HAI DỐT
Vài chục năm nay, từ khi nhiều chữ trong nghệ thuật cải lương và vọng cổ bị thay đổi như “tuồng” thành “vở diễn,” “bài ca” thành “bài hát,” “hề” thành “hài,” “tài tử” thành “nghệ sĩ,” biến mất các chữ “đào, kép,” “soạn giả” thành “tác giả”… thì lớp trẻ người Việt cũng bắt đầu sự thiếu hiểu biết về nghệ thuật này. Họ lẫn lộn giữa “cải lương” và “vọng cổ,” giữa “bài ca” và “tuồng hát”… một thể loại nghệ thuật đặc biệt ở Lục tỉnh xuất hiện từ đầu thế kỷ 20. Tất nhiên, do hai thể loại này gắn bó với nhau, cùng nhau lớn mạnh nên có sự lầm lẫn, ngay cả những người đang sinh sống bằng nghề ca cổ, cải lương cũng lầm một cách đáng tiếc. Hai tui cũng không phải tài nghề gì nhưng có chút vốn hiểu biết về vấn đề này, xin được “thưa” cùng bạn đọc xa gần.
….
Ai đang đi trên đường đê
Tai lắng nghe bao câu hò đê mê?
Đây là câu hát trong bài tân nhạc Gạo trắng trăng thanh của nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ được Viễn Châu đưa vô bài ca vọng cổ Sầu vương ý nhạc, qua giọng ca của Minh Cảnh, nổi tiếng trong thập niên 1960. Hồi đó, Hai tui cũng mê vọng cổ nên cùng đám bạn hát câu này được ai đó chế ra:
Ai đang đi, trên Cầu Bông,
Té xuống sông ướt cái quần ny lông.
Vô đây em, dù trời khuya anh vẫn đưa em dìa!
Giữa trưa buồn nghe não nuột làm sao…ơ….ơ…
Đó là lời của bài ca vọng cổ! Và vọng cổ được giới là nghệ thuật cải lương phong là “bài ca vua!” Vua là bởi nếu không có vọng cổ ắt ngày nay chúng ta không có được những tuồng cải lương khó quên!
Theo sách vở của các nhà nghiên cứu sân khấu cải lương, thì bài vọng cổ xuất hiện trong khoảng năm 1919-1920, do ông Cao Văn Lầu viết. Chuyện là vầy:
Nguyên ông Cao Văn Lầu, người gốc Long An nhưng sinh sống ở Cà Mau. Ông được cha mẹ cưới cho người vợ nhưng sống với nhau hơn ba năm mà cái bụng bà vẫn im re. Cha mẹ ông Lầu mới buộc con trai phải “để vợ” mà cưới vợ khác. [Riêng cái chữ “để vợ” khi nào rảnh, Hai tui sẽ kể cho quý vị nghe nhen, thú vị lắm!].
Ông Lầu đành ngậm ngùi “để vợ” mà lui cui sống một mình chớ hổng thèm cưới vợ khác. Vì quá thương yêu nhau, nên hai ông bà tuy sống xa nhau nhưng vẫn thậm thụt qua lại. Rồi một ngày nọ, bà “công bố” đã có bầu! Cái tin này khiến cha mẹ ông Lầu mừng húm và rước con dâu cũ về lại nhà.
Trong thời gian mà hai ông bà “chia tay” sống xa nhau, ông Lầu, vốn có học chút nghề đờn cổ nhạc, đã buồn tình sáng tác ra bài Dạ cổ hoài lang để tỏ lòng thương yêu vợ mình. Bài ca mượn hình ảnh người vợ có chồng vì nghĩa vụ với quốc gia mà xa nhà, nên đêm đêm than thở. Bài ca mở đầu như sau:
Từ là từ phu tướng,
Bảo kiếm sắc phong lên đàng.
Vào ra ngóng trông tin nhạn,
Năm canh mơ màng….
Bài ca buồn mà hay nên được phổ biến nhanh chóng trong giới âm nhạc tài tử từ Cà Mau lên tới Sài Gòn. Và…
Nhưng nếu chỉ hát như ông Lầu sáng tác thì… còn lâu mới trở thành bài ca vua! Từ Dạ cổ hoài lang, các nghệ nhân trong làng nhạc tài tử từ Thủ Dầu Một cho tới Bạc Liêu đã biến tấu lần lần thành một bài hát 16 rồi 32 nhịp, có sáu câu hát. Rồi họ đưa vào những làn điệu của nhạc tài từ như Xuân Tình, Nam Ai, Khốc hoàng thiên, Giang nam, Lưu thủy hành vân…và các câu ca, hò, lý… làm cho bài ca thêm phong phú, gần với đời sống và diễn tả được đủ loại tình cảm, biến Dạ cổ hoài lang thành bài ca “vọng cổ.”
