Thầy giáo làng, kỳ 29

by Tim Bui
Thầy giáo làng, kỳ 29

NGUYỄN TRỌNG HIỀN

Bonneau rút tẩu thuốc ra khỏi miệng và vẫy tẩu thuốc để nhấn mạnh.

“Nếu hàng trăm người xây lăng có thể bị giết để bảo vệ bí mật về địa điểm của một ngôi mộ, thì liệu thầy Xinh và gia đình có thể bị giết để bảo vệ một bí mật nào khác có liên quan đến bài thi của chàng thầy giáo làng của chúng ta không? Cha nghĩ vậy, nhưng cha tiếc là mình không có ai làm nhân chứng và không có bằng chứng nào trong tay.”

Mai xen vào: “Cha nên cho thư ký Kham đến ngôi làng đó và tìm hiểu thêm về việc này. Có lẽ vụ hỏa hoạn đó có liên quan đến chuyện phạm húy của thầy Tâm.”

Bonneau thở dài. “Sẽ không ích lợi gì đâu. Nhân tiện đây, con không thấy rằng Kham đã không có mặt ở đây trong mấy tuần vừa qua à? Cha đã cho hắn nghỉ việc.”

“Cha sa thải thư ký Kham à?” Mai ngạc nhiên hỏi. “Con không thể tin vào người đó và không thích hắn chút nào, nhưng tại sao vậy?”

Bà Trang không tỏ ra xúc động trước tin thư ký Kham bị sa thải. Bonneau liếc nhìn bà trước khi tiếp tục.

“Có nhiều lý do. Lâu nay cha đã nghi ngờ hắn là gián điệp của triều đình, báo cáo cho họ những gì hắn mắt thấy tai nghe khi làm việc cho cha. Thứ hai, thư ký Kham không nói với cha về những điều ảnh hưởng cả thầy Tâm lẫn gia đình mình. Cha nghi hắn biết mọi sự, nhưng giữ kín nhiều chi tiết, kể cả những cái gì bỉ ổi nhất cho riêng mình. Bây giờ cha biết hắn có họ với Thượng Thư Bộ Lễ, và có thể đã nhận lệnh từ con cáo già đó trong khi giả vờ phục vụ cha.”

Bà Trang tiếp tục giữ im lặng. 

“Thư ký Kham đã tự ý bảo thầy Tâm rời khỏi kinh đô, với những lời lẽ hắn không có quyền sử dụng. Gần đây cha đến thăm quán trọ cũ của thầy Tâm, để tìm hiểu thêm về sự ra đi đột ngột của thầy. Ông chủ quán kể rằng Kham đã thực sự đuổi thầy Tâm đi. Ông ta nhắc lại cho cha nghe tất cả những lời chửi mắng mà Kham đã ném vào người thầy giáo làng tội nghiệp đó. Thật đáng xấu hổ và Kham không có quyền sử dụng ngôn ngữ như vậy, trừ khi hắn đã được chỉ thị hành động như vậy.”

Bonneau lại nhìn vợ mình nhưng bà ta vẫn trành mắt và tiếp tục không nói gì. Đầu Bonneau quay lại với Mai đang bị thu hút bởi những lời tiết lộ của cha nàng.

“Trong thời gian gần đây, mẹ của con đã tìm cách bắt chị con xa lánh thầy Tâm. Cha thú nhận rằng cha đã đồng lõa với việc đó bởi vì cha đã lấy cớ quá bận rộn với công việc để không phải tham gia vào chiến dịch chống thầy Tâm. Cha không bao giờ nghi ngờ rằng mẹ của con luôn luôn có ý định tốt nhất cho cả hai chị em con. Nhưng lần này bản năng làm mẹ đã đưa đến hậu quả tai hại cho chị của con, như những biến chuyển gần đây đã cho chúng ta thấy.”

“Cha đang nói về những biến chuyển gì vậy?” Mai hỏi. Từ khi chị mình lâm bệnh, Mai không còn đi bán hàng ở chợ Đông Ba và mất liên lạc với thế giới bên ngoài.

