Sài Gòn mai có còn không?

by Tim Bui
Sài Gòn mai có còn không?

DAVID LE

Câu hỏi làm đau lòng người Sài Gòn.

Câu hỏi làm xót lòng người Việt.

Biết đau, biết xót nhưng hỏi vẫn phải hỏi. Bởi Sài Gòn hôm qua đến hôm nay dường như không còn lại bao nhiêu. Vết thương sau 50 năm tưởng đã lành nhưng sao mỗi ngày vẫn mưng mủ?

Khi hàng cây trăm năm trên đường Tôn Đức Thắng Sài Gòn bị đốn, bộ mặt Hòn ngọc Viễn đông bị sứt mẻ một phần. Khi xưởng Bason bị biến thành khu chung cư cao cấp, thì bộ mặt Sài Gòn lại trầy xước thêm. Khi tượng Thánh tổ truyền tin Trần Nguyên Hãn từ trung tâm Sài Gòn bị “đuổi vô” đứng trước chợ Phú Lâm, thì Sài Gòn sứt mẻ thêm chút ít. Rồi khi logo chợ Bến Thành trên HTV biến mất thay vào đó là ngọn tháp của Landmark thì Sài Gòn dường như không còn là Sài Gòn nữa!

Vâng! Sài Gòn không còn nữa!

Từ một đô thành có hai triệu rưỡi dân, Sài Gòn của chúng ta đã biến ra một đại đô thị với hơn mười triệu người, hay 15 triệu người. Những cánh đồng mênh mông, mát mẻ hứng những làn gió thoáng mát, giữ cho Sài Gòn không bị ngập úng, điều hòa khí hậu cho thành phố… không còn nữa. Sài Gòn từng có những vùng đất sản xuất ra thuốc hút, ra rau trái…không còn nữa. Sài Gòn với những cơ xưởng sản xuất máy móc, đóng xe đò, xe hơi… không còn nữa. Ngay cả chữ viết của người Sài Gòn cũng bị loại bỏ trong sách vở của chế độ mới, tiếng nói của Sài Gòn không còn nữa!

Sài Gòn trước đây, vốn là nơi các trí thức từ khắp nơi tụ về để nghiên cứu và thành danh, nổi tiếng trong và ngoài nước. Ai học hành giỏi, chịu khó rèn luyện, nghiên cứu thì về đây, nơi có đủ thầy giỏi để bái sư, có đủ thư viện để nghiên cứu, có đủ điều kiện để phát triển. Vì vậy, trước năm 1975, có hàng loạt trí thức nổi tiếng trong và ngoài nước sống ở Sài Gòn mà gốc từ các tỉnh khác.

Ai kinh doanh giỏi, về đây có đủ đất để tung hoành, phát triển, để giàu có. Ông chủ nhà băng Thần Tài Tín Nghĩa là ông Nguyễn Tấn Đời, người Rạch Giá. Hay Phạm Sanh, chủ Việt Nam ngân hàng là người Quảng Nam. Còn rất nhiều triệu phú, tỷ phú ở đất Sài Gòn nhờ giỏi kinh doanh nhưng không phải là người gốc Sài Gòn. 

Sài Gòn là vậy đó. Bao hết, ôm hết những ai có lòng, muốn sống, chịu chơi ở miền đất này. Sài Gòn không phân biệt sang hèn, không phân biệt giàu nghèo, miễn chịu trở thành người Sài Gòn là OK.

