Cây cầu…vệ sinh!

by Tim Bui
PHIẾM Cây cầu…vệ sinh!

TÁM BÔN XA

Người Việt mình có thói quen dùng chữ…khó hiểu. Không chỉ đối với người ngoại quốc mà cả người Việt ít chú ý cũng khó hiểu!

Bởi vậy từ thời mấy ông giáo sĩ mới qua Việt Nam đều đồng thanh nhận định: tiếng Việt rất khó! Yes! Khó bởi hai miền Nam Bắc nói có khác nhau về nhiều thứ. Khó bởi cùng một mặt chữ, cùng một âm nhưng lại rất nhiều nghĩa.

Trong hàng mớ chữ nghĩa ấy có chữ “cầu”. 

Cầu là cầu mong, mơ ước, hy vọng….

Cầu là vật bắc qua đường nước, qua sông, suối…

Cầu là thứ treo lơ lửng trên không.

Cầu là thứ tròn tròn

Cầu là thứ mà chúng ta có thể đá, đánh được…

Cầu mà có màu sắc nằm tận trên mây

Cầu là “căn nhà nhỏ” trong căn nhà lớn, nơi giải quyết đầu ra.

Và mỗi cây cầu lại có tên riêng. 

Cầu lót bằng ván thì kêu cầu cây.

Cầu bắc bằng tre thì kêu cầu tre.

Cầu lơ lửng trên không trung thì kêu cầu treo.

Cầu bằng một cây tre hay cây dừa bắc qua mương, rãnh nhỏ…thì kêu cầu khỉ.

Cầu mà chỉ cần nói lầm thầm trong miệng rồi mua vé số là cầu…may!

…Nói tới cầu thì Tám tui chợt nhớ bắt quàn. Đó là chuyện tiếu lâm hồi còn ở trong nước, thập niên 1980.

Số là ở cái thủ đô “rất đỗi nhân văn” vừa khánh thành một chung cư. Một vị lãnh đạo sau khi đi duyệt qua, vô ngồi đánh chén, mới hỏi nhà đầu tư:

Này, sao chỗ ở gì mà chẳng thấy cái nhà xí nào thế? Ở thế nào được?

Báo cáo anh, nhà đầu tư khúm núm nói, chúng em thực hiện việc tiết kiệm tối đa ạ. 

Thế là thế nào? 

Báo cáo anh, nếu thấy không cần thiết thì không xây ạ! 

Chú giải thích rõ hơn cho tôi nghe.

Báo cáo anh, nhà có bốn tầng, mỗi tầng đều có một nhóm cư dân riêng ạ!

Tốt! Thế tầng 1 ai ở?

Báo cáo anh, tầng 1 là nhà trẻ ạ!

Trẻ con không đi ị đi tè sao? Thế chúng giải quyết ở đâu?

Báo cáo anh, chúng ngồi bô cả nên không cần nhà xí.

Vị lãnh đạo gật gù, rồi hỏi tiếp:

Thế tầng 2 ai ở?

Báo cáo anh, đó là nhà tập thể của cơ quan X ạ.

Thế chúng nó giải quyết ra sao?

Báo cáo anh, họ vào cơ quan giải quyết nên không cần xây nhà xí cho nó phí ạ.

Còn tầng 3?

Báo cáo anh, tầng 3 là nhà tập thể của công nhân nhà máy J?

Công nhân thì tịt cả à?

Báo cáo anh, đất nước đang còn nghèo, công nhân có cái chó gì ăn đâu mà ị ạ!

Hay! Thế còn tầng 4, ai ở?

Báo cáo anh, tầng 4 là nhà tập thể của các nhà văn.

Giời ạ! Cái lũ ấy thì suốt ngày đánh chén lòng lợn mắm tôm ở vỉa hè, và mấy hàng thịt chó ở Nhật Tân. Chúng ị gấp mấy lần chúng ta, thế sao chẳng có cái nhà xí nào?

Báo cáo anh! Chắc anh quên rồi. Lũ nhà văn chúng ăn nhiều nhưng lại ị vào mồm nhau nên nhà cũng chẳng cần nhà xí đâu ạ!

Mới đây, ở trong nước có một cây cầu nổi tiếng thế giới sau khi được giới truyền thông chụp hình, đưa tin. Đó là cây cầu “vượt rào” của đường cao tốc để người đi đường vô cái rest room giải quyết đầu ra! Cầu chưa có tên nên tạm kêu là “cây cầu vệ sinh” cho nó có văn hóa!

Số là cuối năm 2023, nhà cầm quyền Việt Nam khánh thành đường cao tốc Dầu Giây – Vĩnh Hảo dài 200km.

