HÀ GIANG
LGT: Nhà báo Trần Nhật Vy là đối tác mật thiết nhất của tôi trong việc lo nội dung cho tạp chí Tôi Yêu Tiếng Nước Tôi. Làm việc trong thời đại “zoom,” chúng tôi ít ra tòa soạn, và vì thế ít gặp nhau, nhưng mỗi khi chăm lo bài vở cho từng số báo, chẳng khi nào mà tôi không cảm thấy thấp thoáng đâu đó sự hiện diện của người bạn đồng nghiệp có nhiều kinh nghiệm hơn mình gấp bội.
Thế rồi đùng một cái, khoảng trước Tết Giáp Thìn, Trần Nhật Vy biến mất, nói anh “về Việt Nam để lo cho cuốn sách,” và đùng một cái, cuối tháng Chín, anh xuất hiện tại tòa soạn, bên cạnh những thùng nặng, mở ra toàn… sách.
Hí hoáy ký tên để tặng sách vài người bạn đồng nghiệp, tôi chưa bao giờ thấy mặt Trần Nhật Vy tươi vui rạng rỡ như thế, dù trông anh, sau gần mười tháng ở Việt Nam, dường như đã khắc thêm cái cái nắng chói chang của Sài Gòn vào làn da vốn đã rất… rám.
Và chẳng hiểu sao, khi cầm cuốn sách, đứa con tinh thần mới nhất của anh trên tay, tôi tự nhiên thấy rưng rưng. Sách dày 500 trang, bìa cứng, thoạt nhìn đã có cảm tình. Từ cái tựa đơn giản “Sài Gòn, Nghề Báo” đến tấm hình trắng đen của một bác xích lô, miệng ngậm thuốc, đầu đội nón, mắt chăm chú nhìn vào tờ báo có tên The Saigon Post. Ôi không hình ảnh nào tiêu biểu hơn cho Sài Gòn trong trí nhớ của tôi bằng chiếc xích lô, và không hình ảnh nào cảm động hơn cho một người viết báo bằng người phu xích lô cắm cúi xem một tờ báo!
—
Sách cầm trên tay rưng rưng là thế, nhưng đọc một tác phẩm được biên khảo rất kỹ lưỡng, và rất có giá trị này, với tôi, là điều không dễ tí nào.
Gồm khoảng 36 chương, “Sài Gòn Nghề Báo” tóm lược cho chúng ta một lịch sử dài hơn 100 năm của báo chí Việt ngữ tại Việt Nam, từ tháng Tư, 1865, với “Những nhà báo đầu tiên” đến tháng Tám, 1972, với “Sắc luật 007 và phong trào nhà báo ăn mày.”
Hãy thử đọc một đoạn trong chương “Những nhà báo đầu tiên”:
“Ngày 15/4/1865, tờ Gia Định Báo, bằng chữ Quốc ngữ, “thứ chữ ghi âm tiếng nói của người Việt bằng mẫu tự La-tinh” tức tiếng Việt ngày nay, đầu tiên ra đời tại Sài Gòn do một tu sĩ Công giáo Pháp hoàn tục theo quân đội Pháp làm phó phòng Thông ngôn, Ernest Potteaux làm chánh tổng tài, tòa soạn đặt ngay trong Dinh Thượng Thơ (nay là cơ quan của Sở Thông tin và truyền thông TPHCM số 59-61 đường Lý Tự Trọng)… Và tờ báo này, ngay từ những số đầu tiên, đã có nhiều người Việt tham gia viết, biên dịch và điều hành. Có thể kể đó là các ông Huỳnh Tịnh Của bút danh Paulus Của, Huỳnh Liễu Mai, Tôn Thọ Tường bút danh Phú Ba Tường, Trương Vĩnh Ký, Trương Minh Ký…”
Ngoài những cái tên nổi tiếng kể trên, tôi rất thích đọc về các nhà báo nữ, nhất là nhân vật trong chương: “Bà Bút Trà (1903 – 1978): Kỳ nhân của làng báo Sài Gòn“.