Ngay cả dân xã hội đen của Sài Gòn cũng khác các nơi. Những tướng cướp, đầu đảng nổi danh ở Sài Gòn như Bạch Hải Đường, Lâm Đào Già… đều luôn chơi đẹp, lấy giàu giúp nghèo chứ không “dơ” như nhiều tay du đãng thời nay. Ví dụ Năm Cam chẳng hạn. Là một tay anh chị có số má nhưng chưa ai thấy Năm Cam hiếp đáp người cô thế, người nghèo…

Theo lời kể của vài nhà báo Sài Gòn thì… có lần Năm Cam đi gội đầu, massage ở một tiệm trên đường Lê Lai. Cô em xoa bóp cho Năm Cam mặt buồn hiu. Thấy vậy, Năm Cam mới hỏi “Sao em buồn vậy?” Cô em nói “Dạ, hồi nãy em đi làm bị giựt mất cái túi xách.” “Bị giựt ở đâu? Mất nhiều hôn?”… Một lúc sau, Năm Cam ra cửa điện thoại và nửa tiếng sau, cửa tiệm hé mở, một cánh tay cầm túi xách đưa vô và nói “của ai?” Cô gái đang xoa bóp cho Năm Cam ngó ra và nói “của em” Cô cầm cái túi xách vô. Năm Cam hỏi “Có mất gì không em?” thì cô cho biết tất cả còn nguyên gồm hai triệu đồng và cái điện thoại di động.

Nay thì…

Xót lòng lắm! Đau lòng lắm! Những người trốn chạy khỏi quê hương sẽ có cảm giác như vậy. Họ ra đi khi Sài Gòn còn là Sài Gòn để lánh nạn cộng sản. Và sau nhiều chục năm trở về thì… Nhưng đau hơn có lẽ chính là những người Sài Gòn vẫn còn sống tại Sài Gòn, ngó thấy mỗi ngày sự mất mát của quê hương mình mà không thể làm gì được. Rất nhiều người chưa hề rời quê hương một giây phút nào lại vô cùng đau đớn khi cảm thấy mình đang lưu vong ở chính nơi mình đang sống! Còn nỗi đau nào đau hơn?

Những người này phải chấp nhận đi trên các con đường quen thuộc từ thuở học trò nay đã bị mất tên. Họ phải đi qua những căn nhà của bạn bè nay những người đang sống trong đó lại vô cùng xa lạ. Họ phải cúi thấp đầu xuống trước những ánh mắt của nhà cầm quyền, của những người vô cùng xa lạ đang tung hoành ở ngay quê hương mình. Họ phải nhìn những cao ốc thân quen trở thành nơi hành lạc của đám người nào đó. Hay phải nhức mắt trước những banner, những khẩu hiệu, những lời kêu gọi trong những màu sắc đơn điệu “đỏ và vàng”! Họ phải chứng kiến sự lố lăng của một bầy khỉ từ trong rừng ra, từ trên núi xuống vui cười trong những bộ vest sang trọng.

Sài Gòn bây giờ là nơi ẩn thân của các chính trị gia hết thời, là nơi tung hoành của đám xã hội đen hết đất làm ăn ở nơi khác, là nơi ăn chơi của đám “COCC,” con ông cháu cha, của đám thái tử đảng, là nơi dung chứa đám cô hồn các đảng chỉ biết ăn cắp, lừa gạt mà không làm gì…

Năm chục năm rồi, gần hết một đời người song Sài Gòn nay hình như chưa nảy ra được một vài triệu phú, tỷ phú có những công trình đáng để dân chúng cúi đầu khâm phục. Hiện có rất nhiều tỷ phú, triệu phú nhưng hầu hết đều tiến lên bằng con đường quan chức và buôn bán đất đai cộng với lừa gạt! Trường hợp bà Trương Mỹ Lan là một, chứ còn nhiều nhiều lắm.

Đã năm mươi năm đi qua, Sài Gòn nay không có được người trí thức nào đủ sức sánh ngang với trí thức thế giới! Hiện có rất nhiều giáo sư, tiến sĩ nhưng không có công trình nào đạt đến tầm quốc gia chớ chưa nói vươn ra thế giới.  Đau thế!

Càng nói càng đau, càng xót.

Ai cũng hỏi tại sao? Câu trả lời hẳn ai cũng có thể biết nhưng…Ôi! Sài Gòn của tôi, Sài Gòn của chúng ta nay đâu còn gì nữa!!!

You may also like

Verified by MonsterInsights