Thầy giáo làng, kỳ 28

by Tim Bui
Thầy giáo làng, kỳ 29

NGUYỄN TRỌNG HIỀN

Mãi rất khuya Bà Trang mới về đến nhà cha mẹ, nơi bà và Giang cư ngụ từ khi đến Tourane. Bà muốn mắng Giang tội đã bỏ tiệc sớm, bắt buộc bà phải hết lòng xin lỗi ngài Thượng Thư và quan Tổng Đốc. Nhưng con gái bà đang ở cùng phòng với bà ngoại, và vì không muốn làm phiền mẹ, bà lẳng lặng đi ngủ.

Thật ra, bà ta rất hài lòng với buổi tối hôm đó. Thượng Thư Toản và con trai ngài đã say mê Giang, bất chấp thái độ trẻ con của nàng. Chưa điều gì được nói ra, nhưng tất cả mọi người đều hiểu rằng sẽ còn nhiều chuyện phải theo dõi khi tất cả trở về kinh đô. Mệt mỏi nhưng hài lòng với bữa tiệc và với chính mình, bà Trang ngủ một giấc ngon lành và không thức dậy cho đến gần trưa ngày hôm sau. Khi đứng dậy và đi vào bếp, bà ngạc nhiên thấy người hầu của mình đứng giữa mọi người trong gia đình mẹ. Tất cả đã dậy sớm hơn bà nhiều.

“Mi đang làm gì ở đây? Mi không phải đang ở Huế sao?”

“Thưa phu nhân, cô Mai sai cháu xuống đây,” chị hầu lo lắng trả lời. Trông chị ấy đầu bù tóc rối và mệt mỏi, như đã bất chấp gió mùa để đến Tourane.

“Tại sao? Để làm gì?”

“Cô Mai sai cháu xuống nói với cô Giang là thầy Tâm đã bị bắt. Cháu đi mấy ngày trước rồi, nhưng gió mùa quá lớn và cháu không thể vượt qua đèo Hải Vân cho đến khi hết bão.”

“Mi đừng bận tâm chuyện ấy. Ai cũng đã biết về việc anh ấy thi trượt và bị bắt. Tại sao Mai phải gửi mi đến đây để nói với chị nó về điều đó?

Chị hầu ngây người trong giây lát. Chị cứ tưởng mình mang đến một tin tức mới từ kinh đô, nhưng rõ ràng bà chủ của chị đã biết tin rồi. Rồi chị sực nhớ ra một điều mà bà Trang không thể nào biết được.

“Thưa phu nhân, ngài Đặc Sứ đã can thiệp để Hoàng Thượng ban ân xá cho thầy Tâm.”

Câu nói đó tạo ra một loạt câu hỏi khác mà chị hầu không biết làm sao trả lời. Bà Trang không muốn nghe mẩu tin vừa rồi và muốn khai thác mọi chi tiết về diễn biến ngoài ý muốn này. Tuy nhiên, chị hầu không thể nói với bà ta điều gì khác. Chị đã rời khỏi kinh đô được vài ngày rồi, và bất cứ chuyện gì cũng có thể xảy ra trong thời gian đó.

Bà Trang mệt mỏi ngồi phịch xuống ghế, bực bội trước tin mà người giúp việc mang đến. Rồi bà nghĩ đến Giang, người mà bà muốn mắng vì đã rời khỏi bữa tiệc một cách vô lễ.

“Con gái tôi đâu?”

Chị hầu sợ hãi nhìn Bà Trang.

“Tiểu thư đã rời khỏi nơi đây lúc bình minh.”

“Thế là nghĩa lý gì?” Bà Trang vỗ đùi và ái ngại trước câu trả lời sắp đến. “Nó không ở trong nhà này sao?”

Thay vì người hầu, một giọng nói quen thuộc trả lời. Một bà lão lưng còng vì tuổi tác, bước vào phòng nhưng vẫn đứng gần cửa, cằm chỉ về phía Bà Trang. Mặc dù trông bà lão có vẻ yếu ớt, giọng nói của mẹ bà Trang vẫn đủ rõ ràng để mọi người nghe thấy.

“Cháu gái tôi đã đi về kinh đô để xem nó có thể làm gì cho anh thầy giáo làng không.”

Bà Trang bật dậy khỏi ghế để đối mặt với bà lão.

“Mẹ! Mẹ để cháu gái đi như vậy sao?”

Bà cụ bình tĩnh đối đáp.

“Ta không cho nó phép đi. Nó đã tự bỏ đi, và không ai có thể ngăn cản nó. Nó cũng giống như con khi con không nghe bất cứ ai và quyết định kết hôn với anh chàng người Pháp đó.”