“Cậu công tử, con trai của Thượng Thư Bộ Lễ, người đã có mặt trong bữa tiệc mà chị con phải dự ở Tourane, đã biến mất khỏi kinh đô. Một số nguồn tin cho biết hắn đã đi vào trong Nam.”

“Hắn đi đâu thì có liên quan gì?”

“Thiên hạ nói rằng hắn đã cãi nhau với cha hắn, Thượng Thư Toản, và hắn có thể sẽ không bao giờ trở lại kinh đô,” Bonneau giải thích. “Trong khi đó, tại biệt thự của Ngài, một bé gái mồ côi đã được Ngài nhận nuôi và đang được người vợ lẽ của Ngài trông nom dạy dỗ. Người ta nói rằng cha của cô bé chính là con trai của Thượng Thư Toản, và mẹ nàng chính là cô vợ của Ngài.”

Mai giật nảy người và Bonneau cao giọng, nói thẳng với vợ mình.

“Đó có phải là loại người mà chúng ta muốn kết giao không? Không bao giờ! Chúng ta có phải chịu khó hơn trong việc điều tra lý lịch của một người như vậy trước khi chúng ta đẩy Giang về phía hắn không? Chắc chắn rồi! Có những dấu hiệu cảnh báo rõ ràng về hắn, như lần hắn cầm đầu một đám bạn cũng tồi tệ tương tự đến quấy rối hai chị em con ở chợ Đông Ba. Tuy nhiên, vì chúng ta muốn duy trì giai cấp của mình và những đặc quyền của giai cấp ấy cho nên chúng ta đã bỏ qua những dấu hiệu đó và cho hắn được chính thức giới thiệu với con gái của chúng ta.”

Bonneau tạm ngưng vì quá xúc động, và ông phải mất một thời gian để lấy lại bình tĩnh. Trong lúc đó, hai giọt nước mắt lớn lăn dài trên khuôn mặt Bà Trang. Bà muốn yêu cầu chồng dừng lại, nhưng không đủ can đảm để làm điều đó. Bonneau ít chú ý đến đôi mắt cầu xin của bà vợ.

“Nếu lúc đó hai chị em con đã cho cha biết thì cha đã cho hắn một bài học để đời rồi”.

Với những lời cuối cùng đó, Bonneau nhìn thanh kiếm của mình được treo một cách kiêu hãnh trên bức tường phía sau bàn làm việc, cố nhớ lại lần cuối cùng ông ta phải dùng đến nó.

“Như vậy một anh thầy giáo làng dũng cảm và vô tội đã phải chịu một sự bất công mà chúng ta không có cách nào thay đổi lại. Có người nói rằng cuộc sống của thầy Tâm mãi mãi bị hủy hoại, nhưng cha không nghĩ vậy. Anh ấy đã điều hành một trường học từ năm mười bảy tuổi, và anh ấy có một trí tuệ vượt xa nhiều người. Anh ấy có một tầm nhìn về tương lai mà đại đa số các học giả ở kinh đô này không có. Thầy Tâm sẽ tự tạo cho mình một danh tiếng vẻ vang trong đường đời. Cha chỉ tiếc rằng anh ấy sẽ không ở bên cạnh mình để cha có thể nhìn anh ấy thành công và phát đạt.”

Bonneau nghĩ về đứa con gái ốm yếu của mình, nằm trên giường ở tầng trên, không phản ứng và có lẽ bị giam cầm vĩnh viễn trong thế giới riêng của nàng. Ông là một con người năng động, nhưng ông không thể nghĩ ra điều gì mình có thể làm để giúp Giang.

Làm sao mà một mùa Hè khởi đầu tốt đẹp lại kết thúc với quá nhiều bất hạnh? Như vậy thì chú của Bà Trang, vị Thượng Tọa Trụ Trì chùa Thiên Mụ, đã tiên đoán đúng chăng? Là một người đến từ một nền văn minh phương Tây tự hào về những thành tựu hiện đại, Bonneau đã từ khước những lời tiên đoán đó. Tuy nhiên, trong trường hợp này, cho đến nay vị tu sĩ già đã tiên đoán đúng. Mải mê suy nghĩ, Bonneau không để ý cô con gái thứ hai đã lặng lẽ rời khỏi phòng.

