DAVID LE
Hai tuần qua, thế giới đầy nhóc những sự kiện đáng chú ý.
Việt Nam thì đang bước vào thực hiện “kỷ nguyên mới” bằng cách thu gọn bộ máy cầm quyền vốn nặng nề và trùng lặp.
Ca sĩ họ Đàm đi thưa bạn thân của ông để “vòi tiền” tới 50 triệu Mỹ kim bị thiên hạ chửi tơi tả rồi cuối cùng rút đơn!
Chiến tranh Trung Đông giữa Liban và Israel quyết định “hưu chiến.”
Hàn quốc thì rối loạn vì tranh chấp quyền lực giữa các thế lực chính trị.
…
Song có lẽ chuyện hàng tỷ người quan tâm nhiều nhất là “cái chết tự chọn” ở tuổi 86 của nữ sĩ Quỳnh Dao ở Đài Loan cùng một thư tuyệt mạng. Bà từng dặn con cháu “Cái chết là việc riêng của gia đình, nên tốt nhất là không làm phiền đến những người xung quanh, nhất là giới hâm mộ.”
Bà là một nhà văn tiểu thuyết diễm tình nổi tiếng thế giới, có lẽ chỉ sau nhà văn kiếm hiệp Kim Dung.
Bà tên thật là Trần Triết, sinh năm 1938, ở Hồ Nam [nhiều trang tiểu sử của bà bằng tiếng Anh lại ghi là Chengdu tức Thành Đô, Tứ Xuyên], Trung Quốc. Năm chín tuổi, bà đã bắt đầu sáng tác, năm 16 tuổi bà cho ra mắt bộ tiểu thuyết đầu tay Vân ảnh. Đến năm 24 tuổi, bà có gần 100 tập truyện ngắn cùng hai bộ tiểu thuyết Tầm mộng viện và Hạnh vận thảo.
Nếu chọn Song ngoại (1963) là tác phẩm đầu tay thì đến nay bà đã sáng tác 56 bộ tiểu thuyết, trong đó có 38 tác phẩm được chuyển thể thành phim ảnh như Xóm vắng, Hải âu phi xứ, Đoạn cuối cuộc tình… là những tác phẩm của bà rất quen thuộc với bạn đọc Việt Nam.
Bà cũng rất thành công với vai trò nhà sản xuất với loạt phim Hoàn Châu Cách Cách, Tân dòng sông ly biệt, Không phải hoa chẳng phải sương…
Năm 1945 khi Quỳnh Dao lên bảy, cuộc chiến ở Trung Quốc bước vào giai đoạn khốc liệt nhất, bà theo cha mẹ từ Hồ Nam đến Tứ Xuyên lánh nạn, nương tựa ở nhà một người dì. Thời điểm đó, hai vợ chồng người dì mở một trường trung học dân lập tên là Lô Nam và Quỳnh Dao đã theo học tại đó, còn mẹ bà thì làm giáo viên. Cũng trong thời gian này, mẹ bà khám phá ra năng khiếu văn thơ của con gái và bà bắt đầu dạy Quỳnh Dao học thơ Đường. Đó là lần đầu tiên Quỳnh Dao tiếp xúc với văn học và cảm nhận được sức lôi cuốn của nó. Từ đó, bà bắt đầu đi sâu khám phá về lĩnh vực này. Năm 1949 Quỳnh Dao theo cha mẹ di cư tới Đài Loan.
Năm 16 tuổi, bà viết bộ tiểu thuyết đầu tay “Vân ảnh.” Năm 24 tuổi, viết gần 100 tập truyện ngắn, hai bộ tiểu thuyết “Tầm mộng viện” và “Hạnh vân thảo.” Năm 1963, tác phẩm Song ngoại được phát hành rộng rãi, đánh dấu bước khởi nghiệp của bà.
