NGUYỄN THỊ TIÊU DAO
Trước sự sôi sục trong sân trường về cuộc chiến Israel-Hamas, hai giáo sư của Đại học UC Berkeley thuộc hai khoa Trung Đông và Do Thái, vốn từng “bất đồng một cách quyết liệt”, đã ra thông cáo chung kêu gọi các sinh viên đang biểu tình công kích nhau là hãy tôn trọng những chính kiến khác biệt để đừng xảy ra bạo động tại nơi mà “bất đồng và các quan điểm dị biệt vốn là nền móng của sinh hoạt đại học”.
Không riêng ở sân trường đại học, cuộc chiến giữa Israel và Hamas, một tổ chức võ trang Hồi giáo cầm quyền tại Gaza (một trong hai phần đất thuộc dân Palestine nằm trong lãnh thổ Israel) diễn ra từ đầu tháng 10 đã dẫn tới những cuộc biểu tình khắp nơi giữa hai phe bênh Israel và phe bênh Palestine.
Tưởng cũng nên nhắc qua lịch sử xung đột tại phần đất trung Đông này.
Vào cuối thập niên 1940 sau đệ nhị Thế chiến, sau biến cố kinh hoàng Đức quốc xã thảm sát 6 triệu dân Do Thái, Hoa Kỳ và các nước Tây Âu giúp dân Do Thái thiết lập nên quốc gia Israel tại phần đất xưa thuộc về tổ tiên họ song lâu nay đã là đất của người Palestine gốc Ả rập theo đạo Hồi. Dân Palestine bị dồn sống chen chúc trên hai mảnh đất nhỏ West Bank và Gaza trong lãnh thổ Israel. Từ đấy là những cuộc xung đột triền miên trên phần đất mệnh danh là Thánh địa của ba tôn giáo lớn—Do Thái, Thiên Chúa giáo và Hồi giáo–giữa Israel với sự hỗ trợ của Tây phương và Palestine được hỗ trợ của khối Ả Rập. Nhiều nỗ lực, đặc biệt của Hoa Kỳ, để hóa giải xung đột này, kể cả việc thiết lập hai quốc gia Israel và Palestine, đã không mang đến kết quả nào.
Sau vụ tấn công bất thình lình của Hamas vào đầu tháng 10, Israel đã phản công bằng những vụ pháo kích và dội bom vào Gaza. Phản ứng mãnh liệt này đã tạo sự kinh hoàng: nhiều cao ốc, nhà thương, trường sở và nhà của của dân bị san bằng, gây cái chết cho hàng ngàn người vô tội. Israel nhằm phá hủy hàng trăm dặm đường hầm nằm sâu hàng ba đến bốn mươi thước dưới lòng đất mà quân Hamas trú đóng, kể cả ngay bên dưới nhà thương và cư xá của dân thường. Thảm cảnh chiến tranh này đã làm lu mờ lý do tại sao Israel đã hành xử như vậy.
Vào ngày 7/10, lợi dụng lúc Israel bị tê liệt vì những cuộc biểu tình của hàng triệu người sau khi khi chính quyền bảo thủ cực hữu của Thủ tướng Benjamin Netanyahu quyết định xúc tiến việc tước đi quy chế độc lập của Tối cao Pháp viện, Hamas đã xua quân tấn công phía nam Israel vào đúng lúc một buổi đại nhạc hội đang diễn ra. Trên 1,200 thường dân bị giết hại, hàng ngàn người bị thương, và khoảng 200 người kể cả trẻ em bị bắt đi làm con tin và hiện có lẽ còn bị giữ đâu đó trong hệ thống đường hầm tinh vi như một thành phố bên trong lòng đất dưới vùng đất Gaza.
Tiếp theo, như mọi người đã thấy, chính quyền cực hữu Israel đã mạnh tay phản công, hy vọng, “một lần cho xong”, tiêu diệt Hamas và phá vỡ hệ thống đường hầm này. Thế giới hiện lo sợ một cuộc chiến Trung Đông có thể bùng nổ, ảnh hưởng tới toàn cầu, đặc biệt về kinh tế và nguồn thực phẩm, vốn đang phải đương đầu với cuộc chiến Ukraine xâm lược bởi Nga.
Nhiều cuộc biểu tình của hai phe bênh và chống nhau đã diễn ra khắp nơi, từ Âu sang Mỹ, với cờ bay rợp trời, tuyên ngôn nẩy lửa sắt máu, ngun ngút hận thù. Lý trí đội nón đi chỗ khác.
Căng thẳng đặc biệt cao trong khuôn viên các trường đại học tại Mỹ kể từ khi cuộc chiến giữa Israel và Hamas, mới chưa đầy một tháng, xảy ra. Cảnh sát đã được gọi đến một cuộc họp Thượng viện sinh viên tại trường UC Davis sau khi các sinh viên ủng hộ Israel và Palestine bắt đầu la hét lẫn nhau. Trường Luật Stanford đã phải chuyển các lớp học lên trực tuyến trong một ngày vì lo ngại của sinh viên cho sự an toàn của Căng thẳng đặc biệt cao trong khuôn viên các trường đại học tại Mỹ kể từ khi cuộc chiến giữa Israel và Hamas, mới chưa đầy một tháng, xảy ra. Cảnh sát đã được gọi đến một cuộc họp Thượng viện sinh viên tại trường UC Davis sau khi các sinh viên ủng hộ Israel và Palestine bắt đầu la hét lẫn nhau. Trường Luật Stanford đã phải chuyển các lớp học lên trực tuyến trong một ngày vì lo ngại của sinh viên cho sự an toàn của họ. Hôm thứ Sáu ngày 3/11, một sinh viên Hồi giáo Ả Rập tại Đại học Stanford đã bị thương trong một vụ tai nạn đang được điều tra như một tội ác do thù hận.
