TÁM BÔN XA

Theo tác giả Hai Dốt, người giữ mục “Chữ & Nghĩa” của tạp chí Tôi Yêu Tiếng Nước Tôi, “xa – gần” là một khái niệm rất ư là…nguy hiểm! Một cái khái niệm mà Tám tui nghe muốn lùng bùng lỗ tai.
Hai Dốt đưa ra tỉ dụ, nhà của cô bồ nhí ở tuốt trên Riverside tính từ Bolsa thì với đa số “người yêu nhau” đều cho là…gần, nên có khi vài ngày lại vọt lên để hú hí! Còn nhà của bà già vợ ở Huntington Beach thì ôi thôi nó xa xôi diệu vợi, có khi cả năm mới vãng lai một lần! Sao vậy? Xin thưa rằng, cái khái niệm xa gần nó tùy thuộc vào tâm trạng của mỗi người. Tỉ như vợ cho tiền đi Las Vegas với bạn bè thì 5 tiếng đồng hồ lái xe là gần xịt. Vợ vừa gật đầu OK chưa kịp ngước mặt lên thì xe mấy ông đã ra tới đường lộ rồi. Còn chở vợ đi Las Vegas thì ôi thôi xứ đánh bài ấy lại vô cùng xa xôi, mệt mỏi! Ta nói cứ lần chần chạy ra đi vô lo cái thứ quỷ gì đó hổng biết, mãi chưa chịu đưa.
Mấy ngày giữa tháng Ba, ở xứ Bôn Xa này thiên hạ rần rần với tin đồn xa lắc “đội Quảng Ngãi đang làm đơn xin từ chức!” Ta nói, ở các quán cà phê, bà con hóng chuyện cứ ngó ngang hỏi dọc, rồi hóng chuyện từ các Facebook của những “chiên da tình hình” để xác minh coi sự thiệt ra sao. Mà chiện đồn đại này nó ở tuốt luốt trong nước nhà chớ có phải kế bên nhà đâu. Nhưng mọi người chú ý hỏng phải vì thì thương tiếc cho một tên quan, mà muốn biết chắc tình hình có thiệt là “tình hình” không để mà…sướng!
Mà sướng thiệt chớ! Bởi khi xưa chúng vô Sài Gòn với cái ba lô rách bươm, mà nay thì biệt phủ, biệt thự đầy trời! Bởi bớt một thằng bóp họng bóp hầu dân chúng, trong đó có người thân và bạn bè của chúng ta, phải vui chớ! Bởi vậy tuy chuyện ở xa nhưng lại rất gần gũi. Còn lời đồn thì trăm thứ. Nào là “dính tới thằng Hậu Pháo.” Nào là dính tới “Nguyễn Công Khế.” Nào là “đánh nhau trước đại hội.” Nào là “cái ghế có huông.” Nào là “dân miền Nam mà bày đặt ngồi ghế cao”…
Trong hàng chục lời đồn, Tám tui chú ý tới vụ “cái ghế có huông.”
Chữ HUÔNG trong tự điển của đại ca Huỳnh Tịnh Paulus Của định nghĩa ngắn gọn như sau: “đã có bày điềm dữ; có điềm dữ theo sau.” Xưa nay, trong dân gian hễ nói tới “có huông” là nói tới chuyện xấu sẽ xảy ra nếu ráng làm.
Tỉ như nói tới “con nhỏ đó có số sát chồng, có huông rồi.” Nghĩa là cô nàng xinh đẹp “mây thua nước tóc tuyết nhường màu da” kia ai rước về là chết chắc! Chỉ mấy tay liều mạng coi sống chết như đồ chơi, muốn “thà một phút huy hoàng rồi chợt tắt/Còn hơn buồn le lói suốt trăm năm” mới dám nhào vô.
Miền Nam là đất mới hình thành từ vài trăm năm nay, với lưu dân thì “đất có thổ công, sông có hà bá” nên chỗ nào bị đồn “có huông” là né ra, chừa ra, tránh ra chớ hổng dám xâm phạm. Đất mà có huông với lời đồn “làm ăn sẽ lụn bại, trồng cấy sẽ thất bát” thì dù tốt mấy cũng chỉ để làm miễu, làm đình chớ không ai dám cất nhà ở, không dám trồng cấy chi hết.