Đến nay bà đã sáng tác 56 bộ tiểu thuyết, trong đó 17 bộ dựng thành phim truyền hình và điện ảnh. Năm 1964, bà bắt đầu viết và xuất bản những cuốn tiểu thuyết tình cảm lãng mạn đầu tiên như Song ngoại và Thố Ty Hoa. Năm 1968, bà thành lập công ty Hỏa Ô, sản xuất hai bộ phim đầu tiên là Nguyệt Mãn Tây Lâu và Mạch Sanh Nhân (dựa theo tác phẩm Hạnh Vân Thảo). Năm 1976, bà thành lập công ty Cự Tinh. Đến năm 1986, bà sản xuất loạt phim truyền hình dựa theo tiểu thuyết Kỷ Độ Tịch Dương Hồng. Năm 1988, bà trở về thăm quê hương Trung Quốc đại lục sau gần 40 năm. Việc này đã tạo cảm hứng cho bà sáng tác và xuất bản Tuyết Kha, cuốn tiểu thuyết cổ trang đầu tiên của bà…
Văn tài của bà không cần bàn nhiều, song cuộc đời tình ái của bà cũng nổi tiếng ở xứ Đài. Bà có hai đời chồng. Năm 1959, bà lập gia đình với một nhà văn khi mới 21 tuổi và có một con trai. Sau khi bà trở nên nổi tiếng hơn chồng mình, cuộc hôn nhân của họ tan vỡ vào năm 1964. Năm 1979, bà kết hôn lần thứ hai với ông Bình Hâm Đào từng là tổng biên tập của tạp chí Hoàng Quán. Sau khi ông bị đột quỵ và mất gần như toàn bộ khả năng giao tiếp và qua đời vào ngày 23 tháng 5 năm 2019, thọ 92 tuổi.
Qua hai cuộc tình này, đặc biệt là cuộc tình với ông Bình Hâm Đào đầy sóng gió. Khi họ đến với nhau, ông Đào đã có ba con và chưa dứt tình với vợ cũ khiến bà mang tiếng là “tiểu tam.”
Với những sóng gió ấy, rất nhiều chi tiết về chiến tranh, về chuyện tình đã được bà chuyển tải trong tiểu thuyết của mình, đặc biệt là những chuyện tình buồn. Và tiểu thuyết của bà đã lôi cuốn không chỉ giới Hoa ngữ mà còn được dịch ra nhiều thứ tiếng từ cuối thập niên 1960, trong đó có Việt Nam.
Không chỉ tiểu thuyết, những bộ phim chuyển thể từ tiểu thuyết của bà cũng làm rụng rời bao nhiêu trái tim của giới trẻ Sài Gòn như Xóm Vắng, Hải âu phi xứ, Mùa thu lá bay…
Nói đến Quỳnh Dao, không thể không nhắc tới Liêu Quốc Nhĩ, người được phong là người dịch tiểu thuyết Quỳnh Dao hay nhất trong số các dịch giả người Việt. Qua tài dịch thuật của Liêu Quốc Nhĩ, tiểu thuyết của Quỳnh Dao được người Việt biết và yêu thích từ đầu thập niên 1970. Ông Liêu Quốc Nhĩ không chỉ chuyển ngữ mà còn biến tất cả nội dung các tiểu thuyết của Quỳnh Dao trở nên rất gần gũi và hấp dẫn với người đọc Việt Nam.
Cũng cần nói thêm chút về ông Liêu Quốc Nhĩ.
Liêu Quốc Nhĩ là tên thật, sanh năm 1945, người quận Thốt Nốt, Cần Thơ. Ông lên Sài Gòn học đại học rồi làm giảng viên Hóa học tại Đại học Khoa học Sài Gòn. Ông kết hôn với một cô gái bán hàng xén ở chợ An Đông quận 5. Hai vợ chồng sống và sanh 5 con ở ngay trong sạp hàng ngang 3m dài 4m ở hông trái chợ. Sau này, sạp hàng được cất lại một lầu và cả gia đình ông vẫn sống ở đây cho tới nay.