Nghệ sĩ đờn tranh Bảy Bá với bút danh Viễn Châu, người được báo chí phong danh hiệu “vua vọng cổ” còn đưa thêm tân nhạc vô khiến bài ca càng hấp dẫn. Do bài ca vọng cổ có tới sáu câu hát, rất dài, hát rất mệt nên sau này mới xuất hiện câu nói “sáu câu vọng cổ,” là muốn nói tới việc quá dài dòng, lòng thòng, mất thời giờ! Để có thể ai cũng hát được, nhiều tác giả đã cắt ngắn bài ca bằng cách viết bốn câu, chứ để sáu câu thì…
Nếu quý vị từng nghe, biết bài Tình anh bán chiếu thì cũng biết đây là bài hát đủ sáu câu, rất dài và rất nhiều người chỉ thuộc và hát vài câu chớ không dám hát đủ sáu câu!
Đó là chuyện bài ca vọng cổ.
Còn cải lương lại phát triển theo kiểu khác.
Theo sách, thì từ khoảng 1910, trước làn sóng “kịch phương Tây” nhất là thể loại operette tràn vô Nam kỳ đã giết lần sân khấu hát bội. Bởi hát bội phần lớn diễn theo tích các truyện Tàu mà tuồng nào cũng dài như… dây kinh nghiệm, rút hoài không hết!
Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Xuân, người được dân chúng kêu là “nhà miền Trung học,” thì một tuồng hát bội được diễn theo các “hồi” trong truyện Tàu nên kéo dài từ một tới sáu tháng! Xưa dân chúng làm nông, khi xong vụ mùa thì đi coi hát mỗi đêm, chớ đâu có phim ảnh, karaoke, game…đâu mà châu đầu vô.
Bởi vậy, khi làn sóng kịch [nay gọi là kịch nói] của phương Tây vô Việt Nam, vừa gọn gàng trong một đêm diễn, vừa túm gọn cái nội dung lê thê của câu chuyện, thì khán giả thuở ấy đòi hỏi một hình thức sân khấu mới của người Việt. Thêm vô đó là rất nhiều thanh niên, trí thức trẻ học hành ở bên Tây về cũng muốn thưởng thức nghệ thuật Việt theo kiểu Tây.
Vậy là tiền nhân của chúng ta “xy nghỉ” ra một thể loại sân khấu mới. Đó là “ca ra bộ.”
Trước đó, sân khấu Việt chỉ có dàn nhạc tài tử ca và đờn những “cổ bản,” những bản cổ nhạc được quy định sự buồn vui riêng như Giang Nam, Xuân tình, Nam ai, Nam bình, Lưu thủy… Mỗi bản như vậy thường dài từ 10 cho tới 30 phút. Người hát thì ngồi trên bộ ván gõ hát miết từ đầu tới cuối. Để đổi mới, các ông bà ta mới “cải cách” bằng cách cắt bài ca ra nhiều đoạn cho nhiều người hát, và người hát đứng trên bộ ván gõ, có động tác theo nội dung của bài ca, vì vậy nên kêu là “ca ra bộ.”
Khi mới ra đời cách hát mới này cũng thu hút khán giả dữ lắm.
Từ những bài ca ra bộ, người ta mới viết thêm tuồng tích để hát cho hấp dẫn hơn. Các tuồng như Lục Vân Tiên cứu Nguyệt Nga, Bùi Kiệm đi thi, Bùi Kiệm dê Nguyệt Nga…ra đời. Và ở miền Tây xuất hiện một số “đoàn xiệc và ca ra bộ” đi lưu diễn ở Lục tỉnh. Những đoàn này, trước khi diễn ca ra bộ thì biểu diễn hát xiệc cho khán giả coi như bonus!
Thế nhưng ca miết kiểu đó rồi cũng ngán!
Tiền nhân chúng ta lại nghĩ ra một kiểu hát mới kết hợp giữa ca ra bộ và kịch phương Tây, gọi là “cải lương.”
