Thầy Giáo Làng, kỳ 18

by Tim Bui
Thầy Giáo Làng, kỳ 18

NGUYỄN TRỌNG HIỀN

Giang cho em gái và chị người hầu về nhà để lấy một số đồ y tế trong khi nàng đi cùng Tâm trở lại nhà trọ. Khi đến nơi, vết máu đã lớn hơn nhiều mặc dù chàng vẫn tiếp tục ấn chiếc khăn tay của nàng lên chỗ bị thương.

Nhanh như một cơn lốc, nàng động viên và yêu cầu sự giúp đỡ của người chủ quán. Chỉ vài phút sau, Tâm thấy mình đang ngồi trên giường trong phòng, áo dài và áo trong bị cởi bỏ ra, phần trên của thân mình được Giang lau sạch bằng nước nóng. Nàng đưa chàng một mảnh vải sạch và bảo phải giữ và ấn lên vết thương không sâu nhưng khá dài trên ngực.

Trong khi đó, Giang vừa ngồi bên cạnh chàng, vừa thỉnh thoảng đứng dậy đi ra cửa để xem em gái hoặc người giúp việc đã trở lại chưa. Nàng vặn vẹo hai bàn tay luôn và quay lại nhìn chàng với vẻ lo lắng.

Chàng cảm thấy mình như một đứa bé ốm đau đang được nuông chiều.  

“Giang, đây chỉ là vết thương ngoài da, anh sẽ không chết đâu.”

Nàng ngồi cạnh chàng và nắm lấy bàn tay không để trên ngực của chàng vào tay mình. 

“Anh có thể đã bị giết nếu người đàn ông kia đến gần anh hơn với con dao găm! Em nhớ anh và nghĩ về anh rất nhiều trong những ngày qua. Em sẽ làm gì nếu anh ra đi mãi mãi?”

Xấu hổ trước sự bộc phát tình cảm đột ngột của mình, nàng quay đi. Tâm kéo tay Giang để làm cho nàng quay lại. Sự kháng cự của nàng yếu dần đi và nàng nghiêng người về phía chàng cùng lúc mặt nàng quay lại và áp sát vào mặt chàng. Đôi mắt nàng rơm rớm nước mắt.

“Còn anh thì sao, anh có nghĩ đến em không, dù chỉ một lần thôi?” nàng hỏi khẽ.

Bỗng có tiếng người đằng hắng ở ngoài cửa phòng. Mai và chị hầu đã trở lại quán trọ thật nhanh chóng vì họ dùng xe ngựa của gia đình. Mai ôm một gói đồ trên tay và nở một nụ cười tinh quái trên môi.

“Em không dám làm gián đoạn cảnh thật cảm động này, nhưng nếu chị không băng bó cho anh ấy ngay bây giờ bằng những thứ em mang đến đây, anh ấy có thể chảy máu cho đến khi chết, và chị thực sự sẽ không bao giờ gặp lại anh ấy nữa. Hoặc tay anh ấy sẽ vĩnh viễn bị dính vào ngực, và…”

“Mai!” Giang cao giọng. “Đừng nói lảm nhảm nữa và đến đây giúp chị một tay.”

Trước tiên, Giang rửa vết thương bằng một loại nước cay từ một chai thuốc Mai đem đến. Sau đó, hai chị em băng bó và giữ cố định lớp phủ lên vết thương bằng một dải băng quấn quanh ngực và cổ chàng. Xong xuôi, Tâm mặc áo sạch vào nhưng hai chị em không cho chàng ra khỏi giường hay làm bất cứ việc gì khác.

“Anh cần nghỉ ngơi, và chúng em phải rời đi ngay bây giờ trước khi cha mẹ quá nóng lòng.” Giang nói. “Em sẽ cố gắng quay lại sau.”

Tâm phải nằm xuống giường thì hai chị em mới chịu đi về. Họ gom hai chiếc áo dài và áo trong rách nát và đẫm máu của chàng để mang đi. Đến cửa, hai chị em quay lại nhìn chàng thêm một lần nữa. Sau một lúc im lặng khó tả, Mai lên tiếng.
“Nếu chị không làm điều đó, em sẽ làm!”

“Làm điều gì?”

Mai lắc đầu.

“Chúa ơi, những đứa con đầu lòng này không bao giờ biết gì cả!”

Nàng vào trong phòng trở lại, ngồi xuống cạnh Tâm, nâng đầu chàng lên, dùng cả hai tay ôm lấy đầu chàng và nhìn thẳng vào mắt chàng. Tâm không kịp phản ứng.

