Ôn lại việc Putin cưỡng chiếm và sát nhập Crimea vào Nga

by Tim Bui
Ôn lại việc Putin cưỡng chiếm và sát nhập Crimea vào Nga

Ngày 22/2/2014, Ukraine hạ bệ Tổng Thống Viktor Yanukovych, một người thiên Nga Sô, đã làm cho đảo Crimea sôi sục vì hai phe xuống đường chống đối nhau liên tục: phe thân Nga Sô và phe chống tách ra khỏi Ukraine. Lợi dụng cơ hội đó, Vladimir Putin ra lệnh thực hiện việc sát nhập Crimea trở lại Nga như hồi thế chiến thứ Hai.

Ngày 27/2/2014, một lực lượng đặc biệt của Nga không đeo phù hiệu, bất ngờ tấn công vào Crimea, chiếm những điểm chiến lược trọng yếu của Crimea, và gặp sức kháng cự yếu ớt của lực lượng phòng thủ Crimea, lúc đó thuộc quyền quản trị của Ukraine.

Thoạt đầu, trước dư luận thế giới lên án Nga Sô cưỡng chiếm Crimea, Putin phủ nhận, nói là không biết quân đội nào (vì lực lượng tấn công không mang phù hiệu hay cờ hiệu) nhưng sau đó, Putin chính thức xác nhận đó chính là quân đội Nga Sô, đồng thời tuyên bố sát nhập Crimea vào lãnh thổ nước Nga, mặc dù về phương diện địa lý, Crimea là lãnh thổ tự trị phía Nam của Ukraine, trong khi đó, Nga ở phía Đông của Ukraine và còn cách Crimea một khoảng biển, nối liền bằng một cây cầu dài. 

Cuộc chiến chống xâm lăng của Nga Sô kết thúc chóng vánh vì quân đội Ukraine lúc đó rất yếu, không đủ khả năng chống lại súng đạn của Nga Xô đã được tối tân hóa gấp trăm lần hồi thế chiến thứ Hai, cho nên Putin nhanh chóng giải tán chính quyền Crimea, và cấp tốc chỉ định ngay một kẻ thân Nga là Aksyonov cầm đầu chính quyền bù nhìn Crimea dưới sự điều khiển của Nga. Ngày 17/3/2014, Aksyonov thảo ngay một cương lĩnh, như là một loại Hiến Pháp công nhận sự độc lập của Crimea, đồng thời xin được đặt Crimea dưới sự bảo hộ của Nga Sô. Putin không ngần ngại chấp nhận yêu cầu này và ban cho Crimea tư cách là Republic of Crimea, thủ đô đặt tại Sevastopol, thành phố Tây Nam của Crimea, nhìn sang lục địa Nga. Tiếp theo, Nga cho thành lập quân đội Crimea cho đảo quốc này và cảnh báo thế giới là bất kỳ sự can thiệp nào của quốc tế đều là sự khiêu khích Nga Sô. Dĩ nhiên, Ukraine và nhiều nước Âu Châu chống lại sự sát nhập này. Thế giới lên án là sự cưỡng chiếm này vì đã vi phạm luật Quốc Tế. Khối G8 khai trừ Nga Sô ra khỏi nhóm này và bắt đầu cấm vận Nga Sô. Đại Hội đồng Liên Hiệp Quốc cũng không chấp nhận Hiến Pháp của Crimea do Nga Sô đặt ra, đồng thời vẫn công nhận Crimea là một phần lãnh thổ của Ukraine trong phạm vi quan hệ quốc tế. Ngoài ra, Liên Hiệp Quốc còn định nghĩa rằng sự sát nhập Crimea vào Nga Sô chỉ là tạm thời (Temporary Occupation). Nga phản đối và cho rằng sự sát nhập này là do Ý muốn của Toàn dân Crimea (People’s Will).

Quân đội Ukraine phản ứng lại cuộc tấn công bằng tên lửa của Nga vào một trung tâm mua sắm ở Kyiv, Ukraine, ngày 21/3/2022.

Nhìn lại lịch sử, thì Crimea là một phần lãnh thổ của quốc gia Crimean Khanate từ 1441 đến năm 1783. Nga (Russian), lúc đó là chế độ quân chủ, đã cưỡng chiếm lần thứ nhất bởi một Sắc lệnh của Catherine the Great, vị Nữ Hoàng thông minh và đầy tham vọng đã đảo chính lật đổ ông chồng, rồi tự lên làm chủ  nước Nga, phát triển văn hóa, và mở rộng bờ cõi. Crimea trong suốt 134 năm sau đó thuộc về chế độ Quân Chủ của nước Nga. Mãi cho đến 1917, cuộc cách mạng Xô Viết do Lênin cầm đầu đã lật đổ chế độ Sa Hoàng, thì Crimea cũng bị ảnh hưởng mạnh và thay đổi qua các chế độ ngắn ngủi liên tiếp: Crimean People’s RepublicCrimean Regional GovernmentCrimean SSR. Có lúc Crimea đi theo Chính phủ Nga Trắng (White Russian Government) và rồi lại trở cờ, theo Chính Phủ miền Nam Nga (South Russian Government).

