Thái huyền kinh

by Vy Trần

Phạm Kim Khải

LTS:

Thùy năng thư các hạ,

Bạch thủ Thái huyền kinh

Tạm dịch:

Ai là ngồi viết sách trên gác vậy,

Bạc đầu bên cuốn Thái huyền kinh

Đây là hai câu kết trong bài thơ Hiệp khách hành nổi tiếng của nhà thơ Lý Bạch, đờ Đường. Lý Bạch cũng là người đầu tiên nhắc tới “Thái huyền kinh” sau gần 1.000 năm cuốn sách nầy ra đời.

Thái huyền kinh là cuốn sách nghiên cứu về sự ra đời của vũ trụ và vạn vật của Dương Tử, người thời Tây Hán viết. Do Dương Tử chỉ là một quan lại nhỏ không “sang trọng” so với kinh Dịch do các vị vua Vũ, vua Văn (đời nhà Châu) nên Thái huyền kinh bị giới tinh hoa thời ấy không thèm để ý tới. Thái huyền kinh bị thất truyền gần 2.000 năm. Thập niên 1990 của thế kỷ 20 cuốn sách nầy mới được một số nhà nghiên cứu Đài Loan tìm thấy và in lại, sau đó được phổ biến bằng tiếng Anh.

Ông Phạm Kim Khải (1940) là họa sĩ, nhà nghiên cứu văn hóa, tình cờ đọc được và đã bỏ ra hơn 20 năm để nghiên cứu, chú giải Thái huyền kinh.

Bài viết dưới đây chỉ giới thiệu sơ nét về Thái huyền kinh, cuốn sách mà ông đang dịch, chú giải và dự định sẽ in bằng tiếng Việt trong thời gian sắp tới.

tác giả Phạm Kim Khải

Sách xưa thường gọi là “thư”, nhưng trong đó lại có một loại sách đặc biệt hiếm và quý gọi là “kinh”.

Trong kho tàng văn hóa cổ điển Á Đông còn lưu truyền một là bộ sách đặc biệt gồm 5 kinh gọi là ngũ kinh có kinh Dịch, Thi, Thư, Lễ Nhạc và kinh Xuân Thu lưu truyền từ đời Xuân Thu, đời nhà Chu.

Qua thời Chiến Quốc có Đạo Đức Kinh của Lão Tử và Nam Hoa Kinh của Trang Tử. 

Dứt nhà Chu đến đời nhà Hán, mới xuất hiện kinh Thái Huyền của Dương Tử (Dương Hùng tự Tử Vân, năm 58 BC -13) vào đầu công nguyên. Tiếc thay, Kinh Thái Huyền không được phổ biến chính vì nhà Hán đã độc tôn một Kinh Dịch, coi là thánh kinh của quốc giáo. Người học làm quan từ đời Hán về sau phải học hành theo ngũ kinh lấy kinh Dịch làm đầu.

Hán học coi dịch lý là chính thống, chính đạo, đương nhiên coi kinh huyền và các kinh sách khác như là tà giáo, dị đoan.

biểu tượng của Thái huyền kinh

Sau khi nhà Hán dứt, Hán học vẫn tồn tại qua hàng ngàn năm sau nên Dịch học cũng vẫn phổ biến từ Trung Hoa qua các nước chư hầu như Triều Tiên, Đại Nam hay Việt Nam ngày nay. Các kinh Dịch, Đạo Đức Kinh, Nam Hoa kinh đã được phiên dịch, diễn giải ra Việt ngữ từ đầu thế kỷ 20. Tiếc rằng kinh Thái huyền đến nay vẫn chưa thấy xuất hiện ở Việt Nam.

Kinh Thái Huyền mặc dù bị kềm tỏa, áp bức nhưng vẫn tiềm tàng, ẩn náu hàng ngàn năm trong dân gian cho đến cận đạ và hiện đại. Học giới Trung Quốc còn lưu truyền một số bản sao Thái Huyền Kinh.

Ở Tây phương, Thái Huyền kinh đã được phiên dịch và chú giải. Vào thời hiện đại, giới thiệu Thái Huyền Kinh là một sách bói, tương tự như sách Bốc dịch theo kinh Dịch, đồng thời lại có sách coi kinh Huyền là một kiệt tác triết lý trong văn hóa, tư tưởng nhân loại.

Kinh Huyền thoáng qua hình thức, một số người thấy hình dạng, nét tượng Huyền có nét tương tự với nét tượng bát quái, vội lầm tưởng huyền tượng mô phỏng, bắt chước kinh dịch. Nhưng xem kỹ hơn thì sự thực là kinh Huyền có 3 nét hình xuất xứ từ 3 số biểu hiện lý tam tài chỉ thiên (trời), địa (đất) và nhân (người, vật).

Đạo đức kinh của Lão Tử đời trước đã từng lấy số 3 từ tam tài để biểu hiện quá trình hình thành vũ trụ vạn vật tự nhiên. Lão Tử viết “Nhất sinh nhị, nhị sinh tam, tam sinh vạn vật”.

Dương Tử đời sau lấy số 3 chuyển ra 3 vạch tượng, gọi là Huyền tượng. Nên nhớ rằng Đạo Đức kinh chỉ có số, không có tượng. Do đó, không nên lầm tưởng rằng Huyền kinh mô phỏng Đạo kinh. Ngoài ra, tượng Huyền khác hẳn tương Bát quái trong Dịch, nên Huyền kinh không hề mô phỏng Dịch kinh.

Kinh Thái Huyền, từ khởi điểm:

vạch tượng của Thái huyền kinh

Lịch sử văn hóa Á Đông ghi nhận Kinh Thái Huyền của Dương Hùng, tự Tử Vân (53BC -18) người Tây Hán.

