Sài Gòn nơi chốn ăn chơi 

by Tim Bui
Sài Gòn nơi chốn ăn chơi

HÒA AN

Nhiều quốc gia cho phép nghề mại dâm hoạt động công khai với những “khu phố đèn đỏ” nổi tiếng thu hút khách du lịch đi tìm của lạ. Ở Việt Nam mại dâm bị cấm nhưng nghề này vẫn có riêng một thế giới ngầm không kém phần nhộn nhịp, nhất là ở siêu đô thị như Sài Gòn.

Từ đứng đường đến karaoke ôm

Cuối thập niên 1980 kéo dài sang đầu thập niên 2000, khi mà phương tiện di chuyển như xe máy còn hiếm, điện thoại di động còn hạn chế và internet chưa phổ biến, Sài Gòn có các tuyến đường trở thành nơi đón khách của các cô gái chuyên “đi dù” hay qua đêm với khách. Có thể kể tên các con đường ở trung tâm Sài Gòn có nhiều gái bán dâm hoạt động mỗi khi mặt trời tắt nắng, như: Huyền Trân Công Chúa, Nam Kỳ Khởi Nghĩa đoạn phía trước Dinh Độc Lập kéo dài đến khu Tòa án… hoặc các cây cầu như cầu Sài Gòn, cầu Bình Triệu, cầu Thị Nghè, bến xe Văn Thánh… Mỗi gái bán dâm thường đứng rải ra quanh các gốc cây, trụ điện chờ khách ghé vào coi mặt, ngã giá xong mới đến bãi đáp! 

Về sau, đứng yên một chỗ dễ bị các đội phòng chống tệ nạn xã hội hốt, bắt đi “phục hồi nhân phẩm,” nên các cô được cò chở trên xe máy chạy theo mấy ông đang tìm của lạ hoặc các cô tự chạy xe theo chào mời khách.

Về sau nữa, khi công nghệ thay đổi đời sống, thì nghề này cũng cập nhật. Một thời có khái niệm gái gọi, các ông cứ ngồi trong nhà hàng gọi điện thoại là có các em đến tận bàn phục vụ, làm điểm tựa cho các ông gác tay, rồi muốn đi tiếp đến sáng mai hay đánh nhanh rút gọn thì tùy. Hiện nay có rất nhiều nhóm trên các nền tảng mạng xã hội, cứ vào đó xem hình, xem giá rồi chọn đào. Nhưng những cách này đều rất bị động, khi mà hình ảnh thường được chỉnh sửa qua app chênh lệch với mẫu thực bên ngoài. Lại thêm rủi ro khá lớn, có thể sau cơn say tình ái tỉnh dậy đã mất sạch mọi thứ mang theo. Cho nên các ông hám của lạ, luôn sẵn rủng rẻn hiện kim trong ví, thường chọn “ăn có nơi chơi có chốn” vừa an toàn, vừa để tỏ ra đại gia sành sỏi lại được quán quen chiều chuộng hết mình.

Một thời rộ lên trào lưu bia ôm, nhiều khu vực ở Sài Gòn trở thành nơi tập trung các nhà hàng bia ôm. Có thể kể các tuyến đường: Lý Văn Phức, Trần Quang Khải (quận 1), đường D2 (Bình Thạnh), Phan Xích Long (Phú Nhuận), Nguyễn Biểu (quận 5), Nguyễn Trãi (quận 1)… Bia ôm biến hóa theo thời gian mà ngày càng chơi mạnh bạo hơn. Đầu thập niên 1990, khi mà karaoke chưa phổ biến, các ông vào bia ôm chọn đào, sau khi sương sương thì được các cô tiếp viên đờn hát cho nghe. Thập niên này, đào bia ôm ngoài sắc vóc thì đa số các cô có thêm tài lẻ ôm đàn guitar và hát, nhìn chung còn khá thanh lịch. Sau nữa, đi bia ôm cũng giống với đi hát karaoke có tiếp viên ngồi bên rót bia và cùng uống với khách. Gần như nhà hàng karaoke nào cũng là một quán bia ôm, khách vào toàn đàn ông thì không cần hỏi cũng được quản lý nhà hàng gợi ý kêu mấy em ngồi cùng.