Thử đọc một đoạn về bà Bút Trà:
“Nhiều chủ nhiệm báo ít khi đụng vô phần nội dung của tờ báo mà giao khoán cho chủ bút (thơ ký hoặc tổng thơ ký tòa soạn)… Còn bà Bút Trà thì khác, chính bà chọn bài đăng báo, Nhà văn Trọng Nguyên, từng là tổng thư ký tòa soạn báo Sài Gòn Mới, kể: ‘Khi nào bà ấy quá bận việc khác bà chỉ thị cho tôi làm việc đúng y như bà đã làm. Có tôi, bà cũng cứ thủ vai chánh. Bà chỉ cần tôi về mặt kỹ thuật mà thôi. Tôi chết đi, bất cứ ai thay thế cũng được, bởi cứ còn bà.‘ Có lần nhà văn Bình Nguyên Lộc khi đã nổi tiếng đề nghị giúp, bà thẳng thắn từ chối: ‘Tôi chỉ đăng bài mà chị bán cá có đọc cũng hiểu. Cậu viết khó hiểu, người bình dân không đọc đâu.’ Một câu nói thể hiện cả chủ trương và định hướng của tờ báo khiến Bình Nguyên Lộc phục lăn!”
Nhưng tại sao thích đọc mà lại nói đọc không dễ?
Sở dĩ đọc không dễ là vì mỗi chương sách, dù chỉ tả về một nhà báo nào đó, nhưng mỗi nhân vật đều sinh hoạt trong một khung cảnh lịch sử rất đặc thù của đất nước Việt Nam ở thời họ sống, với những nhận xét, phân tích, văn phong và góc nhìn mà chúng ta phải đầu tư thì giờ và tâm tư để hòa mình vào lịch sử mới có thể thấu hiểu và thông cảm.
Và điều gì đã khiến tác giả bỏ thì giờ và công sức để biên khảo và soạn ra cuốn sách này?
Mời bạn đọc theo dõi cuộc trò chuyện dưới đây của tác giả và nhà báo, kiêm nhà biên khảo Trần Nhật Vy về cuốn sách có một không hai, rất xứng đáng nằm trong tủ sách mỗi gia đình này, của anh.
Hà Giang: Động cơ nào thúc đẩy anh viết cuốn sách này? Anh mong mang lại điều gì cho người đọc trong nước, người đọc hải ngoại?
Trần Nhật Vy: Tôi vào nghề báo tới nay đã hơn 40 năm. Thoạt đầu, tôi chỉ nghĩ đây là nghề “dễ nổi tiếng” và “ít bị làm khó dễ.” Trong xã hội nào cũng thế, người làm báo thường được chính quyền “nể nang.” Vào nghề, tôi chỉ cắm đầu viết và viết mà không hề biết gì về lịch sử của nghề, không biết gì về cách làm báo, cuộc sống của các tiền nhân. Và cho tới một ngày, sau 20 năm vào nghề, tôi đọc được tờ Việt báo đầu tiên, tờ Gia Định Báo ra đời vào ngày 15/4/1865, tôi mới vỡ lẽ ra nhiều điều. Từ đó tôi dành nhiều thời gian, công sức để sưu tầm, tìm hiểu về lịch sử của nghề tôi đang làm.
Có lẽ đây chính là động cơ lớn nhất của tôi để viết cuốn sách này.
Trong nghề báo, mỗi bài báo viết về một vấn đề, một sự kiện nào đó đều có câu chuyện riêng. Nghề nào cũng vậy, cũng có câu chuyện riêng của nghề ấy, nghề báo cũng không ngoại lệ. Nếu không có những câu chuyện ấy thì bài viết chỉ là một ly nước lạnh đủ giải khát tức thời nhưng không để lại vị gì, không có ích cho cuộc sống tinh thần của người đọc. Đó là thông điệp chính cho những ai, nhất là bạn trẻ trong và ngoài nước, những người đã, đang và chưa muốn bước vào nghề báo.
Trong cuốn sách này, tôi muốn phác họa một phần nhỏ lịch sử của nghề báo từ thuở ban đầu. Có rất nhiều điều mà người làm nghề như tôi cũng mới biết. Từ thuở có chữ quốc ngữ viết bằng mẫu tự Latinh, cho tới khi có báo, rất nhiều tiền nhân của chúng ta đã sống và chết vì nghề này. Những người chỉ muốn đưa sự thật một cách tự do, không phải uốn éo, luồn lách qua các khe hở của pháp luật để sự thật được tới tay độc giả. Tất cả đều không dễ dàng!