“Nhưng, sao mẹ để nó đi mà không có con? Đi một mình? Chúa ơi, tại sao chuyện này lại xảy ra cho con?”

Bà lão bực tức lắc đầu.

“Không phải một mình nó. Ta đã cho nó mượn một cỗ xe với hai con ngựa và một người đánh xe. Bây giờ gió mùa đã ngừng, và nếu nó đi ngay, nó có thể đến kinh đô trước khi cơn mưa lại kéo đến tối nay.”

Rồi bà lão buồn bã nói thêm.

“Còn về việc cầu khẩn Chúa, tốt hơn hết là con nên nhìn vào nghiệp của mình và xem liệu con đã có tự chuốc lấy điều này hay không.”

Xa cách

Theo đúng dự đoán của bà ngoại nàng, Giang đến kinh đô vào cuối buổi chiều trước khi gió mùa bắt đầu trút lượng mưa hàng ngày xuống thành phố còn đang bốc hơi nóng. Nàng đã kiệt sức và vẫn còn sợ hãi sau chuyến vượt đèo Hải Vân. Khi leo lên xe ngựa, nàng giục người đánh xe đi càng nhanh càng tốt. Nàng hứa với anh ta một phần thưởng lớn và thế là cỗ xe đã bay đi. Anh là một nhân viên tận tụy trong gia nhân của bà ngoại và đã nỗ lực hết mình để hoàn thành sứ mệnh mà tộc trưởng đã giao cho: đưa cô cháu gái của bà về kinh đô một cách nhanh chóng và an toàn. May mắn thay cho họ, gió mùa đã tạm ngừng và mặt trời, thỉnh thoảng ẩn sau những đám mây dày đặc, không chiếu ánh sáng quá gay gắt.

Đèo Hải Vân, với những khúc ngoằn ngoèo và những khúc cong như kẹp tóc là cả một sự thử thách từng thước một trên một chiều dài khoảng hai mươi cây số. Có lúc nàng phải nhắm mắt cố không nhìn xuống khi người đánh xe điều khiển xe và thúc ngựa đi tiếp. Đi lên từ Tourane đã đủ ghê sợ, nhưng đi xuống Huế còn rùng rợn hơn, ngay cả sau khi dừng chân tại đỉnh đèo để nghỉ ngơi, cho ngựa ăn và uống nước. Trời không mưa nhưng độ ẩm cao và nàng cảm nhận được nó thấm qua chiếc khăn quàng trên đầu. Độ ẩm cũng thấm qua quần áo của nàng khiến cho nàng run và khó chịu trong phần cuối của chuyến đi.

Nàng chỉ nghĩ đến Tâm, và hình ảnh chàng bị tống vào tù với chiếc gông quanh cổ ám ảnh nàng. Ngay cả trong cơn ác mộng tồi tệ nhất nàng cũng không bao giờ có thể tưởng tượng được cảnh đó. Chàng đã phải chịu đựng khổ sở chừng nào! Nàng tự trách mình đã đi Tourane với mẹ, làm như sự hiện diện của nàng tại kinh đô có thể ngăn chặn việc bắt giữ Tâm. Phải chi nàng  mạnh mẽ hơn và đã chống cự lại mẹ. Biết đâu mọi chuyện sẽ khác đi nếu nàng ở lại Huế?

Nàng chắc chắn rằng một chuyện bất công đã xảy ra. Để đưa nó ra ánh sáng và giải cứu Tâm, nàng đã nghĩ ngay đến cha mình, người duy nhất có thể giúp đỡ trong những vấn đề như vậy. Đó là lý do tại sao nàng rời khỏi bữa tiệc vô duyên mà mẹ nàng đã tổ chức cho vị Thượng Thư Bộ Lễ ghê tởm và người đàn ông thô tục là con trai ông ta. Ý nghĩ về hai nhân vật đó càng làm cho Giang tin thêm rằng những gì nàng làm là đúng, ngay cả khi nàng đã phải chứng tỏ sự độc lập của mình trước mặt những quan khách của mẹ.

Ngay khi cỗ xe dừng lại, Giang thưởng tiền cho người đánh xe và leo xuống. Nàng cảm thấy choáng váng nhưng cố thu hết năng lượng dự trữ cuối cùng của mình và đi vội vào nhà. Trước khi nàng đến cửa chính, cửa mở ra và thư ký Kham ngạc nhiên chào đón nàng.

“Cô Giang, cô làm gì ở đây? Tôi tưởng cô đang ở Tourane với phu nhân ngài Đặc Sứ chứ.”

