Thăm Giám Mục Hoàng Đức Oanh ở Kontum, một chuyến đi buồn

by Tim Bui
Thăm Giám Mục Hoàng Đức Oanh ở Kontum, một chuyến đi buồn

KIỀU MỸ DUYÊN

Đức Cha Hoàng Đức Oanh và Kiều Mỹ Duyên ở Orange County

Một linh mục có lần nói với tôi:

– Nếu có dịp đến Kontum, chị nên thăm Đức Cha Hoàng Đức Oanh.

Tôi trả lời:

– Thưa cha, con cũng có ý định đó. Lên Kontum, thế nào con cũng thăm Đức Cha Oanh.

Giám Mục Micae Hoàng Đức Oanh (sinh 1938) là một Giám Mục của Giáo Hội Công Giáo tại Việt Nam. Ngài từng đảm trách vai trò Giám Mục chính tòa Giáo phận Kontum trong khoảng thời gian 12 năm, từ năm 2003 cho đến khi hồi hưu cuối năm 2015. Ngoài tiếng mẹ đẻ là tiếng Việt, ngài còn có khả năng giao tiếp bằng tiếng Anh, tiếng Pháp và tiếng Latinh. Ngài cũng có thể giao tiếp bằng các ngôn ngữ dân tộc Bana, Jarai và Xê-đăng. 

Giám Mục Hoàng Đức Oanh quê ở Hà Tây, từ nhỏ đã đi theo con đường tu trì. Năm 1954, ngài cùng gia đình di cư vào miền Nam và tiếp tục theo đuổi việc tu học. Sau quá trình học dài hạn, năm 1968, ngài được truyền chức linh mục tại Sài Gòn.      

Trở về giáo phận Kontum, Giám Mục Hoàng Đức Oanh đảm nhận nhiều vai trò khác nhau cho đến khi trở thành linh mục Tổng Đại diện Giáo phận này cuối năm 1996. Năm 2003, Tòa Thánh chọn ngài làm Giám Mục Kontum và đảm nhận vai trò này cho đến năm 2015.

Lần cuối tôi gặp Đức Cha Oanh ở Orange County, tại trụ sở báo Việt Mỹ, thành phố Westminster. Đức Cha, với giọng sang sảng, nói về sự đàn áp tôn giáo ở Việt Nam, ở Việt Nam không có nhân quyền. Ngồi trên bàn chủ tọa, Đức Cha nói với giọng rất mạnh, rất cương quyết về sinh hoạt tôn giáo ở miền Thượng, người dân Thượng. Nhưng khi rời khỏi hội trường, Đức Cha ra về với những bước chân chậm chạp, yếu ớt.    

Đức Cha Oanh làm việc rất hăng say, nhất là giúp người nghèo, người mù, người già cô đơn. Đức Cha giúp đỡ mọi người không phân biệt tôn giáo, ngài đi lên rừng từ Kontum, Buôn Mê Thuột đến miền Trung, miền Bắc.

Một hình ảnh đã làm cho bao nhiêu người con trên vùng đất Kontum phải xúc động và ghi nhớ mãi: một tân Giám Mục quỳ xuống trước toàn dân, để mọi người cầu nguyện cho sứ vụ Giám Mục của mình với lời bài hát “ABBA, CHA ƠI:”      

Nào ta có biết Thiên Chúa, Ngài là Cha. Cha của chúng ta sẵn lòng tha thứ. Nào ta có biết, Cha muốn dẫn dắt chúng ta, muôn dặm đường xa, đi về nhà Cha.    

Nào ta có biết Thiên Chúa, Ngài tặng ban Con Một dấu yêu đến cùng thế gian. Chịu treo trên Thập giá, để cứu khắp hết dân con, thoát khỏi lầm than, gánh nặng trầm luân.     

Nào ta hãy sống ân nghĩa đời làm con, hiếu thảo giống Con, Con của Chúa Cha. Và xin hãy sống thân ái gắn bó thiết tha, muôn người gần xa, con cùng một CHA.  ABBA ABBA ABBA CHA ƠI, CHA ƠI, CHA ƠI !!!

