YẾN TUYẾT
Tôi đã sống ở Mỹ hơn 42 năm, nên bây giờ tôi cho phép mình viết về nước Mỹ và người Mỹ với những điều dễ thương và dễ ghét.
Khi nhìn lại đoạn đường dài đi qua, tôi không ngờ mình đã từng làm nhiều loại công việc khác nhau đến thế, trong các ngành nghề khác nhau từ nghề lao động chân tay đến lao động trí óc trong xã hội Mỹ.
Nhắc đến con đường nghề nghiệp của mình để thấy rằng nhờ những kinh nghiệm sống thật này, bên cạnh số bạn người Việt, tôi có dịp đi gần hơn với đời sống xã hội Hoa Kỳ và làm bạn với một số người Mỹ, và do đó có cơ hội hiểu hơn về người Mỹ và nước Mỹ cũng như và ghi nhận được nhiều điều rất tốt và một số điều rất xấu của nước Mỹ và người dân Mỹ.
Dĩ nhiên, những điều tôi viết ra về xứ sở mà tôi nhận làm quê hương thứ hai sẽ có thể rất chủ quan theo những nhân xét cá nhân.
Những điều dễ thương
TỰ DO VÀ DÂN CHỦ
Sau khi sống dưới chế độ Công sản sáu năm, chứng kiến biết bao bất công và ngược đãi, tôi vượt biên để tìm một cuộc sống tốt đẹp hơn, nơi nhân quyền được tôn trọng.
Hoa Kỳ chính là quốc gia đã ban cho sư tự do tôi từng mơ ước mà đã không hề có được tại Việt Nam.
Tôi cho rằng mình may mắn được sống ở Hoa Kỳ, thay vì ở một quốc gia nào khác, vì sau gần 250 năm lập quốc và trải qua bao nhiêu bể dâu, sóng gió, nào nội chiến Nam Bắc, Đệ Nhất và Đệ Nhị Thế chiến, đã mất mát, đã đau thương vì sự tham chiến vào nhiều cuộc chiến tranh khác như Viêt Nam, Triều Tiên, Iraq, Afghanistan, và ở một mức độ nào đó – Ukraine, cho đến nay, Hoa Kỳ vẫn là một đất nước đáng tự hào về tinh thần dân chủ có một không hai trên thế giới.
Là một quốc gia có lịch sử lập quốc trẻ, quy tụ nhiều người dân thông minh với nguồn tài nguyên phong phú, người Hoa Kỳ luôn tiến tới bằng cách vừa học hỏi để tiến bộ. Đồng lúc, Hoa Kỳ cũng đón nhận những bộ óc uyên bác khác từ biết bao người di dân.
Nước Mỹ cũng hỗ trợ, trao đổi và chia sẻ nhiều nguồn tài nguyên về vô số lĩnh vực với các đồng minh khác.
Dù phong trào bài Mỹ xảy ra ở nhiều nước trên thế giới, nhưng Hoa Kỳ tiếp tục là một đất nước mà nhiều người dân trên trái đất mơ ước được đến sinh sống vì sự tự do về nhiều phương diện quan trọng, trong đó có quyền tự do ngôn luận và tự do tín ngưỡng.
Hoa Kỳ vẫn hãnh diện đã tiến bộ hơn trước trong vấn đề kỳ thị màu da và giai cấp so với nhiều quốc gia khác trên thế giới. (Cho dù rất tiếc, vấn đề kỳ thị gần đây lại được một số lớn dân Mỹ cổ võ một cách vô ý thức).
Ở Mỹ, quan trọng nhất là quyền tự do đi bầu để chọn người đại diện cho mình. Và dù kết quả bầu cử có như ý hay không, những người Mỹ có ý thức trách nhiệm và hiểu rõ cách vận hành một xã hội dân chủ của Mỹ sẽ chấp nhận kết quả, và tiếp tục công việc và hoàn tất bổn phận của người công dân tốt, góp phần xây dựng xã hội trong khả năng và vai trò của mình.
Trong khi đó, ở các nước Cộng sản mà Việt Nam là một, người dân phải chấp nhận việc những kẻ gian tham thay nhau lãnh đạo đất nước mà không có quyền phản đối.
Câu nói bất hủ của Tổng Thống John F. Kennedy luôn là kim chỉ nam và là một lời nhắc nhở mạnh mẽ cho những công dân lương thiện Hoa Kỳ có tinh thần yêu nước: “Đừng hỏi đất nước đã làm gì cho bạn mà hãy tự hỏi bạn đã làm gì được cho đất nước?”
