NGUYỄN TRỌNG HIỀN
Hoàng Hoa Thám tham gia khởi nghĩa chống Pháp năm 1874 khi mới 16 tuổi. Đến năm 1892, ông trở thành thủ lĩnh dân quân đóng ở huyện Yên Thế, tỉnh Bắc Giang.
Trong thời gian hơn 30 năm sau, “anh hùng Yên Thế” trở thành cơn ác mộng của quân đội thực dân Pháp. Ông đã thắng và thua trong nhiều trận đánh, trong đó có trận đọ sức với hơn 15.000 quân thực dân chống lại lực lượng của ông.
Bất chấp những thất bại và tiền thưởng mà Pháp dành cho những kẻ nào bắt được ông, Hoàng Hoa Thám thường tránh được hoàn cảnh bị bắt làm tù binh. Khi thua trận, ông hay biến mất khỏi chiến trường để xuất hiện lại vài tháng sau ở nơi khác và tiếp tục các cuộc tấn công chống Pháp. Ông sống cho đến năm 1913. Năm đó ba người lính đánh thuê Trung Quốc bỏ thuốc đầu độc ông, rồi đem đầu ông giao cho người Pháp.
***
Việt Nam không thể thoát khỏi ách đô hộ của Pháp, và nguyên nhân chính là các ông Vua nhà Nguyễn đã chủ trương hướng nội khi đối mặt với quyền lực và ảnh hưởng của Tây phương.
Có thể ban đầu họ bận tâm với việc dập tắt ngọn lửa của nhiều cuộc nổi loạn trên khắp đất nước. Một số cuộc nổi dậy được các thuộc hạ của triều đại nhà Lê trước đó khởi sự, những người nổi dậy này coi nhà Nguyễn là kẻ cướp ngôi. Tuy nhiên, vào giữa thế kỷ 19, mối đe dọa thực sự đến từ nước ngoài và cách tốt nhất để chống lại là mở cửa đất nước và cố gắng học hỏi càng nhiều càng tốt từ phương Tây, như Nhật Bản và Xiêm La đã từng làm. Thay vì làm như vậy, các Vua nhà Nguyễn tuyên bố Việt Nam bế quan tỏa cảng để chống lại ảnh hưởng của người nước ngoài và từ chối bất cứ điều gì có quan hệ với phương Tây.
Các học giả và quan lại phục vụ chế độ cũng chẳng khôn ngoan hơn những nhà Vua. Để duy trì địa vị xã hội và đặc quyền của họ, đại đa số bám vào các giá trị và phong tục Nho giáo truyền thống. Họ tin rằng Việt Nam nên theo mô hình Trung Quốc và chính Trung Quốc sẽ giúp Việt Nam về quân sự và chính trị khi nào cần thiết.
Với cái nhìn thế giới bị ảnh hưởng qua hơn một nghìn năm bởi nước láng giềng lớn và hùng mạnh hơn ở phương Bắc, không ai nhận thức rằng Trung Quốc đang suy sụp nhanh chóng và cuối cùng sẽ không thể tự giúp mình chứ đừng nói gì đến việc cứu giúp bất cứ quốc gia nào khác.
Những người như Phan Đình Phùng là một ngoại lệ hiếm có. Ông muốn đất nước bắt chước Nhật Bản hay Xiêm La, đồng thời học hỏi và áp dụng khoa học và công nghệ phương Tây. Tuy nhiên, ông là một tiếng nói đơn độc không được các quan lại và các nhà Vua mà ông phục vụ nghe theo.
Phong trào Cần Vương bước đầu kêu gọi cả nước chống giặc ngoại xâm phương Tây. Tuy nhiên, một số người thuộc phong trào Cần Vương đã lấy cớ chống Pháp để tiêu diệt những người Việt theo đạo Thiên Chúa. Người Công Giáo Việt Nam không có sự lựa chọn nào khác ngoài việc nhờ người Pháp bảo vệ tính mạng của họ. Do đó, một thành phần đáng kể và ngày càng gia tăng trong xã hội Việt Nam đã dần dần thấy hạnh phúc và sự sống còn của họ phải dựa vào sự hợp tác với người Pháp. Cuối cùng, triều đình Huế đã phải chịu sự kiểm soát của chính quyền thuộc địa Pháp và bị bó buộc phải nới lỏng các chính sách chống đạo Thiên Chúa và ngưng đàn áp thiểu số Công Giáo đang càng ngày càng gia tăng.
