LÝ THÀNH PHƯƠNG
Khi bạn đã kiếm được một công việc vừa ý và có một đồng lương ổn định thì có thể bạn sẽ có một mục tiêu xa hơn là suốt đời sẽ chỉ làm cho công nhân cho hãng xưởng.
Theo thống kê của Bộ Lao động Mỹ thì một cặp vợ chồng làm việc cho các công ty có lợi tức đủ để tạo được một cuộc sống căn bản. Cuộc sống căn bản của Mỹ bao gồm: có đủ tiền mua nhà trả góp hàng tháng; mua xe bắt đầu là xe cũ, dần dần có tiền mua xe mới; chi tiêu ăn uống trong gia đình và thỉnh thoảng đi nhà hàng; nhu cầu giải trí, chi phí giáo dục cho con cái, và chút đỉnh vacation.
Nếu bạn muốn có một cuộc sống cao cấp hơn, hoặc bạn muốn có một sinh hoạt năng động hơn, thì một trong những con đường bạn có thể hướng tới, nói như kiểu Mỹ là “Business Adventure” xin dịch là “Phiêu lưu Doanh nghiệp.” Người Việt bình dân gọi đó là “làm ăn.”
Tục ngữ Việt có câu: “Phi thương bất phú.” Kinh nghiệm của cổ nhân trải qua nhiều thế hệ khẳng định rằng: Muốn làm giàu thì phải làm doanh nghiệp. Câu hỏi đặt ra là bạn có thể làm cái gì để có thể trở mình được?
Theo kinh nghiệm riêng của tác giả đã hành nghề trong ngành kế toán – thuế vụ hơn 30 năm qua, cộng với nhiều năm quan sát và trao đổi trong cộng đồng người Việt ở Mỹ, thì những doanh nhân Việt thành công trên đất Mỹ hầu như có mấy đặc điểm chung này:
* Có chí hướng làm ăn (passion)
* Có hiểu biết và kinh nghiệm trong lĩnh vực làm ăn của họ (expertise)
* Và có lòng phục vụ tốt nhu cầu của khách hàng (customer service)
Những doanh nghiệp nhỏ (small business) thì dễ làm nhất. Những ngành thông dụng về dịch vụ bao gồm văn phòng kế toán – thuế vụ, bảo hiểm các loại, địa ốc và loan, văn phòng luật pháp – di trú … Các lĩnh vực thương mại khác có thể kể đến như: nhà hàng, tiệm tóc/móng tay, tiệm sửa xe, hay lớn hơn như siêu thị…
Nếu như bạn đang có tay nghề một trong các lĩnh vực trên thì việc thực hiện giấc mơ làm giàu bắt đầu bằng thủ tục mở doanh nghiệp. Công việc này bạn nên tư vấn với một văn phòng kế toán – thuế vụ địa phương để được hướng dẫn và giúp đỡ.
Nếu như bạn có hứng thú làm một doanh nghiệp mà bạn không chuyên nghiệp, thì ít nhất người vợ hoặc chồng của bạn phải biết nghề này, Nếu không thì bạn, trước hết phải học hỏi và nhanh chóng có kinh nghiệm về lĩnh vực mà bạn sắp đầu tư, trước khi quyết định mở tiệm.
Thực tế cho thấy, những chủ nhân không chuyên môn trong nghề thường bị lúng túng trong việc điều hành gây ra hiệu suất kém, bị nhân viên không nể trọng, chưa kể nhiều vấn đề phức tạp khác.
Xây dựng sự nghiệp mới là một công trình lớn. Bạn phải bỏ tâm huyết và sức lao động nhiều hơn so với làm nhân viên cho người khác. Tiền không tự nhiên rơi vào túi bạn một cách dễ dàng mà đòi hỏi bạn một sự cố gắng đúng mức. Nếu bạn bỏ vào một nỗ lực cần thiết thì từ từ, có thể là một năm, hai năm sau, bạn sẽ gặt được một thành quả xứng đáng.
