KIỀU MỸ DUYÊN
Tây Ninh trong trí nhớ, Tây Ninh trong trái tim của những cô gái Tây Ninh và chàng trai lính chiến đến rồi đi để lại đau đớn trong lòng cô con gái nhỏ. Tây Ninh với thánh thất Cao Đài hùng tráng uy nghi. Tây Ninh trong lòng người mộ đạo đi đâu cũng thành lập thánh thất Cao Đài, mô hình giống như tòa thánh Tây Ninh. Người xa Tây Ninh tìm về thăm lại quê cha đất tổ, thăm thánh thất Cao Đài, núi Bà Đen, thăm lại làng Từ Bi.
Năm 1832, vua Minh mạng đã chia Nam Kỳ thành sáu tỉnh, Tây Ninh lúc này thuộc trấn Phiên An. Đến 1836, tỉnh Phiên An được đổi thành Gia Định, phủ mới được thành lập và lấy tên Tây Ninh như hiện nay. Tây Ninh thuộc vùng Đông Nam Bộ của miền Nam, tiếp giáp với nhiều địa phương khác như: giáp với Bình Dương về phía Đông, giáp với Campuchia về phía Bắc, giáp với Sài Gòn và Long An về phía Nam. Về ý nghĩa tên gọi, Tây Ninh có nghĩa là vùng đất yên ổn về chính trị phía Tây. Ngày trước, nơi này còn có tên là Romdum Ray mang ý nghĩa chuồng voi vì khu vực này chỉ có các loài thú dữ như beo, rắn, voi, cọp, v.v.
Đến với Tây Ninh thì không thể không ghé qua tòa thánh Tây Ninh, đây là một công trình của đạo Cao Đài, đây là nơi thờ Thiên Nhãn- biểu tượng thiêng liêng của đạo Cao Đài. Tòa thánh được xây dựng từ năm 1933, tới năm 1955 mới hoàn thành, trên diện tích gần 12 km2, có hàng rào bao bọc xung quanh và bao gồm tòa thánh, đền thờ Phật mẫu, bửu tháp. Tòa thánh dài khoảng 100 mét, với 12 cửa, cửa Chánh Môn là cửa lớn nhất. Mặt ngoài có 2 tháp cao 36 mét, được xây dựng bằng xi măng cốt tre.
Phía bên trong tòa thánh có kiến trúc vô cùng độc đáo. Hai hàng cột phía trong tòa được trạm trổ hình rồng với nhiều màu sắc rực rỡ. Nền tòa thánh có 9 cấp được gọi là “Cửu phẩm thần tiên,” mỗi cấp tương đương với một phẩm cấp. Ở giữa có quả cầu lớn tượng trưng cho vũ trụ với Thiên Nhãn nằm phía trước.
Từ bao đời nay, người dân xã Thạnh Tân, Tây Ninh vẫn truyền tai nhau về sự tích kỳ bí của núi Bà Đen, về người con gái chết oan, ba lần quay về báo mộng, hiển linh.
Núi nằm tại xã Thạnh Tân, cách trung tâm thành phố Tây Ninh khoảng 11km. Núi Bà Đen có một sức hấp dẫn con người kỳ lạ đến như thế, không chỉ bởi đây là ngọn núi cao nhất miền Nam Việt Nam, với nhiều cảnh sắc thiên nhiên hùng vĩ, tươi đẹp mà còn bởi nhiều huyền thoại kỳ bí, được người dân lưu truyền bao đời nay, từ chuyện rắn thần hiển linh, thần núi cho đến câu chuyện về người con gái chết oan, quay về báo mộng, cứu nhân độ thế và đem lại nhiều may mắn, tài lộc cho chúng sinh. Núi Bà Đen trải rộng trên diện tích 24km², gồm 3 ngọn núi tạo thành: núi Heo, núi Phụng và núi Bà Đen. Với độ cao 986m, nhìn từ xa, núi Bà Ðen như một chiếc nón úp trên đồng bằng. Nằm rải rác từ chân núi lên đến đỉnh núi Bà Đen là một quần thể kiến trúc gồm chùa Phật với tượng Phật nhập Niết bàn, chùa Hang (Linh Sơn An Phước tự), chùa Hạ, chùa Trung (Linh Sơn Phước Trung tự), chùa Vân Sơn. Đan xen với hệ thống chùa là rất nhiều hang động được các tăng ni, Phật tử sửa chữa làm nơi thờ tự như: động Thanh Long, động Ông Hổ, động Ba Cô, động Ba Tuần, động Thiên Thai, động Ông Tà, hang Gió, … Người hành hương về núi Bà thường xin những gói lộc (bên trong đựng một nhúm gạo hoặc hoa quả nhỏ xinh) để cầu may.