Huông [xin nhớ là có G mà các thầy giáo ngày trước kêu là đuôi] là vậy đó. Bởi vậy nghe tới chữ có huông là Tám tui tay chưn nó giựt giựt, lập tức đeo kiếng lão vô để “tìm hiểu.”
Thiên hạ nhiều chiện trong nước kháo nhau rằng, ở Hà Nội có cái ghế quan thuộc hàng tứ trụ nhưng rất xui. Họ còn đồn cái ghế ấy đã bị “thế lực thù địch” ếm xì bùa, ai ngồi lên sẽ toi mạng! Cái ghế ấy mới dòm qua thì rất ngon lành. Người ngồi toàn tiếp toàn quốc khách, đi đứng thì tiền hô hậu ủng, nói ra toàn những lời châu ngọc mà các sử gia trong và ngoài nước đều phải ghi ghi chép chép để hậu thế tường lãm. Đi ngoại quốc như đi chợ và phu nhân được tháp tùng miễn phí. Và tất nhiên là ngồi mát ăn bát vàng chớ không cần chạy ăn từng bữa như dân đen.
Do đó, hễ làm quan thì nhiều người chen chúc nhau để được vô ngồi chánh thức cái ghế ấy. Thời buổi “ghế ít đít nhiều mà!” Cho nên để được ngồi lên đó phải tả xung hữu đột đánh vẹt đồng bọn mà leo lên. Rồi phải có thành tích bóp hầu bóp họng dân đen cho nhiều. Phải biết nịnh nọt, “biết điều” với cấp trên, chà đạp bọn cấp dưới. Phải biết thứ nào ăn, thứ nào cúng! Bởi vậy cái ghế tuy ở gần mà lại xa tầm tay lắm lắm!
Vậy mà từ khoảng chục năm nay, nhiều quan chức khi được mời ngồi ghế thì lắc đầu nguầy nguậy “Em chã! Em chã!”
Có người vừa mới được gieo hy vọng được ngồi lên là lập tức xin về “làm người tử tế” liền. Căn cứ vô sự thiệt đã từng được đóng dấu và ký tên nè. Khi anh Đại được nâng lên từ Bộ trưởng vô ngồi ghế, chưa nóng đít thì đùng một phát về với tổ tiên.
Anh Lú mời mà chả ai thèm liền kiêm luôn cả hai ghế. Vừa kiêm có tí tẹo là lãnh ngay cú “tai biến” suýt vong mạng. Nếu không nhờ “chuyến bay đặc biệt” từ Phú Quốc về Sài Gòn, không nhờ các bác sĩ giỏi ở bệnh viện Chợ Rẫy “tận tình cứu chữa” chắc đã đi về nơi xa lắm rồi. Tới anh Niễng vừa rời ghế thủ tướng, mới đặt đít lên mép ghế cũng phải ra đi có trật tự. Tới anh “xây nhà tổ” leo lên mới một năm cộng vài ngày thì bị “thôi các chức vụ, nghỉ công tác.” Tin đồn có huông là vậy.
Hình như cái ghế ấy, Tám tui chưa thấy mà cũng chắc gì thấy được, đóng bằng cây trâm bầu sao đó! Bà con nào ở miền Tây, hẳn cũng biết cây trâm bầu nó ra sao. Cây này toàn thân đầy gai nhọn lểu dài gần 5 phân cứng như sắt, mọc ven bờ ruộng, bờ rạch… Bà con ta chỉ chặt cây để làm hàng rào, làm chuồng trâu bò… vì gai quá nhọn, quá cứng nên khó mà róc cho hết gai để làm chuyện khác. Lấy cây trâm bầu làm ghế ngồi như cái hình trên đây thì… ô hô, ai tai! Mông nào chịu nổi mấy cha?Tới nay thì sự thiệt đã thành sự thật rồi. Kể ra, ở cái tuổi còn có thể vô sâu, trèo cao mà về “làm người tử tế” cũng đau chớ! Còn chiện ăn uống, thì chúng ăn quá dữ mà hỏng sao, còn mình chấm mút chút ít để xây nhà tổ mà bị chỉ mặt đặt tên, đau quá đi! Mà chiện đâu phải hôm qua hôm kia, nó xảy ra cả chục năm rồi, xa lắc. Vậy mà…
Cùng một tác giả: https://www.toiyeutiengnuoctoi.com/category/phiem-luan/chuyen-phiem/