Tết nói chuyện “giọng Nam kỳ quốc”

by Tim Bui
Tết nói chuyện “giọng Nam kỳ quốc”

BẮC KỲ DI CƯ

Hồi mới di cư vô Saigon, Sáu tui nói tiếng Bắc. Nhưng rồi đi học trường toàn dân Nam kỳ quốc, nói riết rồi tui cũng quen với giọng Nam, thiệt ra, tui bắt buộc phải bắt chước bạn học mà nói giọng Nam, kẻo chúng cứ chọc quê tui hoài.

Năm lớp sáu, tức là đệ thất sau này, trong lớp có thằng Tồn to con, bắp tay nó toàn múi, nó cứ dúi đầu tui xuống bàn học mà nhái giọng Bắc Kỳ của tui, rồi cười hê hê. Nó còn dơ nắm đấm ra mà hất hất cái đầu: “Mày dám uýnh lộn dới tao không? Tao chấp mày một tay đó!” Thấy cái nắm đấm nó to gần bằng nửa cái đầu của tui, tui lắc đầu: “Tao không thèm đánh nhau với mày, đồ du côn!” Nghe tui mắng nó là đồ du côn, nó chụp lấy tai tui mà vặn xoắn đi, tưởng muốn đứt luôn. Mấy đứa cùng dân di cư Bắc Kỳ ăn cá rô cây giống tui thì đứng im, không thằng nào dám cựa quậy, trong khi mấy tên Nam Kỳ kia thích chí, cười hô hố. 

Nói vậy chứ không phải vậy. Không phải tên Nam Kỳ nào cũng du côn, thách uýnh lộn như thằng Tồn. Mấy thằng lớn xộn khác thì đủng đỉnh, không bắt nạt bọn Bắc Kỳ như thằng Tồn, mà còn chơi với tui, giúp tụi tui làm bài, cho nên tui dần dần khoái giọng Nam kỳ. 

Nhớ hồi mới vô Nam, đi mua bánh nếp, mua xôi đậu của mấy bà gánh ngoài đường, nghe mấy bà nói giọng ngọt như đường: “Cưng ơi cưng! Cưng mua xôi của dì nha! Xôi của dì ngon lắm!” Lần đầu tiên, nghe các “dì” gọi bằng “cưng,” tui tưởng bở là “dì” thấy tui ngoan hiền, dì thương tui, ai dè, sau này, thấy các “dì” gọi bất cứ ai cũng bằng “cưng,” tui cụt hứng, nhưng vẫn thích nghe giọng Nam kỳ. Giọng Nam kỳ không nhẹ nhàng như giọng Bắc kỳ của mấy người có học, trí thức, cũng không the thé như xé lụa khi bà Bắc kỳ lên cơn giận dữ, mà giọng Nam kỳ nó ngọt ngọt, đầm đầm, ấm áp. Nhà tôi có thời ở sát bên một nhà người Nam. Cứ buổi trưa, tui lắng nghe đứa con gái cỡ 12 tuổi nằm võng ru em bên cạnh nhà: 

Trồng trầu thì phải khai mương.
Làm trai hai dợ (vợ) phải thương cho đồng

Nghe câu này, tui khoái quá. Phải chi khi lớn lên, mình cũng được như vậy? Nhưng cũng chưa bằng câu này:

Chồng giận thì vợ làm lành
Miệng cười thơn thớt rằng anh giận gì?
Thưa anh, đừng giận em chi.
Muốn lấy vợ nhỏ, em thì cưới cho!”

Đã thiệt nhe. Vì thế mà cứ buổi trưa, biết là tới giờ con bé ru em, tui ngồi im nghe đứa chị dậy em:

Thông ngôn, ký lục, bạc chục chẳng thèm
Lấy chồng thợ bạc đeo dàng (vàng) cho đỏ tai (tay)”

Cô bé còn rành những câu huê tình, chứng tỏ người miền Nam hễ thương thì thương thật đậm:

Dao phay kề cổ, máu đổ không màng
Chết thì chịu chết, buông nàng anh không buông

Ngoài mấy câu trên, các câu ru em khác chứng tỏ dân Nam Kỳ yêu nhau đúng điệu:

Tui xa mình, hổng chết cũng đau
Thuốc bạc trăm không mạnh, mặt nhìn nhau, mạnh liền

Thỉnh thoảng, tui nghe thấy có vài câu tán tỉnh có ý tứ hơn:

Bớ chiếc ghe sau, chèo mau, anh đợi
Kẻo khúc sông này bờ bụi tối tăm

Nghe mấy câu ca dao mà con bé hàng xóm ru em đó, tui thấy thiệt là bình dân, mộc mạc, nhưng nói lên nghĩa tình của người miền Nam chân chất. Nhưng có lẽ tui thích nhất câu này: 

Ầu ơ! Ví dầu cầu ván đóng đinh
Cầu tre lắt lẻo, gập ghềnh khó đi
Khó đi, mẹ dẫn con đi
Con đi trường học, mẹ đi trường đời…”

Tui nghe câu này nhiều lần không biết chán, có lẽ cho đến bây giờ không hiểu sao tui vẫn khoái làm sao ấy. Sau nhiều năm định cư ở Saigon, tui học được nhiều tiếng Nam, rồi ngộ ra là có nhiều điều để nói về ngôn ngữ của người miền Nam, đôi khi không có văn phạm, văn phong gì cả.

Thí dụ như có hai chữ này được xài mọi nơi mọi chỗ, nghĩ lại thấy tức cười: “Quá trời!” Cái gì cũng “quá trời”: Con nhỏ này đẹp quá trời. Thằng chả Dô (vô) duyên quá trời. Mụ Ba vừa già vừa xấu quá trời! Tui mệt quá trời. Tao no quá trời. Cháu đói quá trời… Ngộ thiệt nhe.

Ngay cái chữ “tức cười!” cũng lạ: Đã “tức” mà còn “cười!” Về quan hệ vợ chồng, tui thấy vợ gọi chồng rất dễ thương: “Ba thằng Tám!” Nhưng nếu giận chồng thì: “Thằng chả!” Chồng gọi vợ bằng “Má con Búp đâu?” hoặc “Má bầy trẻ đâu” Đến khi giận vợ thì la lên: “Con bà nó!”

Ngôn ngữ của người miền Nam dễ thương như thế đó, nhưng có một điều không dễ thương chút nào, tui không chấp nhận được là đôi khi giận con thì la mắng: “Thằng ông Nội này!” Gọi “ông nội” là “Thằng” thì tui thấy bậy bạ quá. Nhưng đó là người miền Nam chơn chất mà. 

Bắc Kỳ Di Cư
Tháng giêng, 2025

You may also like

Leave a Comment

Verified by MonsterInsights