Câu chuyện huyền thoại luôn lôi cuốn du khách khi đến với địa danh tâm linh này, đó chính là sự tích về Bà Đen, nàng Lý Thị Thiên Hương con gái của ông Lý Thiện, quan trấn nhậm Trảng Bàng triều Nguyễn và bà Đặng Ngọc Phụng, một người phụ nữ gốc Bình Định.
Truyền thuyết kể rằng, nàng vốn là người con gái xinh đẹp, hiền lương, là con của một nhà gia giáo, nên được rất nhiều người để ý. Trong làng có chàng tên Lê Sĩ Triệt, mồ côi cả cha lẫn mẹ, được nhà sư Trí Tân nuôi dưỡng nên văn hay võ giỏi và cũng tỏ lòng cảm mến nàng.
Trong một lần nọ Thiên Hương lên núi cúng chùa liền bị một đám côn đồ vây bắt. Giữa lúc nguy khốn, chàng Lê Sĩ Triệt đã xông gia đánh đuổi và cứu được nàng. Ðể đáp ơn chàng, cha mẹ nàng Thiên Hương hứa gả nàng cho Lê Sĩ Triệt. Nhưng giữa buổi loạn ly, hai người chưa kịp lấy nhau, chàng trai Lê Sĩ Triệt đã phải tòng quân ra trận, đánh đuổi Tây Sơn. Nàng hứa sẽ ở nhà, giữ trọn danh tiết chờ chồng.
Khi Lê Sĩ Triệt tòng quân, ở nhà trong một lần lên núi lạy Phật và thăm dưỡng nhà sư Trí Tân, thì Thiên Hương bị nhóm kẻ xấu trước đó vây bắt, toan làm nhục. Để giữ lòng trung trinh, nàng đã nhảy xuống khe núi tử tiết. Sự tích ba lần báo mộng hiển linh của nàng Lý Thị Thiên Hương được lan truyền khắp mọi nơi, cùng với tín ngưỡng tâm linh của người Việt: thường những người chết oan, họ rất linh thiêng nên tiếng lành đồn xa, dân chúng ở khắp các nơi đã về với Tây Ninh để vừa vãn cảnh, vừa cúng bái, cầu tài lộc và bày tỏ lòng tôn kính với vị Thánh Bà này.
Hồi nhỏ, tôi dẫn em trai út của tôi về thăm Tây Ninh, ở nhà người cậu của tôi ở làng Từ Bi, gần tòa thánh Tây Ninh. Cậu tôi lấy vợ ở Tây Ninh, về ở bên gia đình vợ. Nhà không đóng cổng, cửa cũng không khóa, mảnh vườn cây cỏ xanh tươi quanh năm suốt tháng, đời sống ở đây rất thanh bình, không trộm cắp, không ai vào vườn hái trái cây. Mọi người đi ngang tòa thánh dù đi xe đạp, đi xe gắn máy đều giở nón chào.
Trong tòa thánh rất sạch, đẹp, gạch bóng loáng, một bên dành cho phụ nữ, một bên dành cho nam. Người nào vào tòa thánh đều hiền lành, yên lặng, quỳ lạy, giày dép bỏ bên ngoài cửa, trật tự, nhường nhịn từ cửa vào, người già thường được mời đi trước, trước tòa thánh là rừng cây với những cây cổ thụ, với chim hót líu lo suốt ngày.