Chính vì đi karaoke đồng nghĩa với bia ôm nên đã sản sinh ra loại hình “karaoke gia đình.” Ông L.H chủ hệ thống karaoke Nice phủ sóng khắp Sài Gòn ăn nên làm ra không phải nhờ kinh doanh bia ôm, mà nhắm vào những đối tượng khách hàng cần hát chứ không cần ôm. Với hệ thống Nice, ông không tuyển tiếp viên nữ, thay vào đó tất cả phục vụ đều là nam. Khái niệm và tên gọi karaoke gia đình cũng từ ông L.H này mà ra. Và tất nhiên karaoke bia ôm hay karaoke gia đình đều có khách hàng riêng của mình. Nếu muốn đi hát với khách hàng có mấy em ngồi bên gác tay vui vẻ thì cứ karaoke mà chui vô thế nào cũng có đào phục vụ, còn đi hát với các bà vợ hãy chọn karaoke có thêm chữ gia đình, vô lộn cháy nhà như chơi. 

Ngẫm, cái gì mà hợp pháp thường rẻ hơn phi pháp. Bởi hợp pháp thì giá cả luôn rõ ràng, còn phi pháp phụ thuộc nhiều yếu tố, trong đó có việc dân chơi nắm được giá hay không. Nếu chỉ nhậu chay không hát karaoke có đào ngồi cùng, thì ăn hải sản ở những quán sang trọng như nhà hàng hải sản Rạn Biển trung bình mỗi người tốn khoảng một triệu đồng [khoảng 40 Mỹ km]. Nhưng khi “máu lên,” kéo nhau qua khu Phan Xích Long có mấy em tóc dài, da trắng cùng uống bia cho sờ ba vòng, thì mỗi ông tốn cũng hơn năm triệu, chưa kể tiền boa thêm tùy hứng. Cho nên dân gian có câu vè rằng: “Chưa đi chưa biết Sài Gòn/ Đi rồi trong túi không còn một xu/ Ngẫm lại mới thấy mình ngu/ Miệng ăn thì ít mà cu ăn nhiều!

Mát xa là để mát gần!

Một ông anh của tôi từng có câu thơ nghe…bắt mệt!

Đi Sài Gòn phải mát xa!
Đi rồi mới biết hóa ra mát…gần,
Mát gần mà cũng chẳng gần,
Âm dương cách trở một…tầng cao su!

Khi cuộc sống phát triển, mỗi người mỗi việc khiến cho tất cả đều ngày càng chuyên nghiệp hơn kể cả xông hơi, đấm bóp, bấm huyệt, mát xa… cũng trở thành các dịch vụ được kinh doanh bài bản với vô số cơ sở có mặt khắp Sài Gòn. Gần như ai cũng quan tâm đến sức khỏe của mình, nên các dịch vụ chăm sóc sức khỏe như thế luôn có đất dụng võ. Thế nhưng trong vô số các cơ sở làm nghề này, gọi chung là mát xa, thì cũng có vô vàn tiệm mát xa vô đó không phải để phục hồi sức khỏe! Thường thì các ông đi mát xa khác các bà vô tiệm spa để chăm sóc ngoại hình. Khỏi nói cũng biết trong các tiệm mát xa đó có gì mà lôi cuốn các ông đến vậy.

Ngay góc đường Nguyễn Thị Minh Khai – Bà Huyện Thanh Quan (quận 3) có khách sạn Saigon Star rất bự, ngoài việc lưu trú, các ông bước vào chỉ cần nói đi mát xa là lập tức có nhân viên bấm thang máy mời lên lầu. Trong ánh đèn mờ ảo, khu mát xa của khách sạn này như một thế giới khác dù bên ngoài đang trưa nắng chang chang hay buổi chiều kẹt xe ken kín. Đến quầy lễ tân, nhân viên sẽ đưa ra nhiều loại dịch vụ từ thấp nhất đến mát xa kiểu Thái Lan và cao nhất là mát xa King như phục vụ hoàng đế. Hoàng đế khi xưa được phục vụ mát xa thế nào không biết, chứ mát xa King ở đây thì mua vé mất 6 triệu đồng chưa tính tiền boa cho “kỹ thuật viên.” 

