TR. VÂN
Cuộc triển lãm tranh gò đồng chân dung văn nghệ sĩ của nhà thơ – nhà điêu khắc Phạm Xuân Trường tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam (Hà Nội) khai mạc chiều 2/12/2023.
Theo nhiều nguồn tin, ông Nguyên mang lên Hà Nội 184 bức tranh do ông sáng tác, song Sở VHTT (Văn Hóa Thể Thao) Hà Nội chỉ cho phép triển lãm 154 bức. Ông Nguyên viết trên Facebook “còn 30 bức là “tranh treo”” [nghĩa là tranh không được treo trong triển lãm]. Trong đó có người được Giải thưởng Hồ Chí Minh (Trần Đức Thảo), Giải thưởng Nhà nước (Hoàng Cầm, Trần Dần, Lê Đạt, Phùng Quán, Nguyễn Duy); có những người nổi tiếng như Phan Khôi (đã được tỉnh Quảng Nam đặt tên đường tại tỉnh lỵ Tam Kỳ), Trương Tửu (Hội Nhà văn Việt Nam vừa kỷ niệm 110 năm sinh), Dương Tường, Nguyên Ngọc, Vũ Thư Hiên, Hoàng Hưng, Ý Nhi, Tạ Duy Anh, Nguyễn Quang Lập… Nhìn vào đây thì thấy Nhà nước đã thua Hà Nội, Hà Nội đã thua một Sở của mình. Và người dân Thủ đô thấy mình bị xúc phạm tư cách Thủ đô.
Dư luận bức xúc muốn biết nguyên nhân 30 bức “tranh treo” này. Lãnh đạo Sở VHTT Hà Nội đã căn cứ vào đâu để loại chúng khỏi cuộc bày tranh của tác giả Phạm Xuân Trường? Họ đã cấm bằng văn bản chứ không phải nói miệng, đó là việc đúng quy định. Nhưng họ đã lấy quy định nào để cấm 30 tác phẩm không được treo? Nếu lãnh đạo Sở không trả lời được thì lãnh đạo Hà Nội phải có trách nhiệm giải đáp câu hỏi này cho tác giả triển lãm và 30 nhân vật trong tác phẩm. Tôi cho là họ không có căn cứ nào cả mà chỉ là NGU DỐT và CẬY QUYỀN, căn cứ vào sự việc nực cười xảy ra ngay tại lúc khai mạc triển lãm. Trong danh sách “không cấp phép” treo tác phẩm có bức Phùng Quán. Nhưng tại phòng tranh đúng lúc khai mạc vẫn có bức đó. Thì ra ban tổ chức không biết Phùng Quán là ai nên đã đưa nhầm bức Phùng Quán treo vào chỗ một bức được treo. Khi thấy các văn nghệ sĩ xôn xao thì họ mới phát hiện treo nhầm nên đã vội tháo ngay đem cất. Và trám vào khoảng trống ấy một bức khác.”
Quyết định của Hà Nội đã bị dư luận phản ứng mạnh. Nhà văn, Đại tá công an Thái Kế Toại, một trong những người “bị cấm treo” đã gửi đơn lên Bộ Công An hỏi lý do “vì sao tranh chân dung ông ta bị cấm treo?” Còn nhà thơ Bùi Chí Vinh thì đã “cám ơn Sở VHTT Hà Nội” vì không cho treo tranh của ông.
Danh sách 30 nghệ sĩ “bị cấm treo”
1-Phan Khôi
2-Hoàng Cầm
3-La Khắc Hòa
4-Tạ Duy Anh
5-Hoàng Minh Tường
6-Hoàng Quốc Hải
7-Trần Đức Thảo
8-Nguyễn Duy
9-Lê Đạt
10-Phùng Cung
11-Đỗ Hoàng
12-Phạm Lưu Vũ
13-Thái Bá Tân
14-Nguyễn Xuân Diện
15-Thái Kế Toại
16-Trần Dần
17-Phùng Quán
18-Nguyễn Quang Lập
19-Trần Huy Quang
20-Vũ Thư Hiên
21-Phạm Viết Đào
22-Nguyên Ngọc
23-Ý Nhi
24-Dương Tường
25-Bùi Chí Vinh
26-Hoàng Hưng
27-Đặng Văn Sinh
28-Trương Tửu
29-Phạm Xuân Nguyên
30-Phạm Toàn
Còn bức thứ 31 là tranh có nhiều nhân vật.
