LÊ NGUYỄN
LGT: Ý định viết tản mạn về đề tài này đến với tôi từ lâu, bởi vì Phú Nhuận là nơi chôn nhau cắt rốn của tôi. Song viết được ít nhiều thì có tin tác phẩm dày cộm về Phú Nhuận của tác giả Phạm Công Luận được trình làng. Bèn gác bút bỏ đó. Song lại chạnh nghĩ, đây là mảnh đất thân thương của nhiều người dân Sài Gòn – Gia Định, ký ức nào cũng đáng quý, độ chênh thời gian của nhiều ký ức khác nhau cũng có thể cung cấp nhiều hình ảnh, nhiều góc nhìn khác nhau. Nên mạnh dạn nối tiếp những dòng viết dở. May ra những người cùng thế hệ 4X, 5X với tôi có dịp ôn lại một thời thơ ấu, mặt khác các bạn ở thế hệ sau còn biết đến một số địa danh quen thuộc ở thế hệ chúng tôi mà nay đã chìm vào quên lãng.
Tôi ra đời cách nay đúng 80 năm, trong một ngôi nhà khiêm tốn nằm trên một khoảng đất rộng bao la. Nhà nằm cách đường Nguyễn Huệ (nay là Thích Quảng Đức), Phú Nhuận khoảng 150 mét, nhưng do phía trước chỉ là một bãi cỏ rộng nên từ nhà vẫn có thể nhìn thấy khách bộ hành qua lại trên đường.
Năm 1944, thế chiến thứ Hai vẫn chưa kết thúc, nhiều gia đình người Việt phải tạm rời xa nơi đang ở, hoặc để tránh đạn bom, hoặc tìm kế sinh nhai mới, hoặc cả hai.
Lúc đó, ông bà ngoại tôi có cho hai gia đình “Bắc kỳ cựu” tá túc trong nhà (Bắc kỳ cựu là cụm chữ nói vui để chỉ những người miền Bắc vào Nam vào những thập niên 1930-1940, trước cuộc di cư vĩ đại vào những năm 1954-1955). Một gia đình của ông Oánh và một gia đình của bà Tụng. Chưa từng quen biết nhau, thấy người khác cần giúp đỡ thì mình cứ ra tay, không tính toán, nghĩ ngợi gì. Người miền Nam xưa là vậy.
Bà Tụng có hai người con trai, anh lớn tên Từ, anh nhỏ tên Ngữ. Năm đó, anh Ngữ khoảng 10 tuổi, đặc trách việc bồng ẵm tôi hàng ngày. Đó là khi lớn lên, nghe người lớn nói lại, chứ hồi đó, tuổi tính bằng tháng, có nhớ được gì!
Những năm 1944-1945, bầu trời Sài Gòn thường xuyên xuất hiện máy bay Đồng minh, có lẽ để oanh tạc các vị trí của quân đội Nhật. Mỗi lần như thế, còi hụ vang lên từng hồi, nhà nhà chui xuống những chiếc hầm tránh bom đào sẵn, dài chừng 3-4 mét, ngang độ 1-2 mét. Thời đó, ông bà ngoại tôi và nhiều người dân Sài Gòn gọi hầm tránh bom là cái “trảng-sê,” âm từ tiếng Pháp “tranchée.”
Nghe kể rằng mỗi lần cả nhà xuống “trảng sê,” cậu bé chừng 1 tuổi là tôi không chịu nổi sự nóng bức, chật chội, cứ khóc ré lên từng chập. Bà Tụng không nhẫn nại nổi với loại tiếng ồn đó, đã tuyên bố một cách dứt khoát: “thằng bé khóc nhức đầu quá, tôi không chịu nổi, thôi tôi lên, có chết thà chết.” Rồi bà leo lên khỏi trảng-sê, ngồi hẳn trong nhà, may mà bà vẫn còn sống.
Chiến tranh kết thúc, gia đình ông Oánh, bà Tụng trở về nơi ở cũ. Gần 10 năm sau, có dịp vào Sài Gòn, bà ghé lại nhà thăm gia đình tôi, lúc đó thằng bé từng khóc ré đã hơn 10 tuổi rồi, song bà vẫn chưa quên kỷ niệm cũ.
