‘Sorry seems to be the…easiest word’ (*)

by Tim Bui
‘Sorry seems to be the…easiest word’

NGÔ NGỌC LOAN

Người ta gọi những gì đang xảy ra trong giới nghệ sĩ trong nước vài ngày gần đây là “phong sát.” Đây vốn không phải là từ tiếng Việt mà là từ được phiên âm theo tiếng Trung Quốc. Phong (封 – fēng) tạm hiểu là phong tỏa, bao vây. Sát (杀 – shā) nghĩa là giết hại. Trong từ điển Tiếng Trung Hiện Đại ấn bản thứ sáu (Modern Chinese Dictionary 6th Edition), “phong sát” được dịch là “dùng lệnh cấm hoặc phong tỏa để ngăn một người tiếp tục xuất hiện trong một lĩnh vực nhất định.” 

Đó là định nghĩa từ vựng. Còn trong đời thường, hiểu đơn giản và nhanh nhất, “phong sát” là một văn-hóa-tẩy-chay. Trong thế giới nghệ sĩ, đó chính là án tử. Và khi đối diện với “phong sát,” họ làm gì?

Câu trả lời là… xin lỗi!

Vì sao họ xin lỗi?
Chưa đến một tuần lễ, đã có đến bốn lá thư xin lỗi của ca sĩ Phan Đình Tùng, Việt Hương, Tóc Tiên, Phạm Khánh Hưng. Lá thư nào cũng đẫm nước mắt và sự ân hận. Chuyện không có gì phải bàn cãi, càng không có gì để mổ xẻ hai từ “xin lỗi” vốn là một trong những bài học đầu tiên về đạo đức làm người.

Chuyện bắt đầu từ tháng 7/2024, cô ca sĩ trẻ Myra Trần – người từng lọt vào top 40 chung cuộc của chương trình the American Idol năm 2019 bị đài truyền hình TPHCM HTV cắt sóng trong chương trình gameshow thực tế đang nổi đình đám “Anh trai say Hi.” Lý do vì cô từng góp mặt trong đám tang của Lý Tống năm 2019 ở California. Ông Lý Tống từng là phi công dưới thời VNCH, nhiều lần tổ chức đánh cướp máy bay để rải truyền đơn tại Việt Nam, Cuba, kêu gọi người dân nổi dậy chống chính quyền. Nửa cuộc đời sau của Lý Tống lại một lần nổi tiếng khi giả gái đến đêm nhạc của Đàm Vĩnh Hưng ở San Jose năm 2010, chờ thời cơ, xịt hơi cay vào ca sĩ này. Ông nhận bản án sáu tháng tù sau đó.

Đám tang của Lý Tống là đám tang của một người con VNCH. Quan tài của ông phải được “phủ màu cờ” theo nghi thức nhà binh. Do đó, những người đến tham dự, từ người dân, người thân cho đến ca sĩ, đều đứng dưới lá cờ VNCH.

Myra Trần không ngoại lệ.

Năm năm sau, không biết vì nguyên nhân nào và từ đâu, những thước phim cũ “đội mồ sống dậy.” Ban Tuyên Giáo Việt Nam buộc HTV phải cắt những đoạn có sự xuất hiện của Myra Trần trong chương trình gameshow. Cô ca sĩ sinh năm 1999 phải lên tiếng xin lỗi trên trang cá nhân với những lời lẽ vô cùng ray rứt, ân hận. Cô tự nhận “vì sự thiếu sót trong hiểu biết của em đã gây ra sự việc không đáng có vừa qua.”

Cô khẳng định cô “là một Công dân Việt Nam, quốc tịch Việt Nam, mang dòng máu Việt Nam” và “xin hoàn toàn và thành khẩn nhận lỗi vì sự thiếu sót, thiếu hiểu biết của bản thân, khi đã không tìm hiểu cẩn thận và tham gia vào những chương trình không phù hợp trong quá khứ cũng như xin cúi mình xin lỗi quý khán giả vì sai sót của mình.”

Vài ngày sau, hai nghệ sĩ nổi danh trong làng giải trí, một trong âm nhạc, một thuộc làng hài, là Tóc Tiên và Việt Hương, đã (tự nguyện?) gửi ra bức tâm thư trên mạng xã hội, cũng “thành thật và chân thành xin lỗi.”