Nói cao tốc để lấy oai chớ con đường này chạy hết mức cũng chỉ được 80Km/h tức chừng 50 miles/h thôi. Vận tốc này chỉ bằng hoặc nhỉnh hơn mấy đường lô cồ bên xứ Cờ hoa. Nhưng ở Việt Nam đã là lẹ lắm rồi! Thế nhưng dù đi qua bao nhiều gió cát, rừng rú nhưng con đường này không hề có chỗ nào để người đi đường có thể giải quyết cái bầu tâm sự! Hỏi thì những người có trách nhiệm đổ thừa “tại thiết kế”. Còn trong thực tế thì dân chúng lỡ đi vô cao tốc này mà cái bụng ọ ẹ thì chỉ có một cách là “chun rào” cao tốc để giải quyết.

Một người dân sống gần cao tốc mới nghĩ ra một cách giúp bà con mình, là dựng một cây cầu bằng sắt vượt qua rào chắn để đi vào “khu vệ sinh.” Đây cũng là khu “tự do oanh kích” nên ai có cách gì giải quyết bằng cách ấy. Đàn ông thì chỉ cần quay lưng ra đường. Còn phụ nữ thì chun vô các lùm cây mặc tình cho gió vờn cỏ chọc…! Vậy thôi!

Truyền thông lên tiếng, dân chúng vỗ tay hoan hô, chỉ có ông nhà nước là bực mình.

Bởi “Tao là nhà cầm quyền, là cha mẹ dân. Chúng mày làm cầu mà không báo cáo, không thông qua nhà nước! Dẹp!” Thế là cây cầu bị… tháo! Còn chủ nhân thì phải “nhận sai,” nếu không thì sẽ…

Nói tới đây thì Tám tui lại chợt nhớ chuyện tiếu lâm!

Đó là chuyện làm thơ xảy ra tận bên Tây hồi mồ ma Liên Xô.

Hồi ấy, các du sinh Việt qua bên ấy bị cấm tiệt cái chuyện trai gái yêu đương, bầu bì. Một số du sinh vì không nén được trái tim, lỡ “thò ra thụt vào” nên bị kỷ luật, đuổi về nước. Có người vì chuyện yêu đương, nhứt là yêu mấy cô gái Nga xinh đẹp mà phải trốn luôn, không dám về nước. Thế là các du sinh làm bài thơ dán trên bích báo.

Văn minh như thể nước Nga,
Cũng chẳng cấm chuyện thò ra thụt vào
Lạc hậu như thể nước Lào
Cũng chẳng thấy cấm thụt vào thò ra
Có đâu như ở nước ta,
Lại cấm cái chuyện thò ra thụt vào.

Các du sinh truyền miệng mấy câu thơ này khắp nơi và đến tai sứ quán. Sứ quán liền cho người xuống điều tra “cái đứa” viết thơ láo này!

Đứa nào viết thơ ấy?

Báo cáo anh, Nguyễn Du ạ!

Nguyễn Du là thằng nào, sao không thấy nó trình diện ở sứ quán?

Chuyện thứ hai xảy ra ở Sài Gòn sau năm 1975. 

Một phụ nữ quỳ dưới chân tượng Đức Mẹ trước nhà thờ Đức Bà Sài Gòn, khấn nho nhỏ.

Lạy Đức Mẹ đồng trinh. Xin Mẹ cứu giúp con. Xin cho con 200 đồng để các con ăn qua bữa. Đã mấy ngày rồi chúng chẳng có hột cơm nào trong bụng.

Lời cầu xin của bà không biết Mẹ có nghe không nhưng có một chú công an lảng vảng quanh đó nghe được. Quá cảm động, chú ta mới móc bóp ra nhưng trong bóp chỉ còn 150 đồng, lấy hết rồi bỏ vào một bao thơ và ghi: “của nhà nước” rồi đặt trên bệ chân tượng.

Sau một hồi cầu nguyện, bà nọ đứng dậy và thấy bao thơ. Mở ra coi, bà lại quỳ xuống và nói hơi lớn:

Lạy đức Mẹ đồng trinh, lần sau nếu có cho con thì xin Mẹ cho trực tiếp. Mẹ thông qua nhà nước làm chi mà 200 chỉ còn 150 đồng!

Cây cầu của ông nông dân thương người nọ vì không “thông qua” nên phải dẹp từ ngày 17/2/2024. Không biết rồi đây trên con đường thiên lý này, bà con đi đường phải giải quyết cái bụng ra sao?

Haizzza! Thương quá nhưng không biết làm sao cứu!

You may also like

Leave a Comment

Verified by MonsterInsights