Nàng đi ngang qua thư ký Kham và tiếp tục đi về phía cầu thang, nhưng quay lại hỏi.

“Tôi về thăm cha tôi. Ông ấy đã về nhà chưa?”

“Dạ rồi, ngài đang ở trong văn phòng.”

Nàng lưỡng lự rồi quyết định không lên phòng thay đồ. Nàng đi thẳng đến văn phòng, gõ cửa và mở cửa ngay khi nghe thấy giọng nói của cha nàng. Thư ký Kham đi theo nàng vào. Cha nàng và Mai ngạc nhiên nhìn nàng. Em cô là người đầu tiên nói khi nàng chạy đến chỗ Giang.

“Giang, chị trở lại rồi! Chị đã nói chuyện với người giúp việc của mình chưa?”

“Có, chị ấy đã kể cho chị tất cả mọi chuyện,” Giang trả lời. Nàng quay lưng lại và đến gần cha. “Cha ơi, cha phải làm gì để giúp thầy Tâm.”

Đặc Sứ Bonneau nhìn cảnh tượng đáng thương của cô con gái lớn với mái tóc rối bù, bộ quần áo ướt sũng trên thân hình yếu ớt, khuôn mặt tiều tụy và đôi mắt xanh sắp rơm rớm nước mắt. Ông nhận thấy tình cảm mà Giang dành cho anh thầy giáo làng không phải là một cuộc tình mùa Hè thoảng qua. Bản thân Bonneau đã có cảm tình với người thanh niên đến từ ngôi làng xa xôi ở miền Bắc ngay từ lần đầu tiên gặp chàng.

Ông thấy việc con gái mình dạy Tâm chữ Quốc Ngữ mới, rồi tiếng Pháp, là một thí nghiệm thú vị. Trong thâm tâm, ông nghĩ Tâm sau khi thi đỗ sẽ được bổ nhiệm vào một chức vụ quan trọng ở một tỉnh nào đó. Rồi chàng sẽ biến mất khỏi cuộc đời họ, và bà Trang sẽ không còn phải lo lắng về việc Giang vướng víu với chàng. Giờ đây, nhìn cảnh khốn cùng của Giang, ông biết mình đã sai lầm và đã đánh giá quá thấp con gái của mình. Bonneau cố gắng hết sức để tỏ ra bình tĩnh.

“Con gái yêu của cha, con đừng lo lắng. Cha đã can thiệp với nhà Vua, và Hoàng Thượng đã ban ân xá cho Thầy Tâm.”

Giang thở ra và mỉm cười trước tin vui. Bất chấp sự mệt mỏi của mình, khuôn mặt nàng rạng rỡ khi nàng hỏi câu tiếp theo.

“Ý cha là gì khi nói đến việc ân xá? Thầy Tâm đã phạm tội gì?”

“Triều đình còn đang cho điều tra, nhưng mình sẽ phải đợi một thời gian trước khi làm sáng tỏ được chuyện này. Có người không nghĩ Thầy Tâm  đã phạm tội, và có thể anh ta là nạn nhân của một âm mưu chính trị nào đó. Nhưng ngay cả với sự hỗ trợ của nhà Vua, vẫn cần phải tốn thời giờ để điều tra những vấn đề này. Trong khi chờ đợi, Thầy Tâm được tự do đi lại.”

Để làm giảm bớt sự căng thẳng trong phòng, Bonneau mỉm cười và giơ cả hai cánh tay lên trời, bắt chước một con chim đang bay lượn.

“Anh ấy bây giờ ở đâu?” Giang đối mặt với em gái khi nàng đặt câu hỏi.

Mai lắc đầu. “Em không biết anh ấy ở đâu. Em mới biết chuyện này vài phút trước khi chị bước vào.”

Bonneau chỉ vào thư ký của mình.

“Kham đây có thể kể cho con nghe về thầy Tâm. Thư ký Kham có mặt lúc họ phóng thích Thầy Tâm.”

Kham hắng giọng, nhìn vị Đặc Sứ rồi nhìn cô con gái lớn. Tiếng Pháp của hắn không lưu loát nhưng hắn vẫn làm cho mọi người hiểu những điều hắn diễn đạt.