Tháng 10 năm 1921, lực lượng Bolshevik Russian SFSR chiếm lĩnh đảo quốc này và thành lập Crimean Autonomous Soviet Socialist Republic, là một thành viên của Liên Hiệp Nga Sô. Năm sau đó, Crimea lại chính thức xin gia nhập Liên Xô, trở thành người Nga, học tiếng Nga và lịch sử Nga. 

Trở lại nguồn cội chi tiết cuộc tranh chấp phần đảo này, thì Crimea có số phận “ba chìm, bảy nổi, chín cái long đong” Khi gần chấm dứt thế chiến thứ Hai, năm 1944, Nga đầy ải tất cả những người thổ dân Crimea bản xứ nhưng vẫn coi Crimea là “The Crimea ASSR” (The Crimean Autonomous Soviet Socialist Republic).

Bất ngờ, đến năm 1946, Nga xóa bỏ tư cách tự trị của phần đất đảo này, coi như là một “Oblast,” một lãnh địa hành chính của Nga và đồng thời được sát nhập vào “The Russian SFSR” (The Russian Soviet Federative Socialist Republic).

Đến năm 1954, Crimea, một lần nữa lại được chuyển giao cho Ukraine SSR (Ukraine Soviet Socialist Republic) để kỷ niệm 300 năm Ukraine quan hệ với Nga.

Đến năm 1989, dưới chính sách Gorbachev Perestroika (Cải Cách), cơ quan tối cao Xô Viết thông báo là sự lưu đày những người thổ dân bản xứ Crimean Tatars ký dưới triều đại Stalin là bất hợp pháp và hầu hết những người này, theo tôn giáo Muslim, được trở về quê hương, bản xứ ở Crimea. 

Tình hình chính trị của Crimea tạm thời ổn định cho đến năm 2010, khi Yanukovych đắc  cử Tổng Thống. Yanukovych là kẻ thân Nga nên tổ chức nguyên bộ tham mưu là những kẻ thân Nga. Phát ngôn viên của Yanukovych kêu gọi Nga bảo vệ Crimea. Ngày 4/2/năm 2014, một hội nghị tối cao nhằm quyết định số phận của Crimea. Phe thân Nga hầu như thắng thế, nên bộ An Ninh ra quyết định truy tố những kẻ muốn độc lập, muốn tách rời khỏi ảnh hưởng của Nga cũng như muốn lệ thuộc vào Ukraine hơn là vào Nga. Ngày 20/2/2014, Chủ Tịch Hội đồng Tối Cao là Vladimir Konstantinov nói là sự kiện năm 1954, chuyển giao Crimea cho Ukraine là một quyết định sai lầm.

Tuy hầu hết bộ lãnh đạo Crimea đều thân Nga và muốn Crimea trở lại với Nga, nhưng dân Crimea, vì đã kinh nghiệm xương máu kinh hãi với chế độ Xô Viết và bàn tay sắt của hệ thống Công an, Cảnh sát chìm, nổi của Nga nên lập tức biểu tình chống lại ý định cho Crimea trở lại thành lãnh địa của Nga. Các cuộc biểu tình liên miên đã khiến cho chế độ thân Nga sụp đổ.

Ngày 22/2/2014, Yanukovych phải bỏ trốn khỏi Thủ Đô. Lập tức các tổ chức chống đối thành lập một hội đồng đặc biệt tại ngay quốc hội Ukraine và bỏ phiếu trục xuất Yanukovych khỏi vị trí Tổng Thống vì cho rằng ông này không đủ khả năng. Một chính phủ lâm thời Crimea được thành lập. Arseniy Yatsenyuk được bổ nhậm làm Tổng thống Lâm thời chờ cho có cuộc bầu cử chính thức. Chính phủ lâm thời này được thế giới công nhận. Trước tin này, chính quyền Nga tuyên bố đây là một cuộc đảo chính và cũng tuyên bố không công nhận phe mới này. Đồng thời, Nga chuẩn bị quân đội cho một cuộc sát nhập Crimea vào Nga bằng quân sự. 

Tình hình chính trị tại Crimea lúc đó thật là phức tạp. Nhiều phe phái chống đối lẫn  nhau. Phe thân Nga muốn Crimea trở lại với Nga, thay vì theo Ukraine như hiện tại, có vẻ thắng thế trong khi hai phe còn lại: Phe đòi độc lập, không muốn lệ thuộc vào bất cứ nước nào và phe thân Ukraine vẫn muốn tình hình như cũ, nghĩa là không thay đổi thể chế hiện tại, thì yếu hơn. Các cuộc mít tinh, biểu tình liên miên làm dân chúng ngơ ngác, không biết phe nào mạnh hơn phe nào cho nên chỉ còn biết khoanh tay đứng nhìn.