Du khách khắp nơi trên thế giới về thăm tòa thánh, chụp hình lia lịa, ngày nào tôi cũng dẫn cậu em dưới 10 tuổi vào thăm tòa thánh, rồi lên núi, chúng tôi nghe kể lại vua Gia Long lúc bôn đào chạy lên Tây Ninh, lên núi được Phật Bà báo mộng chỉ đường chạy sang Miên, sau này ông trở về Việt Nam và lên ngôi vua, ông nhớ ơn Phật Bà trên núi.
Em trai tôi, gầy nhưng leo núi rất giỏi, rất nhanh. Sau này, em tôi tình nguyện vào binh chủng Không Quân, rồi du học ở Hoa Kỳ hai lần. Có lẽ nhờ leo núi bà cho nên đi rất nhanh, có lẽ được Phật Bà phù hộ.
Sau này, tôi trở lại thăm thánh thất Tây Ninh cũng nhiều lần, mỗi lần đến Tây Ninh, hay sang chiến trường Cao Miên, sau năm 1975, định cư ở Hoa Kỳ, tôi trở về thăm Tây Ninh, thăm thánh thất Cao Đài năm 2005. Tây Ninh khác xa ngày xưa, rừng cây trước thánh thất hình như bớt xanh, xung quanh thánh thất có nhiều tiệm ăn, chủ nhân đa số người Bắc sau năm 1975, nghe giọng nói thì biết ngay, đa số là tiệm chay, bên lề đường cũng có tiệm ăn, tiệm ăn nhỏ có vài cái bàn, cái ghế.
Ngoài đường, xe chạy cát bụi mịt mù, vậy mà du khách hay người dân địa phương ngồi ăn tỉnh bơ. Tôi gặp nhiều du khách đến từ các quốc gia trên thế giới nói tiếng Pháp, Anh, Tàu, Bồ Đào Nha, v.v…
Khách sạn nhiều tầng mọc ra gần tòa thánh, để cho du khách đến thăm và ở lại. Làng Từ Bi gần tòa thánh gần như biến mất, những ngôi nhà nhỏ với mảnh vườn rộng biến mất, bán cho người ở xa tới để làm quán ăn, nhà trọ.
Hội Thánh Cao Đài Tòa Thánh Tây Ninh được lập thành sau đại lễ Khai Đạo ngày 19/11/ 1926. Hộ Pháp Phạm Công Tắc (1890-1959), tự là Ái Dân, biệt hiệu Tây Sơn Đạo, là một trong những lãnh đạo trong việc hình thành, xây dựng, phát triển và kiện toàn hệ thống tôn giáo của đạo Cao Đài. Ngài được chư đạo hữu tại thánh địa Tây Ninh kính trọng vào hàng bậc nhất do đạo đức của ngài và công lao xây dựng nên tòa thánh Tây Ninh.
Năm 1941, chính quyền Pháp đưa Đức Phạm Hộ Pháp và 5 vị chức sắc lưu đày ở hải đảo Madagascar bên Phi Châu. Trong những ngày đi đày lao khổ nơi viễn xứ. Ngài đã được Đức Chí Tôn che chở nên bao tai nạn đều qua khỏi.
Một lần, xe ô tô chở Ngài cùng mấy chục người tù đày, qua chiếc cầu bắc ngang sông. Xe đang đi trên cầu cao, thì cầu gãy, đâm xuống sông, đem theo cả bao nhiêu người, thế mà không ai bị chết hoặc bị thương.
Một lần nữa, chiếc xe chở tù trong đó có Ngài, đang leo lên dốc núi, thì bị thụt lùi, lăn từ trên cao xuống. Chỉ một chút nữa là lao xuống vực thẳm tan tành cả người lẫn xe. May sao, một gốc cây bên bờ vực thẳm đã đón lấy và ngăn lại kịp.