Hiện nay, năm 2024, một số nghề nghiệp có đồng lương cao như sau: lương kỹ sư khởi điểm khoảng 70K và sau nhiều năm làm việc, kỹ sư kinh nghiệm khó vượt qua khỏi ngưỡng 150K, không kể bonus và stock option nếu như bạn may mắn làm trong một công ty thành công vượt bực. Dược sĩ: trung bình 120K/năm. Bác sĩ: 250K/năm và nhiều bác sĩ chuyên khoa giỏi có thể kiếm được cả triệu một năm.
Trong khi đó, một văn phòng kế toán, bảo hiểm, địa ốc, hay một nhà hàng, tiệm móng tay, tiệm sửa xe, sau thời gian vài năm ổn định có thể kiếm được hơn 200K/năm là chuyện rất bình thường.
Ngoài ra có nhiều nghề nghiệp mà bạn có thể kiếm được rất nhiều tiền mà bạn không hề tưởng tượng được, dưới đây là vài chia sẻ:
Dịch vụ “Clean up”. Tác giả đã từng thấy một công ty clean up của người Mễ chuyên về nhà ở (Residential) đi rải flyers kiếm khách, rồi hàng ngày chở nhiều người Mễ không rành tiếng Anh đến dọn dẹp rồi xong việc lại chở họ về. Vài công ty Việt khác, với hàng trăm nhân viên, chuyên về làm vệ sinh cho các văn phòng của chính phủ (Government Office Buildings). Loại công việc này nhìn qua có vẻ như thấp hèn, nhưng không ngờ chủ nhân có thể kiếm được bạc triệu mỗi năm.
Một điển hình khác là cung cấp supplies các loại chẳng hạn như medical supplies cho bệnh viện mà nhờ số lượng order lớn, lúc nào cũng giúp chủ nhân rủng rỉnh.
Còn nếu như bạn có nảy ra một sáng kiến dù nhỏ hay lớn, đáp ứng được thị hiếu của quần chúng, thì có thể bỗng chốc bạn trở thành triệu phú. Chúng tôi có quen biết một cậu trẻ chuyên thiết kế các characters cho gaming, sau này mở công ty, nổi tiếng lên, và bán công ty lại cho một công ty lớn, kiếm được cả trăm triệu đô la. Ở phần cuối của bài viết này, chúng tôi sẽ chia sẻ với bạn vài ví dụ điển hình.
Dĩ nhiên là không phải ra làm ăn là chắc chắn sẽ làm giàu. Nhiều khi người tính không bằng trời tính. Tuy nhiên, kinh nghiệm sống cho thấy mọi kết quả đều do nỗ lực. Nếu bạn đã cố gắng đúng mức mà không đạt được thành quả thì mới nói đến số trời.
Ngoài ra, có những doanh nghiệp làm ăn tiêu cực như chúng tôi có thấy qua như một tiệm sửa xe đánh tráo đồ thiết bị mới của xe khách để bán lại cho khách khác. Hành vi bất chánh như vậy sớm muộn cũng bị khách hàng phát hiện và kết quả là sớm hay muộn cũng sẽ bị sập tiệm.
Cách mở một doanh nghiệp
Mở một doanh nghiệp bắt đầu bằng việc kiếm chỗ trong một khu shopping center và sau khi đã kiếm được chỗ vừa ý thì tiếp xúc với chủ nhà để điền đơn xin mướn và ký hợp đồng thuê (lease). Công việc này bạn nên nhờ sự giúp đỡ và cố vấn bởi một chuyên viên địa ốc (real estate agent hay broker) vì họ có nhiều kiến thức và kinh nghiệm trong việc kiếm chỗ, địa điểm nào thích hợp và có cơ hội tốt hơn trong việc làm ăn của bạn, và họ sẽ giúp bạn điều đình với chủ nhà mà thường thì chủ nhà sẽ trả cho họ một huê hồng xứng đáng (commission).
Ngoài ra bạn cũng có thể sang lại một doanh nghiệp đang làm ăn nếu như chủ doanh nghiệp vì lý do gì đó muốn bán lại.
Giấy phép hành nghề
Khi bạn đã ký được hợp đồng thuê nhà rồi thì việc kế tiếp là xin giấy phép làm ăn (business licenses). Các loại giấy phép này bao gồm: xin giấy phép thành phố (city business license), đăng tên tiệm (fictitious name), nếu có bán hàng thì cần giấy phép bán (seller’s permit), nếu có dịch vụ chuyên nghiệp thì cần giấy phép của quận hạt hay tiểu bang chẳng hạn như Board of Barber and Cosmetology, Bureau of Automotive Repairs, Health Permit, Beer and Wine License … Công việc này bạn nên trả tiền nhờ một văn phòng kế toán địa phương giúp đỡ.
