Thầy giáo làng, kỳ 25

by Tim Bui
Thầy giáo làng, kỳ 25

NGUYỄN TRỌNG HIỀN

Nàng dừng lại, nhắm mắt và cau mày như đang sống lại cảnh cả gia đình họ hàng hắt hủi mình.

“Tôi đem con trở lại thủ đô và để nó trước cửa một ngôi nhà ở khu dân cư tốt, hy vọng họ sẽ nhận nó. Kể từ đó, tôi đã nhiều lần đi ngang qua ngôi nhà đó nhưng chưa bao giờ được nhìn thấy con gái tôi giữa đám trẻ chơi đùa trước nhà. Hôm nay, khi cô bé này đến đây và khi thầy kể cho tôi nghe chuyện của nó, tôi biết ngay chuyện gì đã xảy ra. Chắc hẳn chủ nhân của ngôi nhà đó đã đem nó bỏ lại trước cửa cô nhi viện.”

“Làm sao phu nhân có thể biết chắc chắn cô bé ấy là con của mình?”

“Tôi biết chắc chắn. Nếu thầy nhìn kỹ vào đỉnh đầu của cô bé, dưới mái tóc của nó, thầy sẽ thấy có một vết bớt nhỏ bằng một đồng xu. Con gái tôi đã có vết thẹo đó khi mới sinh ra, và vết bớt vẫn còn đó. Tôi đã tự xác nhận điều này trong khi thầy còn đang tắm rửa.”

Tâm nghĩ đến những mối quan hệ loạn luân giữa hoàng tử và phi tần, những mối quan hệ dẫn đến sự sụp đổ của nhiều triều đại, kể cả nhà Hậu Lê trước nhà Nguyễn. Cô bé Lượm có phải là kết quả vô tội của một hành động vô luân tương tự trong gia đình của quan Thượng Thư này chăng?

“Vậy, cô bé này là cháu gái của quan Thượng Thư?” chàng hỏi.

“Vâng,” nàng đáp, đôi mắt bây giờ đang cầu xin chàng. “Thầy làm ơn đừng để ai khác biết về điều này. Bằng cách này hay cách khác, tôi sẽ chăm lo cho con gái của mình. Tôi chỉ không biết chồng tôi sẽ làm gì một khi nghe chuyện này. Ông ta là một kẻ độc ác, như thầy thừa hiểu. Nhưng tôi sẽ đối phó với cả hai cha con họ.”

***

Bất chấp sự trấn an và lạc quan của Bonneau, Mai không cảm thấy yên ổn với tình cảnh này. Không ai biết Tâm ở đâu, ngay cả sau khi cha nàng cùng với một số hoạn quan của nhà Vua đến nhà ngục hoàng gia để hỏi về chàng. Các lính canh đã khai rằng Tâm đã bị một người lính hành hạ rất thô bạo sau khi dẫn chàng vào ngục tù. Sáng hôm sau chính người lính ấy đã quay lại và dẫn chàng ra ngoài. Không ai biết hai người đi đâu.

Bước kế tiếp là đi hỏi quan Thượng Thư Bộ Lễ, nhưng thư ký Kham cho biết Thượng Thư Toản đã đi Tourane trên một chiếc xe ngựa, với một hành khách duy nhất là con trai ông. Sau cái ngõ cụt đó, không còn ai có ý kiến nào về tung tích của thầy Tâm. Các thái giám của nhà Vua quay trở lại Tử Cấm Thành để báo cáo với cấp trên.

Mai ngờ rằng Tâm vẫn còn ở đâu đó trong thành phố, và nàng đã cho chị giúp việc đi Tourane bằng đường bộ để thông báo cho Giang về việc chàng bị bắt. Nàng hy vọng khi biết tin Giang sẽ về thủ đô ngay. Sau đó, hai chị em sẽ cùng nhau nghĩ ra cách để tìm và giúp đỡ Tâm.

Tuy nhiên, thời tiết không hợp tác với nàng. Những cơn mưa gió mùa hàng ngày làm chậm mọi chuyến đi, bằng đường bộ hoặc đường biển, giữa Tourane và Huế. Tại kinh đô, một số đường phố trũng thấp đã bị ngập lụt. Mai không nghĩ đến việc lội qua vùng lụt và đến thăm viện mồ côi, nằm trên khu đất cao. Ở đó, một cô bé có thể nói cho nàng biết thầy Tâm đang ở chỗ nào.

