Tết! Tết! Tết! Tết buồn!

by Tim Bui
Tết! Tết! Tết! Tết buồn!

TÁM BÔN XA

“Tết! Tết! Tết! Tết đến rồi…” Đây là câu mở đầu trong một bài hát của cố nhạc sĩ Từ Huy thường được nghe vang vang mỗi khi Tết đến ở Việt Nam.

Năm nay, những ngày cận Tết cũng nghe ca khúc này vang lên ở nhiều nơi nhưng có vẻ hơi… buồn buồn! Vui như Tết là một câu tục ngữ có từ lâu của người Việt, nay cớ sao Tết mà lại buồn buồn!

Chuyện gì cũng có gốc ngọn của nó. Mà cái gốc ngọn của năm nay thì ngoài tươi mà trong héo!

Tết mà hàng loạt những con đường ngon lành ở Sài Gòn luôn đăng bảng “nhà cho thuê.” Rất nhiều tiệm, quán xá… thay vì tưng bừng hàng hóa để bán Tết thì lại… đóng cửa vì ế ẩm, vì tiền rent quá cao, vì thuế, vì… 

Ngay những nông dân trồng bông Tết cũng đang chảy nước mắt vì… mưa cuối mùa quá nặng hạt khiến nơi thì bông trổ sớm, nơi thì cành lá tan nát do mưa gió! Rất thảm, không buồn sao được?

Rồi Tết nhất tới nơi mà có hơn 100 ngàn ông bà cán bộ phải rời cái ghế kiếm cơm từ mấy chục năm nay, vui sao nổi? Mấy cái ghế này không chỉ kiếm cơm thường mà là cơm thượng hạng, cơm gà Hải Nam cộng với cháo bào ngư… Nào là tiền thưởng Tết, nào là quà cáp từ đàn em, từ cộng tác viên, từ đối tác… Ta nói nó vui lắm. Nội mấy bà vợ ngồi đếm mấy chai rượu cũng đủ mệt chứ đừng nói tới các bao thơ dầy cui lỡ rớt xuống trúng chưn cũng dập chưn như chơi nhen. 

Tám có một ông bạn trẻ quen từ hồi còn mài đít quần ở trường học, nay trở thành nhà kinh doanh bất động sản, giàu sụ. Cận Tết, tình cờ gặp giả trong quán cà phê quen. Lâu lâu mới gặp nhau, thay vì vui thì giả lại có bộ mặt buồn như mất… sổ gạo! Hỏi lý do, giả nói tắt “ĐM! Hễ Tết nhất là xấu lúi!” Trầm ngâm một hồi giả mới tâm sự thanh minh thanh nga. “Mẹ nó! Hễ Tết là nhắn tin đòi quà cáp! Làm ăn như cái c c. Không có thì không xong việc của mình, mà cho thì…tiếc!” 

Năm nay, tình hình kinh tế ngoài đỏ chớ trong ruột xanh lè hà. Dân tình khổ biết bao nhiêu, lại còn sanh ra đủ thứ luật mới để dân phải… lo! Mà cái lo đầu tiên chính là lo “tiền đâu?”

Nay thì mấy giả sắp về làm người tử tế nên mấy giả buồn. Nhưng mấy giả buồn thì dân mần ăn cũng không vui. Bởi vì, mần ăn thì có mối có mang, có đường đi nước bước quen thuộc. Nay quan mới, kiểu mới lại phải tính cách mới để mần ăn cho hanh thông. Cha chả, còn buồn gấp mấy lần mấy năm trước!

Quan về quan buồn, còn dân cũng đâu có vui lắm! 

Chưa Tết mà giá hàng hóa bắt đầu leo lên trên nóc nhà. Bó bông hôm trước 15 ngàn đồng [khoảng 70 cent] nay vọt lên ba chục, năm chục ngàn/bó. Có chết con mẹ vợ thằng Đậu không? Thịt đùi heo từ trăm tư trăm rưỡi ngàn, vọt lên tròm trèm hai trăm ngàn đồng/ký. Mọi thứ đều tăng chỉ có lương là không tăng, mà tiền thưởng thì chờ nhen! 