Cải lương là chữ của báo chí trong ba thập niên 1910-1930 dùng để chỉ những thay đổi “chút chút,” “thay đổi không hoàn toàn” trong hệ thống hành chánh, nay kêu là “cải cách,” “đổi mới”.
Khi có một bộ môn nghệ thuật sân khấu có thay đổi chút chút so với trước đó, người ta cũng gọi là “sân khấu cải lương.” Trong thực tế, qua hơn 100 năm, nghệ thuật cải lương luôn update tình hình xã hội mới sống được. Từ những tuồng theo tích truyện Tàu, chuyển lần qua tuồng xã hội và để lại rất nhiều tuồng cải lương nhớ đời như Sân khấu về khuya, Nạn con rơi, Con gái chị Hằng, Tuyệt tình ca… Và sau một thời gian trong thập niên 1930, hai chữ cải lương trở thành của riêng của bộ môn sân khấu này!
Thực tế, cải lương thuở ban đầu chỉ hấp dẫn người xem vì lạ là chính chớ không có tuồng tích gì hấp dẫn. Vẫn là những bài cổ bản, hễ hát “ai” thì buồn, hát “Nam,” hát “Khách” thì vui, hát “Xuân” thì…
Cho tới khi nhà báo Trương Quan Tiền viết tuồng cải lương có “đưa bài ca vọng cổ” vô thì nghệ thuật cải lương mới sôi nổi và thực sự là “cải lương.”
Khác với các cổ bản, bài vọng cổ hát vui cũng được, hát buồn cũng được, mà hát cà tưng, cà rỡn cũng được.
Vọng cổ có thể đưa thơ, hò, lý, tân nhạc và cả những câu chuyện vô. Tuồng cải lương đầu tiên mà lịch sử ghi nhận là tuồng Kim Vân Kiều của ông Trương Quan Tiền sáng tác, do gánh Thầy Năm Tú ở Mỹ Tho diễn, và xuất diễn đầu tiên vào cuối tháng 11-1922 tại rạp Modern [sau này là rạp cine Lê Lợi], trên đường Espagne [nay là Lê Thánh Tôn] ở sau chợ Sài Gòn.
Tuồng này viết dựa theo tuồng hát bội cùng tên, do một tác giả vô danh viết và ông Trương Minh Ký chuyển ra quốc ngữ cuối thế kỷ 19, phải diễn ba đêm mới hết.
Trong một tuồng cải lương, thì tác giả trích những làn điệu, những câu ca…để các diễn viên đối đáp, thay vì nói thì ca, hoặc diễn tả tâm tình. Trong một tuồng cải lương có nhiều câu vọng cổ nhưng hầu như không có “trọn vẹn một bài ca vọng cổ.”
Sau Kim Vân Kiều, một tuồng với tích gần 100% Việt Nam, thì nghệ thuật cải lương mới thực sự đổi mới, với nhiều tuồng mang tính xã hội đương đại do các gánh hát Huỳnh Kỳ, Phước Cương, Tân Thinh, Nam Đồng Ban…dựng và diễn.
Như vậy, khi nói “hát cải lương” tức là nói đến việc nghệ sĩ “ca và diễn theo một tuồng tích nhất định.” Bởi cải lương là nghệ thuật sân khấu có tuồng tích, có biểu diễn và ca cổ được dùng để đối đáp, thể hiện tâm tình.
Còn khi nghệ sĩ chỉ ca một bài cổ nhạc, thì kêu là “ca vọng cổ.”
Người miền Nam phân biệt rõ ràng giữa ca và hát.
Nghe ca và coi hát, hai thứ này gần nhưng rất khác nhau. Không thể nói “đi nghe ca cải lương” vì vô rạp thì không chỉ “nghe ca” mà còn phải “coi diễn” nữa.
Và cũng do đó, không thể nói “bài ca cải lương” mà phải nói “bài ca cổ” hay “bài ca vọng cổ” mới đúng.
Bởi vậy phải nói “đi coi hát” khi tới rạp cải lương, và nói “nghe ca vọng cổ.”
Ngày nay, không rõ do giáo dục hay do thiếu hiểu biết mà rất nhiều nghệ sĩ trẻ, khi nói tới vọng cổ cứ nói là “ca cải lương?”
Hai tui xin dành câu trả lời cho những người có trách nhiệm.