TRÙNG DƯƠNG
Một ngày vào cuối tháng Hai tôi lái xe xuống khỏi đèo Tejon trên đường ngược bắc về Sacramento.
Mọi lần tôi thường phân vân nên chọn đường số 5 hay đường 99, cả hai cùng dẫn tới thủ phủ Cali, và tôi thường chọn xa lộ 5 vì tương đối ít xe và không gặp nhiều con lộ cắt ngang, lại có nhiều trạm nghỉ chân công cộng. Trong khi đó, đường 99, nguyên là một thứ thương lộ (trước khi có đường xuyên bang số 5) chạy dọc theo chiều dài khoảng 300 dặm của thung lũng San Joaquin xuyên qua nhiều thành phố đông dân cư, khu thương mại và ruộng vườn, và là con đường nổi tiếng là đã xảy ra nhiều tai nạn chết người, theo một nghiên cứu.
Đường 99 cũng ít có trạm nghỉ chân công cộng (rest area) so với đường xuyên bang số 5, có lẽ vì đã có nhiều thành phố với khu thương mại nằm dọc theo lộ trình lữ khách có thể dừng lại nghỉ ngơi nếu cần, nên cơ quan công lộ tiểu bang thấy không có nhu cầu làm nhiều trạm nghỉ chân.
Nhưng lần này tôi không chút phân vân lấy đường 99 vì biết cuối tháng Hai là lúc mùa hoa hạnh nhân bắt đầu nở rộ, với những hộp tổ ong sơn nhiều màu đặt rải rác đó đây do chủ vườn mướn của các nhà nuôi ong giúp hạnh nhân đơm hoa kết trái.
Quyết định đi đường 99 đã cho tôi những tiếng đồng hồ dài thú vị quên cả buồn ngủ trên quãng đường thiên lý mấy trăm dặm từ chân đèo Tejon xuyên trung bộ Cali, còn có tên là thung lũng San Joaquin trù phú, về tới thủ phủ Cali. Với nhiều lần dừng lại để ngắm những vườn hạnh nhân kín những cụm hoa đang đua nhau nở rộ.
Sau đây là một số hình ảnh chụp được xin chia sẻ với bạn đọc cần tìm ít phút mát mắt thoải mái. Tiếc là báo giấy vì lý do tốn kém chỉ có thể in hình trắng đen.
Tôi thường bị lôi cuốn bởi những hộp tổ ong mật nhiều màu đặt rải rác ven vườn do các chủ vườn mướn của các nhà nuôi ong để giúp hạnh nhân thụ phấn kết trái.
California là tiểu bang sản xuất hạnh nhân (almond) lớn nhất thế giới, chiếm khoảng 80% nguồn cung toàn cầu. Số hạt hạnh nhân do Cali sản xuất, đại đa số từ thung lũng San Joaquin, gồm 70% xuất cảng và 30% còn lại dành cho giới tiêu thụ trong nước. Hạnh nhân không chỉ là cây trồng có giá trị cho nền kinh tế quốc gia mà còn là loại thực phẩm bổ dưỡng và đa năng cho người tiêu dùng. Và cũng là thứ cây cần nhiều nước hơn cả.
Tuy nhiên, sản xuất hạnh nhân phụ thuộc rất nhiều vào dịch vụ thụ phấn của ong mật, điều này rất cần thiết cho sự phát triển và phẩm chất của hạt. Nếu không có ong mật, sản lượng hạnh nhân sẽ giảm hơn 90%.
Để đảm bảo thụ phấn đầy đủ, giới trồng hạnh nhân thuê hàng triệu tổ ong từ những người nuôi ong mỗi năm, đặc biệt là trong mùa hoa nở vào tháng Hai và tháng Ba. Hoạt động này đã trở thành nguồn thu nhập chính cho người nuôi ong, với giá cho thuê mỗi tổ ong có thể lên tới 200 Mỹ kim cho vài tuần. Nó cũng giúp người trồng hạnh nhân tăng năng suất và lợi nhuận, vì mỗi tổ ong có thể thụ phấn cho khoảng hai mẫu cây hạnh nhân.
Khoảng 1.6 triệu đàn ong mật thương mại (khác với các loài ong hoang dã, vốn bị ảnh hưởng nặng bởi thuốc diệt sâu bọ, đặc biệt tại thung lũng San Joaquin) được đặt trong vườn hạnh nhân ở California để thụ phấn cho cây từ tháng Giêng đến tháng Ba, với nhiều con ong được vận chuyển từ ngoài tiểu bang hầu đáp ứng nhu cầu.
Chăm sóc vườn hạnh nhân là công việc đòi hỏi nhiều nhân vật lực và đầu tư. Vài năm trở lại đây, các chủ vườn hạnh nhân đang phải đối diện với nhiều vấn đề, từ nạn khan hiếm nước cố hữu của California tới lạm phát, phân lời cao, hàng tỉ hạt hạnh nhân bị tồn đọng trong kho tại hải cảng trong mấy năm bị nạn Covid khiến chủ vườn bị đọng vốn.
Hồi đầu năm nay, công ty Trinitas Farming, LLC, một nhóm quản lý nông nghiệp có trụ sở tại Oakdale, một thị trấn trong thung lũng San Joaquin, đã nộp đơn xin phá sản theo Chương 11 cho 7,856 mẫu vườn hạnh nhân mà họ sở hữu trên khắp các quận Solano, Contra Costa, San Joaquin, Fresno và Tulare, theo báo San Francisco Chronicle.
Tổng cộng có 17 trang trại đã được đưa vào hồ sơ nộp lên Tòa án Phá sản Hoa Kỳ Quận Bắc California San Jose Division do chi phí cao để duy trì vườn hạnh nhân trong khi “giá hạnh nhân thấp kỷ lục,” theo hồ sơ xin phá sản.
Tháng 11 năm ngoái, Bộ Nông nghiệp Mỹ cho biết giá hạt cây đã giảm xuống mức thấp nhất trong hai thập niên, với giá hạnh nhân giảm xuống còn 1.10 Mỹ kim/pound, so với lúc cao nhất là 4 Mỹ kim/pound vào năm 2014.