Cả hai lần mọi người trong xe đều sung sướng, chỉ Ngài mà xưng tụng: “Chúng ta thoát chết đều là nhờ ông lão này.” Rồi họ cười ầm ĩ, hồn nhiên vui vẻ và từ đấy ai cũng có cảm tình với Ngài.
Về đến nước vào cuối năm 1946, Đức Hộ Pháp lại phải đối phó với bọn vô thần có chủ trương diệt các tôn giáo. Đức Hộ Pháp Phạm Công Tắc qui Thiên ngày 17/5/1959 tại Chùa Tual Svay Prey (Cao Miên).
Trong nội ô tòa thánh, cũng như trong khắp Châu Thành thánh địa Tây Ninh, từ những đền thờ đến các dinh thự, từ những con đường lớn nhỏ đến các cây cầu, từ những ngôi chợ đến các khu nhà ở trật tự khang trang, từ những ngôi trường dạy trẻ em nhà đạo cho đến các y viện, dưỡng lão, cô nhi viện, v.v., đâu đâu cũng đều thấy có những dấu tích nhắc nhở công nghiệp vĩ đại của Đức Ngài.
Thể xác của Đức Ngài tuy đã mất, hình bóng của Đức Ngài tuy đã khuất, nhưng trong lòng của mỗi tín đồ Cao Đài trong nhiều thế hệ vẫn ghi khắc hình ảnh sống động của Đức Ngài.
Tín đồ của đạo Cao Đài vẫn mặc áo dài tiếp khách trong tòa thánh, có những quyển sách để trên bàn tặng, ai muốn cúng dường thì để tiền vào trong cái thùng nhỏ, không khí vẫn yên lặng như ngày xưa. Du khách thập phương đến thăm không phân biệt tôn giáo, đặc biệt có sự yên lặng một cách tuyệt đối, người già, người trẻ yên lặng.
Hằng năm, đạo Cao Đài ở Tây Ninh tổ chức nhiều ngày lễ trong đó 2 lễ lớn nhất là Lễ Vía Đức Chí Tôn (diễn ra vào ngày mùng 8 tháng giêng) và Hội Yến Diêu Trì Cung (diễn ra vào rằm tháng 8). Bên cạnh những nghi thức dâng hương, cúng lễ, đọc kinh theo nghi thức của đạo Cao Đài, trong những ngày lễ lớn tại đây còn diễn ra các chương trình biểu diễn nghệ thuật, múa hát, đưa rước như: cô tiên, múa rồng nhang, lân mã, nghệ thuật múa tứ linh (long, lân, quy, phụng). Những ngày lễ trọng đại này không chỉ quy tụ tín đồ đạo Cao Đài và người dân Tây Ninh, mà còn thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước về dự lễ.
Đến một nơi linh thiêng, không có trộm cướp. Trước tòa thánh, những hàng cây cổ thụ hình như mất đi nhiều. Có nhiều người quỳ trong tòa thánh cầu nguyện, có người quỳ trước các tượng lộ thiên trước tòa thánh.
Đến nơi linh thiêng, người nào cũng cầu nguyện. Hàng năm, hàng triệu du khách từ khắp nơi trên thế giới đến thánh thất Cao Đài, họ cầu nguyện việc gì không ai biết, nhưng chắc chắn là việc lành, cho gia đình, cho người thân, cho bằng hữu. Ơn Trên sẽ phù hộ cho họ.
Không có sức mạnh nào bằng niềm tin tôn giáo, người nào có niềm tin tôn giáo thì có sức sống mạnh mẽ hơn, sống lạc quan hơn, dù hạnh phúc hay lúc lâm nguy, sự cầu nguyện vẫn đem đến niềm vui, hạnh phúc cho mọi người. Cầu nguyện điều lành, tránh điều dữ, cầu nguyện chân thành hết lòng với trái tim của mình, sự cầu nguyện sẽ linh nghiệm, sẽ được kết quả tốt đẹp.
Orange County, 12/2024