MẮT NÂU
Hỏi: Chị Mắt Nâu ơi, em năm nay 38 tuổi. Em thường nghe mấy câu: Con mắt là cửa sổ của tâm hồn, xấu đẹp tùy người đối diện, rồi trong mắt tình nhân, ai cũng là Tây Thi – Và nhìn vào đôi mắt người yêu sẽ thấy bản thân mình. Em muốn hỏi chị là tình yêu chân thật của người kia có cần phải phù hợp với cái nhìn của mình về mối tình ấy không? Và khi phải chiều theo áp lực của người bạn đời và con riêng của mình em nên chọn bên nào?
Thêm một câu nữa: Khi biết mình mình là phụ nữ có phần nổi trội về tính cách và bản lãnh, em có nên kỳ vọng là người khác phái của mình phải giỏi hơn mình không? Cuối cùng, ai cũng bảo con người cần có cái Tâm. Vậy cái tâm nằm ở đâu? Và tùy duyên là sao chị? (Loan).
Đáp: Em Loan mến. Đọc một loạt những câu hỏi của em, chị thấy em là một phụ nữ rất thông minh, và người phụ nữ thông minh đó đang ở trong một tâm trạng rối bời. Thương em quá.
Trước hết, khi đối diện với ai thì ta soi thấy bóng mình trong mắt người đó, và đồng thời cũng phần nào thấy được sự trong sáng hay không trong sáng trong ánh mắt người kia. Người ta nhìn vào đôi mắt để nhận định và đánh giá tâm hồn người đối diện, vì thế đôi mắt được ví như cửa sổ để nhìn thấy tâm hồn mỗi người.
Còn sắc đẹp thì tự nó không có một nguyên tắc hay một công thức nào nhất định, cho nên tùy mắt người nhìn, mà đối tượng xấu hay đẹp. Có khi cùng nhìn một người, nhưng em thấy đẹp mà người khác bảo không đẹp. Cái chính là hợp mắt thì khen mà không hợp mắt thì không khen. Hay nói theo kiểu văn hoa là “Mỗi người một mỹ quan” tức là mỗi người quan niệm về cái đẹp khác nhau.
Ngày xưa phụ nữ được coi là đẹp phải trông phúc hậu, tròn trịa, đầy đặn, có da có thịt. Ngày nay, trái lại, phụ nữ được coi là đẹp, phải mỏng mảnh gầy gò, dài sọc, mình hạc xương mai, lòi xương vai xương cổ… Điều này cho thấy cái đẹp chẳng những tùy cái nhìn (mỹ quan) mà còn tùy thời điểm.
Thêm nữa ngày nay sắc đẹp được vẽ qua máy vi tính, và sử dụng cùng khuôn mẫu nên hàng loạt đôi mắt, hàng loạt cái mũi, cái môi, cái miệng, cái cằm, na ná giống nhau. Vì vậy quan điểm về cái đẹp thời nay có thể giống như cái đẹp của vi tính.
Người Việt chúng ta có câu “Khi yêu trái ấu cũng tròn/Khi ghét bồ hòn cũng méo“, hoặc “Thương ai thương cả đường đi/Ghét ai ghét cả tông chi họ hàng”. Điều này tựu chung nói lên tính chủ quan của con người. Mà chủ quan thì không còn khách quan và cũng không cần tranh cãi nữa. Vì thế trong mắt người tình, khi đang yêu, thì ai cũng là Tây Thi.
Nhìn vào mắt người yêu để thấy mình, cũng mang tính chủ quan khi tình cảm đã bị chi phối qua tấm gương thiếu trung thực và đó là cách nói bóng bẩy khó phân bày.
Khi yêu nhau thì ngoài cảm giác say đắm khiến chung ta ngây ngất trong mắt nhau, còn bao nhiêu vấn đề khác được đặt ra, vì thế tình yêu chân thật cũng cần phù hợp với cái nhìn của mình về một mối tình.
Điều này thoạt nghe thì hơi tối nghĩa, nhưng bất cứ điều gì, ngay trong tình yêu, cũng cần phải có sự phù hợp, để mối tình có thể lâu bền hơn, và để hai người trong cuộc được sảng khoái hơn, hạnh phúc hơn.
Khi em đã phải đặt câu hỏi là có nên chiều theo áp lực của người bạn đời hay không thì đã là một vấn đề tế nhị rồi.
Chiều người bạn đời, hay chiều con riêng không phải là một lựa chọn đơn giản. Em cần dung hòa, không chọn hẳn bên nào cả, vì chọn bên nào cũng mang đến sự bất toàn. Trung dung là thượng sách. Nhưng giữ vững lập trường, trung dung không có nghĩa là ba phải, mà đòi hỏi em phải có sự tế nhị một cách uyển chuyển.
Kinh sách có câu “Không ai chịu trách nhiệm về sự bất toàn của người khác”. Cho nên em không thể ngang nhiên gánh vác những bất đồng giữa người bạn đời và con riêng, nếu không muốn gia đình tan vỡ.
Sống chung là cuộc hành trình truân chuyên vô cùng gian khó, ngay cả với con chung, huống gì con riêng. Bên nào cũng có lý lẽ riêng khó phân định được.
Khi biết mình là một phụ nữ có tính cách nổi trội và bản lãnh, em vẫn nên “thưởng lãm” người khác phái giỏi hơn mình. Nhưng chỉ nên “kỳ vọng” có chừng mực, vì mình đã nổi trội rồi, mà còn muốn tìm người giỏi hơn thì hơi khó.
Con người cần có cái tâm, vì tâm là cốt lõi cho tất cả mọi sự trên đời. Cái tâm nằm trong tư duy, trong tâm thức, trong bản chất và cá tính.
Người xưa nói “Nhân chi sơ tính bản thiện” là muốn nói nguyên gốc (căn bản) con người khi mới sinh ra là thiện. Rồi thời gian, rồi vì nhu cầu, và những va chạm… dẫn đến sự tính toán, đến quay quắt lọc lừa, hầu đạt sở thích, đạt mục đích, đạt sở nguyện và nhất là đạt quyền lợi cho cái ngã (cái tôi) càng ngày càng lớn.
Cái ngã là bẩm sinh, cũng là cá tính phát sinh theo nhu cầu, theo dục vọng, theo đối tượng, và theo môi trường sống.
Xã hội càng tiến đến văn minh hiện đại, nhu cầu càng nhiều, dục vọng càng cao thì con người càng xa dần bản thiện. Tâm tư rắc rối hơn, con người trăn trở, mệt mỏi hơn.
Để xoa dịu căng thẳng đầu óc, tránh những toan tính tiến thoái lưỡng nan cho những lựa chọn khó khăn, người ta tỉnh ngộ ra một điều: Tùy duyên.
Tùy duyên là thái độ trao niềm đau hay nỗi vui cho đấng toàn năng tùy nghi định đoạt theo cơ duyên vốn đã được sắp xếp an bài từ khi ta còn trong bụng mẹ, hay cũng có thể từ kiếp trước.
Rồi tùy vào duyên may (mắn), hoặc (run) rủi, cộng với những trung gian gặp gỡ trong cuộc sống, mà thành hoàn cảnh. Và mình hoàn toàn chấp nhận hoàn cảnh ấy. Điều đó gọi là tùy duyên.
Tùy duyên theo cái-sự-đời
Nghịch duyên có thể nên người mai sau
Thuận duyên nhạt nhẽo qua cầu
Sống đời an phận lâu lâu kêu buồn
Chúc em nhiều may mắn trong cuộc sống tình cảm.