Trong sách, các bạn sẽ biết đến những nhà báo nổi tiếng một thời nhưng ngày nay gần như không ai biết tên như Diệp Văn Kỳ, Phan Thứ Khanh, Lê Trung Nghĩa, Nguyễn Kim Đính, Cao Văn Chánh… Thậm chí như Trương Minh Ký, một nhà báo tiền phong từ thế kỷ 19, người có hơn 20 năm làm báo, cũng bị mất hút trong lịch sử. Đây là những người từng dấn thân để nghề báo có được như ngày nay.
Các bạn đọc sách cũng biết thêm cách làm báo của người xưa, đọc được một số bài báo đáng đọc từng nổi tiếng một thời, biết về những tờ báo làm rạng danh người Việt, và sự phát triển từng bước cho nghề báo.
Hà Giang: Ý định viết sách đã có lâu chưa? Phải mất bao lâu mới thực hiện xong, tại sao?
Trần Nhật Vy: Như đã nói, tôi bắt đầu có ý định viết cuốn sách này từ gần 20 năm nay. Và để có đủ tư liệu để viết tôi đã lục tung nhiều thư viện, tủ sách cũ và sưu tầm báo cũ khoảng 15 năm nay. Có tư liệu còn phải đọc, phân tích, chọn lọc từ tờ báo, từng bài báo, từng tác giả… cũng mất khá nhiều thời gian. Còn viết thì nhanh thôi. Tôi viết cuốn này và đăng lai rai trên báo Tôi Yêu Tiếng Nước Tôi trong vòng hai năm ba năm nay. Và thực sự hoàn thành vào cuối tháng Bảy, năm 2024.
Hà Giang: Anh có thể kể cho độc giả nghe những điều lý thú cũng như nhức đầu khi viết sách?
Trần Nhật Vy: Làm nghề sưu tầm, biên khảo có nhiều cái “đã” lắm, những cái đã không biết chia sẻ với ai! Nay có dịp xin khoe.
Tôi đọc nhiều tài liệu nhưng không biết lý do tờ Thần Chung 1929-1930 của ông Diệp Văn Kỳ bị đóng cửa. Trước đó, tôi cứ nghĩ báo của ông Kỳ bị đóng cửa vì ông luôn kêu gào tự do báo chí và viết những bài phê bình nhức nhối đả kích chính quyền thực dân. Rồi một ngày, khi đọc tờ Thực Nghiệp Dân báo ở Hà Nội, tôi đọc được cái tin, Thần Chung bị đóng cửa, còn gọi là đình bản, vì một lý do vớ vẩn là “một bài viết khi đưa kiểm duyệt ký tên CĐ nhưng khi báo ra lại ký tên Cường Để.” Thế là báo bị đóng cửa!
Hay tờ Sài Thành năm 1933, tờ Sài Gòn những năm 1940-1944, tờ Sài Gòn Mới 1950-1972 đều chỉ của một chủ là ông bà Bút Trà Nguyễn Đức Nhuận. Hoặc tác giả nhân vật hề Xã Xệ trên báo chí miền Bắc lâu nay nhiều người cứ tưởng là tác phẩm của các ông Nhất Linh, Nguyễn Gia Trí, Tô Ngọc Vân…vẽ. Song qua các tài liệu xưa, tôi phát hiện Xã Xệ là là sáng tạo của một họa sĩ rất trẻ người Sài Gòn, ông Bút Sơn Lê Minh Đức… Khi sáng tạo nhân vật này, mới 19 tuổi.
Hoặc một bức tranh có hai chữ ký của tác giả lẫn người được vẽ. Đó là tranh nhà báo Lê Trung Nghĩa vẽ nhà thơ Tagore của Ấn Độ từng được giải Nobel văn học, khi ông này ghé Sài Gòn chơi. Bức tranh này hiện được treo tại nhà riêng của một nhà báo, là cháu của ông Nghĩa, tại Thị Nghè, Sài Gòn.
Rất thú vị và “đã.”
Hà Giang: Xin cho biết những chương nào trong “Sài Gòn Nghề Báo”là chương anh đắc ý nhất, tại sao?