***

Mai đi lên gác thăm chị. Nàng đang cân nhắc xem có nên nói cho Giang biết những gì cha hai cô vừa thuật lại cho bà mẹ và nàng biết. Nàng nghĩ rằng có thể tin về vụ biến mất của con trai Thượng Thư Toản sẽ làm cho Giang vui. 

Khi mở cửa phòng ngủ của chị, nàng ngạc nhiên thấy Giang đã đứng dậy, người xanh xao và mỏng manh. Đó chắc chắn là một sự thay đổi đáng kể so với vị trí nằm ngang trong hầu hết thời gian vừa qua.

“Chị ơi, chị dậy rồi, tạ ơn Chúa! Chị khỏe hơn chưa?”

Lần đầu tiên Giang cười kể từ khi ngất xỉu khi nghe tin Tâm đã ra đi.

“Có, chị cảm thấy khá hơn nhiều rồi.”

“Để em chạy xuống nói với cha mẹ. Chị có chắc là mình khỏe không?”

“Có, lẽ tất nhiên. Anh ấy đã về đến nhà rồi.”

“Chị đang nói về cái gì vậy? Về ai vậy?”

“Thầy Tâm. Anh ấy đã về đến làng của mình, bình an vô sự.”

Kháng Chiến

Nằm khoảng nửa đường giũa Ấn Độ và Trung Quốc, trong suốt lịch sử Việt Nam đã được các thương nhân đường biển từ Ấn Độ, Xiêm La, Âu Châu, Mỹ Châu, Trung Đông, Mã Lai, Nam Dương, Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc ghé thăm.

Vào thế kỷ 16, người Bồ Đào Nha là người phương Tây đầu tiên mở cửa hàng tại hải cảng Hội An ở miền Trung Việt Nam. Vài năm sau người Hoà Lan cũng làm như vậy tại Hà Nội ở miền Bắc.

Sau khi họ bị đuổi khỏi Nhật Bản vào đầu thế kỷ 17 dưới thời Mạc Phủ Tokugawa, các nhà truyền giáo Âu Châu bắt đầu chuyển sang cải đạo người Việt. Bảng chữ cái tiếng Việt dựa theo chữ La Tinh là kết quả trực tiếp của những nỗ lực của các nhà truyền giáo Bồ Đào Nha nhằm phiên âm Kinh Thánh và những tài liệu tôn giáo khác sang tiếng Việt. Tuy nhiên, chính một linh mục Dòng Tên người Pháp, Alexandre de Rhodes, đã hoàn thiện chữ viết mới khi xuất bản quyển từ điển Việt-Bồ Đào Nha-La Tinh của ông năm 1651 tại Rome.

Việc truyền bá đạo Thiên Chúa trong nước đã gặp phải sự đàn áp tàn nhẫn của hầu hết các nhà cai trị Việt Nam. Những cuộc đàn áp các nhà truyền giáo và người Việt theo đạo Thiên Chúa đã diễn ra khắp nước, ngoại trừ trong thời gian ngắn dưới sự cai trị của Nguyễn Ánh. Ông là người đã phải nhờ quân Pháp trợ giúp để đánh bại nhà Tây Sơn và lập ra triều đại nhà Nguyễn.

Trong khi Nguyễn Ánh, tức là Vua Gia Long (1762-1820), còn sống, ông không khuyến khích nhưng cũng không cấm việc truyền bá đạo Thiên Chúa. Trong 18 năm trị vì của ông, các linh mục nước ngoài và những người Việt Nam mới cải đạo tương đối được tự do đi lại trong nước. Ngay cả cháu trai của nhà Vua, một hoàng tử trong hàng kế vị trực tiếp, hoàng tử Cảnh, cũng đã theo đạo Thiên Chúa. Tuy nhiên, việc cải đạo đó đã khiến hoàng tử Cảnh mất ngôi vì Vua Gia Long đã chọn làm người kế vị một hoàng tử khác ở nhánh thứ yếu, một người chống đối đạo Thiên Chúa và thù ghét người nước ngoài nói chung.