Sau khi vua Hàm Nghi bị đày sang Algérie, tinh thần kháng chiến suy yếu và phong trào Cần Vương tàn lụi dần. Không có thế lực nước ngoài nào sẵn sàng giúp quân Cần Vương chống lại quân Pháp. Các cường quốc Tây phương đang bận rộn chia cắt Trung Quốc, và không một quốc gia Á Châu nào, nhất là Trung Quốc, có thể cung cấp bất cứ điều gì ngoài việc cho một số ít người Việt đến tị nạn để trốn khỏi áp lực của các cuộc tấn công của Pháp.
Chế độ quân chủ và triều đình vẫn tồn tại ở Huế, mặc dù các nhà Vua đều do người Pháp bổ nhiệm. Quan lại khắp nước phải thề trung thành với nhà Vua và với chế độ thuộc địa nếu họ muốn giữ chức vụ của mình và tiếp tục được hưởng cấp bậc và đặc quyền của mình.
Chế độ thực dân Pháp bắt đầu ở miền Nam và trong vòng vài năm, dấu hiệu của sự hiện đại và tiến bộ bắt đầu lộ rõ. Đường sắt và xe lửa đầu tiên được khánh thành ở Sài Gòn vào năm 1885, và vùng đồng bằng sông Cửu Long màu mỡ biến thành một vựa lúa thực sự. Miền Nam vượt trội về kinh tế so với miền Trung và miền Bắc, một vị trí mà miền Nam sẽ tiếp tục giữ vững trong thế kỷ 21, bất chấp chiến tranh và mọi sự chia rẽ chính trị.
***
Khi chỉ còn cách nhà vài ngày, Tâm phải dừng lại ở một bờ sông để chờ đò đưa sang bờ bên kia. Chàng đi đến một quán nhỏ gần đó để tránh cơn mưa to đang ào ào đổ xuống. Vài tháng trước, khi chàng tới nơi đây, con sông là một dòng nước dịu dàng, nhã nhặn có màu ngọc bích. Giờ đây, sau những cơn mưa gió mùa, con sông đã to hơn gấp hai hoặc ba lần kích thước trước đây. Nước sông chảy nhanh và dữ dội, trộn đầy những hạt phù sa và đất sét đỏ cam bị lôi cuốn theo từ đầu nguồn sông tận bên Lào hay xa xôi hơn nữa.
Một bà già, có lẽ là chủ quán, bưng ra ấm trà và đĩa lạc để khách nhấm nháp trong khi chờ đò. Một lúc sau, chàng thấy một chiếc thuyền hiện ra trong màn sương đã tụ họp trên con sông. Hai người lái đò đang cố gắng chèo ngược dòng nước để đưa thuyền đến ngay nơi chàng đứng đợi trước đó. Họ vội vã vào quán trọ ngay sau khi họ buộc chặt thuyền vào bờ. Chàng chào hỏi hai người trước khi họ tìm được chỗ ngồi.
“Hai bác có sắp đi qua bờ bên kia một lần nữa không?”
Người lớn tuổi hơn trong hai người đàn ông hỏi lại.
“Có ai khác ngoài thầy không?”
Ông ta đã nhận ra Tâm là thầy giáo làng và xưng hô một cách kính trọng.
“Không chỉ có mình tôi.”
“Vậy thầy có thể đợi một lúc được không? Có thể sẽ có thêm khách xuất hiện sau đây, và như vậy chúng tôi cũng được nghỉ mệt một ít.”
“Tôi không vội,” Tâm đáp. “Các bác muốn đợi bao nhiêu lâu cũng được.”
Bờ sông gần như không có bóng cây và bóng mát. Trước đó vài tháng, có một đoạn dốc từ bờ sông xuống mép nước, nhưng bây giờ có thể bước dễ dàng từ bờ xuống thuyền. Tâm tự hỏi điều gì sẽ xảy ra nếu dòng sông tràn lên bờ. Người đàn ông lúc nãy lên tiếng cắt ngang dòng suy nghĩ của chàng.