Hiện nay, ngoài Thái Kế Toại và Bùi Chí Vinh lên tiếng, các nghệ sĩ khác chưa thấy nói gì, đặc biệt là Hội Liên hiệp văn học nghệ thuật!
Trong khi đó, dư luận nổi sóng. Nhà báo Hà Phan cho rằng việc cấm treo chân những nghệ sĩ của Hà Nội là “một cách phong thánh” cho họ. Ở Việt Nam từ lâu người ta có thói quen “cái gì cấm thì tò mò muốn xem cho biết”. Và điều chắc chắn là những nghệ sĩ bị cấm treo tác phẩm của họ sẽ được nhân dân tìm xem.
Trong số những nghệ sĩ bị cấm treo, người ta chú ý nhiều đến Phan Khôi, người từng chỉ thẳng mặt con trai mình, là một bí thư tỉnh ủy, đang diễn thuyết “Nó nói láo!”. Phan Khôi (1887-1959) người Quảng Nam, cháu ngoại của Tổng đốc Hoàng Diệu, là một nhà báo nổi tiếng từ thập niên 1930 của thế kỷ 20. Ông là chủ bút của nhiều tờ báo tại Sài Gòn, viết cho nhiều báo từ Sài Gòn ra Hà Nội, từng tham gia phong trao Đông Kinh Nghĩa Thục và là người được tôn xưng là “người mở đường cho nền thơ mới” ở Việt Nam. Những bài báo của ông viết được trả 5 đồng/bài [khi đó lương của một Đốc phủ sứ, chủ tỉnh lớn ở Nam Kỳ là 80 đồng/ tháng] và phải trả trước! Về thơ, ông cùng với nữ sĩ kiêm nhà báo trẻ Nguyễn Thị Manh Manh đã mở đầu nền thơ mới bằng những bài thơ đăng trên tuần báo Phụ Nữ Tân Văn ở Sài Gòn tạo nên một cơn “địa chấn” trong làng thơ văn Việt.
Hai mươi bốn năm xưa,
một đêm vừa gió lại vừa mưa,
Dưới ngọn đèn mờ, trong gian nhà nhỏ,
hai cái đầu xanh kề nhau than thở:
“Ôi đôi ta, tình thương nhau thì vẫn nặng,
mà lấy nhau hẳn đà không đặng:
Để đến nỗi tình trước phụ sau,
chi bằng sớm liệu mà buông nhau!”
– “Hay nói mới bạc làm sao chớ!
buông nhau làm sao cho nỡ?
Thương được chừng nào hay chừng ấy,
chẳng qua ông Trời bắt đôi ta phải vậy!
Ta là nhân ngãi, đâu phải vợ chồng,
mà tính chuyện thuỷ chung!”
Hai mươi bốn năm sau,
tình cờ đất khách gặp nhau:
Đôi cái đầu đều bạc. Nếu chẳng quen lung,
đố có nhìn ra được?
Ôn chuyện cũ mà thôi. Liếc đưa nhau đi rồi,
con mắt còn có đuôi.
1932
Bài thơ Tình già của Phan Khôi đăng trên báo Phụ Nữ Tân Văn ngày 10-3-1932 đã trở thành bài thơ đầu tiên cho phong trào thơ mới ở Việt Nam.
Một người khác cũng nổi tiếng là nhà thơ Trần Dần. Chỉ với câu thơ trong bài Nhất định thắng “Tôi bước đi/ không thấy phố/ không thấy nhà/Chỉ thấy mưa sa/ trên màu cờ đỏ” ông đã đủ nổi tiếng.