Rất mong được gặp lại cha nhưng tôi chờ mãi vẫn chưa có dịp.

Thế rồi cơ duyên cuối cùng đã đến. Đến Kontum, tôi được ở nhà dòng của các sơ dòng Phaolô.

Ngay ngày đầu, tôi thưa với sơ bề trên:

– Thưa sơ, con muốn thăm Đức Cha Hoàng Đức Oanh.

Sơ trả lời ngay không do dự:

– Tôi sẽ đưa chị đi thăm Đức Cha Oanh.

Sơ, và Kiều Mỹ Duyên đến thăm Đức Cha Hoàng Đức Oanh trong rừng Kontum ngày 2/12/2024

Thế rồi chúng tôi lên đường thăm Đức Cha vào ngày 2/12/2024.

Đường đến nơi Đức Cha Oanh cát bụi tung trời. Đường vào rừng, không xe cộ qua lại. Đức Cha ở trong rừng, rừng cây xanh mướt. Xe chạy rất lâu, không thấy một bóng người, đường mòn, xe lên xuống dốc. Chúng tôi nhìn thấy chim bay lượn trên cây cổ thụ. Vừa đi vừa sợ, nếu xe lật thì chỉ có chết, làm sao có xe cứu thương vào rừng.

Đường rừng không có tên. Tôi hỏi chuyện liên tục để nén sự sợ hãi. Xe dừng trước ngôi nhà gỗ, không một bóng dáng người. Cửa mở, chúng tôi vào nhà. Một người đàn ông chào hỏi, rồi dẫn chúng tôi thăm Đức Cha Oanh. Tôi sững sờ khi thấy Đức Cha nằm trên giường, mê man, không nói được.

Sơ nói với chúng tôi:

– Cách đây hai tuần, Đức Cha còn tỉnh, xuống xe lăn, nhưng bây giờ …

Tôi cất tiếng gọi:

– Thưa Đức Cha, con là Kiều Mỹ Duyên ở Orange County, miền Nam California đến thăm Đức Cha. Con là bạn của cô Tỉnh, cô Mai là cháu của Đức Cha. Mỗi lần Đức Cha sang Quận Cam, con đến thăm Đức Cha ở nhà cô Tỉnh, Đức Cha còn nhớ không? Và mỗi lần Đức Cha đến Quận Cam, Đức Cha thường đến thăm chúng con ở văn phòng. Đức Cha Oanh ơi, Đức Cha có nhận ra con là Kiều Mỹ Duyên không?

Tôi gọi nhiều lần như thế. Tôi nhìn thấy mắt của Đức Cha chớp chớp, nhưng Đức Cha không trả lời. Tôi đã từng thăm nhiều người quen ở bệnh viện, tôi gọi tên người bệnh và tôi xưng tên tôi thì tôi thấy người bệnh mắt chớp chớp, bác sĩ cho biết người bệnh nhận diện ra người thăm mình nhưng không nói được.

Đức Cha Oanh là người sĩ khí, khẳng khái, được nhiều người kính nể. Đức Cha đã từng bị tim ngừng đập, đã từng bị đẩy vào nhà xác nhưng sau đó tỉnh dậy và sống lại. Đặt máy trợ tim và hàng năm Đức Cha sang Hoa Kỳ để bác sĩ xem lại máy trợ tim.

Nhưng bây giờ, tim của Đức Cha còn đập nhưng Đức Cha đã mê man. Một giai thoại rất vui mà người trong cuộc kể cho chúng tôi nghe: Đức cha Oanh bị bệnh tim, ngài phải mang cái máy thở trong người. Một hôm, ngài tắt thở mấy chục phút, bác sĩ cho người đẩy ngài vào nhà xác, vừa tới cửa nhà xác, một dì phước la lên:

– Ngón chân của Đức cha nhúc nhích.

Bác sĩ cho dừng lại, đo lại nhịp đập tim của Đức cha, thì ra Đức cha thở lại được. Rồi từ đó Đức cha sống cho đến bây giờ và bôn ba đi khắp nơi trên thế giới để nói về tình trạng tôn giáo ở Việt Nam. Giọng nói của ngài hiền lành, chậm rãi, nhẹ nhàng khi trình bày các vấn đề liên quan đến tôn giáo ở Việt Nam.