“Mấy tháng trước thầy đã xuống đây với một nhóm sĩ tử, phải không thầy?”
Tâm khá ngạc nhiên về trí nhớ sắc bén của người đàn ông. Nhóm người mà chàng đi cùng trên đường vào Huế chắc đã gây ấn tượng với những người lái đò, nhưng chàng không nghĩ mình lại nổi bật đến thế.
“Vâng, lúc đó chúng tôi đang trên đường đi thi ở kinh đô.”
Người đàn ông không nhắc đến sự thật hiển nhiên rằng chuyến trở về không báo trước của Tâm đồng nghĩa với việc chàng đã thất bại.
“Chắc là thầy phải quay lại dạy học ở làng mình rồi. Phải chi thầy đến làng chúng tôi. Nhưng chúng tôi không có trường học và không có nơi nào để con cái chúng tôi đi học được.”
“Tại sao làng của các bác lại không có thầy giáo hay trường học?”
“Làng chúng tôi quá nhỏ để có thể thuê một giáo viên, và thị trấn gần nhất có trường học thì lại quá xa để bọn trẻ đi bộ đến đó. Vả lại thị trấn hiện đang được quân nổi dậy củng cố và sớm muộn gì quân Pháp cũng sẽ tấn công vào đó”.
Tâm biết vẫn còn những nhóm nổi dậy chống Pháp, nhưng đây là lần đầu tiên có người nói với chàng về một địa điểm cụ thể.
“Nhóm này có thuộc phong trào Cần Vương không?”
“Có, đúng vậy. Họ được lãnh đạo bởi một vị quan triều đình hưởng ứng lời kêu gọi của Vua Hàm Nghi, và hầu hết những người nổi dậy là những người yêu nước từ tỉnh này và các vùng lân cận. Không ai trong chúng tôi thích người Pháp và nhiều người đã tham gia nhóm nổi dậy này để chống lại kẻ thù.”
“Người Pháp đã bao giờ tấn công thị trấn này trước đây chưa?”
“Chưa! Trái lại, chính quân nổi dậy đã tấn công các tiền đồn của Pháp để cướp vũ khí và giết một số lính Pháp. Các nhóm đột kích của họ được cầm đầu bởi một người chỉ huy táo bạo. Người này đã giành chiến thắng trong mọi cuộc tấn công cho đến nay. Nhưng ai cũng lo người Pháp sẽ trả đũa, có thể là ngay sau khi hết gió mùa, nếu không phải là trước đó.”
“Người chỉ huy đó là ai vậy? Bác có bao giờ gặp hoặc nhìn thấy chưa?
“Ở đây ai cũng biết ông ấy. Ông ấy rất nổi tiếng và có tên là Lãnh Binh Chính.”
Tâm dành thời gian còn lại để hỏi thêm về quân Cần Vương và người chỉ huy của họ. Chàng ngờ rằng mình từng biết người chỉ huy, nhưng chỉ giữ ý nghĩ đó cho riêng mình.
***
Một thời gian sau, thêm ba người khách đến quán cạnh bến phà. Họ chỉ mang theo những gói nhẹ, ăn mặc gọn gàng và trông không giống bất cứ ai trong vùng. Một cô gái trẻ, xinh xắn và có vẻ đôn hậu hỏi hai người lái đò.
“Các bác sẽ sớm đi qua bên kia sông không?”
“Ngay khi mưa tạnh,” người lái đò lớn tuổi trả lời.
Cô gái có giọng nói của người Huế, và nghe thấy vậy Tâm không khỏi nghĩ đến Giang. Chàng tò mò nhìn cô gái, và cô ta nhìn lại chàng với vẻ mặt hoàn toàn hồn nhiên, rồi bỗng phá lên cười.
“Thầy Tâm đang trên đường đi về nhà phải không? Sau kỳ thi Đình vừa qua ở kinh đô, phải không? Tôi còn nhớ nhìn thấy thầy lúc các người lính của Bộ Lễ đến thăm thầy.”
