NGÔ NGỌC LOAN
Tòa kháng án liên bang hôm thứ Sáu, ngày 6/12/2024, tòa kháng án liên bang bác bỏ đơn kiện của TikTok và tán thành dự luật Đạo Luật Bảo Vệ Người Mỹ Trước Ứng Dụng Bị Đối Thủ Ngoại Quốc Kiểm Soát (Protecting Americans from Foreign Adversary Controlled Applications Act – PAFACA Act) có thể khiến cho TikTok bị cấm sử dụng vào giữa tháng Giêng 2025.
Đây là một thất bại lớn cho một nền tảng mạng xã hội rất thịnh hành trong giới trẻ và được sử dụng nhiều trong các chiến dịch tranh cử của nhiều chính trị gia.
TikTok hiện có hơn 1 tỷ người dùng hàng tháng trên toàn cầu, với 150 triệu người dùng tại Hoa Kỳ. Không chỉ có nhiều người dùng, thời gian trung bình hàng ngày dành cho TikTok đã tăng gấp đôi từ 27 phút 24 giây vào năm 2019 lên đến 58 phút 24 giây vào năm 2024.
Các danh mục phổ biến nhất trên TikTok là Giải trí, Khiêu vũ và Trò đùa tinh nghịch, với hàng tỷ lượt xem cho mỗi danh mục.
Theo phán quyết của tòa kháng án liên bang ở Washington DC, TikTok có thể sẽ bị cấm nếu không thuyết phục được ByteDance, công ty chủ của TikTok ở Trung Quốc, bán cho chủ nhân khác không phải của Trung Quốc – hạn chót để bán là ngày 19/1/2025. Sau ngày đó, nếu TikTok chưa được bán, cửa hàng ứng dụng (app store) hoặc dịch vụ Internet nào ở Mỹ còn chứa mạng xã hội này có thể bị phạt nặng.
Chánh án Douglas Ginsburg gửi ra phán quyết sau khi lấy ý kiến chung của tòa: “Chúng tôi kết luận rằng các phần của dự luật, tức là các điều khoản liên quan đến TikTok và các thực thể liên quan, vẫn có hiệu lực sau khi được giám sát theo hiến pháp. Do đó, chúng tôi bác bỏ các đơn kiện. Cũng đồng nghĩa rằng, hàng triệu người đang dùng TikTok sẽ cần tìm phương tiện truyền thông để thay thế.”
Vào tháng Tư năm nay, Tổng Thống Biden đã ký dự luật PAFACA sau nhiều năm Quốc Hội Mỹ lo ngại ByteDance gây nguy hiểm cho an ninh quốc gia. Cụ thể, các nhà lập pháp Mỹ lo ngại ByteDance có thể cung cấp dữ liệu của người dùng TikTok cho chính phủ Trung Quốc, hoặc chính phủ Trung Quốc có thể ép buộc ByteDance giúp tuyên 73
Công ty mạng xã hội TikTok đã đệ đơn kiện vào tháng Năm năm nay, lập luận rằng dự luật này vi hiến vì vi phạm Tu Chính Án Số 1 về quyền tự do ngôn luận. Tòa kháng án liên bang phán quyết PAFACA không vi phạm quyền tự do ngôn luận của TikTok.
Số phận của TikTok
Trên thực tế, mạng xã hội TikTok có nhiều triển vọng sẽ tồn tại ở Mỹ thêm vài tháng nữa. Chính quyền Tổng thống Biden vẫn đang cân nhắc gia hạn thời hạn thêm 90 ngày. Do đó, số phận TikTok phần lớn sẽ nằm trong tay tổng thống đắc cử Donald Trump, người đã từng nỗ lực cấm TikTok vào năm 2020.
Tuy nhiên một cuộc phỏng vấn hồi tháng Ba năm 2024 với CNBC, ông Trump vẫn khẳng định rằng ông tin là TikTok gây ra rủi ro an ninh quốc gia, nhưng phản đối việc cấm, vì làm như vậy sẽ giúp đối thủ của TikTok là Facebook – nền tảng mà ông Trump chỉ trích vì cho rằng mạng này đóng góp cho sự thất bại trong cuộc bầu cử năm 2020 của mình. Khi bắt đầu chiến dịch vận động tranh cử 2024, Trump đã hứa ông ta “sẽ cố gắng cứu mạng xã hội này (Tik Tok).”
Điều này gần như chắc chắn khi người phát ngôn của TikTok, ông Michael Hughes, ngay sau đó cho biết trong một tuyên bố: “Tối Cao Pháp Viện có hồ sơ về việc bảo vệ quyền tự do ngôn luận của người Mỹ và chúng tôi hy vọng họ sẽ làm như vậy đối với vấn đề hiến pháp quan trọng này. Lệnh cấm TikTok được ban hành và thực thi dựa trên thông tin không chính xác, sai sót và giả định, dẫn đến việc kiểm duyệt hoàn toàn người dân Mỹ.”