“Thầy Tâm, em cám ơn Thầy đã can thiệp cứu chúng em ngày hôm nay,” Mai nói và đặt lên má chàng một nụ hôn ướt át.
Nàng đứng dậy và vui vẻ nhìn Giang đang hốt hoảng ra mặt.

“Xong rồi, bây giờ mình đi về được.”

“Sao mi dám …!” Giang thốt lên.

Mai thơ thẩn đi ngang qua chị mình với nụ cười đắc thắng trên môi. Chị hầu phá lên cười vang.

Lễ Bộ Thượng Thư

Lễ Bộ Thượng Thư Trịnh Toản và các quan giám khảo, tất cả trong bộ áo bào và mũ cánh chuồn, đứng hơi khom người cả hai bên nhà Vua và Ngài Tổng Quản Thái Giám. Ban giám khảo đến để đệ trình nhà Vua kết quả của cuộc thi Đình và xin Ngài chấp thuận danh sách những người thi đỗ.

Ngồi trên ngai vàng, nhà Vua trẻ trông lạc lõng và không vui. Ngài gần như không nói một lời, hoặc một câu, trừ những khi tán thành hoặc không tán thành điều gì đó theo lời khuyên của các quan đại thần hoặc Tổng Quản Thái Giám.

Triều đình bao giờ cũng có nhiều phe phái, mỗi phe đều tìm mọi cách để gây ảnh hưởng và lèo lái nhà Vua theo hướng của họ. Nhưng trong vấn đề thi cử, phe duy nhất là phe do quan Thượng Thư Bộ Lễ đứng đầu. Nhà Vua không có sự lựa chọn nào khác ngoài việc đồng ý với danh sách thí sinh được Bộ Lễ tiến cử. Việc diện kiến ​​nhà Vua và trình bày kết quả kỳ thi Đình là nghi lễ đã được thiết lập qua nhiều thế kỷ trước, cho nên quan Lễ Bộ Thượng Thư sẽ tuyệt đối tôn trọng và theo đúng nghi lễ đó. 

Thượng Thư Toản đã nhìn thấy người chỉ huy cảnh vệ của mình với bộ mặt bầm dập và một bên mắt sưng húp. Hắn cam đoan đã lo xong chuyện thầy Xinh.

Hắn không nói chuyện gì đã xảy ra và quan thượng thư già không muốn hỏi thêm vì người cảnh vệ thỉnh thoảng bị bầm tím và bong gân khi huấn luyện với các lính canh khác hoặc với chính con trai của ngài. Việc cậu con trai sau đó xuất hiện với khuôn mặt bị đánh đập tương tự đã xác nhận dự đoán của ngài.

Nàng vợ lẽ của ngài cười một cách bất thường khi ngài thuật lại chuyện đó với nàng, nhưng nàng không nói gì cả. Ngài bó buộc phải xếp lại những hình ảnh đó để chú trọng đến cuộc diện kiến ​​của mình với nhà Vua trẻ tuổi.

Thượng Thư Toản bắt đầu nói với nhà Vua bằng một giọng nói vang dội của một vị chỉ huy.

 “Muôn tâu bệ hạ, chỉ có chín người đã đỗ kỳ thi Đình lần này: một người từ miền Bắc, sáu người từ miền Trung và hai người từ miền Nam.”

Nhà Vua trẻ nhìn hắn một cách thản nhiên. Thượng Thư Toản liếc nhìn lên rồi nói tiếp.

“Sự kiện này thật là lý tưởng vì phản ảnh rất đúng sự phân phối học giả trên khắp đất nước. Miền Bắc, từng có ưu thế về việc thi cử từ hơn một thế kỷ trước đây, bây giờ đang trên con đường suy sụp. Miền Nam dưới ách bóc lột của thực dân Pháp cũng trong tình trạng tương tự, tức là đang xuống dốc. Điều đó có nghĩa là thế hệ quan lại tiếp theo của chúng ta sẽ gồm có những người có trình độ cao nhất vì họ xuất thân từ những gia đình học giả ưu tú sống tại và xung quanh kinh đô.”

Ý nghĩ về việc con trai mình không phải là một học giả như vậy lướt qua tâm trí của vị thượng thư, nhưng ngài gạt bỏ nó đi ngay. Con trai ngài quan tâm đến đàn bà hơn là chuyện học hành, và điều đó không thể tránh khỏi vào lúc này.

