Tình yêu nam nữ lúc tuổi già khác với lúc tuổi trẻ ra sao?

by Tim Bui
RẮC RỐI TƠ LÒNG

MẮT NÂU

Hỏi: Tôi tên Minh, có vài câu muốn hỏi nhà văn Mắt Nâu: 1) Tình yêu nam nữ lúc tuổi già khác với lúc tuổi trẻ ra sao? 2) Với phái nữ thì tuổi nào tình yêu trai gái không quan trọng nữa. 3) Tôi nghe một số phụ nữ nói họ sống không cần đàn ông (không chỉ về mặt tình dục), điều này có thể giải thích được không? Và 4) Yêu nhau có cần phải chung sống với nhau không? Nhất là khi chúng ta đã ở tuổi trên 50?

Đáp: Nói một cách bao quát về tình cảm con người, tình yêu là chất liệu tốt đẹp, giúp đời sống nam nữ, ở bất kỳ độ tuổi nào, được vui vẻ, cả về thể chất lẫn tinh thần. Khi có tình yêu, có lẽ người ta nhìn cuộc đời bớt khô khan – bớt nhăn nhó khó khăn, ánh mắt xem ra mềm mại hơn, bao dung độ lượng, cảm thông hơn.

Nhìn khuôn mặt người có tình yêu khác so với người không tình yêu, hoặc chưa yêu hoặc chưa bao giờ được yêu. Tuy nhiên tùy quan điểm, hoàn cảnh, địa phương, nghề nghiệp và môi trường sống… mỗi cá nhân có suy nghĩ về tình yêu nam nữ khác nhau.

Tình yêu nam nữ lúc già khác lúc trẻ ra sao?
Tình yêu nam nữ lúc về già có thể không khác mà cũng có thể khác lúc trẻ. Không khác, nếu nhìn sự việc một cách đơn giản và phiến diện. Nhưng nếu nhìn kỹ hơn thì có khác. Tuổi trẻ thường yêu hồn nhiên theo cảm tính, yêu là cứ yêu. Trong khi yêu ở tuổi già thì cân nhắc hơn, cẩn thận hơn, kín đáo hơn, thậm chí có tính toán, hoặc phô trương có mục đích, do đã từng trải qua quá trình sống. Tuy thế, tuổi già khi yêu vẫn cần đủ nồng độ yêu cần thiết.

Tất nhiên mọi sự không phải luôn cứng ngắc như một công thức. Tuổi trẻ có quá khứ ngắn hơn tuổi già. Mà quá khứ là vấn đề liên quan đến tâm-sinh-lý. Chưa kể liên quan đến tính dục, tình dục, chịu ảnh hưởng của sự chăn gối. Tình yêu ở tuổi già thường phức tạp hơn, do dây dưa của quá khứ “con anh con tôi.” Ai cũng có quá khứ mà quá khứ là điều không thể thay đổi được. Những thói quen trong tiềm thức dễ nảy sinh cân đong đo đếm trong tình yêu lúc tuổi về già. Một tâm-sinh-lý rất bình thường.

Với phụ nữ thì ở tuổi nào tình yêu trai gái không quan trọng nữa?
Tình yêu không tuân theo một công thức nào cả và không tùy thuộc giới tính hay tuổi tác. Nhưng trên thực tế, đa số phụ nữ ở độ tuổi trên 50, có con cái, thường nghĩ mình già dặn, thích bám víu vào danh xưng tình yêu này khác, để cố minh chứng tình dục và tình yêu trai gái với họ không quan trọng. Nhưng trong sâu thẳm của trái tim họ thì chưa hẳn như vậy.
      
Che dấu là thói quen của phụ nữ nói chung, nhất là phụ nữ Á đông, và vì do phong kiến, do phong tục tập quán, họ đã có quán tính đó. 