Một lần, anh bạn đại gia của tôi ở tỉnh lên, mới trúng mánh mấy lô đất, lên Sài Gòn mua xe hơi loại sang. Sẵn tiền và muốn chiêu đãi thằng bạn ở Sài Gòn lâu năm nhưng bản chất vẫn còn Hai Lúa là tôi nên sau chầu nhậu sương sương đã rủ đi mát xa cho tỉnh rượu rồi về. Những tưởng đi mát xa cho khỏe nhưng leo lên cái xe hiệu Porsche mấy tỷ đồng thì được tài xế riêng của bạn chở đến đây. Đứng ở quầy lễ tân, xem bảng giá khiến tôi chóng mặt, vừa mở miệng đặt dịch vụ thấp nhất thì bị bạn chửi: “Mày đúng là vẫn chưa hết nhà quê, vô đây thì chơi cho tới bến.” Còn chơi cho tới bến thế nào xin không kể ra đây, chỉ biết khi tính tiền thằng bạn móc túi ra đếm xoạc xoạc hết 40 tờ mệnh giá 500 ngàn.

Một lần khác, cũng thằng bạn nối khố ở tỉnh lên, lần này nó đi chung với mấy ông nữa. Chuyện làm ăn của nó tôi không biết, chỉ biết gần ngày về nó và mấy ông bạn đưa tôi qua khu Trung Sơn (một khu dân cư mới thuộc huyện Bình Chánh nhưng nằm sát quận 1) để giúp tôi rửa phèn. Đến tiệm mát xa đường số 9A khu Trung Sơn, bạn tôi vào gặp quản lý nói gì đó tầm 5 phút xong nó trở ra. Đi với nó là quản lý cơ sở này mời chúng tôi lên một xe 7 chỗ rồi chở cả nhóm đi vòng vèo một lúc rồi chạy thẳng xuống hầm để xe một căn biệt thự. Khách xuống xe đã có một nhân viên hướng dẫn cả nhóm lên lầu một, nơi đó bày biện đầy đủ tiện nghi, màn hình mic hát karaoke, có cả một hồ bơi nhỏ và một bàn bida. Tầm 15 phút sau, tôi nhìn xuống đất thì chiếc xe lúc nãy lại chui xuống hầm chở theo các cô “kỹ thuật viên.” 

Quản lý mà tôi gặp lúc đầu cũng xuất hiện cùng với 10 cô “kỹ thuật viên,” miệng luôn cười hồi hởi: “Các anh chọn đi, không vừa ý em đổi.” Phần nhiều các ông chọn luôn, tôi sao cũng được, còn thằng bạn thì chê kêu đổi. Khoảng 15 phút tiếp theo, chiếc xe lúc nãy lại chui xuống hầm căn biệt thự, lần nào cũng 10 cô “kỹ thuật viên” khác. Sau một hồi nhìn ngắm, thằng bạn khó tính hoặc tỏ ra khó tính của tôi cũng đã chọn xong đào. Việc đầu tiên sau khi chọn đào là thằng bạn cởi truồng như nhộng nhảy xuống hồ bơi cùng với cô em đã chọn, hệt hồi nhỏ bọn tui tắm sông, nhưng hồi nhỏ tắm sông khác với bây giờ, thấy hơi dị vì bản tính nhà quê trong tôi vẫn còn, nên cùng “kỹ thuật viên” của mình vào đại một phòng trong căn biệt thự to đùng này.