TINH THẦN THIỆN NGUYỆN – LÒNG QUẢNG ĐẠI
Một điều tôi luôn ghi nhận là lòng nghĩ đến tha nhân qua việc làm thiện nguyện của người Mỹ khi dấn thân trong các công tác xã hội và bác ái.
Hàng ngàn người Mỹ trẻ tham gia vào Peace Corp hay America Corps đã có mặt khắp nơi trên thế giới để giúp những quốc gia và người dân nghèo đói. Trong thời gian chiến tranh Việt Nam, đã có nhiều thanh niên, thiếu nữ Mỹ trong các phái đoàn thiện chí đến làm việc thiện nguyện ở đất nước hình cong chữ S.
Khi có thiên tai ở nơi đâu, sư kêu gọi tiếp tay cứu trợ luôn luôn được số đông dân Mỹ hưởng ứng một cách nhiệt tình. Họ hỗ trợ cả nhân lực lẫn tài lực cho các nạn nhân kém may mắn.
Rồi đến khi làm việc cho hai cơ quan tự nhân vô vụ lợi Children Home Society of California và Council On Aging of Southern California, tôi được sát cánh làm việc với rất nhiều thiện nguyện viên đủ mọi lứa tuổi và giới tính, để nhờ đó, thấy được tận mắt tinh thần dấn thân giúp tha nhân của người Mỹ. (Dĩ nhiên bên cạnh các thiện nguyện viên người Mỹ bản xứ, tôi cũng cảm ơn sự có mặt vô vụ lợi của một số thiện nguyên viên người Mỹ gốc Việt).
Lực lương thiện nguyện viên đã giúp các tổ chức ấy đạt được tiêu chuẩn đòi hỏi của chính phủ để tiếp tục nhận được ngân khoản tài trợ khi không đủ tiền thuê nhân viên.
GIÁO DỤC
Sống ở Mỹ, nếu có tinh thần học hỏi, bạn không bị giới hạn ở bậc Trung học do những kỳ thi như Tú Tài 1, Tú tài 2 và có thể tiếp tục học lên đại học.
Rất nhiều người di dân gồm người Việt Nam đạt được những bằng cấp như BA, MA, Ph.D, nhờ đó có thể bước vào sinh hoạt trong dòng chính và giữ địa vị cao trong xã hội Hoa Kỳ, đạt được những mơ ước mà họ không bao giờ có thể đạt được nếu còn ở lại đất nước họ.
Nếu lợi tức thấp, tiền học của bạn có thể được miễn phí hay được giúp đỡ qua các chương trình phụ cấp hay vay mượn với tiền lời thấp của tiểu bang hay liên bang.
Thế hệ thứ nhất và thứ hai trong cộng đồng Việt Nam đã là một chứng minh về cơ hội được theo học tại những trường học danh tiếng, khang trang, đầy đủ tiện nghi. Họ được những giáo sư giỏi giảng dạy, chương trình học phong phú với vô số ngành học để chọn lựa.
Sách vở của Mỹ thì như cây trong rừng, đủ thể loại, đọc cả đời có lẽ cũng không hết.
Y TẾ
Nước Mỹ có một nền y khoa tân tiến, máy móc tối tân nhất nhì thế giới. Các trường Y khoa danh tiếng luôn được sự tài trợ của các vị mạnh thường quân giàu có, hay của chính phủ, điều này giúp những nhà nghiên cứu có thể tìm kiếm các phương thức để chữa trị đủ loại bệnh tật.
Nước Mỹ cũng mở rộng vòng tay đón nhận những người di dân muốn học hỏi và nghiên cứu về y khoa. Thêm vào đó, thuốc men ở Mỹ quá dư thừa, giúp người Mỹ có thể sống lâu hơn và khỏe hơn.
CHƯƠNG TRÌNH TRỢ GIÚP XÃ HỘI
Những chương trình này giúp người dân từ y tế, thực phẩm đến nhà cửa. Không biết bao nhiêu người di dân đến đây hợp pháp, không hề làm việc một ngày ở Mỹ mà cũng được hưởng nọi dịch vụ trợ giúp đó.
GIAO THÔNG, ĐƯỜNG XÁ, NHÀ CỬA
Mỗi lần lái xe trên xa lộ, tôi cám ơn những kỹ sư và kiến trúc sư tài giỏi đã vẽ ra hệ thống đường xá chằng chịt và thênh thang rộng rãi, có khi có cả năm lanes cho xe chạy. Các bảng dẫn đường và bảng báo hiệu nơi đi và nơi đến, hướng dẫn chúng ta trên xa lộ một cách rõ ràng.