Phụ nữ chưa bao giờ lập gia đình, chưa con cái thường băn khoăn, sợ mang tiếng đã từng tuổi này mà chưa trót cũng bởi do xã hội thích lên án phụ nữ, thích xì xầm, bình phẩm, bàn tán thị phi, một tệ trạng độc mồm độc miệng vô ý thức.

Nhiều phụ nữ nói không cần đàn ông (không chỉ về mặt tình dục), là do đâu?
Trên thực tế, khá nhiều các bà cô tâm sự là không muốn có chồng nhưng lại muốn có một đứa con tự mình sinh ra (con ruột), vì họ không thích xin con nuôi.

Đây là bản năng tự nhiên của sinh vật giống cái, khác với sinh vật nam, do trời phú cho người phụ nữ thiên chức làm mẹ. Dù giải thích theo tâm lý hay theo kiểu nào, cuối cùng cũng do đấng tạo hóa đã khai sinh hai phái tính, cốt yếu là bổ sung, bổ túc cho nhau.

Nhưng sự đời rắc rối, bổ sung thì ít, xung khắc thì nhiều. Phản xạ háo thắng, tự ái, sĩ diện, dẫn đến tiêu cực, khiến phụ nữ cố tình khẳng định cá tính, và tuyên bố họ không cần đàn ông, mong được sống yên thân, sống độc lập, để không hệ lụy, tránh mệt mỏi vì cãi vã – Dù tranh cãi thì cả hai đều bị mệt mỏi.   

Yêu nhau có cần phải chung sống với nhau không, nhất là ở tuổi trên 50?
Trên hay dưới 50, biết nói thế nào khi chưa chết, tức là vẫn phải sống. Sống chung là kết quả tất yếu của tình yêu. Không chung sống, tình yêu chưa được thể hiện và chưa lột tả hết một cuộc tình.

Khốn nỗi tình yêu và sức khỏe ở tuổi trên 50, đã làm giảm đi sự kiên nhẫn, để bao dung lẫn nhau, chấp nhận nhau mà sống hòa bình như lúc còn Xuân.

Sau tuổi 50, cá tính con người phần nào thay đổi. Hai bên không còn đủ nghị lực hay sự nhẫn nhịn để chịu đựng “tính xấu” của nhau (càng già càng xấu tính, do sức khỏe, và kiên nhẫn hao mòn. Lúc ấy liệu hai bên còn cùng nhìn về một phía nữa không, hay sinh ra khắc khẩu, “trống đánh xuôi kèn thổi ngược“.

Nhưng dù thế nào. Khi yêu nhau người ta vẫn cần chung sống. Đó là nguyên tắc, là nguyên lý khi ông tạo hóa sinh ra người nam,và người nữ.

Khi ơn trên còn cho đủ đôi, cố đơn-giản-hóa để đi được với nhau trọn đường trần. Chẳng biết có kiếp sau không? Và nếu có, chưa chắc đã gặp được nhau, để kết duyên hay chung sống để làm chồng vợ. Ôi cái món nợ tiền kiếp cùng nhau vay trả.

Thôi thì cố gắng yêu những gì ta đang có (trừ trường hợp không thể chịu đựng hơn). Đời đâu gì hoàn hảo. Còn đủ một cặp bên nhau sau một chặng đường dài, là một hạnh phúc không tầm thường không phải dễ ai cũng có. Cái cảnh người đi trước, kẻ đi sau buồn bã và cô quạnh lắm.

Xuôi theo tự nhiên để hạnh phúc tạm gọi là viên mãn, dù ở phái tính nào, cuộc sống chung sẽ biến thành điều tự hào cho chúng ta khi tuổi càng cao.

Có được một người đi chung trong suốt  hành trình chính là hạnh phúc.
                   
Tuổi hạc trăm năm được vững bền 
Là ơn thượng đế nhuộm trên nghiệp đời
Chia nhau tiếng khóc tiếng cười
Cũng như một áng mây trôi bồng bềnh

You may also like

Leave a Comment

Verified by MonsterInsights