Ở khu Trung Sơn, riêng một Ấp 3 xã Bình Hưng (huyện Bình Chánh) có đến 170 khách sạn và nhà nghỉ, 20 cơ sở mát xa, 80 quán ăn nhậu và có khoảng 3.000 đào làm việc thường trực. Có thể nói, Ấp 3 xã Bình Hưng là đơn vị hành chính cấp ấp có số lượng khách sạn, nhà nghỉ, tổ hợp ăn chơi nhiều nhất Việt Nam. Khoảng 10 năm trở lại đây, những dịch vụ nhạy cảm như mát xa từ A đến Á hay ăn chơi tẹt ga từ A đến Z dường như đã tập trung về khu Trung Sơn này. Dù nghề mại dâm vẫn không được thừa nhận nhưng có lẽ khu Trung Sơn được chính quyền ngầm bật đèn xanh cho hoạt động chăng? Thêm nữa khu Trung Sơn nằm gần khu Phú Mỹ Hưng (quận 7) của dân nhà giàu và người nước ngoài đến Việt Nam làm ăn, mà giới này thì không thiếu tiền xài chỉ là có nơi để xài hay không. Chính vì lẽ đó, khu Trung Sơn mới trở thành điểm đến của dân chơi và ngày càng phát triển.

Đến phố gội đầu để thưởng thức “âm nhạc”


Vì “buôn có bạn, bán có phường” nên đã hình thành các khu ăn chơi như Trung Sơn vừa kể. Thậm chí ở Sài Gòn còn những con đường “chuyên ngành” như đường Nguyễn Phi Khanh ở phường Tân Định, quận 1, chuyên về… gội đầu. Đường Nguyễn Phi Khanh là con đường một chiều nhỏ và hẹp, chiều dài tầm 2 cây số nối đường Đinh Tiên Hoàng đến Trần Quang Khải nhưng có đến gần 10 tiệm gội đầu hoạt động từ sáng đến khuya. Thường thì gội đầu đi liền với làm tóc chuyên phục vụ quý bà quý cô nhưng ở con đường này các tiệm chỉ chuyên gội đầu mà không có khách nữ nào hết. Khách vào ra các tiệm gội đầu nơi đây toàn nam thuộc mọi lứa tuổi cô đơn với nhiều màu da và quốc tịch. Mấy ông nói vui: vào gội đầu trên mà đầu dưới nó mệt! 

Anh H. sinh sống trên con đường này kể, tầm 10 giờ sáng là đã có khách đến gội đầu, nhiều ông còn đến sớm hơn, tiệm chưa hoạt động thì ngồi đợi. Có ông khách Hàn Quốc gần như đến đây mỗi tuần đến độ quen mặt luôn. Ông này chơi bạo lắm, lần nào ổng cũng “gội đầu” hai lần trở lên. Các tiệm ở đây có sang quán đổi chủ chớ chưa khi nào dẹp luôn. “Kỹ thuật viên” làm ở đây hết lớp này đến lớp khác, mà càng về sau thì tuổi đời càng trẻ. Có tiệm không chỉ “gội đầu” mà vô đó “quất tới bến” luôn.

Con đường này nổi tiếng đến độ nếu đi đường bị lạc, hỏi đường Nguyễn Phi Khanh thì có người biết người không chứ hỏi đường “gội đầu” thì gần như ông xe ôm nào cũng có thể chỉ đường tường tận. Dân chơi còn đặt ra mỹ từ gọi con đường chuyên gội đầu này là “phố âm nhạc.” Hỏi sao lại là “phố âm nhạc” sẽ nhận lại nụ cười mỉa: “thì mấy ông đến đó thổi kèn, mà thổi kèn không gọi là phố âm nhạc gọi là gì.” Chỉ cần là nam giới đi bộ một mình trên lề đường “phố âm nhạc” sẽ được các tiệm gội đầu chào mời, lôi kéo bằng cả tiếng Việt, tiếng Anh, tiếng Hàn, tiếng Nhật, tiếng Tàu.