Tóc Tiên xin lỗi vì “những sai sót trong quá khứ 10 năm trước.” Cô “tự thú” với khán giả (trong nước) rằng “Tiên vẫn còn là một người trẻ thiếu kinh nghiệm và chưa đủ cẩn trọng trong việc lựa chọn sân khấu biểu diễn. Tiên xin chân thành nhận lỗi vì đã không tìm hiểu kỹ lưỡng và thiếu sự quan sát cần thiết, dẫn đến việc tham gia một số sự kiện không phù hợp.”

Việt Hương xin lỗi vì “những hình ảnh Việt Hương tham gia một chương trình ngắn đã diễn ra hơn mười năm trước lan truyền gần đây.” Nghệ sĩ nổi tiếng của làng hài hải ngoại cho rằng “Sự thiếu tỉ mỉ và không tinh tế trong thời điểm đó đã dẫn đến những sự việc làm buồn lòng quý khán giả và bản thân Hương thấy mình đã thiếu sót rất nhiều.” Việt Hương “xin chủ động làm việc với cơ quan có thẩm quyền để nhận trách nhiệm và thực thi quyết định của các cơ quan.”

Những nghệ sĩ trên đều khẳng định trong tâm thư, họ là công dân Việt Nam, quốc tịch Việt Nam, yêu tổ quốc Việt Nam, tự hào về dân tộc Việt Nam.
Câu trả lời khá rõ. Họ xin lỗi vì trong quá khứ họ đã “thiếu hiểu biết, thiếu cẩn trọng, thiếu suy nghĩ, không tìm hiểu cẩn thận khi lựa chọn sân khấu biểu diễn.”

Khán giả là ai?

Trong những nghệ sĩ nhanh nhẹn viết thư xin lỗi và tự nhận họ đã thiếu hiểu biết khi lựa chọn sân khấu để biểu diễn cho khán giả, thì có đến ba người đã định cư ở Mỹ. Người có thời gian định cư lâu nhất là từ cuối năm 2007. Tất cả họ đều là những nghệ sĩ từng tham dự rất nhiều chương trình văn nghệ, đại nhạc hội ở Hoa Kỳ. Họ được mời đi lưu diễn ở rất nhiều nước trên thế giới để phục vụ cho cộng đồng Việt hải ngoại. Khán giả của họ gồm nhiều thế hệ, trong đó không thiếu những người ra đi trong cuộc tử chiến cuối tháng 4/1975 để tìm sự sống ở vùng đất mới.

Thêm một yếu tố giống nhau nữa, đó là những nghệ sĩ này thuộc thế hệ hậu chiến tranh. Không thể phủ nhận sự thật là họ đã lớn lên, trưởng thành và bước vào con đường sự nghiệp dưới lá cờ của “Bên thắng cuộc.” Nhưng cũng không thể phủ nhận một sự thật là sự nghiệp của họ được rạng danh từ chính trong cái nôi của người Việt tỵ nạn. Nói cách khác, khán giả Việt hải ngoại là chiếc thang đưa họ lên đỉnh cao của sự nghiệp.
Khán giả đó, như đã nói, là những người thuộc thế hệ tị nạn thứ nhất. Họ là những người đã đặt chân đến Mỹ bằng cuộc đánh đổi tử-sinh. Khi đến bờ tự do, họ lại một lần nữa đánh đổi tuổi trẻ, đánh đổi khát vọng cá nhân để lao vào cuộc mưu sinh nơi đất khách, vì gia đình, vì người thân còn kẹt lại ở Việt Nam. Rồi khi thế cuộc chuyển mình, những nghệ sĩ lớn lên dưới màu cờ của “bên thắng cuộc” có cơ hội đặt chân lên nước Mỹ bằng cuộc di dân không cần máu và nước mắt.