***

Chàng ngủ qua đêm trong nhà của lính canh, may mắn được che chở khỏi mưa gió cho đến ngày hôm sau. Lính canh để chàng chiếm một góc trong không gian chật chội của họ và không ngược đãi chàng. Vì họ không có lệnh đưa thầy Tâm trở lại nhà ngục hoàng gia, phu nhân quan Thượng Thư bảo họ cho thầy vào trong nhà lính tạm trú qua đêm. Họ để ý thấy nàng đã đưa cho chàng một cái chiếu cói mới và một cái chăn rất tốt.

Khi màn đêm buông xuống, chàng ngồi trên chiếu trong tư thế hoa sen, hít thở sâu và cố gắng để tâm thanh thản sau những sự kiện đau buồn trong hai ngày qua. Chàng nhắm mắt lại, đặt tay lên đầu gối, thư giãn dần dần và cảm thấy sự căng thẳng rời khỏi cơ thể. Sau nửa giờ, chàng mở mắt ra. Các lính canh đã im lặng quan sát chàng, kinh ngạc trước sự tự chủ và sức mạnh thiền định. Chàng đứng dậy, xếp lại chăn và chuẩn bị nằm xuống chiếc giường tạm của mình. Một trong những lính canh đến gần và mời chàng một tách trà nóng và bắt chuyện với chàng bằng những lời lẽ kính trọng.

“Không ai nói với chúng tôi về thầy cho đến khi thầy đến đây sáng nay. Chúng tôi không biết thầy đã phạm tội gì nhưng rõ ràng là phu nhân của quan Thượng Thư coi Thầy là một người quân tử. Chúng tôi hy vọng thầy sẽ tha thứ cho việc bỏ bê thầy sáng hôm nay.”

“Tôi hiểu,” chàng đáp. “Các bác không có lỗi gì cả. Tôi biết các bác bao giờ cũng phải tuân lệnh của cấp trên.”

Từng người một, những lính canh tò mò tiến về phía chàng và ngồi xuống xung quanh chàng. Người lính đã nói chuyện với chàng có vẻ là người cầm đầu họ vẫn còn tò mò.

“Vậy thầy đã làm tội gì? Trông thầy không giống những kẻ sát nhân hay trộm cướp.”

Tâm cười chua xót. “Tôi chỉ là một thầy giáo làng miền Bắc vào đây đi thi. Họ nói rằng tôi đã lạm dụng tên của nhà Vua trong một bài thi của tôi, và đó là lý do tại sao tôi bị bắt ngày hôm qua ngay khi kết quả được công bố.”

Từ đó, thái độ của các lính canh bắt đầu bày tỏ sự kính trọng và quan tâm nhiều hơn đến Tâm. Họ hỏi về ngôi làng và trường học của chàng, về những thành công của chàng trong các kỳ thi trước đó. Họ kể cho chàng nghe lai lịch và gia đình của họ. Tâm hỏi về công việc của họ và được biết rằng họ có nhiệm vụ luân phiên canh gác tại Bộ Lễ và tại biệt thự của quan Thượng Thư. Nói chung họ không thích cả hai nơi. Người cầm đầu toán lính canh, một người đàn ông có bản tính tò mò muốn tìm hiểu thêm.

“Làm thế nào họ có thể đối xử như thế này với thầy, một học giả chân chính? Thầy đã bị đánh khá nặng trước khi đến đây, và khi đến đây rồi, Đội Trưởng lại còn bắt thầy dọn dẹp chuồng ngựa.”

“Tôi không ngại công việc chân tay,” Tâm nói. “Tôi thích làm lụng chân tay thường xuyên ở quê nhà. Trong lịch sử nước ta, một số anh hùng vĩ đại nhất từng là những người cày ruộng hoặc chăm sóc súc vật.”

“Điều đó có thể đúng, nhưng hôm nay thầy đã bị bắt phải làm việc cực nhọc. Đội Trưởng dường như không quan tâm đến thầy, và anh ta đã cố tìm những việc nhục nhã để giao cho thầy. Vài tuần trước, một thầy giáo làng khác đến Bộ Lễ, nhưng, không như thầy, ông ta được đối xử rất tốt. Ngài Thượng Thư đã đích thân tiếp đón và ông ta đã được cung cấp thức ăn ngon và bất cứ thứ gì cần đến. Chúng tôi được lệnh đáp ứng mọi nhu cầu của ông ấy, tuy ông ta không đòi hỏi gì.”

Có một điều trong lời nói của người lính làm cho Tâm lưu ý. Chàng cố gắng không tỏ ra quá xoi mói với những câu hỏi tiếp theo của mình.

