươi mốt này, năm hai ngàn không trăm hai mươi bốn, hứa chắc luôn, khoảng hai mươi ba Tết, đưa ông táo về trời, ông đồ Sài Gòn tíu ta tíu tít tập trung trên đường Phạm Ngọc Thạch đông lắm.

Viết chữ Nho thì không, giờ còn ai biết chữ Nho mà viết, toàn viết chữ quốc ngữ theo lối thư pháp không hà. Chữ Nho, chữ Hán viết thư pháp còn đẹp. Chữ quốc ngữ, viết thư pháp, chẳng biết các thầy tốt nghiệp ở đâu, mỗi thầy mỗi phách, chữ viết xong hệt bầy giun vỡ tổ, bò lổm ngổm. 

Còn đọc ấy à, ngoẹo cổ bên này, ngoẹo cổ bên kia, tờ giấy xoay đủ bốn phương tám hướng, đọc mãi cũng chẳng hiểu thầy viết chữ gì. Các thầy, phần đông là sinh viên, ba ngày Xuân, kiếm thêm tiền. Họ đến tiệm cho thuê đồ cưới, mướn bộ đồ, cái khăn đống, ra ngồi quẹt quẹt, chủ yếu là để cho dân đi chụp hình Xuân thuê chỗ, hoặc thuê ông đồ chụp cùng, rồi trả tiền, thế thôi.

Đồ này thì chỉ toàn đồ trẻ!

Rồi ông Vũ Đình Liên ổng cám cảnh, ổng than, là than giùm cho ông đồ đó: Nhưng mỗi năm mỗi vắng / Người thuê viết nay đâu? / Giấy đỏ buồn không thắm / Mực đọng trong nghiên sầu.

Thì phải rồi. Người ta dần chuyển sang chữ quốc ngữ. Học quốc ngữ. Viết quốc ngữ. Cái gì không dùng nữa, thì mai một chớ sao. Thời thế nào mà chẳng vậy. Cứ giữ cái cũ hoài thì làm sao mà tiến bộ. Hoặc là, phải thay đổi cùng nó. Hoặc là, phải chấp nhận lui về phía sau: Ông đồ vẫn ngồi đấy / Qua đường không ai hay / Lá vàng rơi trên giấy / Ngoài trời mưa bụi bay.

Chưa kể là năm một ngàn chín trăm ba mươi sáu, tình hình kinh tế của nước mình rất khó khăn, công nhân thì thất nghiệp, nông dân thì không đủ ruộng cày, thuế khóa nặng nề, sinh hoạt đắt đỏ, đời sống xuống đáy cùng cực.

Thế mà tôi đọc ở trên mạng, mấy cái giáo án mẫu của nhóm hoa tiêu, hoa ớt gì đó, soạn sẵn cho giáo viên dạy bài, toàn là nói gì đâu không hà. Nào là, bài chia làm ba phần, phần đầu là thời hoàng kim của ông đồ (chèn ơi, thời hoàng kim, xài chữ cứ như đang nói về kép hát, đào hát vậy), phần kế là thời tàn của ông đồ (mẹ ôi), cuối cùng là tâm tư của tác giả.

Tác giả thì còn trẻ. Ông đồ thì đã già. Gặp chừng năm, bảy Xuân là nhiều rồi. Người già mà, đèn treo trước gió. Hôm nay mạnh, mai yếu, vẫn thường.

Khoan nói là ông đồ qua đời. Chỉ cần nghĩ đến một tuổi nào đó, dù có gắng mấy, thì cũng khó cất bước ra đường mần ăn được. Tay yếu, nhấc lên không nổi, chân yếu, đi vài bước là đau, thì phải đành ở nhà thôi: Năm nay đào lại nở / Không thấy ông đồ xưa / Những người muôn năm cũ / Hồn ở đâu bây giờ?
Nhưng nói gì thì nói, bài thơ Ông Đồ của Vũ Đình Liên là một bài thơ hay, như tôi có nói ở mở đầu, khi bài thơ có hai câu kết quá tuyệt:
Những người muôn năm cũ 
Hồn ở đâu bây giờ?