Các hình thức làm chủ doanh nghiệp
Ở Mỹ, nếu bạn làm chủ một mình thì gọi là sole proprietorship. Nếu có hùn hạp với ai thì gọi là partnership, Hai hình thức này có đặc tính chung là opened liability có nghĩa là trong quá trình làm ăn, nếu xảy ra thưa kiện (lawsuit) hay thiếu nợ ngân hàng thì có ảnh hưởng đến tài sản riêng tư của bạn.
Một vài hình thức khác chính phủ Mỹ thiết kế để chỉ hạn chế những may rủi kể trên gọi là limited liability, nếu như xảy ra cho doanh nghiệp của bạn, thì chỉ ảnh hưởng đến tài sản của công ty thôi như Corporation hay LLC.
Việc chọn hình thức làm chủ nào cho thích hợp với hoàn cảnh và công việc làm ăn đòi hỏi một kiến thức tương đối cao cấp. Bạn tốt nhất là nên tư vấn với văn phòng kế toán hoặc luật sư của bạn.
Kế toán – Lương bổng – Thuế vụ
Khi các bước chuẩn bị cho doanh nghiệp của bạn đã xong thì bạn sẵn sàng thi thố kiến thức và kinh nghiệm trong nghề để quản trị doanh nghiệp và làm cho nó ngày càng phát đạt.
Một nhu cầu của người làm doanh nghiệp là phải khai thuế lợi tức với chính phủ và nếu có mướn nhân viên thì phải biết cách trả lương. Vấn đề này tương đối phức tạp bạn nên mướn một văn phòng kế toán để thực hiện công việc này cho đúng mức, phù hợp với luật pháp của sở thuế hầu tránh những phiền phức với nhân viên và chính quyền.
Một số doanh nhân gốc Việt thành công trên đất Mỹ
Dưới đây là tóm lược về sự nghiệp một số doanh nhân người Việt thành công trên đất Mỹ, trích nguồn từ internet của Linh Lam.
Hoàng Kiều
Hoàng Kiều sinh năm 1944 tại Việt Nam, đến Mỹ năm 1975 khi đó ông được 31 tuổi. Ông từng làm việc với hãng Abbott chuyên cung cấp các thiết bị cho bệnh viện trong năm năm. Qua thời gian làm việc với hãng này, ông nhanh chóng học được khái niệm về huyết tương.
Năm 1980, Hoàng Kiều thành lập công ty sản xuất huyết tương Rare Antibody Antigen Supply. Đến năm 1987, ông bắt đầu hợp tác với trung tâm truyền máu và huyết học Thượng Hải, Trung Quốc.
Năm 1992, ông thành lập công ty Shanghai RAAS Blood Products chuyên cung cấp các sản phẩm về máu. Phần lớn tài sản của ông đến từ cổ phần của công ty này.
Hoàng Kiều từng sở hữu khối tài sản trị giá 3,8 tỷ USD, đứng thứ 149 trong Top 400 người giàu nhất nước Mỹ và 847 trong danh sách tỷ phú thế giới của Forbes.
Chính Chu
Chính Chu sinh năm 1966 tại Việt Nam. Ông cùng gia đình di cư sang Mỹ vào năm 1975 với vốn liếng chỉ vài trăm USD.
Do xuất thân tại ngôi trường không mấy danh tiếng trong ngành tài chính nên Chính Chu từng gặp không ít khó khăn khi xin việc.
Chính Chu từng làm việc tại ban mua bán và sáp nhập (merger and acquisition) của công ty chuyên về đầu tư Salomon Brothers từ năm 1988.
Năm 1990 ông gia nhập công ty Blackstone. Dưới bàn tay đạo diễn của Chính Chu, Blackstone đã hoàn thành nhiều vụ đầu tư sinh lãi với giá hàng tỷ USD như hợp vốn mua hãng dược Nycomed và Catalent Pharma Solutions (3,3 tỷ USD), DJ Orthopedics (1,6 tỷ USD) …
Ông được đánh giá là một trong những thương nhân châu Á thành công nhất. Hiện ông giữ chức Giám đốc điều hành cao cấp và là đồng Chủ tịch Ủy ban đầu tư vốn cổ phần của Blackstone.