Tâm nao núng khi nhớ lại ngày đáng xấu hổ đó, nhưng chàng nghĩ cố giữ thể diện cũng chẳng lợi ích gì. Có hàng trăm người đã nhìn thấy chàng phải đeo cái gông quanh cổ trước khi bị giải đến nhà tù trong kinh thành. Chàng không nhớ đa số khuôn mặt của những kẻ hiếu kỳ hôm đó và không thể nào mà chàng nhận ra được cô gái này.
“Vậy cô nương đã có mặt hôm đó… Đúng là tôi đang trên đường về nhà, sau khi mọi sự không diễn ra như tôi mong ước. Tôi sẽ trở về làm thầy giáo tại làng của tôi.”
Nàng gật đầu thông cảm và khuyên nhủ chàng.
“Thầy không nên cảm thấy xấu hổ vì trượt kỳ thi lần này. Dân chúng không ai tin rằng Thầy đã có tội phạm húy, cái luật vô lý về việc sử dụng tên cấm kỵ của nhà Vua. Dù sao chăng nữa thầy cũng sẽ không vui nếu làm quan trong thời thế hiện tại. Nhà Vua và triều đình hoàn toàn chịu sự giám sát của Pháp, và các quan bây giờ chỉ là tay sai của Pháp.”
Chắc nàng còn muốn tiếp tục nói luyên thuyên với Tâm, nhưng chàng thấy nên thay đổi chủ đề câu chuyện.
“Còn cô nương thì đang đi đâu vậy?”
“Tôi đi gặp một người họ hàng của tôi đã theo chồng lên tỉnh này.”
Hai người lái đò đưa mắt nhìn nhau, và sau đó Tâm thấy họ quan tâm đặc biệt đến những người mới đến. Người lớn tuổi hơn đột ngột hỏi.
“Tên cô là gì?”
Cô gái trẻ tỏ ra không ngạc nhiên trước câu hỏi bất thường và vui vẻ trả lời.
“Tôi tên Ve, như con ve sầu.”
“Vậy cô đấy hả!” người đàn ông kêu lên. “Chúng tôi được lệnh chờ đón cô và nhóm của cô.”
“Ai đã nói như thế với bác?”
“Lãnh Binh Chính. Tuần trước ông ấy cho biết cô sẽ từ kinh đô lên đây.”
Bác lái đò lúc này đã thu hút được sự chú ý của tất cả các hành khách cho chuyến đò. Tâm giữ im lặng, trong khi cô gái trẻ tên là Ve tiếp tục nói chuyện sôi nổi với hai người lái đò.
“Tôi chưa bao giờ gặp vị chỉ huy ấy. Bác có thể cho tôi biết thêm về ông ta và quân nổi dậy của ông ta không?”
Vì thế, trong khi đợi trời tạnh mưa, cả hai người lái đò đã kể cho cả nhóm nghe về quân nổi dậy và người chỉ huy của họ. Ve lắng nghe và hỏi những câu mà Tâm chưa nghĩ đến. Rõ ràng là cô ấy và hai người đi theo háo hức muốn gia nhập quân nổi dậy và đã thực hiện chuyến đi từ kinh đô với mục đích duy nhất đó trong đầu.
Một lúc sau, cuộc trò chuyện dần dần lắng xuống. Những người lái đò đã nói những gì họ muốn nói, và người phụ nữ trẻ biết rằng cô không thể ép họ nói thêm nữa. Mọi người nhấm nháp trà và ăn lạc luộc mà bà chủ quán cũ mang ra. Ve và những người bạn đồng hành của cô dường như chìm đắm trong suy nghĩ trong khi chờ mưa tạnh. Để hết buồn chán, Tâm lôi quyển từ điển ra giở từng trang. Chàng thay phiên nhắm và mở mắt trong khi cố gắng ghi nhớ những chữ tiếng Pháp mới.
Ve vừa quan sát Tâm vừa gật đầu tán thưởng.
“Thầy là một học giả khác thường.”
Chàng gập quyển sách lại, ngạc nhiên trước nhận xét của Ve.
“Tại sao cô nương lại nói thế?”