Dương Tử Vân nổi danh văn tài cao, thi phú xuất sắc, tài cao, học rộng. Sau ông từ bỏ văn chương thi phú, chuyển hướng qua triết học triết lý, chỉ chuyên sâu vào kinh sách thánh hiền. Nửa đời sau Dương Tử vượt qua tư tưởng Khổng Học đời Chu, Hán, tiến hành con đường khai triển tinh hoa tư tưởng triết lý truyền thống ngàn đời trước.

Cuối đời, Dương Tử đã hình thành một kinh Thái Huyền, một sách Phép Ngôn, được học giới đời sau từng so sánh với Dịch kinh và Luận ngữ.

Khởi sự Dương Tử lấy số 3, tam tài chuyển qua hình nét vạch mà thành tượng số gọi là Huyền Tượng.

Số 3 thuộc hệ số tam phân, nên tượng khởi từ 1 nét vạch tự phân thành nét đôi (vạch đứt đôi) và nét đứt ba, hình thành tượng số tam phân, gọi là Huyền Tượng, biểu hiện quá trình sinh hóa vũ trụ, vạn vật tự nhiên.

Trong khi kinh Dịch theo thuyết Khí luận tin rằng, khởi nguyên vũ trụ có nguyên khí gọi là “khí thái cực”, có nguyên lực cực lớn, cực mạnh xuất hiện đầu tiên, nên cũng gọi là Thái Nhất. Nguyên lực ấy tự động, tự phân làm đôi, sinh lưỡng khí âm dương, gọi là lưỡng nghi. Khí vô hình sau hiện thành hình tượng, thành tứ tượng rồi bát quái. Theo số luận, vũ trụ khởi từ Thái Nhất, từ số 1 sinh số 2, rồi tiếp diễn sinh ra 4, 8, 64.

Kinh Dịch viết: Dịch hữu thái cực, sinh tứ tượng, sinh bát quái, sinh lục thập tứ quái”.

Nghĩa là khí hiện ra tượng, thành hình thể vạn vật trong vũ trụ.

Phục Hy đời thượng cổ, trước đời Thương, xem xét hiện tượng, lập ra tượng Bát quái. Văn Vương đời Chu phỏng theo Phục Hy, chồng đôi tám quái.

Giữa thời Xuân Thu và Chiến Quốc cuối đời Chu, Lão Tử viết Đạo Đức kinh, viết về nguyên lai vũ trụ “Vô danh thiên địa chi thủy”.

Nguyên thủy vũ trụ từ trước khi có trời đất thì không có hình, không thể thấy, không thể nghe, không có tên; dù có cũng coi như không, nên tạm gọi là “Vô”.

Sau khi xuất hiện trời đất, vạn vật người ta mới đặt tên nhau, gọi tên trời đất, vạn vật, gọi chung là “hữu”.

Vậy là Hữu sinh tự Vô.

Vô là cái không hình sắc, như nguyên khí, thiên địa, nên lấy số, chuyển hiện ra tượng gọi chung là tượng số, biểu hiện quá trình từ Vô qua Hữu.

Đạo kinh chỉ dùng số, không dùng tượng. Số 1 sinh 2, sinh 3 để chỉ thị trời đất, vạn vật. Nên viết “Đạo sinh nhất, nhất sinh nhị, nhị sinh tam, tam sinh vạn vật”.

Dịch kinh mượn tượng số bát quái của Phục Hy, viết: “Dịch hữu thái cực. Thái cực sinh lưỡng nghi. Lưỡng nghi sinh tứ tượng. Tứ tượng sinh bát quái”.

Văn Vương đời Chu lấy bát quái chồng đôi, kết hợp thành 64 tượng quái Dịch nên nói tiếp “Bát quái sinh lục thập tứ quái”.

Dương Tử đời Hán bỏ qua bát quái, theo số tam tà mà sáng lập ra hệ thống tượng số Huyền, rồi viết thêm Từ (lời) diễn giải thành 81 Thủ với con số tương đồng với số 81 chương của Đạo kinh.

Điểm nầy có khi bị ngộ nhận rằng kinh Huyền có thể mô phỏng Đạo kinh. Sự thực, cả hai kinh đều khởi từ số tam tài, cùng theo hệ số tam phân, lấy 1 sinh 3, nhân lên 9 thành 81. Đây là một điểm tương đồng về số luận giữa hai kinh, không thể cho là một mô phỏng. Đặc điểm của Dương Tử đã chuyển biến số thành vạch tượng, gọi là tượng Huyền, trong khi Đạo kinh chỉ có số không hề có tượng.

Tượng số huyền:

Người xưa, trước khi có chữ viết, thắt nút dây để ghi nhớ sự việc diễn tiến theo dòng thời gian, có trước có sau. Đồng thời, sự vật còn có trật tự không gian, có trật tự trên dưới, trong ngoài.

Sự việc có trước có sau, từ xưa đến nay gọi là “Vũ”.

Sự vật có trong có ngoài, có trên có dưới, gọi là “Trụ”.

Dương Tử lấy số tam tài, vẽ ra nét thành 3 vạch. Vạch đơn gọi là Nhất. Vạch đôi gọi là Nhị. Vạch đứt ba gọi là Tam.

Các vạch kết tụ với nhau, thành 81 Thủ của Huyền kinh. Mỗi Thủ gồm 4 vạch sắp xếp theo chiều dọc từ trên xuống dưới.

Dương Tử theo số cổ truyền lập ra tượng số, thêm lời từ viết thành kinh Huyền gồm 81 huyền thủ.

You may also like

Leave a Comment

Verified by MonsterInsights