Phần lớn họ chọn thủ đô của người Việt tị nạn để sinh sống và làm nghề. Chính nơi đó, thủ đô tị nạn, trung tâm văn hóa của người Việt hải ngoại đã nuôi dưỡng họ. Khán giả của họ không thiếu những người đã còng lưng trên chiếc máy may hàng đêm, hay những người hàng giờ, hàng ngày, hàng tháng, cúi đầu chăm chú vào bàn tay, bàn chân của khách. Chiếc vé vào cửa để xem những nghệ sĩ này thăng hoa trên sân khấu được mua từ những giờ còng lưng, mỏi mắt ấy. Trong số các trung tâm văn nghệ chào đón họ, cũng có những nơi được dựng nên bởi những con người đã đổi mạng sống để giữ lại một nền văn hóa trong cuộc đời lưu vong

Rồi như chim đủ lông đủ cánh, những nghệ sĩ ấy chọn con đường quay về. Họ trở về sau khi đã có một “nền móng” vững chắc ở Mỹ. Họ tiếp tục xây dựng một nấc thang khác dưới danh nghĩa nghệ sĩ hải ngoại về nước biểu diễn. Qua nhiều năm trở về, những nấc thang ấy có vẻ rất lộng lẫy, huy hoàng, đầy danh vọng. Họ xuất hiện với tần suất chóng mặt trong các game-show thu hình. Họ sản xuất những phim điện ảnh với số vốn đầu tư “khủng.” Họ “bay show” liên tục trong và ngoài nước.

Nhưng, có gì mà không phải đánh đổi? Những nghệ sĩ này đã chọn sự đánh đổi có lẽ là duy nhất của họ: chối bỏ quá khứ. 

Khi còn tại thế, “sầu nữ” Út Bạch Lan từng kể lại có những lần bà phải xin lỗi khán giả của mình: “Nhiều lúc tôi đi hát ở chùa, đang hát tôi bỗng quên lời bài vọng cổ, phải ngừng lại xin lỗi mọi người, chờ đến khi có người “nhắc tuồng” tôi mới tiếp tục.” Lời xin lỗi của người nghệ sĩ chan chứa lòng tự trọng với nghề và tôn trọng khán giả của mình.

Trong đêm ra mắt sân khấu kịch nói Thiên Đăng, Nghệ sĩ ưu tú Thành Lộc đã trải lòng: “Chúng ta, mỗi người ai cũng có một ước mơ. Có người xây dựng được ước mơ ấy, có người không xây dựng được. Nhiều người có cùng một ước mơ và để đạt được ước mơ đó, chúng ta phải đánh đổi cả mồ hôi, xương máu. Có người trong chúng ta chấp nhận sẽ chết để đạt được khát vọng mà chúng ta mong muốn. Tôi chết ngày hôm nay để ước mơ đó hình thành cho thế hệ sau tôi. Đó là thông điệp mà tập thể nghệ sĩ Thiên Đăng muốn gửi gắm, và tôi tin tất cả các anh chị em nghệ sĩ đồng nghiệp có mặt trong buổi tối hôm nay đều đồng ý. Dù chúng ta chết hôm nay, cũng chết cho một nền nghệ thuật tử tế mai sau.”

Sân khấu nào mà không cần khán giả? Nghệ thuật nào mà không cần sự tử tế để làm đẹp cho đời, cho người? Nhưng sự tử tế ấy còn đâu nếu người nghệ sĩ đã đánh mất lòng tự trọng vào chính cái nghề đã nuôi dưỡng mình và sự tôn trọng khán giả đã giúp họ sống với nghề? Nỗi sợ hãi bị cắt đi những chiếc thang danh vọng quá lớn, đủ để họ quên mất mình đã thật sự lớn lên từ đâu.

Năm mươi năm, nửa thế kỷ, có những hình ảnh chỉ còn là biểu tượng trong ký ức của một thế hệ. Nhưng điều đó không có nghĩa nó không tồn tại trong lịch sử. Ngược lại, nó đã từng là một lịch sử rất đau đớn của một dân tộc. 

Khán giả là của người nghệ sĩ. Lịch sử là của dân tộc. Không tôn trọng lịch sử, thì làm sao người nghệ sĩ có thể sống tử tế với nghề để đến với khán giả?

Chưa bao giờ lời xin lỗi lại là một từ dễ dàng để nói và dễ dàng nhất để “chứng minh lòng yêu nước” như lúc này.
(*) Mượn từ tên của ca khúc “Sorry seems to be the hardest word

You may also like

Leave a Comment

Verified by MonsterInsights