NGUYỄN TRỌNG HIỀN
Cả hai chỉ cần vài phút để chuẩn bị đi về kinh thành. Chàng đặt lên lưng con ngựa một bao đựng mọi thứ có thể gói lại được. Xong chuyện đó, Tâm nhìn chân nàng khi Giang cố xỏ giày vào.
“Coi chừng giày làm em đau chân bây giờ. Em đừng mang giày, vì chắc chắn em sẽ phải cưỡi ngựa thay vì đi bộ về.”
Nàng gật đầu đồng ý. Vẫn đi chân không, cầm đôi giày trong tay, nàng trèo lên lưng ngựa. Sau khi buộc giày vào yên ngựa, nàng cầm dây cương, nhưng không ra hiệu cho con vật bước đi. Nàng nhìn thẳng ra đằng trước thay vì nhìn chàng, và nói ý định của mình một cách rất rõ ràng.
“Em không thể để thầy đi bộ nếu em cưỡi ngựa. Mời thầy trèo lên và ngồi đằng sau em. Có đủ chỗ cho cả hai.”
Tâm đứng tại chỗ. Lúc đó chàng mới hiểu tại sao một hôm nàng hỏi chàng có biết cưỡi ngựa không.”
“Mình đi được, không sao đâu. Thầy cứ ôm em từ phía sau, và em sẽ điều khiển con ngựa.”
Chàng vẫn do dự, nghĩ đến chuyện gì sẽ xảy ra nếu thiên hạ nhìn thấy hai người cưỡi chung một con ngựa. Nàng biết những ý tưởng đang làm chàng phân vân nhưng vẫn khăng khăng.
“Em sẽ không đi đâu cả cho tới khi thầy lên đây ngồi cùng. Mình sẽ cưỡi ngựa cho đến khi nào về đến gần kinh thành. Tới đó, nếu muốn, thầy có thể đi bộ quãng đường còn lại.”
Chàng đành phải đồng ý và leo lên yên ngựa và vòng tay ôm lấy nàng. Giang rùng mình, và gõ nhẹ vào hai bàn tay đang siết chặt nàng. Sau đó, nàng cười sảng khoái, dậm gót chân vào sườn ngựa, hét lên “Ha!” và con ngựa tiến về phía trước.
Mùi hoa đại từ tóc nàng bay ngược và bao trùm mặt Tâm. Thân hình mềm mại và duyên dáng của nàng còn mỏng manh hơn chàng tưởng. Sự tiếp xúc lần đầu với cơ thể của nàng khiến chàng vừa choáng váng vừa sợ hãi. Tuy nhiên, sau khi chỉ đi một đoạn đường ngắn, chàng ngưng chống lại cảm xúc của mình. Chàng loại bỏ những ức chế của mình để chào đón sự thân mật mới giữa hai người.
***
Khi Giang và Tâm ra khỏi hàng cây thông, một đôi sếu bay lên khỏi đầm lầy và hướng về tổ của chúng. Con ngựa cái hơi nao núng nhưng Giang chế ngự nó một cách dễ dàng. Nàng chỉ vào hai con chim.
“Người ta nói mỗi cặp chim sếu chung thủy suốt đời với nhau, và bao giờ cũng bay chung với nhau.”
“Vâng, đúng vậy. Ở quê nhà tôi, dân làng nói chim sếu tượng trưng cho lòng trung thành và chung thủy.”
***
Chị người hầu chạy ra đón Giang khi nàng xuống ngựa và đưa cương cho một anh lính.
“Cô nương ơi, cô phải đi vào gặp Mạ ngay! Bà chờ cô nương cả ngày trời rồi.”
“Giang dừng chân lại và hỏi.
“Tại sao vậy? Chị không nói với bà là tôi đi ra bãi biển Thuận An.”
“Có chứ! Ngay khi bà thức dậy. Nhưng bà tỏ ra khó chịu và đã mắng mỏ tất cả mọi người cả ngày.”
Trong khi đi vào nhà, Giang đưa cho chị hầu bó đồ mang về và đôi giày.
“Chị đem những thứ này lên phòng tôi với!”
Không đợi câu trả lời Giang đi vào phòng khách. Bà Bonneau, hay là Bà Trang đối với bạn bè người Việt, đang ngồi trên một bộ ghế dài cùng với Mai. Có hai tách nước trà nguội và một đĩa bánh kẹo đã vơi đi một nửa giữa hai mẹ con. Bằng ánh mắt Mai ra hiệu cho chị mình phải coi chừng.
Thoạt đầu giọng Bà Trang đều đặn, bình tĩnh.
“Giang, con đi đâu cả ngày, và đi với ai?”
“Mạ, con đi với Thầy Tâm ra bãi biển và Mạ biết là phải đi mấy tiếng mới đến nơi.”