Phần lớn đường trong thành phố đều có lề đường dành cho người đi bộ, dưới lòng đường có đường dành cho người đi xe đạp. Đường xá luôn được bồi đắp sửa sang chứ không lồi lõm, ổ gà.
Mặc dù cũng có những ông tướng lái xe cao bồi và biểu diễn lạng qua, lạng lại trên xa lộ nhưng phần đông các tài xế đều tuân theo luật lệ giao thông.
Nhà cửa ở Mỹ thì thôi khỏi nói. Không kể các tiểu bang gìàu có như New York, Texas hay Florida, ở các tiểu bang, theo tôi “buồn hiu hắt” như Oklahoma hay Ohio, người ta vẫn tìm thấy những khu vực sang trong với dinh thự nhà cửa to lớn, đẹp mắt, của người giàu từ mấy đời ở Mỹ.
Và dĩ nhiên tiểu bang California của tôi có không biết bao nhiêu căn nhà “đẹp hết ý” nằm ở San Francisco, Los Angeles, Orange County hay San Diego.
PHỤC VỤ KHÁCH HÀNG
Nước Mỹ được đánh giá là nơi có dịch vụ phục vụ khách hàng tốt nhất khi có câu châm ngôn “Customer is King.”
Đi đến cửa hàng thực phẩm, tiệm bán áo quần, khách sạn, văn phòng bác sĩ, văn phòng bán bảo hiểm, hầu hết các nhân viên đều niềm nở nhã nhặn khi đón tiếp hay phục vụ khách với sự kiên nhẫn và sự lễ phép.
PHÉP LỊCH SỰ NƠI CÔNG CỘNG
Sống ở Mỹ, ở bất cứ nơi đâu: khi trả tiền ở quầy hàng, lúc mua vé xi nê, đi xin thẻ xanh, xin bằng lái xe, đi xe buýt, đi lên máy bay, ai ai cũng tự động sắp hàng chờ đến phiên mình, chứ không hề chen lấn hay đến sau mà đòi được phục vụ trước!
Chúng ta học được tập tục nói hay gửi thiệp “Thank you” khi được giúp đỡ hay sau khi nhân được quà tặng. Nói “Excuse Me” khi muốn qua mặt ai. Nói “Sorry” khi lỡ đụng phải ai trong đám đông.
Tôi chưa thấy người Mỹ xỉa răng ở tiệm ăn bao giờ. Khạc nhổ và xả rác ở nơi công cộng cũng ít thấy.
Đường xá ở Mỹ phần lớn sạch sẽ vì mỗi tuần đều có xe rác đi đổ rác và xe vệ sinh đi quét đường. Thùng rác có nắp đậy ở khắp nơi nên giúp người dân có thói quen bỏ rác vào thùng.
XỨ SỞ CỦA CƠ HỘI
Cho dù giáo dục ở Mỹ tạo cơ hội cho người bản xứ hay di dân tiến thân qua con đường học vấn, nhưng cũng có lắm người Mỹ và di dân xây dựng cơ nghiệp của họ không cần bằng cấp và trường lớp đại học mà vẫn thành công và trở nên giàu có.
Họ có thể trở nên đại gia Mỹ qua những chương trình xây dựng nhà cửa, mở nhà hàng v.v…
Có nghĩa là ở Mỹ, chỉ sợ mình là người lười biếng thôi, chứ nghề nghiệp thì hầu như lúc nào cũng có, ở đâu cũng có.
Những điều dễ ghét
Dĩ nhiên, nước Mỹ dù có là thiên đường hạ giới nhưng cũng đầy dẫy một số những điều không tốt.
Dưới mắt tôi, sư tự do của nước Mỹ là con dao hai lưỡi: nó đẹp khi người ta biết tôn trọng nó, nó xấu khi người ta lạm dụng nó.
TIN GIẢ VÀ BẠO ĐỘNG
Mặc dù nước Mỹ từng hãnh diện về quyền tự do báo chí và tự do ngôn luận nhưng thời gian gần đây, do kỹ nghệ điện tử một ngày một tiến bộ hơn nên đệ Tứ quyền đã bị nhiều người lạm dụng qua hệ thống social media (tạm dịch Truyền thông xã hội).
Những tác giả này không cần biết trách nhiệm của việc đưa tin là gì, tôn trọng sự thật là gì, sự tự trọng của người cầm bút là gì, họ chỉ cần loan tin “giật gân dù không có thật” nhưng nếu có nhiều người tò mò theo dõi là họ nổi tiếng vì có vẻ như là bao trùm các vấn đề trên đời.
