HÀ GIANG
Thời còn nhỏ tôi được dạy về nghiệp quả như một điều gì đó rất xa xôi—một điều chúng ta sẽ phải đối diện ở kiếp sau: Hãy sống tử tế bây giờ để tạo được nghiệp tốt cho kiếp sau. Nếu ăn ở thất đức với ai đó, mình sẽ nợ họ món nợ nhân quả mà đời sau nhất định phải trả. Những điều này được rao giảng như lời cảnh báo nhẹ nhàng hoặc một định luật thiêng liêng mà ai cũng phải công nhận.
Nhưng theo thời gian, tôi tin rằng nghiệp quả không chỉ chờ đợi chúng ta ở thế giới bên kia, mà nó ở ngay bên chúng ta. Nó tồn tại trong những gì chúng ta làm, cách chúng ta nói, cách chúng ta sinh hoạt trong ngày. Nó là tiếng vọng của hành động —và nó phản ảnh ngay lập tức.
Trong cái nhìn của người Việt, nghiệp quả thường gắn liền với ý niệm đầu thai—ý tưởng những gì chúng ta làm ở đời này sẽ định hình số phận chúng ta ở kiếp sau. Triết lý sống này mở rộng ý thức trách nhiệm của chúng ta vượt ra giới hạn bản thân, khiến chúng ta quan tâm hơn đến người khác, tất cả với mục đích để đời sau của mình được… ổn.
Nhưng tôi lại nghĩ về nghiệp quả và sự đầu thai theo một cách khác— nghiệp quả không chỉ là những gì xảy ra sau khi chúng ta chết mà là những gì xảy ra khi chúng ta đang sống.
Trong lần hẹn hò, một người đàn ông mới quen hỏi rằng tôi có tin vào sự đầu thai không. Tôi mỉm cười và nói, “Tôi đã nghe về khái niệm này, và tôi nghĩ đó là một khái niệm hay – nó khuyến khích mọi người làm điều tốt.” Sau đó, tôi ngập ngừng. “Nhưng tôi chưa kiểm chứng được điều đó,” rồi nói thêm, “Mặc dù nếu có chứng cớ thuyết phục, tôi sẵn sàng tin.”
Khoảnh khắc đó đọng lại trong tôi – không chỉ vì câu hỏi mà còn vì nó nhắc nhở tôi rằng tất cả chúng ta đều mang trong mình những ý tưởng mình chưa hoàn toàn thấu triệt. Và đôi khi, cuộc đời sẽ thuyết phục chúng ta.
Giờ đây, tôi nghĩ mình đã bị thuyết phục.
Tôi tin rằng chúng ta luôn tái sinh. Mỗi khi chúng ta thực sự thay đổi – sau lần đổ vỡ, đau buồn, bệnh tật, già đi – chúng ta trở thành một con người mới. Và mỗi phiên bản mới của chúng ta đều mang nghiệp quả của con người chúng ta trước đó. Chúng ta không cần phải chờ đợi đến kiếp sau để nhận được tác động của những gì mình đã làm. Nghiệp quả luôn hiện hữu và vận hành – trong cuộc trò chuyện kế tiếp, quyết định kế tiếp, hơi thở kế tiếp.
Tôi thấy điều này rõ ràng nhất khi về Việt Nam dự đám tang của mẹ tôi.
Mẹ tôi không phải là một người nổi tiếng. Bà có một cửa hàng nhỏ ở Chợ Ông Tạ—trên một con phố đông đúc và tấp nập, nhưng trước 1975, khung cảnh chợ búa đó lại là nơi người ta nhớ đến những điều tử tế hơn là địa vị hay danh tiếng. Vào ngày tang lễ của bà, tôi đã choáng váng. Rất đông người tôi không hề quen biết xếp hàng hai bên cổng vào nhà thờ xứ Nam Thái để chào đón quan tài và đoàn người đưa tang như thể bà là một người nổi tiếng. Sau đó, nhiều người đến bên tôi và khẽ nói, “Mẹ cháu tốt lắm”. Một số thậm chí còn kể những gi bà đã làm để giúp họ trong lúc họ cần.
Chẳng phải là những gì lớn lao. Chỉ là những cử chỉ tử tế thầm lặng: chia sẻ bữa ăn, cho vay ít tiền, tặng vài lọ thuốc, nói lời an ủi khi cần nhất. Bằng cách nào đó, theo một cách nào đó, mẹ tôi đã giúp đỡ rất nhiều người bà gặp. Bà không bao giờ kể những chuyện này với tôi. Tôi không bao giờ biết. Đó cũng là nghiệp quả.
Người Việt chúng ta có câu nói: “Đời cha ăn mặn, đời con khát nước”. Đó là một lời cảnh báo nghiêm nhặt về mặt đạo đức: nếu một thế hệ sống ích kỷ, thế hệ tiếp theo có thể phải gánh chịu hậu quả.
Nhưng tôi tin rằng điều ngược lại cũng đúng.
Khi một người sống với sự hào phóng thầm lặng, những gợn sóng đó cũng sẽ lan tỏa về phía trước. Chúng không chỉ mang phước đến cho mình cho mà còn cho những thế hệ tiếp theo. Nghe có vẻ như số phận của con người đã được định sẵn từ khi mới sinh ra, phải không?
Nói về việc ra đời, tôi luôn tin rằng mình được sinh ra dưới một vì sao may mắn, trái ngược với câu nói quen thuộc của người Việt: “Tôi sinh ra đời dưới một ngôi sao xấu”.
Đúng vậy, tôi nghĩ mình đã may mắn cả cuộc đời. Bất cứ khi nào tôi cảm thấy bị dồn vào chân tường, tuyệt vọng hoặc bế tắc, thì luôn có ai đó xuất hiện – giúp đỡ, mở ra một cánh cửa, chỉ cho tôi một góc nhìn khác hoặc một lối thoát. Trong một thời gian dài, tôi vẫn nghĩ đó chỉ là sự may mắn hoặc trùng hợp ngẫu nhiên. Bây giờ tôi tin rằng đó là nghiệp quả – không chỉ của riêng tôi, mà là nghiệp quả cha mẹ tôi đã âm thầm tạo ra.
Nhớ một lần, khi tôi còn là một đứa trẻ, được bố chở đi đâu đó trên chiếc xe Vespa của ông. Chúng tôi đang len lỏi qua con phố đông đúc chật chội ở Sài Gòn thì một người lái xe xích lô lớn tuổi vô tình va vào hông xe của chúng tôi và ngã. Chưa kịp đứng hẳn dậy Ông đã run rẩy và lo lắng rằng mình đã làm trầy chiếc Vespa và liên tục xin lỗi.
Bố tôi bình tĩnh đậu xe, đỡ người đàn ông dậy và hỏi ông có sao không. Sau đó, ông hỏi người người lái xe lớn tuổi đó kiếm được bao nhiêu tiền một ngày, rồi lấy đúng số tiền đó ra, đưa cho ông và nhẹ nhàng nói, “Thôi hôm nay ông về nhà nghỉ ngơi nhé!” Đứng lớ xớ ở đó, tôi thấy trong đôi mắt ngấn lệ của ông lão tràn đầy lòng biết ơn.
Chỉ có vậy thôi. Không than phiền. Không làm gì ồn ào. Chỉ có sự trắc ẩn thầm lặng. Bố cũng chẳng giải thích gì cho tôi. Và bây giờ, khi suy ngẫm về cái gọi là “may mắn” của mình, tôi tự hỏi liệu đó có phải là mình thực sự may mắn không, hay tôi đang nhận nghiệp quả mà cha mẹ đã tạo ra?