Làm sao để biết mình yêu người ta và biết người ta yêu mình?

by Tim Bui
Hơn 80 tuổi còn khủng hoảng chuyện tình ái..

MẮT NÂU

Hỏi: Chào chị Mắt Nâu, cho em hỏi vài câu hơi lẩn thẩn, mong chị đừng cười nhé. Chị ơi làm sao để biết mình yêu người ta và biết người ta yêu mình? Khi biết người ta yêu mình, mình nên làm gì để đáp lại? Có nên cho người ta biết mình yêu người ta không? Rồi khi tìm hiểu mới thấy mình và người ấy có nhiều tính cách và sở thích hoàn toàn trái nghịch nhau thì có nên tính chuyện sống chung không? Em bối rối quá (ThuThảo).

Đáp: Trước hết, yêu là cảm giác thú vị giữa 2 giới tính, nó không giống như yêu cha mẹ, yêu thầy cô giáo, yêu anh chị em, yêu người thân, yêu bạn bè, yêu con chó con mèo, yêu bông hoa nở, yêu chiếc lá vàng rơi v.v… 

Tóm lại yêu giữa nam nữ, hoàn toàn khác hẳn mọi thứ yêu khác trong cuộc sống, nên người ta đã mau ghép chữ Tình đứng trước chữ Yêu (Tình yêu) hoặc chữ đương sau chữ Yêu (Yêu đương) để phân biệt.

Khi yêu một ai đó, làm sao biết là mình yêu?
Cảm giác đầu tiên của Tình yêu là nhớ nhung… là hơi thở khác thường… là nhịp đập rộn rã của trái tim, là suy tư vơ vẩn, có lúc luống cuống khi thấy có người phát giác vẻ mặt đờ đẫn khờ khạo, đôi má ửng hồng, mặt nóng lên, ngượng ngùng, xấu hổ.
Hiện tượng vẩn vơ một mình, tựa như lời tự thú giữa ban ngày: Như trong truyện “Hoa Vông Vang” của Đỗ Tốn, tả anh chàng Đẩu đứng tựa gốc cây cười vu vơ một mình, khiến người chị gái bật thốt lên: “Cậu đứng cười một mình như thế… thì … chó nó cũng biết.” Biết gì?  Biết cái nỗi niềm, hiện ra trên mặt hết cái bí ẩn huyền mơ nhất của con người. Điều khá thích thú là khi yêu ta cứ nghĩ đến “người ấy,” cứ muốn được nghe  nhắc đến những gì thuộc về người ấy –  Những giây phút lẩn thẩn, ngẩn ngơ chính là dấu hiệu biết mình đã yêu người ta.

Làm sao để biết người ta yêu mình?
Cảm giác đầu tiên là tiếp nhận được những ánh mắt nồng nàn, một cử chỉ quan tâm, một chăm sóc nho nhỏ, kín đáo bất ngờ từ người ấy, để đôi bên cùng thú vị. Lời nói và hành động của người ấy song hành, không tào lao, chứng minh được tình yêu của họ. Khi hai bên đồng cảm nhận, để cùng nhận biết tình Yêu bắt đầu chớm nở. Hay là người ấy chịu lắng nghe, bảo vệ mình, theo dõi bước chân của mình. Quan tâm sức khỏe của mình. Giữ khoảng cách và đồng thời cũng biết phá vỡ khoảng cách, thể hiện mật độ tình cảm một cách bất ngờ, tạo cho mình thích thú.

Làm sao để đáp lại tình yêu?
Không gì bằng thành thật bày tỏ và chia sớt niềm vui nỗi buồn nếu có, với người ta, để cùng hoan hỉ đón nhận cảm giác có nhau trong những buổi chiều tà, hay tìm nhau trong khoảnh khắc lụi tàn của sắc tím  hoàng hôn lịm tắt ở cuối trời… Bên nhau là hình ảnh nương tựa tuyệt vời tuyệt đẹp của đời sống con người, mà ai cũng ao ước muốn có.