Thượng thư toản cầm danh sách các thí sinh đã được chấm đỗ và nhìn thẳng vào mắt nhà Vua.

“Muôn tâu bệ hạ, còn một vấn đề nữa mà hạ thần phải báo cáo trước khi trình lên danh sách này.”

Nhà Vua không ngạc nhiên. Trịnh Toản thường cư xử như một người cha của nhà Vua, một thái thượng hoàng, để khuyên nhủ ngài và có khi còn làm Ngài ngạc nhiên với một số lời chỉ trích gián tiếp.

Nhà Vua thực sự sợ Thượng Thư Toản, nhưng không thể làm gì về điều đó. Nhà Vua chưa thể tin tưởng bất cứ ai, ngoại trừ những người trong gia đình mình, nhưng những người ấy vẫn còn quá mới đối với chính trị triều đình và không có đồng minh nào để cố vấn họ.

Nhà Vua còn không chắc chắn về quan Tổng Quản Thái Giám, một ông già khác với nước da hồng hào, người thường xuyên ở bên cạnh nhà Vua. Trên thực tế, viên Khâm Sứ và viên Đặc Sứ Pháp thông thạo tiếng Việt hóa ra lại là những người duy nhất mà nhà Vua tin tưởng. Họ không nói dối với Ngài, tuy rằng một số điều mà họ nói trước mặt nhà Vua có thể coi như là khắc nghiệt, kiêu ngạo hoặc coi thường địa vị của nhà Vua.

Thượng Thư Toản nhìn thấy vẻ sợ hãi, hoặc có lẽ là sự ghê tởm trên khuôn mặt non nớt của nhà Vua, nhưng vẫn nhất định tiếp tục.

“Một trong những thí sinh đã phạm tội nghiêm trọng khi vi phạm luật cấm sử dụng một trong những tên húy của bệ hạ.”

Ta đây còn không đếm được mình có bao nhiêu cái tên nữa, nhà Vua nghĩ. Làm sao người khác lại bị bó buộc phải thuộc tất cả những tên đó?

Tên của nhà Vua bắt đầu bằng niên hiệu Nguyễn Phúc. Một bài thơ của vua Minh Mạng đã xác định tên tiếp theo. Vì nhà Vua là hậu duệ đời thứ năm của vua Minh Mạng, nên phải dùng chữ thứ năm trong bài thơ đó tức là chữ Vĩnh. Cuối cùng, cha mẹ nhà Vua đã đặt cho một cái tên riêng, một cái tên không còn có thể phát âm nếu không thay đổi đi một ít, hoặc được viết mà không sửa đổi ký tự Trung Quốc của nó.

Những người thân cận thường gọi nhà Vua bằng biệt danh thô tục mà cha mẹ đã đặt cho nhà Vua để đánh lạc hướng và xua đuổi tà ma, nhưng Vua thì không bao giờ có thể được gọi bằng những biệt danh ấy.

Khi nhà Vua lên ngôi, hai mươi bốn tên kính trọng và vinh quang đã được các triều thần chọn cho. Nhà Vua còn không nhớ chúng là gì, nhưng Thượng Thư Toản đứng trước mặt Ngài nói rằng một học giả nào đó đã dám sử dụng một trong số những tên đó mà không sửa đổi. 

“Muôn tâu bệ hạ, phạm nhân là một học giả tầm thường từ miền Bắc, đáng lý ra không được phép tham dự kỳ thi Đình.”

Đầu cúi xuống, các quan giám khảo lén lút liếc nhìn những quan đồng nghiệp đang đứng cạnh họ. Thượng Thư Toản đã cho họ xem trang giấy bài thi chứa đựng chữ phạm húy và nói với họ rằng đáng lẽ họ phải bị trừng phạt vì đã không tự phát hiện ra tội phạm húy đó.

Hình phạt cho các quan giám khảo bao gồm việc cắt lương của họ trong một năm, Ngoài ra họ có thể bị giáng cấp xuống một cấp bậc thấp hơn. Nếu vậy sự nghiệp làm quan của họ tại triều đình coi như đã kết thúc. Tuy nhiên, Thượng Thư Toản cũng cho biết ngài sẽ bỏ qua vấn đề này nếu họ giữ im lặng và để ngài trình bày kết quả với nhà Vua theo cách của ngài.

Họ thấy rằng Thượng Thư Toản sẽ đổ lỗi cho giới quan thấp hơn ở cấp tỉnh, những kẻ có trách nhiệm tổ chức các kỳ thi Hương và cho phép những thí sinh đỗ cao nhất đi lên kinh thành tham dự kỳ thi Hội và thi Đình. 

