Sinh hoạt Stop the Hate trong Ngày Văn Hóa Sắc tộc Hmong ở Merced

by Tim Bui
Sinh hoạt Stop the Hate trong Ngày Văn Hóa Sắc tộc Hmong ở Merced

TRÙNG DƯƠNG

“Khó mà ghét ai được một khi mình biết thân thế của họ,” hàng chữ bằng Anh ngữ trích dẫn của Tiến sĩ Margaret Wheatley, chuyên gia tâm lý của các thành viên trong sinh hoạt tổ chức, lồng trong một khung hình trái tim, được rọi lớn trên màn hình trên sân khấu của rạp hát kèm nhà hàng Mainzer ở Downtown Merced, nơi diễn ra buổi sinh hoạt Stop the Hate/Ngăn chặn Hận thù, vào ngày 14 tháng 5 vừa qua.

Người điều hợp viên giải thích sự cần thiết trong việc làm quen để biết về một người lần đầu mình tiếp xúc, bằng cách hỏi tên họ, tại sao cha mẹ lại đặt tên cho họ như vậy, tên đó có ý nghĩa gì và còn có tên cúng cơm nào khác–một cách để bày tỏ sự quan tâm đến người mình mới gặp lần đầu và hâm nóng đối thoại. Sau đó, điều hợp viên đề nghị người tham dự đang ngồi tại những chiếc bàn chứa khoảng mười người, trong số hơn chục chiếc bàn trong hội trường, thực tập việc hỏi thăm lẫn nhau.

Hội trường sau đó bỗng rộn ràng những trao đổi giữa các tham dự viên.

Tôi ngồi cùng bàn với chị bạn Minh Thi của đài Radio Tiếng Nước Tôi cùng đến từ Sacramento, cách nơi họp ở phía Nam khoảng 2 tiếng lái xe, và chị Nadine (tôi không bắt kịp họ của chị) của một tổ chức về tài trợ đến từ Fresno cách nơi họp khoảng một tiếng lái xe. Đây là lần đầu hai chị em tôi gặp Nadine. Mỗi người chúng tôi thay phiên nhau kể sơ về tiểu sử tên họ mình. Trong dăm bảy phút, một không khí thân mật hơn bao trùm lấy chúng tôi. Tôi đoán các tham dự viên khác tại mỗi bàn cũng đang có cảm cảm giác đó, và toàn hội trường gồm tham dự viên thuộc các sắc tộc da màu hình như cũng trở nên như ấm áp và linh động hơn.

Thực tập này nói lên điều mà Tiến sĩ Wheatley nói ở trên, “Khó mà ghét ai được một khi mình biết thân thế của họ.” Đấy là bước đầu của hành trình xóa bỏ hận thù, vì hận thù bắt nguồn từ sợ hãi trước những gì lạ lẫm do sự thiếu hiểu biết về đối tượng, như cựu thủ tướng Canada Lester B. Pearson nói, “Hiểu lầm phát sinh từ sự thiếu hiểu biết, [từ đó] sinh ra sự sợ hãi, và sợ hãi vẫn là kẻ thù lớn nhất của hòa bình.” Và, như cố tổng thống South Africa Nelson Mandela từng tuyên bố: “Không ai sinh ra đã ghét người khác vì màu da, xuất thân hay tôn giáo của người đó. Con người phải học cách ghét, và nếu họ có thể học cách ghét, [thì] họ có thể được dạy để yêu, vì tình yêu đến với trái tim con người một cách tự nhiên hơn là ngược lại.” 

Làm thế nào để ngăn người ta thù hận lẫn nhau là mục tiêu của chiến dịch Stop the Hate ở California, khởi phát từ ba năm nay, với sự hỗ trợ từ chính phủ liên bang. Cũng vào thời điểm kỷ niệm năm thứ nhất của đại dịch COVID-19 này, ở cấp liên bang, Bộ Tư pháp dưới sự lãnh đạo của Bộ trưởng Merrick Garland, cùng phối hợp với Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sự phát động chương trình ngăn ngừa tội ác do thù hận gây ra.

Mặc dù đã đọc và biết về các chiến dịch ngăn thù hận, song đây là lần đầu tiên tôi có dịp tham dự một buổi sinh hoạt của Chương trình Stop The Hate do California Department of Social Services thành lập và tài trợ, nhằm đối phó với các vụ bạo hành diễn ra ngày một tăng nhắm vào dân da màu, nhất là người Mỹ gốc Á, từ khi xảy ra đại dịch COVID.

Việc đại dịch COVID khởi phát từ thành phố Vũ Hán ở Trung Quốc vào cuối năm 2019  khiến nhiều người Mỹ gốc Á bị nhìn một cách sai lầm và oan trái là họ cũng có phần trách nhiệm. Nhiều chuyện đau thương đã xảy ra, trong đó có vụ thảm sát ở Atlanta vào năm 2021, làm tám người gốc Á bị thiệt mạng. 

Buổi sinh hoạt tại Merced là một phối hợp tổ chức giữa cơ quan Y tế Sierra (SHF), một trung tâm phi lợi nhuận nhằm đầu tư vào các dịch vụ về sức khỏe và vận động cho sự bình đẳng sắc tộc và công bằng pháp lý trong các cộng đồng thiểu số tại 26 quận ở Bắc California; và Dịch vụ Truyền thông Sắc tộc (EMS), một tổ chức có tính cách như một nhịp cầu nối giữa các chương trình Ngăn chặn Hận thù với các cơ sở truyền thông gốc thiểu số. 