Trần Nhật Vy: Hỏi sự đắc ý của một tác giả với tác phẩm của họ thì quá khó. Rất khó mà nói chương này tôi đắc ý mà chương khác thì không. Chỉ có ‘đã” nhiều hay ít thôi. Với tôi đã nhất vẫn là việc phát hiện rất nhiều nhà báo giỏi, nổi tiếng cùng nhiều tác phẩm của họ mà tới nay tên tuổi vẫn còn chìm khuất trong lịch sử.
Hà Giang: Nếu chỉ có vài điều mà độc giả cần rút tỉa ra hay có ấn tượng sâu sắc nhất về cuốn sách thì anh mong nó là những điều gì?
Trần Nhật Vy: Nghề báo cho tới nay vẫn hấp dẫn với rất nhiều người, đặc biệt là giới trẻ. Song từ “muốn làm” tới “được làm” rồi “làm được” là một khoảng cách vô cùng lớn. Qua cuốn sách này, tôi chỉ muốn gửi tới độc giả một điều duy nhất là xin hãy quên câu nói “nhà báo nói láo ăn tiền”.
Đã là xã hội, là nghề nghiệp thì có tốt lẫn xấu, ngay trong tôn giáo cũng có. Vì vậy, xin đừng vì một vài con sâu mà nhổ bỏ cả vườn rau! Nghề báo chúng tôi cực lắm và muốn nói láo cũng vô cùng khó với những người chân thật.
Chúng tôi chỉ muốn mang đến cho người đọc sự thật toàn vẹn tới mức có thể được. Song không phải lúc nào cũng có thể, thân bất do kỷ mà!
Hà Giang: Viết một cuốn sách có giá trị là điều không dễ. Anh có lời khuyên nào cho những ai muốn viết sách mà còn đang ngại ngần?
Trần Nhật Vy: Các bạn muốn viết sách ư? Hãy bắt đầu bước những bước đầu tiên đi. Bạn có thấy hột lúa nào bự bằng cái tô hay cái chén không? Hột lúa rất nhỏ nhưng gom chúng lại chúng ta có rất nhiều hột và có rất nhiều lúa gạo.
Viết sách cũng vậy. Từ những chữ đầu tiên chúng ta viết mỗi ngày một ít, rồi tới ngày sẽ thành một cuốn sách. Tôi nhớ một câu ngạn ngữ đại ý, nếu bạn không đi bước đầu tiên bạn sẽ không bao giờ đi tới nơi muốn tới.
Hãy bắt đầu câu chuyện của bạn!
Hà Giang: Anh còn điều gì muốn chia sẻ?
Trần Nhật Vy: Tôi cho rằng, viết báo là “bản năng nghề nghiệp” của mỗi người. Song để biến cái bản năng ấy thành nghề nghiệp thì cần phải rèn luyện rất nhiều như một con dao đã có hình thù nhưng nếu không được mài thường xuyên thì không thể bén được.
Nghề báo cần có kiến thức, không chỉ kiến thức trong nhà trường mà cần cả kiến thức trong đời sống.
Nghề báo cần phải biết quan sát, nhìn, lắng nghe và phân tích đúng sai. Để đưa tin cho đúng sự thật, hay một phần sự thật, nếu chúng ta không quan sát kỹ, không lắng nghe từ nhiều phía, không phân tích đúng sai thì rất dễ sa vào những sai lầm vớ vẩn. Đặc biệt, trong thời đại hiện nay, có rất nhiều âm mưu, rất nhiều uyển ngữ để che đậy âm mưu, nếu thiếu quan sát, thiếu lắng nghe, thiếu phân tích thì rất dễ đưa tin sai sự thật.
Muốn làm được những điều ấy thì nhà báo cần học, học và học. Học từ trường, từ xã hội, từ sách vở. Đó cũng là cách mà tôi đã học từ khi bước vào nghề tới nay.
—
Độc giả muốn mua sách, xin liên lạc với tòa soạn, email tytntmagazine@gmail.com hay với nhà báo Trần Nhật Vy, (657) 271-3674. Giá ủng hộ $50, tính cả cước phí. Ngân phiếu xin đề tên Huu Vang Nguyen, và gửi về 8932 Mays Ave, Garden Grove, Ca 92844.