Cựu quan chức Bộ Quốc phòng và hiện là giám đốc điều hành của công ty tư vấn Longview Global có trụ sở tại DC, ông Dewardric McNeal, nêu ý kiến của ông với tờ Wired: “Tòa án có xu hướng trao quyền rộng rãi cho nhánh hành pháp về các vấn đề an ninh quốc gia. Mặc dù về mặt lý thuyết, Quốc hội có thể bãi bỏ Đạo luật PAFACA, nhưng sẽ rất khó để Trump thuyết phục họ làm như vậy vì “phần lớn những người của Capitol Hill ủng hộ luật này.”
Tuy nhiên, theo ông McNeal, tổng thống đắc cử Donald Trump vẫn có cách để “cứu” TikTok nếu ông muốn. “Ông Trump có thể sử dụng quyền hạn của nhánh hành pháp để có lợi cho mình. Mặc dù không thể hoàn toàn vi hiến, nhưng có thể quyết định việc thực thi luật pháp ở mức độ nào và quyết liệt như thế nào,” ông McNeal nói.
Phó Giáo sư Alan Rozenshtein của trường luật University of Minnesota Law School cho biết: “Đạo luật PAFACA được viết ra để tổng thống Hoa Kỳ có thể quyết định liệu TikTok có còn bị đối thủ nước ngoài kiểm soát nữa hay không.” Điều này có thể tạo ra một con đường hợp pháp để chính quyền Donald Trump cho phép TikTok tiếp tục hoạt động tại Hoa Kỳ.
Tổng thống đắc cử Donald Trump có thể sử dụng một cách “uyển chuyển” tinh thần của Đạo luật PAFACA để tạo ra một kịch bản thay thế, tránh gây tranh cãi với các đồng minh Cộng hòa tại Quốc hội. Đó là làm trung gian cho một thỏa thuận để bán TikTok cho một nhà đầu tư Hoa Kỳ. Theo CBS News, hiện nay, ít nhất có hai lời chào mua ứng dụng mạng xã hội quyền lực này, bao gồm ngỏ ý từ Steven Mnuchin, cựu Bộ trưởng Tài chính Hoa Kỳ, và từ Frank McCourt, một nhà đầu tư bất động sản người Mỹ.
Nhóm chuyển giao quyền lực của tổng thống đắc cử Donald Trump từ chối, không cung cấp thông tin chi tiết về cách Trump dự định thực hiện lời cam kết “cứu TikTok” như thế nào theo cách ông đã nói trên Truth Social vào tháng Chín, khi khuyến khích những người sử dụng TikTok bỏ phiếu cho ông.
Nhưng theo PBS, bà Karoline Leavitt, phát ngôn viên của nhóm chuyển giao quyền lực, đã nói trong một tuyên bố rằng Donald Trump dự định sẽ thực hiện lời cam kết đó.
“Người dân Mỹ đã bầu lại Tổng thống Trump với tỷ lệ phiếu bầu áp đảo, trao cho ông nhiệm vụ thực hiện những lời hứa mà ông đã đưa ra trong chiến dịch tranh cử,” Leavitt nói. “Ông ấy sẽ thực hiện.”
Giảng viên luật của Harvard Law School, Giáo sư Leah Plunkett, cho biết Bộ trưởng Tư pháp phải điều tra các hành vi vi phạm nhưng có thể quyết định có nên đưa các công ty đó ra tòa và buộc họ phải tuân thủ hay không. Có nghĩa rằng, từ Bộ trưởng Tư pháp do chính mình bổ nhiệm, tổng thống đắc cử Donald Trump có thể làm những việc khác để ngăn TikTok không biến mất.
Giáo sư Plunkett nói ông Trump có thể ban hành lệnh hành pháp để hủy bỏ lệnh cấm – mà theo bà là không hợp pháp – hoặc thúc giục Quốc hội bãi bỏ luật. Điều đó sẽ đòi hỏi sự ủng hộ từ những người đảng Cộng hòa tại Quốc hội. Hiện nay, đảng Cộng hòa nắm đa số ở cả Thượng Viện lẫn Hạ Viện.
Trong một tuyên bố gửi tới AP sau cuộc bầu cử, Dân biểu Cộng hòa John Moolenaar của Michigan, chủ tịch Ủy ban Chọn lọc về Trung Quốc ở Hạ Viện, cho biết “Chính quyền của ông Trump sẽ có cơ hội độc nhất vô nhị để làm trung gian cho Hoa Kỳ sở hữu nền tảng này.”
Bà Sarah Kreps, giám đốc của Đại học Cornell University’s Tech Policy Institute cho biết “cũng có khả năng Trump sẽ đưa vấn đề này trở lại bàn đàm phán và chỉ đạo chính quyền của mình đàm phán một thỏa thuận mới với TikTok,” theo PBS.
Thật sự là có lẽ cho đến hôm nay, vẫn còn quá sớm để tiên liệu tương lai của TikTok ở Hoa Kỳ.