“Ông ấy chắc là một học giả có tiếng tăm. Bác có biết ông ta làm gì cho Ngài Thượng Thư không?”

“Tôi chỉ thấy ông ấy viết trong nhiều ngày, và dùng rất nhiều bút và mực. Nhưng vì không ai trong chúng tôi biết đọc nên chúng tôi không biết ông ta viết gì.”

“Vậy ông ấy đã ở Bộ Lễ trong bao lâu?”

“Ông ta đến hai lần, và mỗi lần chỉ ở lại vài ngày. Lần gần đây nhất, có vẻ như ông ta đã về nhà sau khi hoàn thành công việc của mình. Trông ông ta không được vui cho lắm. Tôi tưởng rằng Ngài không thích công việc của ông ấy hoặc có lẽ đã không trả tiền. Nhưng Ngài Thượng Thư vẫn vui vẻ, và không tức giận chút nào.”

Tâm còn nhớ khoảng một hai tuần trước đó, người lái đò thân thiện đã kể với chàng việc thầy Xinh lên thuyền với vẻ mặt rất thất vọng. Chàng cố gắng liên kết các mẩu tin khác nhau, và bắt đầu suy luận ra mối liên hệ của chúng với hoàn cảnh của chính mình.

“Người ấy là ai?” chàng hỏi người lính canh già.

“Chúng tôi chỉ gọi ông ta là thầy. Thầy ấy chắc chắn không phải từ quanh đây. Sau khi ông ta rời đi lần cuối, chúng tôi không bao giờ gặp lại nữa.”

Sáng hôm sau, Tâm thức dậy cùng lúc với lính canh. Họ đã ngừng coi chàng như một tù nhân và để chàng đi lại tự do trong sân. Chàng tận dụng cơ hội để thực hiện thói quen tập thể dục của mình trong khi các lính canh đứng xung quanh theo dõi. Khi anh ta tập xong và đi vào trong nhà của những người lính, người lính già tối hôm trước nói.

“Thầy Tâm, nhìn thấy thầy tập, tôi nhớ tới hôm trước, sau hôm thầy kia đi về, Đội Trưởng của chúng tôi và công tử đi đâu về. Cả hai đều bị ai đó đánh và mặt sưng vù, nhưng hai người không kể cho chúng tôi nghe chuyện gì đã xảy ra. Chúng tôi nghĩ có lẽ họ đã đấu võ với nhau và đã chiến đấu quá mức độ.”

Tâm gật đầu không nói gì, dù biết rất rõ chuyện gì đã xảy ra. Ngay lúc đó, một chị giúp việc bước vào và nói chuyện với chàng một cách kính trọng.

“Phu nhân sai cháu mời thầy lên nhà trên.”

Tâm thấy cô vợ trẻ của Thượng Thư Bộ Lễ đang ngồi tại một cái bàn trên đó bày những bát thức ăn bốc khói nghi ngút. Nàng mỉm cười và mời chàng ngồi xuống để chia sẻ bữa sáng với nàng. Hai người bắt đầu ăn trong im lặng. Như thường lệ, nàng được trang điểm khéo léo và trông thật nổi bật. Tâm cũng lưu ý rằng nàng rất bình tĩnh và cách cư xử cũng như cử chỉ của nàng ấy chính xác và kiên quyết. Sau vài phút, nàng ngừng ăn và nói.

“Hôm nay tôi sẽ đến cô nhi viện để nhận con gái của tôi.”

Tâm ngẩng đầu, đặt đũa xuống, và bưng một tách trà nghi ngút khói lên. Chàng thổi tách trà trong khi đợi nàng nói tiếp. Chàng đã nghĩ về Lượm từ ngày hôm trước, và đang tự hỏi điều gì sẽ xảy ra cho cô bé.

“Con gái tôi phải được sống trong ngôi nhà này. Nó có quyền ở đây cũng như tôi vậy. Tôi sẽ không để cho nó mồ côi cả đời.”

Tâm muốn hỏi xem cô sẽ làm gì với ông chồng và cậu con con ghẻ của mình, nhưng nàng đã đoán trước những câu hỏi của chàng.