Ngoài các đại diện của các tổ chức Stop the Hate gốc cộng đồng (community-based organizations) trong vùng Bắc Cali về tham dự buổi sinh hoạt, còn có một số nhà báo của các cơ quan truyền thông báo chí thiểu số từ xa về góp mặt, qua lời mời của cơ quan EMS để hỗ trợ các chương trình Ngăn chặn Hận thù.

Thật khích lệ khi thấy các cơ quan truyền thông và cộng đồng sắc tộc đồng hành tham gia trong tiếng nói chung để chống lại hiện tượng chia rẽ và kỳ thị chủng tộc đang hoành hành và bảo toàn giá trị truyền thống của Mỹ vốn là một quốc gia của di dân.

Điều thú vị nữa đối với tôi là buổi sinh hoạt diễn ra đúng vào ngày cộng đồng sắc tộc Hmong ở Merced mừng ngày đầu năm theo truyền thống của họ. Ngày 14 tháng 5 cũng đã được Hội đồng thành phố Merced tuyên phong là Ngày Văn hóa Sắc tộc Hmong. Tôi thú vị khi khám phá ra thành phố này là nơi tập trung đông đảo người Hmong, với gần 4,741 người, tức 6% dân số của thành phố, theo thống kê năm 2010.

Tưởng cũng nên nhắc qua về sự hình thành của cộng đồng sắc tộc Hmong tại vùng thung lũng San Joaquin.

Vào thập niên 1990, ông Dang Moua, một nhà lãnh đạo của sắc tộc Hmong và đã từng làm việc với tư cách là thư ký của Tòa Đại sứ Mỹ tại Lào trước 1975, nghe tin cựu Tướng Lào gốc Hmong Vang Pao tính mua một vườn cây ăn trái tại Quận Merced, nên ông Moua từ tiểu bang Virginia cùng gia đình dọn về đây. Dự tính vườn cây không thành, nhưng ông Moua quyết định dừng chân tại chốn này. Nhận thấy vùng Merced, nằm trong thung lũng trù phú San Joaquin Valley với kỹ nghệ chính là nông nghiệp, thuận lợi cho dân Hmong vốn quen với việc đồng áng, nên ông kêu gọi dân Hmong lúc đó ở rải rác khắp nơi về đây lập nghiệp. Từ đó vùng này trở thành nơi tập trung khá đông đảo sắc tộc Hmong. Khi ông Moua qua đời ở tuổi 71 vào năm 2020, tờ báo địa phương Merced Sun-Star đã chạy tít lớn, “Cộng đồng Hmong ‘suốt dọc thung lũng’ thương tiếc vị lãnh đạo và thương gia Quận Merced.” 

Nói đến sắc tộc Hmong không thể không nhắc tới nghệ thuật của họ qua những sản phẩm tiểu công nghệ màu sắc rực rỡ với những mô-tip tinh vi, những cái mũ có đính hạt đủ loại đủ màu mà họ trưng bày tại mỗi bàn phủ khăn nhiều màu nóng nhưng trở nên dịu hẳn với những mô-típ Hmong trong phòng hội Meinzer, nơi sinh hoạt của chương trình Stop the Hate. Tôi nhớ tới những bức tranh vải (quilt) mô tả sinh hoạt của đời sống làng mạc đơn sơ mà vui tươi của sắc tộc Hmong lồng khung treo tường tại nhiều tòa nhà, như nhà thương, công sở mà tôi đã có dịp đặt chân tới, và thường dừng lại ngắm một lúc nếu không có gì phải vội vã.

Cộng đồng Hmong có nhã ý đãi cơm tối các tham dự viên buổi sinh hoạt Ngăn chặn Hận thù, song Minh Thi và tôi phải về trước khi mặt trời lặn nên không thể ở lại dự, vì lớn tuổi lái xe đêm e không an toàn.

Sau đây là một số hình ảnh ghi lại buổi sinh hoạt kéo dài từ 12:30 tới 5 giờ chiều ngày 14 tháng 5, 2024 tại Merced, California. 

Trên, các tham dự viên chụp hình lưu niệm trước khi hội họp. Dưới, giới thiệu chương trình họp, với một số thành viên của các chiến dịch Stop the Hate gốc cộng đồng (community-based organizations) trình bày công trình đã thực hiện trong năm qua. (Ảnh Trùng Dương)

Chiến dịch Never a Bother (Đừng Ngại Làm Phiền), qua trực tuyến, trình bày chi tiết công việc của họ, với sự hợp tác của nhiều tổ chức khác (hình  bên phải) trong nỗ lực ngăn ngừa các em vị thành niên có ý định tự gây thương tích hoặc tự tử. Chiến dịch này do California Department of Public Health’s Office of Suicide Prevention mới phát động hồi đầu năm nay. Never a Bother quy tụ một ban cố vấn gồm các em trong giới trẻ để tạo sự tin tưởng hơn nơi các em cần hướng dẫn. (Ảnh Trùng Dương)


Các tham dự viên chia thành nhóm họp tại phòng hội chính và cả ở trên lầu. (Ảnh Trùng Dương)

You may also like

Leave a Comment

Verified by MonsterInsights