“Vài ngày trước, người của Bộ Lễ đã bắt thầy Tâm và giam vào tù. Họ đánh đập thầy thậm tệ rồi đưa thầy đến biệt thự của Bộ Lễ để dọn dẹp chuồng ngựa. May mắn thay, điều đó không kéo dài quá lâu, bởi vì các hoạn quan của nhà Vua đã đến vào ngày hôm sau để giải thoát cho thầy. Thầy Tâm muốn ở lại kinh đô để tranh đấu cho thanh danh mình, nhưng tôi đề nghị thầy nên về quê nhà và để nhà Vua đối phó với Bộ Lễ sau. Tôi đã nói với thầy Tâm rằng tốt hơn hết là thầy đừng để người ta trông thấy ở kinh đô cho đến khi nào mọi sự việc được sáng tỏ. Thầy Tâm nghe theo lời khuyên của tôi và đã đi về quê của mình ngay sau đó.”

“Anh ấy đã đi về? Khi nào?” Giọng Giang yếu ớt, gần như không nghe thấy. Nàng nhắm mắt chờ đợi câu trả lời, như một tội phạm đang chờ tòa tuyên án.

“Thầy Tâm đã đi khỏi kinh đô vài ngày trước đây, ngay sau khi được các hoạn quan giải phóng.”

“Francoise!” Bonneau kêu lên. Ông ta bật dậy, đạp đổ ghế để lao về phía con gái mình.

“Giang!” Mai hét lên.

Nàng chạy về phía chị mình. Giang đã gục xuống sàn nhà và nằm bất động.



***

Đặc Sứ Bonneau đến thăm con gái ông mỗi sáng trước khi đi làm và mỗi tối khi ông về nhà. Giang lên cơn sốt trong vòng nhiều ngày. Nàng không ăn gì, uống ít, hầu như lúc nào cũng nhắm mắt và không chịu nói chuyện với bất cứ ai. Nàng không nhận ra mẹ khi bà Trang trở về từ Tourane.

Bà Trang đã định trách mắng Giang tội đã về kinh đô mà không cho bà biết trước, nhưng khi nhìn thấy tình cảnh của con gái, bà phải bỏ ý định đó.

Một bác sĩ quân đội Pháp được gọi đến. Ông ta bắt mạch và kê đơn thuốc cho Giang, rồi lắc đầu bỏ đi. Sau một vài ngày,sức khỏe của nàng khá hơn một ít. Nhưng nàng vẫn nằm im, không phản ứng trong hầu hết thời gian. 

Chị người hầu bón cho nàng một ít cháo mỗi ngày, và Mai tin chắc thỉnh thoảng Giang có nhận ra nàng. Nhưng đó là mức độ tương tác của Giang với những người xung quanh nàng. Thời gian còn lại, nàng ngủ hoặc nhắm mắt lại, và có những giấc mơ thất thường, trong đó nàng lẩm bẩm những âm thanh và từ ngữ khó hiểu. Hình như nàng đang sống trong một thế giới của riêng mình.

Bác sĩ quay lại mỗi tuần một lần để thăm nàng, nhưng không cho thêm đơn thuốc mới nào và bảo gia đình tiếp tục điều trị như cũ. Gần hai tháng sau, một hôm bác sĩ Pháp yêu cầu hai vợ chồng Bonneau đến nói chuyện. Bác sĩ cho họ biết một cách rất thẳng thắn rằng gia đình không cần đến ông nữa.

“Giang là một thiếu nữ khỏe mạnh và sẽ phục hồi cơ thể sau căn bệnh nhất thời này. Tuy nhiên, cô ấy đang trải qua một chứng suy nhược thần kinh nào đó, và tôi không có loại thuốc nào có thể trị được điều đó. Với tư cách một bác sĩ, tôi không thể làm gì hơn cho cô ấy. Chỉ có cô ấy mới có thể tự kéo mình ra khỏi trạng thái hiện thời. Chỉ có cô ấy mới có thể giải quyết điều gì đã dẫn đến toàn bộ chuyện này. Thẳng thắn mà nói, tôi tin chắc ông bà Đặc Sứ biết về điều đó nhiều hơn những gì ông bà đã nói với tôi.”

Sau khi bác sĩ ra về, Bonneau dẫn bà Trang và Mai vào phòng làm việc rồi đóng cửa lại. Cả ba ngồi xuống quanh bàn của ông, và Bonneau bắt đầu vừa nói vừa lấy ra một trong những chiếc tẩu thuốc lá của mình. Với vẻ lạnh lùng khác thường, Bonneau nhìn bà vợ mình, và Bà Trang cảm thấy rằng chồng mình không vui và còn có thể giận mình nữa.

“Bác sĩ đã nói đúng. Tất cả chúng ta đều biết tại sao Giang lại rơi vào tình trạng như thế này. Tôi không muốn Giang nghe thấy những gì tôi sắp nói với hai mẹ con đây, vì tôi sợ điều đó có thể khiến tình trạng của Giang tệ đi.”