“Tôi sẽ nói sự thật với chồng tôi, và ông ta có thể làm bất cứ điều gì với tôi. Trái với ý muốn của tôi, con trai ông đã xâm phạm cơ thể tôi. Sáu năm trước, tôi là một thiếu nữ non nớt và sợ sệt. Lúc đó tôi chỉ muốn che giấu tình trạng của mình. Bây giờ lương tâm của tôi trong sáng, và tôi đã chuẩn bị sẵn sàng cho bất cứ điều gì có thể xảy ra một khi mọi người biết sự thật. Chồng tôi  có thể đuổi tôi về quê nhà nếu ông ấy muốn, nhưng ông ấy không thể vứt cháu gái của mình ra ngoài đường. Nó không làm gì sai cả. Nó không phạm tội gì cả.”

Nàng không còn là người phụ nữ đẫm nước mắt mà Tâm nhìn thấy ngày hôm trước. Bản năng làm mẹ của nàng đã thức tỉnh và, chỉ sau một đêm, nàng đã biến mình từ một người vợ trẻ dễ dãi thành một người mẹ quyết tâm đấu tranh cho con. Chàng cảm thấy vui mừng cho Lượm. Tuy nhiên, những gì nàng nói tiếp theo khiến Tâm sững sờ.

“Quan Thượng Thư hiện đang đưa con trai, một kẻ hiếp dâm, đến Tourane để cầu hôn cô con gái của Đặc Sứ Pháp, người chỉ tha thiết yêu thầy.”

  Chàng nhìn thẳng vào cô vợ Thượng Thư Toản và định nói điều gì đó nhưng không thể thốt ra được lời nào. Những cảm xúc mạnh mẽ xung đột bên trong chàng. Lúc bấy giờ dường như lý do thực sự khiến Giang đột ngột ra đi được đưa ra ánh sáng.

Trong suốt thời gian quen nhau, cả Tâm lẫn Giang chưa từng nói với ai chuyện tình cảm giữa hai người. Giờ đây, nghe một người khác, phu nhân của quan Thượng Thư, nói rằng Giang yêu chàng là một điều hoàn toàn bất ngờ. Tâm thành thật nghĩ rằng mối tình đó chỉ có vài người biết đến. Vẻ mặt ngạc nhiên của chàng đem lại một nụ cười trên khuôn mặt của bà vợ Thượng Thư Toản.

“Thầy tưởng rằng không ai biết gì về chuyện của cô Giang với thầy hay sao? Thành phố này có tai mắt ở khắp mọi nơi, và mối tình của thầy với cô ấy được nhiều người để ý. Thầy phải biết là chị hầu, người lái đò và chủ quán trọ đều nói chuyện cả. Nhưng thầy không có gì phải lo. Tuy giới quan lại tại kinh đô không tán thành, dân thường chỉ có lòng thương mến hai người mà thôi. Tôi là một trong những kẻ đứng về phía thầy, mặc dù bà vợ của Đặc Sứ Pháp và hai cha con của ngôi nhà này đang âm mưu chống lại thầy. Tôi sẽ đảm bảo rằng câu chuyện về cô bé Lượm và hoàn cảnh nó ra đời trên thế gian này sẽ được cả kinh đô biết đến.”

Trước khi nàng có thể tiếp tục, chị giúp việc vội vã đi vào phòng và buột miệng.

“Vệ binh hoàng gia đang ở đây cùng với Thái Giám của nhà Vua.”

Hai người đứng dậy, ngạc nhiên trước sự thay đổi đột ngột. Một người đàn ông mặc trang phục Thái Giám cao cấp màu xanh và tím đã bước vào phòng theo sau chị giúp việc. Thái Giám nói thẳng với Tâm, không để ý đến ai khác:

“Thầy Tâm, mời thầy đi theo tôi. Hoàng Thượng đã ban ân xá và ra lệnh trả lại tự do cho thầy. Chúng tôi sẽ đưa thầy ra khỏi nơi đây.”

Viên Thái Giám không bắt Tâm phải khấu đầu xuống đất để nhận ân xá của nhà Vua. Hai vệ binh đi vào đứng hai bên Tâm không phải để bắt mà để hộ tống chàng. Sau khi ra hiệu cho hai người lính, Thái Giám quay lại và bước ra ngoài. Tâm hiểu ý đi theo và liếc nhìn bà vợ quan Thượng Thư. Nàng đã lấy lại bình tĩnh và mỉm cười với chàng. Khi chàng bước ra ngoài, nàng chỉ có đủ thời gian để nói.“Cám ơn thầy Tâm đã mang Lượm đến cho tôi. Tôi sẽ mãi mãi nhớ ơn thầy.”

(Còn tiếp)

You may also like

Leave a Comment

Verified by MonsterInsights