Trong cái không khí hương Xuân đưa ngào ngạt, thì lòng bùi ngùi tưởng nhớ đến người xưa, vẫn lẽ thường.

Không chỉ Vũ Đình Liên nhớ ông đồ. Mỗi năm Tết đến, lúc đất trời giao hòa, giữa năm cũ và mới, tôi cũng hay bâng khuâng nhớ về những người thân, những bạn bè, hoặc theo quy luật sinh lão bệnh tử, hoặc đột ngột, qua đời. Nhớ về họ. Nhớ về những kỷ niệm đã cùng với họ, và, cũng tự hỏi, họ: hồn ở đâu bây giờ?

Trong các bài phân tích bài thơ Ông Đồ mà tôi có đọc lướt qua ở trên mạng, phần lớn cứ theo một khuôn mẫu, kiểu như là, trách người đời sau, không biết trân trọng, kính trọng những phong tục tập quán, giá trị cũ, truyền thống cũ, mà đại diện là ông đồ và nền Nho học, để những giá trị ấy bị quên lãng bởi sự xâm chiếm của thực dân Pháp, của phong trào Âu hóa. Rồi bày tỏ lòng thương cảm, rồi tội nghiệp, rồi xót xa cho ông đồ bị quên lãng nên lạc lõng, chơ vơ, rồi nâng ông đồ lên thành hồn cốt dân tộc, từ cha ông ngàn xưa để lại, rồi còn đóng ngoặc kép, ông đồ là di tích đáng thương của thời tàn, vân vân và mây mây.

Thiệt tình.

Tôi khác. Tôi nghĩ thế này, xin nhắc lại, là chỉ tôi nghĩ thôi – người thầy ấy mà, không được phép để cho ai, cảm thấy hay đánh giá rằng, nghề giáo là một nghề tội nghiệp, đáng thương.

Một nhà giáo tự trọng là một nhà giáo không để ai, từ học trò, phụ huynh cho đến xã hội, chính phủ phải thương hại, tội nghiệp mình. Vì, khi ở vị thế đó, tất nhiên, sự tôn trọng của mọi người dành cho thầy dạy học, dù muốn dù không, cũng sa sút, cũng sụt giảm theo.

Ở trong khuôn khổ bài viết nhỏ này, tôi sẽ không bàn đến những cái quá lớn của ngành giáo dục, bởi tầm mức, bởi khả năng của tôi, tôi tự biết, mình còn nhiều giới hạn. 

Nhưng, cách đây ba mươi năm, thuở tôi chân ướt chân ráo vào nghề, thì đời sống người dạy học cũng đã khổ lắm rồi. Lương nhận ra, tiêu dè sẻn mấy thì cũng chừng một tuần là cạn. Còn ba tuần kia, bạn hỏi tôi, lấy gì mà sống hả?

Thì phải làm thêm, phải dạy thêm. Môn nào không dạy thêm được như địa, như sử, như thể dục, thì nhận kèm học trò tiểu học. Còn không nữa, thì kiếm cái gì đó mà buôn bán, mà phụ đỡ, miễn làm sao kiếm ra ngày hai bữa cơm, chớ trông chờ ai, chớ xin ai bây giờ?

Nhưng, tôi còn nhớ như in, tụi tôi, thầy cô giáo dạy học thời ấy, lúc nào cũng tươm tất. Bụng có thể đói. Áo quần có thể chỉ hai ba bộ. Đến trường có thể bằng xe bus. Nhưng chúng tôi, lúc nào, đầu cũng thẳng, mắt cũng ngay, và dạy học trò, thì không tiếc sức của mình.

Cũng có bạn, uể oải, mệt mỏi, dạy cho có dạy, nhưng cũng may, các thầy như thế không nhiều. Thì, ngành nào cũng vậy thôi, cũng có người thế này thế nọ, chớ tăm tắp đều nhau, thì thành các rô-bốt, người máy, hết cả rồi.