“Dạo này con chỉ nói toàn chuyện về người ấy thôi. Thiên hạ sẽ nói gì khi họ biết con đi đâu với anh ấy cả ngày hôm nay? Con có mất trí, mất hồn không? Mạ cho anh ấy đến nhà này vì đã có công cứu con khỏi tay bọn cướp, nhưng điều đó không có nghĩa là con phải mất danh tiếng vì nó.”
“Mạ, không có gì đáng xấu hổ xảy ra hôm nay, hay bất cứ hôm nào khác! Chúng con chỉ đi dạo trên bãi biển và nói chuyện, chỉ có thế thôi.”
Giang đến ngồi bên cạnh cô em, nhưng ngoảnh đầu đi, không nhìn mẹ.
“Ai mà biết chuyện đó? Mạ phải nói gì với cha hai cô khi ông ấy về nhà? Lần trước con đi thăm chùa, Mạ không nói gì, nhưng lần này con đã đi quá lệ, quá mọi giới hạn.”
Thấy con gái đi chân không, giọng bà mẹ lên cao và trở nên tàn nhẫn.
“Coi kìa, giày đâu? Bỏ quên ở bãi biển hả? Con có mất cả giày lẫn tâm trí không?”
“Mạ, con không mang giày được ví chân con bị phồng. Chị hầu đã mang giày lên phòng con rồi.”
Bà Trang không nguôi giận với tiết lộ cuối cùng này. Người mẹ dừng nói để lấy lại bình tĩnh, và nhớ nhiều năm trước đó cũng đi biển với một sĩ quan trẻ người Pháp sau này trở thành chồng của mình. Nhưng hồi đó nàng biết mình làm gì, trong khi cô con gái ngây thơ kia rõ ràng không biết hành động ngày hôm nay sẽ ảnh hưởng tai hại như thế nào đến danh tiếng của mình về sau này.
Đã lâu rồi, Bà Trang hay nghĩ về tương lai của hai cô con gái. Bạn bè có người nói đùa rằng hai cô sẽ có rất nhiều người trai trẻ, cả Việt lẫn Pháp, để chọn làm bạn đời. Nhưng bà mẹ biết thực sự số người đó sẽ giới hạn hơn là mọi người tưởng. Nhiều gia đình Việt Nam né tránh mối liên quan với những đứa con lai. Trong khi đó, bên cộng đồng Pháp có ít người đủ điều kiện và xứng đáng với con gái mình. Nhiều người Pháp chính cống kỳ thị với những người lai Pháp. Đó là trường hợp trung úy St Arnaud mà Mai quan tâm đến, nhưng anh chàng đó hầu như không thèm để ý đến Mai.
Bà Trang đã bắt đầu kín đáo vận động để tìm cho con gái lớn một người chồng tương lai trong giới thượng lưu ở kinh đô. Có một vài nơi đã được xác định, trong đó có con của một số Thượng Thư tại triều đình hoặc của các quan lại cao cấp khác. Mẹ của Giang đang tìm mọi cách để cho nhiều người đến trong những giới này nhìn thấy và biết đến con gái mình. Nhưng anh thầy giáo trẻ từ miền Bắc đã làm hỏng những kế hoạch của bà mẹ.
Cô con gái của bà rõ ràng có tình cảm lãng mạn với anh thầy giáo làng mà không hề quan tâm đến tương lai và địa vị xã hội của anh chàng. Hiển nhiên anh ấy nghèo nàn và chẳng có gì đáng khen ngoài sự kiện đã thi đỗ trong vài kỳ thi trước đây. Và ai mà biết anh chàng sẽ đỗ kỳ thi Đình vừa rồi hay không. Trong quá khứ, một số học giả lỗi lạc nhất trên toàn quốc đã thi hỏng không phải chỉ có một lần mà nhiều lần để rồi cuối cùng phải bỏ cuộc.
Một vấn đề quan trọng nữa là con đường công danh đầy hiểm nguy mà chú ruột của Bà Trang, Thượng Tọa Trụ Trì chùa Thiên Mụ, đã tiên đoán về anh chàng thầy giáo làng. Trong quá khứ, người chú đó đã từng báo cho bà về một vài chuyện khác liên quan đến những người khác, và ông chú đã tiên đoán được những gì sẽ xảy ra một cách rất chính xác.
***
Bà Trang thấy hai cô con gái thì thầm với nhau, có lẽ đang chia sẻ bí mật nào đó về chuyến đi chơi dại dột của cô chị. Người mẹ tặc lưỡi trước khi nói với hai đứa con.
“Kể từ hôm nay, mạ không muốn anh thầy giáo làng đến nhà mình nữa.”
“Mạ!” Giang lập tức kêu lên và đứng dậy quay mặt về phía Bà Trang.
“Con không có bổn phận dạy người ấy bất cứ cái gì. Hắn chắc chỉ dùng những giờ học đó để có cớ đến gặp con.”
“Mạ biết sự thật không phải như thế!” Giang cãi lại, khuôn mặt trở nên nhợt nhạt. “Chính cha là người có ý kiến dạy anh ấy chữ Quốc Ngữ mới.”