Từ ngôi nhà này, bước chân của tôi in dấu trên những con đường Nguyễn Huệ, Chi Lăng, Thái Lập Thành, Võ Di Nguy… của Phú Nhuận trong một thời gian dài, cho đến ngày tôi tốt nghiệp Đại học, khi vừa hơn 20 tuổi!
Về mặt lịch sử, Phú Nhuận là một trong những địa danh lâu đời nhất ở vùng đất Nam Kỳ. Theo sách Đại Nam thực lục của Quốc sử quán triều Nguyễn và Gia Định Thành thông chí của Thượng thư Trịnh Hoài Đức, mùa Xuân năm 1808, vua Gia Long thực hiện cuộc cải tổ hành chính vùng Gia Định cũ, đổi dinh thành trấn, thăng huyện thành phủ, thăng tổng thành huyện. Riêng Gia Định trấn đổi thành Gia Định Thành, dinh Phiên Trấn thành trấn Phiên An; Phú Nhuận khi ấy là một thôn thuộc tổng Bình Trị, huyện Bình Dương, Phủ Tân Bình, trấn Phiên An.
Sang thời Pháp thuộc, năm 1862, một trung úy Pháp là Coffin soạn thảo dự án chỉnh trang thành phố Sài Gòn, chia ra hai khu hành chính và dân cư rõ rệt, song địa giới của thành phố Sài Gòn lúc bấy giờ chỉ kéo dài đến vùng Tân Định ngày nay, phần bên ngoài, trong đó có vùng Phú Nhuận vẫn còn là những thôn xóm ít người cư ngụ.
Tháng 5 năm 1944, chính quyền thực dân Pháp nâng cấp quận Tân Bình thành tỉnh Tân Bình, bao gồm quận Tân Bình cũ và nhiều vùng đất nằm trong các quận kế cận. Với sự cải tổ này, Phú Nhuận trở thành tỉnh lỵ của tỉnh Tân Bình. Song tỉnh tân lập này không tồn tại lâu, đến tháng 8 năm 1945, do những chuyển biến liên tục về chính trị và quân sự, nó không còn được nhắc tới, và đến chế độ Đệ nhất Cộng hòa, nó trở thành quận Tân Bình như cũ, Phú Nhuận lại trở về cương vị xã quận lỵ như trước.
Vào thập niên 1950, dưới chế độ Đệ nhất Cộng hòa, thành phố Sài Gòn nằm lọt thỏm trong tỉnh Gia Định, phía Bắc có quận Gò Vấp (đúng phải là Vắp, tên của một loại cây), phía Đông Bắc có quận Thủ Đức, phía Tây Bắc có quận Tân Bình và quận Hóc Môn; phía Đông Nam giáp biển, có hai quận Quảng Xuyên và Cần Giờ (khu Rừng Sác). Xã Phú Nhuận là xã có ngân sách lớn nhất của quận Tân Bình, lại chỉ cách trung tâm thủ đô Sài Gòn độ 5 km.
Có thể xem trung tâm điểm của vùng Phú Nhuận là Ngã tư Phú Nhuận, nơi giao nhau của 3 con đường: Võ Di Nguy (nay là Phan Đình Phùng và Nguyễn Kiệm), Chi Lăng (Phan Đăng Lưu) và Võ Tánh (Hoàng Văn Thụ).
Nhìn vào bản đồ, sẽ thấy con đường Võ Di Nguy nằm trên trục Bắc-Nam; đường Chi Lăng – Võ Tánh trên trục Đông Tây của xã.
Từ Ngã tư Phú Nhuận đi theo đường Võ Di Nguy về hướng chợ Phú Nhuận, ta sẽ gặp dãy nhà bên phải con đường có những hoạt động náo nhiệt hơn dãy bên trái. Gần ngã tư có nhà bảo sanh Tuyết Nho, một cơ sở y tế tư nhân khá lâu đời, từng cho ra đời nhiều trẻ em sinh vào nửa sau thập niên 1940, đầu thập niên 1950. Vào khoảng thời gian này, cô mụ chủ nhà bảo sanh có mấy cô con gái xinh xắn, chiều chiều thướng dắt họ đi chăm sóc sức khỏe cho các sản phụ sinh tại nhà ở những địa điểm xa 1-2 km.