Đám nhà báo, nhà văn cũng chộn rộn không ít. Chuẩn bị bước vô “kỷ nguyên mới” và bắt đầu tinh gọn bộ máy hơn 40 ngàn ông bà nhà báo, và mấy chục cái Hội văn nghệ có tới cả ngàn ông nhà văn, nhà thơ, nhà nhạc…chỉ có tuổi mà chưa có tên cũng lo ngay ngáy. Bởi lâu nay, mấy chỗ này là cái ổ ấm thân của mấy ổng bả, giờ sắp tinh gọn không biết rồi sẽ đi dìa đâu! Ra khỏi ổ nó lạnh lùng lắm! Không chỉ thiên hạ xoi mói, mà chuyện lừa gạt thiên hạ để kiếm ăn giờ coi như bị mất trắng! Để cho oai, cho thế giới thấy “ta dư tự do ngôn luận” nên lâu nay báo với chí mọc ra như nấm sau mưa. Bộ nào, ngành nào, chủ quản nào cũng tranh thủ ra báo, không phải một mà có ngành còn có vài ba tờ báo, trừ cái Hội nhà báo chỉ có một tờ báo èo uột, sống chờ…chết! Nhiều báo thì phải có nhiều “nhà báo.” Nhưng tuổi thì nhiều mà tên chẳng mấy ai biết. Mấy ông bà này cứ chép lại tin tức của người khác viết, rồi đi loanh quanh công ty này, doanh nghiệp nọ để xin… quảng cáo! Xin hổng được thì mần hành, mần tỏi, rình rập những yếu điểm của mấy nơi này để xăn-ta mà kiếm chác. Ta nói, rất nhiều “nhà báo” bị mời đi uống trà nhưng nói tên ba ngày mà không ai biết, kể cả dân làm báo!

Rồi mấy ông bà văn nghệ văn gừng cũng rứa. Hội nào ngày liên hoan cũng đông, đầy tiếng dzô, dzô nghe vang trời nhưng viết thì không ai dám…đọc! Bởi nó bốc mùi còn hơn… Có ông riêng phần bằng cấp và Hội viên in cả hai mặt card visit cũng không đủ chỗ mà tác phẩm thì thầy bói cỡ Huỳnh Liên xủ quẻ ba ngày cũng không kiếm được! Thôi thì các ông về trồng rau, đuổi gà cho vợ cho chắc ăn nhen!

Nhưng buồn nhất có lẽ là mấy “đại gia” đang nằm “chăn kiến” trong các nhà giam. Nhất nhật tại tù như thiên thu tại ngoại mà! Tiền nhân ta nói cấm sai!

Đang là người nằm trên đống tiền, nhất hô bá ứng, đàn em đông như quân nguyên, muốn gì được đó thì đùng một phát… Chao ôi nó buồn thúi ruột à nha! Nhớ hồi nào đi một bước chúng nó chạy theo ton hót “anh anh, chị chị,” giờ thì đi vài bước đã hết chỗ phải quẹo lại! 

Ôi! Tết nhất làm chi cho…khổ vậy?

Thú thiệt, hồi còn sức đi tán gái, Tám cũng mơ màng cái vụ viết lách để trở thành nhà gì đó. Song viết rồi Tám tự hửi cảm thấy nó có mùi thum thủm nên “tự hủy” cho sạch không khí trong nhà. Từ đó, Tám lánh xa mấy chỗ viết lách, mấy làng văn vì sợ bị lây. Sau này, khi rước bà Tám dìa thì bả cũng chúa ghét mấy chỗ đó nên vợ chồng hợp “cạ” nhau. Hễ bả thấy Tám lật sổ ghi ghi chép chép, cái tật chưa bỏ được mà, là phán “Ông ráng mà canh mấy con gà sau nhà nhen! Một ngày đẻ mấy trứng có mà ăn chớ viết viết thì đói nhăn răng!” Ai nói thì còn nghi ngờ chớ vợ nói là trúng phóc nhen! May là qua bên này sống yên ổn chớ còn ở bên nhà chắc Tám dám là Hội viên gì đó rồi bị cho ra rìa thì…chết với bả!

Hên quá!

Nói lén chơi chớ mần gì thì mần, viết xong mấy chữ này Tám vô xin bả vài chục bỏ túi để ra tiệm gặp sòng bầu cua thì cũng “bắt” vài con cho đỡ nhớ nhà và cho qua ba ngày Tết!

You may also like

Leave a Comment

Verified by MonsterInsights