Phát hiện thép “dỏm” trong cao ốc sập ở Bangkok

by Vy Trần

Theo BBC, trưa ngày 1/4, Thống đốc Bangkok Chadchart Sittipunt thông báo lực lượng chức năng không còn dò được bất kỳ dấu hiệu sự sống nào từ tòa nhà 30 tầng bị sập trong trận động đất hôm 28/3. Đến nay đã có 13 người tử vong, và vẫn còn 74 người chưa rõ số phận đang bị vùi dưới đống đổ nát. Ông Chadchart cho biết nỗ lực tìm kiếm sẽ chuyển sang phương án đào sâu hơn vào đống đổ nát bằng cần cẩu hạng nặng. Ông cũng khẳng định trọng tâm của hoạt động cứu nạn giờ đây là “đưa các thi thể ra ngoài, và đây không phải chuyện dễ vì phải làm việc dưới đống đổ nát”.

Cao ốc bị sập là dự án liên doanh giữa Công ty Phát triển Ý – Thái (Italian – Thai Development Plc) và Công ty Đường sắt số 10 Trung Quốc (Thái Lan) Ltd. Tòa nhà dự kiến trở thành Văn phòng Kiểm toán Nhà nước Thái Lan sau khi hoàn thành. Ngay sau khi nhà sập, đã có dư luận nghi ngờ chất lượng xây dựng và bà Thủ tướng Thái đã quyết định điều tra.

Tờ Nation Thailand, ngày 31/3, bà Thitipas Chotedechachainan, trợ lý bộ trưởng Công nghiệp Thái Lan, thông báo Viện Sắt thép nước này đã phát hiện ít nhất một trong số các mẫu thép lấy từ hiện trường vụ sập cao ốc 30 tầng không đạt tiêu chuẩn kỹ thuật. Mẫu thép này có nguồn gốc từ nhà máy của công ty Trung Quốc đặt tại tỉnh Rayong (Thái Lan). Đáng chú ý, nhà máy trên đã bị yêu cầu ngừng hoạt động từ tháng 12 năm 2024 sau một cuộc kiểm tra của Bộ Công nghiệp. Khả năng lô thép được dùng cho công trình bị sập đã được mua từ trước thời điểm thanh tra.

Cũng theo bà Thitipas, cuộc điều tra vụ sập tòa nhà hiện tập trung vào chất lượng các sản phẩm thép thanh, dây điện và cao su. Việc thanh tra không chỉ nhằm bảo đảm an toàn mà còn để ngăn chặn tình trạng bán phá giá hàng hóa từ nước ngoài và bảo vệ ngành sản xuất nội địa.

Đến nay, bảy nhà máy đã bị thanh tra, bao gồm cả cơ sở của doanh nghiệp Thái Lan và thực thể nước ngoài, hầu hết là Trung Quốc. Bà Thitipas cảnh báo ngay cả khi một số nhà máy đã đóng cửa, các cổ đông và đơn vị nhập khẩu liên quan vẫn có thể bị truy cứu trách nhiệm.

Trước đó, theo NDTV News, ngày 30/3, cảnh sát Thái Lan đã tạm giữ bốn công dân Trung Quốc vì xâm nhập trái phép và lén lấy các tài liệu quan trọng tại công trình bị sập. Khi điều tra, cảnh sát bắt một người đàn ông Trung Quốc ở gần hiện trường, người này khai mình là quản lý công trình, có giấy phép lao động hợp lệ và làm việc cho đơn vị thi công.

Cảnh sát sau đó tiếp tục bắt ba người Trung Quốc khác và tịch thu 32 tài liệu quan trọng mà họ lấy từ khu vực phía sau tòa nhà bị sập. Nhóm này khai rằng họ là nhà thầu phụ và vào hiện trường để thu hồi tài liệu phục vụ cho yêu cầu bảo hiểm, các giấy tờ được lưu trữ trong một container dùng làm văn phòng tạm thời của công ty.

Cao ốc bị sập đang thi công (hơn 3 năm) do một công ty có vốn đầu tư Trung Quốc thực hiện. Hiện công ty này cũng bị điều tra.

Báo Bangkok Post đưa tin vào chiều 1/4, nhà chức trách đã dùng máy cảm biến của quân đội Hoa Kỳ phát hiện có khoảng 70 “điểm” được cho là 70 người trong khu vực từ tầng 17 đến tầng 21, ở giữa cao ốc dự kiến là trụ sở Văn phòng Kiểm toán Nhà nước (OAG) tại quận Chatuchak, thủ đô Bangkok, Thái Lan. Khu vực từ tầng 17 đến 21 là nơi hầu hết những người được báo cáo mất tích khi đang làm việc vào lúc xảy ra động đất. Dù vậy, Phó thống đốc thành phố Bangkok Tavida Kamolvej cho biết vẫn chưa rõ 70 “điểm” này có phải là những người nằm trong danh sách người mất tích hay không. 

Tuy nhiên đã có 6 trong số khoảng 70 “điểm” này được xác định là thi thể người.

Bà Tavida nói thêm rằng tòa nhà bị đổ sập hoàn toàn, các tầng chồng lên nhau, nên không rõ các nạn nhân đang mắc kẹt ở tầng nào. 

Các nhân viên cứu hộ cũng tiết lộ tòa nhà OAG đang xây dựng, nên không có bản thiết kế hoàn chỉnh. Hơn nữa, những bức tường của tòa nhà này dày khoảng một mét khiến việc phá dỡ khó khăn hơn.

Tại Myanmar, Sở Cứu hỏa ngày 1/4 thông báo trên Facebook đã cứu được một người phụ nữ bên dưới đống đổ nát ở Naypyidaw, sau 91 giờ tìm kiếm. Theo AFP, người phụ nữ khoảng 63 tuổi được tìm thấy còn sống và sau đó được giải cứu và chuyển đến bệnh viện.

Thông tin tích cực này được truyền đi giữa thời điểm các nhóm cứu trợ cho biết Myanmar đang cần gấp lều trại, thực phẩm và nước sạch cho người dân sau động đất. Thống tướng Myanmar Min Aung Hlaing ngày 1/4 cho biết, đến nay đã có 2.719 người chết và con số dự kiến vượt 3.000 người. Bên cạnh đó, có 4.521 người bị thương và 441 người mất tích.

You may also like

Verified by MonsterInsights