Nên, thời ấy, có ca cẩm thì cũng chỉ ca cẩm cái mức lương vừa đủ cho thầy cô húp cháo. Có ca cẩm, thì cũng chỉ ca cẩm, chương trình nặng quá, bác học quá, đâu phải trò nào cũng vào được đại học đâu mà ôm đồm dữ vậy, chẳng thực tế chút nào. Có ca cẩm thì cũng chỉ ca cẩm, thời gian làm việc của thầy cô, bị bóc lột quá, trước sau gì cũng ho lao mà chết. Thì đồng nghiệp tôi, gần như ai cũng bị viêm họng mạn tính, tức ngực, thậm chí, có vấn đề về phổi.

Chớ còn học trò, chúng nó rất ngoan. Cả vùng ven lẫn trung tâm thành phố, nhác gặp thầy cô từ xa, là chúng đã khoanh tay, cúi chào. Có bướng bỉnh, có ra vẻ, không khoanh tay, thì cũng gật đầu, khi chúng tôi, là thầy cô của chúng, lướt qua.

Cái tôn trọng ấy, theo tôi, theo cá nhân tôi, một phần lớn, là do – thầy ra thầy!

Còn nói đến việc quên lãng với không quên lãng, sao nghe xa xỉ quá. Những học trò tụi tôi dạy trước giờ, được mấy em còn nhớ đến chúng tôi đâu?

Nó nhớ, là nhớ lúc mình còn đương dạy thôi. Dĩ nhiên rồi. Chớ khi mình không còn đi dạy nữa, bắt chúng nó phải nhớ, là nhớ làm sao?

Trách để làm gì? Trách để được gì? Ngay tôi đây cũng vậy thôi. Nhớ thì để trong lòng, chớ tôi cũng năm thì mười họa mới ghé qua thăm được một chút, cô giáo mà tôi yêu thương nhứt, xem như người mẹ thứ hai.

Bao nhiêu là việc trong một ngày. Thời đại càng tiến bộ, con người ta càng bận rộn. Ngoài những bận rộn căn bản như ăn, ngủ, vệ sinh, làm việc, thể dục, thì ngay cả những giây phút ngơi nghỉ, người ta cũng vẫn rất là bận rộn. Như tôi nè. Rảnh là rối tinh rối mù, chọn cái gì đây, nghe nhạc hay đọc sách, xem phim hay ngồi gõ gõ, làm thơ hoặc viết một cái gì đó đăng lên facebook chơi? Làm gì bây giờ ta?

Và từ hai đến ba tiếng, dành ra để cho mình nghỉ ngơi ấy, lại chính là thời gian vô cùng bận rộn. Ráng xem cho xong một tập phim. Đọc cho xong một chương sách. Viết cho xong một bài thơ.

Chiếc cầu nhân gian, ai nấy đều phải qua, không thoát được. Mình trách người trẻ thì có khác gì ngày xưa, ông bà cha mẹ mình, trách bọn mình đâu.

Xoay vần. Lần lượt. Có kêu ca gì thì trái đất vẫn cứ xoay. Thời gian vẫn cứ qua. Chúng ta rồi sẽ già.

Bỏ qua. Xếp lại. Dọn lại tâm tư như người ta dọn nhà cửa. Cho sạch. Cho gọn. Cho nhẹ nhàng. Cho thanh thản.

Tôi bước ra ngoài cửa. Bữa nay, không biết có về quê nhiều không, mà đường hẻm, mà không gian, coi bộ im ắng quá chừng. Rồi ngước lên trời, trời đêm nay trong vắt, hai câu thơ, cứ đến mỗi cuối năm là nhớ, là quay về:

Những người muôn năm cũ
Hồn ở đâu bây giờ?

Sài Gòn, ngày cuối cùng của năm Quý Mão

You may also like

Leave a Comment

Verified by MonsterInsights