Bà Trang giơ tay ngăn cản Giang, và nhất định chấm dứt ngay cái mà bà cho là mối tình mùa Hè thoáng qua của con gái mình.
“Không cần biết ý kiến đó là của người nào. Thôi, không nói chuyện đó nữa. Kể từ ngày mai, mạ muốn con và em đi xuống tiệm vải của dì con ở chợ Đông Ba. Đã đến lúc hai đứa học một cái gì thực sự hữu ích thay vì những ý tưởng lãng mạng lởn vởn trong đầu. Hai con sẽ là người học việc của dì và dì sẽ dạy cho hai đứa việc kinh doanh. Và một khi con không còn liên lạc với anh thầy giáo làng đó, con sẽ quên anh ta. Hãy tin mạ. Chuyện đó dễ dàng hơn con tưởng.”
Mai, cho đến phút đó đứng ngoài cuộc tranh cãi, bỗng nhiên quan tâm đến quyết định của mẹ.
“Con muốn đi học việc ở tiệm vải tại chợ Đông Ba. Mùa Hè này cho đến nay chán quá.”
“Dù muốn hay không, cả hai cô bắt đầu đi làm kể từ ngày mai, Không có gì để bàn cãi nữa. Mạ sẽ nói với Cha, nhưng tất nhiên ông sẽ đồng ý với mạ.”
Bà ta đứng dậy, liếc nhìn cảnh cáo Giang rồi đi ra khỏi phòng. Bà làm như không nhìn thấy những giọt nước to bắt đầu lăn xuống từ đôi mắt xanh xinh đẹp của cô con gái cưng.
François Bonneau không thể tin những gì vợ hắn đã nói cho nghe. Hai vợ chồng đang ở trong phòng ngủ, nơi ông đang thay quần áo, ngoài tầm tai của mọi người khác trong nhà.
“Em nói rằng anh thầy giáo làng bị cấm đến nhà này để bảo vệ thanh danh của Giang, và em sẽ cho cả hai cô con gái ra đứng tại một quầy hàng ở chợ Đông Ba nơi mà mọi người sẽ đến ngắm hai đứa. Anh thấy điều đó thật vô lý.”
Bà Trang kiên nhẫn giải thích.
“Đó là chủ đích của em. Em muốn con em ở một nơi mà các chàng trai có thể nhìn thấy được. Nếu mình cứ giữ hai đứa ở trong bốn bức tường nhà này, người nào sẽ biết chúng nó là ai? Trong khi làm việc ở tiệm vải, hai cô sẽ học nghề và lĩnh hội một số kiến thức và sự khôn ngoan trong kinh doanh để thay cho những ý thức huyền ảo và vô dụng mà mấy ông tu sĩ Dòng Tên đã dạy cho.”
“Tại sao em lại chống thầy Tâm? Thầy ấy đã làm gì để gây ác cảm với em?” Bonneau hỏi. “Đối với anh, Tâm là một con người tử tế và trung thực, hơn hẳn đa số những người mà anh quen biết.”
Bà Trang thở dài, nét mặt đau khổ thay cho thái độ đối chọi với chồng.
“Em hy vọng hắn chưa làm gì cả với con gái anh. Nhưng ông chú em ở chùa Thiên Mụ đã nói hắn sẽ chỉ đem đến cho Giang sự thất vọng và đau khổ. Đó là lý do tại sao em không muốn con em dính líu với hắn. Mình đã trả nợ hắn đầy đủ rồi. Bây giờ hắn phải đi ra khỏi đời con mình. Em không muốn con em có một tương lai đau khổ.”
Bonneau cười lạnh nhạt: “Như vậy, chú của em, Thượng Tọa của chùa, với tài đoán được tương lai, là nguyên nhân của tất cả mọi chuyện.”
Hắn tiếp tục mỉa mai. “Trước tiên, ngài có thể đoán sai, em biết vậy, phải không? Người ta ai cũng chú trọng đến những điều ngài đoán đúng, và quên rằng có nhiều cái ngài đoán toàn là sai. Ngài tiên đoán nhà Nguyễn sẽ còn bền vững qua nhiều thế kỷ nữa, nhưng em hãy nhìn tình trạng suy sụp của triều đình hiện nay.”
“Thứ hai, trong trường hợp Giang và Tâm, em đang thực thi những điều Ngài đã tiên đoán bằng cách tách hai người đó ra. Anh chưa thấy con gái mình hôm nay, nhưng anh đoán nó hoàn toàn đau khổ vì các quyết định của em.”
Nhưng hôm ấy Bà Trang là người nói sau cùng.
“Giang cũng là con của em. Với tư cách là một phụ nữ và người mẹ, em biết điều gì tốt nhất cho nó và em biết em làm gì. Anh để mặc em giải quyết vấn đề này.”
(Còn tiếp)