Mai phản đối: “Làm sao chị con có thể tệ hơn tình trạng hiện tại được. Cha hãy nhìn chị ấy kìa!”

Bonneau giơ một tay lên.

“Con nghe cha nói,” ông nói. Đôi mắt của người cha hai cô con gái rất buồn khi tập trung vào Mai.

“Trước tiên, về vấn đề chàng trai trẻ từ miền Bắc bước vào cuộc đời chúng ta vào mùa Hè này, và hiện có một vị trí đặc biệt trong trái tim chị con, bất chấp sự phản đối và âm mưu của mẹ con.”

Bà Trang nhướng mày, và rít lên một tiếng để biểu lộ sự phẫn nộ của mình, nhưng bà đã khôn ngoan chọn cách im lặng khi Bonneau quay sang bà với vẻ không tán thành. Bonneau tiếp tục nói:

“Người của nhà Vua cho rằng bài thi của thầy Tâm đã bị giả mạo. Sau khi đọc tất cả các bài thi của anh ta, họ kết luận rằng hành vi phạm húy mà anh ta bị buộc tội không thể nào xảy ra đối với một học giả tầm cỡ như thầy Tâm. Lời giải thích hợp lý nhất là có ai đó đã thay đổi một chữ trong bài thi của anh ấy. Tuy nhiên, không ai biết người nào đã làm chuyện đó.” 

“Điều làm mọi người tò mò là các giám khảo chấm thi đều hoàn toàn im lặng về trường hợp này. Người duy nhất đưa tội phạm húy ra ánh sáng là quan Thượng Thư Bộ Lễ. Đáng lẽ ra một hoặc hai vị giám khảo phải phát hiện ra trường hợp phạm húy đó trước tiên. Sau đó, họ chia sẻ những phát giác của mình với các giám khảo khác, và khuyến nghị tập thể của tất cả các giám khảo về việc đánh trượt thí sinh phạm húy sẽ được trình lên quan Thượng Thư, và sau đó mới trình lên  nhà Vua.”

Ông dừng lại để xem cả Bà Trang và Mai đều hiểu hết những gì ông đang nói với họ. Bà vợ im lặng, nhưng Mai thở dài rõ ràng để bày tỏ sự thất vọng.

“Con không thích ông quan Thượng Thư này tí nào! Ông ta là một con quái vật!”

Cha cô gật đầu, rồi tiếp tục nói.

“Thượng Thư Toản, kẻ được giao nhiệm vụ giám sát mọi kỳ thi, đã không hợp tác với người của nhà Vua trong cuộc điều tra. Nhà Vua quá yếu ớt và không có khả năng làm cho Thượng Thư Toản thay đổi ý định hoặc hành vi của mình. Hiện bây giờ không ai có bằng chứng để bào chữa cho thầy Tâm. Vị Khâm Sứ Pháp hoàn toàn nhận thức được tình hình này và điều đó cho ông ta thêm một lý do nữa mà ông ta sẽ dựa vào để yêu cầu nhà Vua bãi bỏ hệ thống thi cử cổ hủ và lỗi thời này. Trong khi chờ đợi, sự kiện thầy Tâm trở về làng thực sự là một ý tưởng sáng suốt. Thượng Thư Toản là một người có nhiều quyền lực, và ông ta vẫn có thể làm hại thầy Tâm nếu thầy còn ở lại thủ đô.”

Bonneau kéo một hơi với tẩu thuốc lá đã tắt rồi, và tiếp tục nói.

“Cách đây một thời gian, có cả một gia đình đã thiệt mạng trong một vụ hỏa hoạn đáng nghi ngờ ở một ngôi làng bên ngoài kinh đô. Người đứng đầu gia đình là thầy Xinh, một ông quan bị thất sủng vì đã bị bắt quả tang biển thủ công quỹ vài năm trước đây. Thầy Xinh là một kẻ giả mạo chữ chuyên nghiệp, người đã sử dụng tài năng của mình để làm giả các tài liệu chính thức hầu biển thủ công quỹ. Ngay trước khi xảy ra vụ hỏa hoạn, thầy Xinh đã ở lại hai tuần tại biệt thự của Thượng Thư Toản để thực hiện một dự án bí mật nào đó. Sau đó, thầy Xinh trở về nhà, và ngôi nhà của ông ta bị thiêu rụi. Thầy Xinh và cả gia đình đã thiệt mạng trong vụ hỏa hoạn. Việc này xảy ra trước khi Thượng Thư Toản khám phá ra tội phạm húy trong bài thi của thầy Tâm.”

(Còn tiếp)

You may also like

Leave a Comment

Verified by MonsterInsights