Yêu rồi, có nên cho người ta biết, và có nên sống chung khi thấy tính cách trái ngược nhau?
Cuộc sống cứ trôi im bình lặng thì đã chẳng có môn triết trong chương trình học cuối năm trung học phổ thông… dự bị bước vào cuộc đời nhiều rắc rối, trùng trùng dâu bể. Có khi mình cho biết mình yêu, tâm tình và cục diện cũng có thể khác. Nhưng người ta dễ nhàm chán khi mọi sự cứ đều đều buồn tẻ để sinh ra nhiều thứ bất thường.      
Ngưỡng cửa hôn nhân, hay sống chung, là bước đầu của xây dựng lứa đôi và cũng là của sự tàn phá, làm tan hoang những tâm hồn một thời lãng đãng mơ mộng, do xã hội cứ quan niệm phải kết hợp và ép 2 mảnh thế giới riêng hòa chung một điệu.
Cho nên nhà thơ nhà văn cứ luôn miệng than “Ôi, Tình chỉ đẹp khi còn dang dở“…     
Cuộc sống chung là một quá trình nan giải và phức tạp giữa hai cá thể,  khi phải kết hợp 2 cá tính, 2 sở thích, nhất là 2 quan điểm trái chiều nhau.
Quan điểm là cái nhìn – Cái nhìn thường chủ quan. Nên tuyệt đối không nên tranh cãi. Tranh cãi thậm chí có thể dẫn đến cốt nhục tương tàn, huống hồ tình yêu nam nữ không dính dáng, không liên quan cốt nhục!
Người xưa tâm niệm “Anh em như thủ túc (chân tay)/ Người yêu,vợ chồng như quần áo“…. Mà hễ có chung, ắt có đụng, không thể nào tránh khỏi dù tốt nhịn đến đâu… 
Nếu sống chung mà cứ ngày này sang ngày khác phải chiều nhau, phải chịu đựng nhau dài dài một cách miễn cưỡng, đó là một bi kịch không thể nào giải thích.
    
Cho nên xã hội con người mới nghĩ ra món luật pháp – Để hòa giải và để chấm dứt đau khổ, giải tỏa đời nhau.

Nếu đã biết trước tính tình, tính chất và sở thích hai bên hoàn toàn trái nghịch ngay trong thời gian tìm hiểu, khi chưa chung sống (là điều may), nhưng vẫn oai phong tiếp tục tiến bước tới. Thì ấy một là bản lãnh. Hai là lạc quan. Ba là thách đố. Bốn là quyết trả nợ đời…
Bản lĩnh cũng quý – Thách đố cũng xong – Lạc quan trả nợ đời nhau cũng tốt. Mọi sự do ở nơi mình chứ chẳng do ai, và cũng không ai can thiệp được.     
Mong em tự thân suy nghĩ, để quyết định chọn chung sống hay là dừng lại.
Chị xin ghi lại lời của người xưa, thế này: “Nếu tốt số, cái tào lao bên ngoài, vào tay mình cũng hóa tốt. Nếu số không tốt, cái đang tốt, vào tay mình  cũng biến thành hư xấu.”
Nghĩa là mọi sự do duyên – Hên xui xấu tốt  thuộc quyền ông xanh?

Bắc thang lên hỏi ông trời
Trần gian sao lại  khóc, cười khác nhau
Trời cười ngẫm nghĩ, gãi đầu
Tựu chung là bởi sắc màu thế gian

Tình yêu thì lúc tụ lúc tan
Ví như mây trắng bay ngang về trời.
Mến chào và chúc Thu Thảo nhiều may mắn.

Quý vị muốn đặt câu hỏi cho nhà văn Mắt Nâu, xin thư về địa chỉ email của tòa soạn, tại: TYTNTMagazines@gmail.com

You may also like

Verified by MonsterInsights