Là người viết báo, tôi đau lòng khi biết tin về việc những tờ báo lớn như Washington Post, New York Times, Los Angeles Times phải sa thải nhân viên vì không đủ tiền để mướn ký giả và phóng viên. Có nghĩa là báo giấy không còn là một phần cần thiết, được tôn trọng trong đời sống của người Mỹ nói chung trong thế kỷ 21.
Số đông người Mỹ có vẻ như không còn coi trọng những bài viết hay tin tức do những ký giả chuyên nghiệp, có lòng yêu nghề, tôn trọng đạo đức viết nữa? Có thể đối với họ những bài viết trên báo giấy mang quá nhiều chi tiết và dài dòng. Họ hối hả sống và chỉ muốn biết một cách nhanh gọn nên không có thì giờ đọc và phối kiểm tin họ đọc.
Tự do biểu tình, đến từ quyền tự do phát biểu, thường bị lạm dụng, đưa đến bạo động và phá hoại tài sản tư và công một cách vô ý thức.
Luật lệ về súng đạn ở Mỹ quá lỏng lẻo từ việc sử dụng cho đến trừng phạt tội phạm. Hàng năm những vụ nổ súng giết người mà nạn nhân là những người vô tội, bao gồm trẻ em, vẫn không làm cho những nhà lập pháp gian tham bận lòng.
HƯỞNG THỤ VÀ LƯỜI BIẾNG
Dù Mỹ có gửi quân đi tham chiến ở nhiều quốc gia trên thế giới nhưng trong nước người dân vẫn được sống trong một đất nước hòa bình, ấm no, giàu có, dư giả về nhiều phương diện.
Mọi sinh hoạt của đời sống xảy ra quá dễ dàng với người My, từ việc đi học, đi chợ, đi khám bệnh. Cho nên khi gặp trở ngại trong đời sống họ dễ dàng xuống tinh thần và bị khủng hoảng tâm lý, tìm quên trong rượu và thuốc phiện.
Phải nói người Mỹ dễ nghiện rượu vì phim ảnh hay chiếu cảnh nhà nào cũng đầy rượu mạnh nên khi quí vị đàn ông gặp nhau là phải rót rượu ra cụng ly, bất kể sáng, trưa chiều, tối.
Phần đông người Mỹ, việc uống rượu, bia trong gia đình cũng bình thường như người ta uống nước lạnh. Thêm vào đó, rượu được bày bán ở khắp các cửa hàng không những ở tiệm bán rượu mà còn ở các tiệm thuốc tây CVS, Walgreen cho đến chợ bán thực phẩm. Những người Mỹ trẻ chờ đến 21 tuổi là ra tiệm vác rượu về uống cho đến già luôn. Tai nạn xe hơi gây chết người xảy ra hàng ngày phần nhiều là do những kẻ nghiện ông lưu linh gây ra!
Người Mỹ sung sướng quá nên chỉ cần thiếu bất cứ một cái gì, dù nhỏ đi nữa, trong đời sống, họ mất tinh thần ngay. Thí dụ như khi Covid xảy ra vào năm 2020, người dân của các quốc gia khác quá đỗi ngạc nhiên khi thấy thấy dân Hoa Kỳ hoảng hốt tích trữ giấy vê sinh, thay vì tích trữ thức ăn. Có lẽ vì người Mỹ thấy thức ăn ở Mỹ quá thừa mứa.
PHUNG PHÍ THỰC PHẨM
Khi đến những chợ chuyên bán thực phẩm như Ralphs, Vons, Stater Brothers hay những Super Stores như Costco, Walmart, Whole Food Market, chúng ta thấy nước Mỹ tràn đầy đủ loại thực phẩm tươi ngon được bày bán, được kiểm phẩm về chất lượng. Người Mỹ ăn uống thả dàn và bệnh mập phì đang trên đà báo động vì con số người Mỹ năng cân hơn trung bình đến 60%.
Vậy mà đôi khi cũng thấy một vài cơ quan than phiền là nhiều dân Mỹ đang đói!
Trong khi đó hàng ngày, có không biết bao nhiêu nhà hàng, tiệm bánh phải đổ thức ăn thừa vào thùng rác vì họ không được đem đồ ăn đó cho người nghèo vì lỡ có thể gây trúng độc vì cũ.
Hàng trăm bánh ngọt được dùng làm đồ vật để ném vào mặt nhau trong một số cuộc vui.
Ôi chao, cuối năm, viết về chuyện thương, ghét nước Mỹ không khi nào hết được. Chúng ta cảm tạ Thượng Đế đã cho chúng ta được sống ở Mỹ để thương rất nhiều mà ghét thì mong cũng ít thôi.
Chúc quý độc giả một mùa Giáng sinh hạnh phúc.