Michelle Phan
Michelle Phan hay còn gọi là Phan Tuyết Băng sinh năm 1987. Cô được mệnh danh là “Phù thủy trang điểm” trên Youtube.
Michelle bắt đầu các video hướng dẫn trang điểm vào năm 2007 và nhanh chóng thu hút sự quan tâm của nhiều người. Hiện nay, trang Youtube của cô gái trẻ tuổi này đã có hơn 8 triệu người theo dõi.
Cô cũng là nhà sáng lập của một startup chuyên về làm đẹp mang tên Ipsy. Gần đây, công ty này đã huy động được 100 triệu USD và đang được định giá ở mức hơn 500 triệu USD.
Michelle Phan vinh dự được tạp chí Forbes vinh danh trong Top 30 under 30 (30 người trẻ dưới 30 tuổi xuất sắc nhất).
Dung Tấn Trung
Dung Tấn Trung đặt chân đến Mỹ năm 1985 với chỉ 2 USD trong tay cùng vốn tiếng Anh ít ỏi. Nhưng nhờ không ngừng nỗ lực, cố gắng Dung Tấn Trung đã được nhận vào Đại học Massachusetts ở Boston.
Để có tiền ăn học và giúp đỡ gia đình, Dung Tấn Trung phải đi làm thêm 30 giờ mỗi tuần với đủ thứ công việc cực nhọc ở Boston từ rửa bát cho đến kỹ thuật viên trong các phòng máy tính.
Sau 15 cố gắng làm việc, ông thành lập công ty OnDisplay thành công vượt bực. Dung Tấn Trung chuyển nhượng công ty này với giá gần 1,8 tỷ USD. Ông được coi là một trong những người Việt thành công nhất ở nước ngoài và có mặt trong cuốn sách Giấc mơ Mỹ.
Thành công của Dung Tấn Trung đã được ca ngợi trên nhiều tờ báo và tạp chí nổi tiếng như Forbes, Fortune, Financial Times, Wall Street Journal, San Francisco Chronicle…
Trở về Việt Nam, ông đã lập ra Công ty cổ phần Hỗ trợ Dịch vụ Thanh toán Việt Phú (được biết nhiều với sản phẩm ví điện tử Mobivi) và hiện là Phó Chủ tịch Hội đồng Quản trị (HĐQT) kiêm Tổng Giám đốc của công ty này.
David Trần- Ông vua tương ớt
David Trần sinh năm 1945 tại Việt Nam. Ông đến Mỹ với hai bàn tay trắng, Sau nhiều năm làm việc và nghiên cứu thị trường, năm 1980 ông lập ra công ty Huy Fong Foods – một công ty chuyên sản xuất tương Sriracha tại Los Angeles, bang California.
Những ngày đầu khởi nghiệp, David Trần đã phải xách từng xô tương ớt đến bán cho các nhà hàng ở khu phố Tàu của thành phố Los Angeles.
Gần 35 năm sau, chai tương ớt nắp xanh lá cây mang tên Sriracha đã trở thành mặt hàng chủ chốt của Tập đoàn Huy Fong khuynh đảo giới thực phẩm toàn cầu và là biểu tượng văn hóa tại đất nước cờ hoa.
Kết luận
Nếu chỉ nhờ vào sức của một mình bạn thì mức độ thành công của bạn có giới hạn. Doanh nghiệp giúp bạn có cơ hội dùng thêm sức của những người khác làm giàu cho bạn, và cùng lúc đó, tạo cho nhân viên hay đối tác có công ăn việc làm, hoặc phát triển được nghề họ yêu thích. Người Mỹ có câu: “Not until you stretch your wings, you don’t know how far you can fly”. Tôi xin dịch là “Cho đến khi bạn vươn cao đôi cánh, bạn mới biết khả năng của bạn cao đến dường nào”. Làm người ai mà không có ước mơ. Theo tôi không mơ thì thôi, đã mơ thì phải mơ một giấc mơ thật xứng đáng để không uổng một kiếp người.