Thượng Thư Toản cũng sẵn sàng bôi nhọ một học giả mà các quan giám khảo cho là giỏi nhất trong kỳ thi lần này. Ngài nói phải làm như thế để bảo vệ chính họ. Một quan giám khảo đa nghi đã dám yêu cầu được xem bài thi một lần nữa, nhưng Thượng Thư Toản chỉ trừng mắt nhìn và chỉ trích thậm tệ người đó trước khi từ chối không cho xem lại bài thi.

“Muôn tâu bệ hạ, đây là một sự xúc phạm rất là nghiêm trọng,” Thượng Thư Toản tiếp tục nói với nhà Vua. “Theo quy luật, tội phạm húy giống như tội phản quốc và cần được trừng phạt bằng cách xử trảm.”

Nhà Vua tái mặt rõ rệt, một số giám khảo giật nảy người, và những người còn lại rùng mình như thể một cơn gió Đông lạnh lẽo đã thổi qua. Ngay cả vị Tổng Quản Thái Giám, người thường dè dặt và điềm tĩnh, cũng không thể không nhướng mày.

Mọi người trong phòng đều biết rằng hình phạt cho tội phạm húy chưa bao giờ nghiêm khắc như thế. Những người phạm tội bị đánh đòn, bị cấm vĩnh viễn tham gia bất cứ kỳ thi nào, và bị giáng chức hoặc sa thải ngay lập tức nếu họ giữ một chức vụ trong chính quyền. Việc vị Thượng Thư Bộ Lễ nâng nó lên thành tội tử hình là điều cực kỳ bất thường.

“Muôn tâu bệ hạ, vì vậy chúng thần xin trình lên bệ hạ danh sách những người đỗ kỳ thi Đình năm nay.” 

Thượng Thư Toản, người duy nhất giữ được bình tĩnh và điềm tĩnh, nói tiếp. “Chúng thần xin bệ hạ phê duyệt và đóng dấu lên trên danh sách. Chúng thần cũng xin bệ hạ ra lệnh thực hiện hình phạt đối với học giả tầm thường có tội phạm húy. Tên của người đó nằm ở trong danh sách thứ hai chúng thần xin trình lên bệ hạ.”

Thượng Thư Toản đưa tay ra trước mặt để trình danh sách cho nhà Vua. Tổng Quản Thái Giám nhanh chóng bước tới, nhận lấy danh sách, rồi trở lại vị trí của mình sau ngai vàng. Buổi tiếp kiến ​​sắp kết thúc và các danh sách sẽ được giải quyết sau khi quan Thượng Thư Bộ Lễ và các Giám Khảo ra về.

“Thí sinh đó phải bị xử tử sao?” nhà Vua cố gắng hỏi bằng một giọng hầu như không ai nghe thấy xung quanh phòng. Đó là giọng nói của một đứa trẻ không hay nói, và chỉ nói khi được cho phép.

“Muôn tâu bệ hạ, chuyện đó là lẽ tất nhiên. Chúng ta phải làm gương cho hậu thế. Chúng ta phải cho mọi người biết rằng việc sử dụng và lạm dụng tên hoàng gia không phải là vấn đề nhỏ nhặt. Không có gì khác ngoài cái chết bằng xử trảm có thể tương xứng với mức độ nghiêm trọng của tội này.”

Tổng Quản Thái Giám cúi xuống và ghé sát mặt vào tai nhà Vua. Những người trong phòng nghe thấy giọng the thé như của một người đàn bà thì thầm điều gì với nhà Vua, nhưng họ không hiểu được những gì được nói. Nhà Vua nhắm mắt lắng nghe và bất động vài phút để lấy hết can đảm. Sau đó, nhà Vua lại mở mắt ra, giọng run run và yếu ớt, nhưng mọi người đều hiểu rõ Ngài nói gì.

“Trẫm muốn suy luận thêm về vấn đề này trước khi ban ra quyết định cuối cùng.”

“Bệ kiến đến đây là hết,” Tổng Quản Thái Giám thông báo. “Quần thần rời khỏi hội trường ngay bây giờ. Quần thần sẽ được phép trở lại sau khi bệ hạ ra lệnh.”Lễ Bộ Thượng Thư và các quan giám khảo khấu đầu năm lần rồi từ từ đi lùi cho đến khi khuất khỏi ánh mắt nhà Vua.

(Còn tiếp)

You may also like

Leave a Comment

Verified by MonsterInsights