Qua nhà bảo sanh Tuyết Nho, đi tới thêm một chút sẽ gặp tiệm bazar (tiệm bán tạp hóa) Hiệp Thành, nơi mà cậu học trò 13-14 tuổi vẫn thường ghé lại mua vài món đồ cần thiết cho việc học. Đi lên nữa sẽ gặp một “rạp hát cháy” theo cách gọi của người đương thời. Rạp hát này bị cháy toàn bộ bên trong, chỉ còn trơ cột đúc và chiếc mái bên ngoài. Song đó là nơi mà trong nhiều năm, những người mua gánh bán bưng, dân cơ nhỡ, mượn làm nơi nghỉ ngơi ban ngày và có khi ngủ cả ban đêm.
Mãi về sau, vào khoảng giữa thập niên 1960, rạp hát cháy mới được xây dựng lại. Nghe đâu người dựng lại rạp này là ông chủ của rạp xi-nê Văn Cầm, nằm bên trái đường Võ Di Nguy, khúc sắp đến chợ Phú Nhuận, và cũng vì thế, ông đặt cho rạp này tên Cẩm Vân, cách phát âm gần với tên Văn Cầm.
Nói tới những rạp hát nho nhỏ ở Phú Nhuận – và Sài Gòn nói chung – vào những năm cuối thập niên 1950, đầu thập niên 1960, không thể không nhắc tới cụm từ “xi-nê pẹc-ma-năng” (permanent) đồng hạng 5 đồng. Thời đó, ở những rạp Cẩm Vân, Văn Cầm (Phú Nhuận), Mô-đẹc (Moderne, Tân Định), Đakao, Vĩnh Lợi (Sài Gòn), Cao Đồng Hưng (Bà Chiểu)…, chỉ cần mua một vé vào cửa giá đồng nhất 5 đồng, bạn có thể “ăn dầm nằm dề” trong rạp từ sáng tới tối, chỉ một phim chiếu đi chiếu lại cả ngày, ai vào lúc nào coi lúc ấy, không có xuất xiếc gì cả. Có những bạn học sinh vào xem rồi ngủ luôn trên ghế, đến khi rạp chiếu xong, chuẩn bị đóng cửa, có người tới lay dậy, ra về.
Gần rạp hát cháy thời đó có hai nhà may Đoàn Thành Lực và Nguyễn Thịnh. Nhà may trước “cổ kính” hơn, còn nhà may sau ra đời trễ hơn nên rộng rãi, cách bài trí cũng sáng sủa hơn rất nhiều. Qua khỏi hai nhà may này là đến Ngã ba Lò Đúc, nơi gặp nhau của hai con đường Võ Di Nguy và Nguyễn Minh Chiếu (nay là Nguyễn Trọng Tuyển), nơi tập trung khá nhiều quán hàng ăn uống nhỏ, lộ thiên cũng như trong nhà.
Qua Lò Đúc, ta lại gặp một hiệu may nữa, có tên Phúc Xương, chủ nhân là một cụ “Bắc kỳ di cư” tự cắt may cho khách. Từ đây đi về hướng chợ Phú Nhuận chưa đầy 100 mét, ta sẽ gặp một tòa nhà hai tầng cao sừng sững trên một khu dân cư chỉ gồm hầu hết là nhà trệt mái ngói. Đó là Hội đồng xã Phú Nhuận.
Nhân hai chữ “hội đồng”, xin nói rõ hơn là dưới thời Đệ nhất Cộng hòa (chính phủ Ngô Đình Diệm – 1954-1963), cấp xã chưa có cơ chế dân cử như ở thời Đệ nhị Cộng Hòa (1967-1975), Hội đồng xã là cơ quan chính quyền duy nhất đảm trách việc điều hành toàn bộ công việc trong xã.
Sang thời Đệ nhị Cộng hòa, tại cấp xã, có sự phân chia hai cơ quan hành chính và dân cử. Cơ quan hành chính là Ủy ban Hành chánh xã trực thuộc chính quyền quận, nhân viên là viên chức hành chính, ngoại trừ Chủ tịch UBHC xã là người đoạt số phiếu cao nhất trong cuộc bầu cử Hội đồng xã, đương nhiên giữ trách vụ này. Cơ quan dân cử là Hội đồng nhân dân xã, với Chủ tịch là người có số phiếu cao thứ hai trong cuộc bầu cử.
(còn tiếp)