Cũng theo anh H., nhiều ông lớn tuổi vợ đã chết, nếu không đến đây thì không biết giải quyết ra sao. Có lần H. trò chuyện với một khách, biết ông góa vợ đã lâu nhưng không muốn đi bước nữa vì ngại phiền đến con cháu, còn yêu đương thì ổng nói già thế này yêu ai, yêu người trạc tuổi thì về gãi lưng cho nhau à, còn yêu người trẻ hơn thì đám con cháu trong nhà phản đối. Từ đó có thể thấy, “phố âm nhạc” không chỉ là nơi ăn chơi của một số người mà còn giải quyết phục vụ nhu cầu rất thiết thực của những người ông khách lớn tuổi này.

 “Phố âm nhạc” tồn tại lâu nay gần như công khai thì chắc chắn phải nhận được sự “bảo kê” của chính quyền địa phương này và của cả giang hồ. Có chính quyền bảo kê, các tiệm gội đầu hàng tháng đóng hụi chết, thì mới được tồn tại. Có giang hồ bảo kê để khi bị quậy phá bởi các ông khách “lầy,” “ba bứa,” “chơi quỵt”… thì mới yên ổn làm ăn. Gần như các hoạt động phi pháp như thế đều phải có sự “gật đầu” cho phép của những người có thế lực.

Nhưng làm nghề mại dâm trá hình này thời nào cũng bị xã hội lên án, nhất là trong xã hội Á Đông còn rất nặng nề, chưa thể có cái gọi là “tự do tình dục” như Việt Nam. Các cô gái làm ở “phố âm nhạc” hay khu Trung Sơn hoặc trong bất kỳ dịch vụ nhạy cảm nào khác đều có mẫu số chung của cái nghèo, xuất thân ở những vùng quê xa xôi hẻo lánh. Họ làm những việc này để nuôi thân và giúp gia đình khốn khó ở quê, trong khi cuộc đời riêng của họ gần như phó mặc cho số phận. Nếu áo cơm tươm tất, phúc lợi xã hội đầy đủ thì thiết nghĩ những cô gái đến tuổi yêu sẽ mơ ước được sống dưới mái nhà có chồng con bên cạnh hơn là ngày ngủ đêm làm mà không dám hy vọng nhiều vào tương lai.

Tùy theo văn hóa và luật pháp ở từng quốc gia, mại dâm có thể là hợp pháp hay bất hợp pháp, là tội phạm hay đến mức là một ngành kinh doanh có quản lý. Trong tổng số 221 quốc gia và vùng lãnh thổ, có 20 nước xem mại dâm là hợp pháp, 41 nước không có bộ luật cấm mại dâm nhưng có các bộ luật khác để cấm các hoạt động như nhà chứa, môi giới, quảng cáo mua bán dâm… Khoảng 160 quốc gia còn lại đã ra những văn bản luật cấm các hình thức mại dâm. Tại khu vực châu Á, tất cả các quốc gia (trừ Bangladesh) đều coi mại dâm là bất hợp pháp. Lâu nay, nhiều người nghĩ rằng mại dâm ở Thái Lan là hợp pháp, nhưng thực ra luật nước này coi mại dâm là bất hợp pháp.

Dù được luật pháp thừa nhận hay phủ nhận thì mại dâm vẫn luôn tồn tại, lại được xem như nghề thuộc loại cổ xưa nhất của loài người. Có giả thuyết cho rằng mại dâm gắn với nạn buôn bán nô lệ cho nên nghề mại dâm cũng chính là làm nô lệ tình dục. Những con số thống kê cho thấy mại dâm là hoạt động hái ra tiền, tổng doanh thu hàng năm của mại dâm trên toàn cầu ước tính là trên 100 tỷ USD. Mà, đã hái ra tiền thì luật pháp có cấm hay không đều không thể ngăn cản mại dâm hoạt động, bởi đó còn là nhu cầu có thật tạo thành giao dịch mà đôi bên mong muốn thực hiện.

Những quán karaoke Nice ở khắp Sài Gòn

Những quán karaoke Nice ở khắp Sài Gòn

Những quán karaoke Nice ở khắp Sài Gòn

Một phòng Karaoke kiểu ăn chơi ở Sài Gòn

You may also like

Verified by MonsterInsights