Ngay cả chính quyền Ukraine cũng không dám can thiệp vào để chấm dứt những lộn xộn này. Âu Châu cũng giữ thái độ im lặng, chờ xem. Bất ngờ, một lực lượng quân sự hùng hậu không mang phù hiệu, cấp bậc, lặng lẽ tiến vào Crimea. Lực lượng này không thấy khó khăn khi dẹp những tiếng súng chống đối không có kinh nghiệm chiến trận, nên chỉ trong vài ngày đã chiếm gần hết Crimea. Thế giới đồng loạt lên tiếng, cho rằng lực lượng mạnh như thế phải là do Nga điều động. Putin chối, nói không phải là lính Nga mà là lính tình nguyện của Crimea. Tuy nhiên, sau khi đội quân không phù hiệu đã rải ra nhiều miền của Crimea thì lúc đó, Putin mới chính thức xác nhận đó là lính Nga, và không chần chờ cho trực thăng đổ bộ lính chính quy của Nga xuống đất này, cùng cho những nhóm lính không phù hiệu trở thành lính Nga. 

Trước sự xâm lăng được che đậy này của Nga, thế giới đồng loạt lên án, nhưng không ai dám can thiệp, vì Nga nhanh chóng cho thành lập chế độ lâm thời thân Nga. Thế là âm mưu sát nhập Crimea vào Nga đã thành công, chỉ đổ máu chút ít. Giận dữ trước sự kiện tráo trở này, khối G-8 (Mỹ, Nhật, Pháp, Anh, Đức, Ý, Nga, và Canada) tuyên bố loại Nga ra khỏi khối để trở thành khối G-7. Khối này cũng tuyên bố cấm vận Nga dưới nhiều hình thức. 

Thực tế, sự cấm vận của Âu Châu vào Nga cũng không làm cho nước Nga suy suyển vì Nga vốn đất rộng, người đông, giàu khoáng sản và dầu hỏa, và dưới sự lãnh đạo độc tài, sắt máu của các chế độ Cộng Sản trước đến thời Gorbachev, Boris Yeltsin rồi hiện nay là Putin, dân Nga phải còng lưng ra phục vụ chế độ, hiến dân tài sản cùng sinh mạng mình cho chế độ, nên phải thắt lưng buộc bụng theo điều kiện của Nhà Nước, do đó cho dù có cấm vận, Nga vẫn đứng vững. 

Đầu thế kỷ 21, Vladimir Putin, cựu trùm Công An Cộng Sản KGB, là một con cáo già, đầy kinh nghiệm sắt máu, đã liên tục thống lãnh nước Nga dưới nhiều vị trí. Chức vụ đầu tiên được Yeltsin bổ nhậm là Giám đốc cơ quan An ninh, sau đó, được Yeltsin tin dùng, đẩy Putin lên cao hơn đến chức vụ Thủ Tướng. Với sự bảo trợ của Yeltsin, Putin đã thắng cử trở thành Tổng Thống của Nga trong hai nhiệm kỳ. Hết thời gian làm Tổng Thống, nhưng với quyền lực sẵn có, Putin chịu rút lui khỏi chức vụ Tổng Thống nhưng lại thành Thủ Tướng nước Nga có thực quyền, trong khi Tổng Thống chỉ là bù nhìn. Sau đó, Tổng Thống Bù Nhìn Medvedev lại đề cử Putin ra ứng cử Tổng Thống với số phiếu áp đảo gần 70%, bất chấp các phe đối lập phản đối cho rằng “ma giáo, phiếu ma, phiếu giả” để rồi trở lại làm Tổng Thống với quyền lực vô song, tự cho mình làm Tổng Thống suốt đời.

Từ đó, giấc mộng trở thành Stalin thứ hai đã thúc đẩy Putin sát nhập Crimea rồi sát nhập Ukraine. Tuy nhiên, giấc mộng thứ hai đã trở thành khó thực hiện không như giấc mộng thứ nhất, vì Ukraine được Mỹ và Âu Châu yểm trợ tối đa.

Hiện nay, tuy Tổng Thống Mỹ đương thời Donald Trump đã rút mọi ký kết với Ukraine và ngưng viện trợ cho nước này, nhưng tinh thần chiến đấu của Ukraine vẫn sáng ngời và Âu Châu cố gắng dùng hết tiềm lực nhỏ bé của mình để yểm trợ cho Ukraine, cho nên ước mong sát nhập Ukraine của Putin coi như là cục xương gà mắc trong cổ họng Tào Tháo, nhả ra không được và nuốt cũng không xong.

Thế giới chờ xem giấc mộng Putin sắp tan thành mây khói cho dù đã hy sinh hơn 400,000 quân, chưa kể lính đánh thuê Wagner, chưa tính lính Bắc Hàn và mới đây là lính Trung Cộng. 

Chu Tất Tiến
9/4/2025

Tham chiếu:

-https://www.history.com/articles/crimea-russia-ukraine-annexation

-https://www.bbc.com/news/world-europe-26644082-https://metro.co.uk/2022/03/03/russia-ukraine-war-why-did-russia-annex-crimea-and-who-owns-it-now-16208110/

Cùng một tác giả: https://www.toiyeutiengnuoctoi.com/category/tac-gia/q-to-z/chu-tat-tien/

You may also like

Verified by MonsterInsights