“Tôi thấy Thầy đang cố gắng học tiếng Pháp. Hầu hết các học giả mà tôi biết đều trung thành với chữ và sách Hán của họ và không muốn học ngoại ngữ nào khác
“Còn cô nương thì sao, cô nương cũng biết tiếng Pháp à?”
“Vâng, tôi học trường do các linh mục người Pháp dạy,” nàng đáp. “Tôi không phải là người Công Giáo nếu thầy đang thắc mắc chuyện đó. Cha mẹ tôi chỉ muốn tôi học tiếng Pháp thôi.”
“Vậy thì cô nương rất may mắn. Chẳng mấy bậc cha mẹ cho phép con gái của họ được giáo dục, nhất là từ người nước ngoài.”
Khi nhắc đến cha mẹ, Ve im lặng một lúc. Những người bạn đồng hành của nàng có vẻ khó chịu và liên tục liếc nhìn nàng một cách thận trọng. Cuối cùng, Ve lắc đầu và nói thêm một cách khó hiểu.
“Cha mẹ tôi là những người rất tiến bộ và cởi mở. Họ sẽ vui mừng nếu gặp được một người như thầy. Tôi hơi ngạc nhiên khi thấy thầy tự học tiếng Pháp từ quyển tự điển đó. Học cách đó chắc là hơi khó phải không?”
Tâm tìm cách không trả lời trực tiếp câu hỏi, nhưng cuối cùng đành bỏ cuộc. Đôi mắt của chàng tiết lộ tình trạng khó xử của mình.
“Thực ra, ban đầu có người giúp tôi và tặng cho quyển sách này để tôi có thể tiếp tục tự học.”
Ve vui hẳn ra khi nhìn thấy rõ sự hoang mang nhất thời của Tâm. Với đôi mắt đầy hân hoan và nghịch ngợm, nàng quở trách Tâm.
“Và cô ấy đã để cho thầy chạy thoát, hay chính Thầy là người đã bỏ rơi nàng? Bây giờ thầy có nhớ nàng không?
Hàng loạt câu hỏi của Ve khiến Tâm mỉm cười lúng túng, nhưng chàng giữ im lặng trong khi nàng nhìn chàng với đôi mắt tinh nghịch trong vài phút trước khi trở nên dịu dàng.
“Được rồi, Thầy không cần phải nói với tôi,” Ve nói. “Tôi chắc rằng nàng là một thiếu nữ vừa trẻ vừa đẹp và thầy chắc nghĩ về nàng ấy nhiều hơn thầy muốn công nhận tại đây. Nhưng tôi sẽ không tọc mạch vào cuộc sống cá nhân của thầy. A, phải chi có ai đó nghĩ về tôi nhiều như vậy, hay là chỉ bằng một nửa cũng được.”
Ve ngoảnh đi, thở thật dài, và đứng dậy đi ra cửa nhìn ra ngoài.
Đến đó Tâm cảm thấy lúng túng. Sau hai tháng cố gắng không nghĩ về Giang, chỉ trong vài phút một người lạ đã nhìn thấy rõ lý trí và tim của chàng. Chàng thầm khen người thiếu nữ thông minh và bốc đồng tự gọi mình là con Ve. Có phải nàng xuất thân từ một gia đình quan lại cao cấp nào đó đã thất sủng và hiện đang chống lại chế độ hiện tại?
Hai người đàn ông đi cùng nàng dường như coi nàng như thủ lĩnh của họ, trong khi nàng cư xử như một người không biết sợ, ăn nói thẳng thắn và có thể dễ dàng ứng xử với những người hoàn toàn xa lạ trong bất cứ hoàn cảnh nào. Nàng không nhiều tuổi hơn Giang bao nhiêu, và nàng sẵn sàng dấn thân vào một chính nghĩa mà nhiều người coi là vô vọng hoặc đã thất bại rồi.
Ve quay trở lại từ cửa và đi đến những người bạn đồng hành của mình. Nàng nhặt cái bọc mang theo trước khi vào quán trọ và quay mặt về phía những người lái đò.“Mưa sắp tạnh rồi,” Ve nói. “Chúng ta nên khởi hành ngay bây giờ và đi gặp Lãnh Binh Chính.”
(Còn tiếp)