Tái lập kinh Hàng Bàng

by Vy Trần

Ngày 17-1, kinh Hàng Bàng đã được tái lập sau 25 năm bị “bít”. Do ô nhiễm, kinh Hàng Bàng dài gần hai cây số chạy từ kinh Lò Gốm (quận 6) đến kinh Vạn Tượng (quận 5) bị lấp làm cống hộp năm 2000. Do tình trạng ngập úng dữ dội nhà cầm quyền Sài Gòn quyết định tái lập lại con kinh. Sau 15 năm, quyết định và thực hiện phục hồi lại con kinh, đầu năm 2025 mới hoàn thành một phần, với kinh phí khoảng 2.000 tỷ đồng. Kinh bề ngang 12 m, sâu khoảng 4,5 m. Hai bên bờ được kè đá, lắp lan can bằng thép cao hơn một mét. Trong khi đó, khoảng 500 m kênh từ đường Mai Xuân Thưởng đến đường Ngô Nhân Tịnh (quận 6) vẫn còn dang dở vì vướng nhà dân chưa giải tỏa được. Đoạn này, nhà cầm quyền quận 6 cho biết, có 344 căn nhà bị giải tỏa, hiện còn 43 nhà chưa chịu giải tỏa vì bồ thường quá thấp không đủ mua nhà khác.

Kinh Hàng Bàng được người Pháp đào từ năm 1889 đến năm 1893 nhằm thoát úng cho vùng đất thấp của làng Bình Tây, thành phố Chợ Lớn, và cũng để mở con đường thủy nối rạch Lò gốm với rạch Bến Nghé. Ban đầu kinh có tên là kinh Bonard (canal Bonard), song người Việt kêu là kênh Hàng Bàng vì hai bên bờ trồng hàng cây bàng hay rạch Bãi Sậy (theo tên con đường Bãi Sậy chạy cặp theo kinh). Các cây cầu bắc qua kinh cũng lần lượt xây dựng gồm: cầu Bình Tiên (đường Minh Phụng), cầu Phạm Đình Hổ, cầu Palikao (đường Ngô Nhân Tịnh), cầu Gò Công và cầu Ba Cẳng. Trong đó, cầu Ba Cẳng nằm tại ngã ba kinh Hàng Bàng và kinh Quới Đước là cây cầu bộ hành đầu tiên tại Sài Gòn rất nổi tiếng. Sở dĩ cầu có tên này là do hình dáng thiết kế của cầu có 3 chân đồng thời cũng là 3 lối bậc thang đi lên.

Không ảnh kinh Hàng Bàng ở mặt sau chợ Bình Tây khoảng năm 1930

Thập niên 1960, kinh Hàng Bàng vẫn là thủy lộ tấp nập ghe thuyền chở hàng đến Chợ Lớn để buôn bán. Tuy nhiên, sau đó do chiến tranh nên sản xuất vùng Đồng bằng sông Cửu Long bị ảnh hưởng nặng nề nên kinh Hàng Bàng mất dần vai trò. Do vậy, nên dân chúng bắt đầu cất nhà lấn chiếm khiến cho lòng kinh bị hẹp lần và trở thành mương thoát nước dơ. Năm 2000, do bị ô nhiễm nghiêm trọng nên thành phố cho đặt cống hộp đoạn từ đường Bình Tiên đến đường Phạm Đình Hổ.

Theo thống kê của Viện Khoa học công nghệ và Quản lý môi trường, Sài Gòn có khoảng 100 kinh rạch bị san lấp, biến mất trong quá trình đô thị hóa với diện tích hơn 4.000 ha từ sau năm 1975 tới nay. Nhiều kinh lớn “bị” đặt cống hộp thành đường như: một phần kênh Tân Hóa (quận Bình Tân), Nhiêu Lộc (đoạn quận Tân Bình)…

You may also like

Leave a Comment

Verified by MonsterInsights