Trần Dần tên thật là Trần Văn Dần (1926-1997), nguyên quán thành phố Nam Định, tỉnh Nam Định. Cha Trần Dần là một viên chức kho bạc Nam Định. Ông học ở quê rồi lên Hà Nội học tiếp và đậu Tú tài Triết. Năm 1946, Trần Dần cùng Trần Mai Châu, Đinh Hùng, Vũ Hoàng Địch, Vũ Hoàng Chương thành lập nhóm thơ tượng trưng Dạ đài với tuyên ngôn 16-11-1946 với những câu: “Chúng tôi, một lũ người vong gia thất thổ, trót đầu thai nhằm lúc sao mờ…”
Đến ngày 19-12-1946, ông cùng nhóm Dạ đài ra số báo Dạ đài 2, khi kháng chiến chống Pháp bùng nổ, ông trở về Nam Định tham gia công tác thông tin tuyên truyền ở huyện Vụ Bản rồi làm việc ở Sở Tuyên truyền Khu IV. Sau 1954, ông ở lại miền Bắc, sau đó tham gia vào nhóm Nhân Văn Giai Phẩm và bị gạt ra bên lề xã hội.
Nhà báo Hoài Nam viết về ông trên báo Tiền Phong:
“Ai đó đã từng cảm khái trước sự kiện Trần Dần bị gạt ra bên lề đời sống văn chương suốt mấy chục năm. Nhưng biết đâu đó lại chẳng là một cơ may cho ông: chính sự tồn tại “bên lề” ấy khiến ông có thể yên tâm đi con đường riêng của mình, viết theo xác tín nghệ thuật của mình, khỏi phải lo đến việc tác phẩm mình viết ra có là món ăn hợp với khẩu vị của người đương thời hay không?
Trần Dần là một trong số ít, rất ít, những nhà cách tân lớn của văn chương Việt Nam thế kỷ XX. Phẩm chất nhà cách tân của ông, trước hết và quan trọng nhất, biểu hiện ở ý thức phản kháng thường trực, liên tục trước tất thảy những quy phạm nghệ thuật đang đóng vai trò cái chính thống, cái phổ biến trong nền văn chương đương đại.“
Nhưng với tiểu thuyết “Những ngã tư và những cột đèn” – Trần Dần viết xong năm 1966, đầu năm 2011 mới được Nhã Nam và NXB Hội nhà văn công bố – người đọc lại một lần nữa phải ngạc nhiên bởi năng lực đa dạng của “kẻ sáng tạo” ấy, ít nhất là ở phương diện: Trần Dần cũng không “buông tha” cho văn xuôi, và ông đã đẩy ngôn ngữ văn xuôi hư cấu vào một cuộc thử nghiệm lạ lùng.
Câu văn xuôi của Trần Dần ở tác phẩm tiểu thuyết này là kiểu câu rất hiếm gặp trong văn xuôi Việt Nam từ thời có chữ quốc ngữ tới nay. Không phải kiểu câu biền ngẫu như trong văn của Hồ Biểu Chánh, Hoàng Ngọc Phách hay Nhất Linh (giai đoạn viết Nho phong).
Không phải kiểu câu cụt lủn, cộc lốc của Hoàng Tích Chu. Không phải kiểu câu rõ ràng khúc chiết, mềm mại uyển chuyển của Thạch Lam (mô phỏng ngữ pháp Pháp văn, và có lẽ chính là mẫu hình phổ biến nhất của câu văn tiếng Việt hiện nay)…”
Không chỉ có 2 mà nhiều hơn nữa. Những gương mặt nghệ sĩ bị cấm treo hầu hết đều có những phát biểu, những sáng tác mang tính “phản biện”, điều mà nhà cầm quyền Việt Nam hiện nay không thích.
Lẽ ra, cuộc triển lãm chỉ gói gọn dư luận trong giới nghệ sĩ, và chỉ loanh quanh ở Hà Nội. Mọi người sẽ tới coi và rồi quên đi! Thế nhưng việc Sở VHTT Hà Nội cấm treo khiến cho cả nước chú ý và biến rất nhiều nghệ sĩ, trong đó có cả những nghệ sĩ cũng chưa chắc là đứng về phía nhân dân, trở thành những cái tên “hot”. Có lẽ nên làm như nhà thơ Bùi Chí Vinh là “xin cám ơn Sở VHTT Hà Nội”.