 Sau khi Vua Gia Long qua đời, người thừa kế là Vua Minh Mạng (1791-1841) một người nhất định đàn áp tôn giáo mới. Đối với Vua Minh Mạng và đối với giai cấp quan lại cầm quyền, đạo Thiên Chúa là xấu xa và đặt ra một mối đe dọa nghiêm trọng cho các giá trị và văn hóa truyền thống.

Tàu ngoại quốc đến Việt Nam bị khám xét và các nhà truyền giáo đều bị từ chối nhập cảnh. Sách tôn giáo dịch sang tiếng Việt bị tịch thu và đốt cháy. Người Việt theo đạo Thiên Chúa bị buộc phải từ bỏ đức tin mới của họ. Chính quyền tưởng thưởng việc bắt giữ các linh mục ngoại quốc và Việt Nam. Những linh mục và những người cải đạo nào không chịu từ bỏ đức tin đều bị tra tấn dã man và bị hành quyết.

Năm 1835, một linh mục người Pháp, Joseph Marchand, bị bắt cùng với tàn dư của cuộc nổi loạn Lê Văn Khôi ở miền Nam. Sau khi Marchand và những người công tác với ông ta bị tra tấn dần cho đến khi chết, Vua Minh Mạng đã ra lệnh tăng cường nỗ lực đàn áp đạo Thiên Chúa.

Dưới thời Vua Minh Mạng, hàng chục nghìn, có thể lên tới 100.000 người Việt theo đạo Thiên Chúa và các linh mục, người nước ngoài cũng như người Việt, đã tử vì đạo, một số đó trong những hoàn cảnh khủng khiếp nhất. Mặc dù vậy, đạo Thiên Chúa vẫn tiếp tục lan rộng khắp đất nước và người Việt tụ tập càng ngày càng đông trong các nhà thờ Công Giáo, kể cả một số nhà thờ được xây dựng ngầm trong lòng đất. Trong khi đó, việc đàn áp các nhà truyền giáo và những người cải đạo tạo cho Pháp một lý do để can thiệp vào các vấn đề của Việt Nam. Sự kiện đó cũng thúc đẩy người Pháp dùng lãnh thổ Việt Nam để thiết lập một con đường thương mại với Trung Quốc, và biến Việt Nam thành một thuộc địa ở Đông Dương.

Vua Thiệu Trị (1807-1847), một con người ôn hòa, kế vị cha là Vua Minh Mạng. Thoạt đầu Vua Thiệu Trị giảm bớt cường độ của các hoạt động chống lại đạo Thiên Chúa. 

Năm 1847, Pháp cử hai tàu chiến đến  Cửa Hàn yêu cầu bãi bỏ chính sách bài đạo Thiên Chúa và cho người Việt Nam được tự do theo đạo Thiên Chúa. Trong khi chờ đợi trên tàu đậu trong hải cảng, người Pháp nhận thức sai lầm rằng họ sẽ bị tấn công bởi một số thuyền Việt Nam đang neo đậu gần đó. Tàu Pháp đơn phương nổ súng và đánh chìm tất cả các thuyền tình nghi. Vua Thiệu Trị lập tức phản ứng bằng cách tiếp tục cấm mọi hoạt động truyền giáo và ra lệnh trừng phạt nghiêm khắc những người Việt theo đạo Thiên Chúa.Sự ác cảm với đạo Thiên Chúa đi đôi với những khuynh hướng bài ngoại khác của các triều vua Nguyễn. Những người nước ngoài từng được chào đón dưới thời Gia Long bỗng mất lòng tin của triều đình. Mọi ảnh hưởng của nước ngoài được thúc đẩy bởi tôn giáo, thương mại hay chính trị, đều bị gạt bỏ. Việt Nam thực sự bế quan tỏa cảng để không cho những kẻ man rợ từ phương Tây vào trong nước phá hoại. Vì thế cả nước bị đình trệ trong vài thập kỷ quan trọng trong khi những kẻ thù ngoai quốc ngày càng tiến bộ mạnh mẽ và trở nên liều lĩnh hơn.

You may also like

Leave a Comment

Verified by MonsterInsights