Tôi hỏi người đàn ông chăm sóc Đức Cha:

– Anh là y tá?

Anh ấy trả lời:

– Tôi không phải là y tá.

– Sao không đem Đức Cha vào nhà thương?

– Đem Đức Cha vào nhà thương, rồi người ta cũng cho về.

Đức Cha đau đớn, lăn qua, lăn lại, khuôn mặt có vẻ đau khổ. Tiếng rên của Đức Cha làm cho người thăm bệnh thêm đau lòng.

Mẹ bề trên sờ vào khuôn mặt của Đức Cha và nói:

– Mặt của Đức Cha còn ấm.

Nghĩa là chưa chết. Ngày xưa, mẹ của tôi chân lạnh đến khỏi đầu gối là tôi biết không xong rồi. Sau đó, mẹ tôi tắt thở, máy thở để gần đầu giường. Đức Cha Oanh không có máy thở, không có thuốc giảm đau.

Tôi thăm rất nhiều bệnh nhân ở nhà thương. Người bệnh bao giờ cũng được chuyền thuốc, nước biển. Đức Cha không có thuốc giảm đau, không được truyền thuốc, cơn đau hành hạ Đức Cha từ sáng đến tối, từ ngày này sang ngày khác.

Tôi nhìn qua cửa sổ, rừng cây vẫn xanh, những con chim vẫn hót ríu rít trên cành, người bệnh vẫn đau đớn và rên rỉ. Tôi không dám nhìn Đức Cha, quay ra cửa sổ để người chăm sóc bệnh nhân không thấy nước mắt của mình.

– Lạy Chúa, xin Chúa thương xót Đức Cha Hoàng Đức Oanh, suốt đời Đức Cha chăm sóc giáo dân, phụng sự Chúa. Bây giờ về già, bệnh nặng không thân nhân, một mình ở trong căn nhà gỗ nơi rừng sâu núi thẳm. Lạy Chúa, xin Chúa thương xót một mục tử đang đau đớn, đang đợi Hồng Ân của Thiên Chúa.

Tôi còn nhớ mỗi lần Đức Cha Oanh sang Hoa Kỳ, rất nhiều đồng hương đến thăm Đức Cha, nhiều nhà thờ mời Đức Cha dâng Thánh lễ. Bây giờ, Đức Cha mê man, đau đớn, không thuốc men, nằm một mình trong ngôi nhà gỗ ở trong rừng.

Buổi tối khi về lại nhà dòng, tôi đem chuyện này nói cho nhiều người nghe. Một cô giáo dân nói:

– Ở đây vậy đó chị à. Đến nhà thương có tiền thì được chăm sóc lâu, không có tiền thì cho về nhà chờ chết.

Tôi nghe cô nói mà buồn quá. Nếu Đức Cha Oanh ở Mỹ thì sẽ ở trong nhà thương, lúc nào cũng có thuốc, nhất là thuốc giảm đau. 

Mong rằng bài viết này đến kịp với quý đồng hương, hy vọng có đồng hương có con hay thân nhân là bác sĩ ở Kontum có thể giúp đỡ Đức Cha Hoàng Đức Oanh trong lúc đau đớn này.

Anh ruột của Đức Cha Oanh là cha Minh đang ở Sài Gòn. Hy vọng cha Minh biết tình trạng của Đức Cha Oanh đang đau đớn. Các cháu của Đức Cha Oanh đang ở Orange County hy vọng biết chuyện này.

Khi về đến Orange County, chúng tôi tìm đến cô Tỉnh, cô Mai, nhưng chưa tìm được. Xin Chúa thương xót cho cộng đồng Westminster nhà thờ cô Tỉnh, cô Mai thường đi lễ thông tin dùm về Đức Cha Oanh.

Xin quý đồng hương cầu nguyện cho Đức Cha Hoàng Đức Oanh sức khỏe và được nhiều Hồng Ân Thiên Chúa.
Tháng Mười Hai, 2024
(kieumyduyen1@yahoo.com)

You may also like

Leave a Comment

Verified by MonsterInsights