Nhiều sinh viên không đồng ý về cách định nghĩa thế nào là bạo lực, và xúc động tăng cao do nỗi đau nhức trước những chết chóc, tàn phá ngày một gia tăng ở Trung Đông do bom đạn của Israel và hỏa tiễn của Hamas.
Tại UC Berkeley, một khuôn viên nổi tiếng với các sinh hoạt chính trị, sinh viên của cả hai bên cho biết rằng họ đã bị đe dọa và chi tiết cá nhân của họ bị rêu rao trên mạng Internet. Nhiều người đeo khẩu trang đến các cuộc biểu tình vì sợ bị nhận dạng và bị quấy rối trên mạng xã hội. Các cuộc tranh luận đầy phân hóa, bế tắc và không bên nào muốn nghe bên nào nữa. Đến giới giảng dạy cũng nhảy vào vòng chiến khi một giáo sư luật ở Berkeley viết một bài tiểu luận trên tờ The Wall Street Journal kêu gọi các công ty không mướn “sinh viên luật chống Israel” của mình. Một nhóm gồm 300 giảng viên thuộc hệ thống đại học California, trong đó có nhiều giảng viên tại UC Berkeley, đã viết một lá thư lên án việc hệ thống đại học sử dụng từ “khủng bố” để mô tả các cuộc tấn công của Hamas vào Israel.
Sau một cuộc xung đột trên quảng trường Sproul của UC Berkeley giữa sinh viên Israel và sinh viên phản đối hành động của Israel, trong đó một giáo sĩ Israel thậm chí còn lãnh vài cú đánh, giáo sư nghiên cứu về Israel Ron Hassner đã có ý tưởng tìm cách vãn hồi hòa bình trong khuôn viên đại học. Ông đã gửi email cho Hatem Bazian, một giảng viên về ngôn ngữ và văn hóa Trung Đông và các nghiên cứu về cộng đồng người Mỹ gốc Á và châu Á, để hỏi liệu ông có muốn đồng viết một tuyên bố kêu gọi sinh viên đối xử với nhau bằng phẩm giá và sự tôn trọng hay không.
Hai vị giáo sư này giảng dạy trong cùng một tòa nhà và giao du với nhau, nhưng họ bất đồng kịch liệt về Israel và Palestine. Họ không chia sẻ điểm chung nào trong vụ vụ việc Israel và Palestine. Song họ đồng ý cần làm một cái gì để giảm thiểu cơ hội cho bạo lực đe dọa đời sống đại học. Họ cho biết là không mong thay đổi quan điểm của ai hết, mà chỉ muốn cho thấy dù dị biệt chính kiến, hai người vẫn có thể cùng đứng chung với nhau vận động cho hòa bình. Và đặc biệt để bảo vệ tư cách của giới học thuật, đó là một môi trường trong đó tiếng nói nào cũng có một chỗ đứng.
Giáo sư Hassner cho biết ông muốn rơi nước mắt khi đồng nghiệp Bazian bằng lòng cùng đứng tên trong bản thông cáo chung. Ông nói ông bám víu vào tuyên bố chung này như một niềm hy vọng nhỏ trong thời buổi đen tối hiện nay.
Sau đây là bản phỏng dịch thông báo chung của hai giáo sư UC Berkeley. (1)
Gửi các sinh viên của chúng tôi,
Chúng tôi là hai giáo sư trong khuôn viên trường này, những người bất đồng, thường là kịch liệt, với nhau. Nhưng chúng tôi luôn đối xử với nhau bằng sự tôn trọng và nhân phẩm. Chúng tôi yêu thương khuôn viên trường này với các thành phần đa dạng, và yêu mến mọi sinh viên của mình.
Chúng tôi rất đau lòng khi nghe về các sự việc gần như bạo lực giữa các sinh viên trong những ngày gần đây. Chúng tôi sẽ không chấp nhận việc sinh viên làm hại lẫn nhau. Bất đồng và quan điểm khác nhau là một phần thiết yếu của cuộc sống trong khuôn viên trường, và chúng tôi hy vọng rằng các em đối xử với nhau với sự tôn trọng và phẩm giá giống như chúng tôi đang làm gương cho các em qua lá thư này.
Đồng ký tên,
Tiến sĩ Hatem Bazian (Giảng viên Ngôn ngữ và Văn hóa Trung Đông và Nghiên cứu Cộng đồng người Mỹ gốc Á và Châu Á), và Tiến sĩ Ron Hassner (Giáo sư Nghiên cứu Israel)
Nguồn:
https://news.berkeley.edu/2023/10/12/a-call-for-community-on-campus?te=1&nl=california-today&emc=edit_ca_20231107
[The New York Times newsletter ngày 7 tháng 11, 2023, tựa đề California Today]