Ngoài việc dạy học, ông phụ giúp vợ bán hàng. Còn việc dịch Quỳnh Dao từ tiếng Hoa ra tiếng Việt là rất tình cờ.
Theo ông kể, ông được học tiếng Hán từ nhỏ nên đọc và viết được. Khoảng năm 1968, tình cờ ông đọc được chuyên san của trường ra số đặc biệt về Quỳnh Dao. Sẵn có cuốn sách của Quỳnh Dao trong tay ông dịch một truyện cho báo Văn. Sau đó, nhà xuất bản Võ Thuật nhờ ông dịch một truyện và cuốn Song Ngoại, ông dịch trọn vẹn. Và cuốn Song Ngoại được phát hành đầu tiên tại Việt Nam vào năm 1970 được đông đảo độc giả hưởng ứng đã tái bản sau một năm. Và từ đó, ông chuyên tâm dịch tiểu thuyết của Quỳnh Dao.
Với Liêu Quốc Nhĩ, dịch thuật chỉ là cách “kiếm thêm” để nuôi gia đình chớ không phải là “nghề nghiệp.” Và chuyện kiếm thêm này đã khiến ông nổi tiếng! Cũng ít ai biết rằng, tất cả dịch phẩm của ông đều được dịch trên lề đường bên hông trái chợ An Đông. Do ở trong một sạp hàng xén, muốn có chỗ ngồi để dịch sách, ông phải ra trước sạp bày ra một “bàn uống cà phê lề đường” nhỏ, thấp, mặc áo thun lót, quần tà lỏn cùng với cuốn sách gốc và một xấp giấy. Dù vậy, nhưng tâm hồn ông bay bổng theo nội dung truyện để rồi…
Năm 2020, ở tuổi U 80, ông vẫn còn khỏe mạnh, hồng hào, tiếng nói vẫn còn trong, vang. Ông cho biết, trái tim đã có vấn đề nên bác sĩ cấm ông uống bia! Lâu không gặp, không biết hiện nay ông ra sao?
Về phần bà Quỳnh Dao, theo báo chí Đài Loan ngày 6/12, bà sẽ được hỏa táng và ngày 9/12, được chôn cất tại Dương Minh Sơn, thuộc Đài Bắc.
Trần Trung Duy, con trai duy nhất của bà thay mặt gia đình cho biết:
“Người mẹ, người bà yêu quý nhất của chúng tôi và ‘dì Quỳnh Dao’ của mọi người đã nói lời từ biệt chúng ta vào ngày 4/12/2024. Như bà đã chia sẻ trên trang cá nhân, bà đã chờ đợi đến thời điểm tự mình đưa ra quyết định cho cuộc sống, tự do và bắt đầu hành trình khác.” Bà ra đi và để lại tình yêu thương cho con cháu, thân nhân cùng khối tài sản khổng lồ gồm các tác phẩm và khoảng 343 triệu Mỹ kim.
Tang lễ của bà theo di nguyện sẽ diễn ra đơn giản và không có lễ tưởng niệm công khai.
Tuy nhiên mộ phần của bà ở Dương Minh Sơn là một nơi có phong cảnh tuyệt đẹp.
Dương Minh Sơn bao gồm một vùng rộng lớn có tổng diện tích hơn 11.338 ha, với trên 20 ngọn núi lửa cao từ 200 đến 1120 m so với mực nước biển. Từ 1985, đây là nơi được coi là công viên quốc gia Dương Minh Sơn. Dân gian gọi nơi này là Núi Cỏ ( Thảo Sơn) do tập trung nhiều vùng đồi núi mọc đầy cỏ lau và là điểm du lịch thu hút rất đông du khách trong và ngoài nước.
Tóm lại dù nhiều ý kiến trái chiều về bà, nhưng bà đã sống một cuộc đời theo cách không phải ai cũng làm được, tự chọn con đường thành công và tự chọn cái chết của mình.
Xin thành kính đốt cho bà một nén nhang!