NGUYỄN TRỌNG HIỀN
Sau khi mọi người đi hết, Xã Long hít điếu cày phì phèo rồi ngả người ra ghế hồi tưởng. Chất nhựa trong thuốc lá đã kích thích bộ não đang buồn ngủ của hắn và đem ra những điều hắn chưa bao giờ chia sẻ với ai. Không giống như cậu con trai, hắn luôn luôn bạo dạn và hung hăng với phụ nữ, và hắn đã từng chiếm đoạt nhiều người bằng mưu kế hoặc, khi nào cần thiết, bằng vũ lực.
Xã Long đã không nghĩ về chuyện ấy trong nhiều năm, nhưng hắn vẫn nhớ rõ những gì đã xảy ra. Sau một bữa tiệc khuya, vào gần sáng hắn đi xuống nhà dưới để giải tỏa. Khi đến nơi, hắn thấy một người đàn bà đi ngang qua, dáng đi đung đưa và bước chân nhẹ nhàng. Nàng há hốc miệng ngạc nhiên và phải dừng lại ngay khi hắn đối mặt với nàng.
Ngay cả trong làn sương mù mờ của bình minh, hắn thấy nàng rất duyên dáng với một thân hình khỏe mạnh, với những đường nét tuyệt đẹp. Hắn tiến về phía nàng và ôm chầm lấy nàng. Nàng chống trả để thoát khỏi vòng tay hắn bằng một sức mạnh khác thường ngay cả đối với một đàn bà nông thôn. Tuy nhiên, hắn đang ở độ tuổi thanh xuân và như một con lợn rừng, đè nàng xuống đất và cưỡng bức nàng. Tiếng kêu cứu của nàng, sau đó là những tiếng nức nở đau đớn, đã không gây được ảnh hưởng gì trong không gian lặng lẽ của buổi sáng sớm. Khi hắn xong chuyện, nàng vùng dậy, chạy đi và biến mất trong sương mù, và hắn không bao giờ được nhìn thấy nàng nữa.
Canh Tác Vàng
Năm 1865, sau cuộc nổi loạn Thái Bình Thiên Quốc ở Trung Quốc, quân Cờ Đen dưới sự chỉ huy của Lưu Vĩnh Phúc tràn sang Việt Nam theo lời mời của vua Tự Đức. Mặc dù ban đầu họ giúp triều đình Huế bình định các cuộc nổi dậy ở địa phương và đánh bại lực lượng Pháp trong ít nhất hai trận đánh nổi tiếng, trên thực tế, quân Cờ Đen sớm trở thành những kẻ áp bức ngay tại những khu vực mà họ kiểm soát, đánh thuế và cướp bóc.
Quân Pháp với súng ống tốt hơn tiếp tục các cuộc tấn công và làm cho quân Cờ đen thất bại nghiêm trọng và bị thương vong nặng nề. Quân Cờ Đen ở lại Việt Nam càng lâu thì nguồn tiếp tế từ Trung Quốc càng ngày càng là điều không chắc là sẽ được tiếp tục. Họ có thể dùng vũ lực để kiếm lương thực từ những người dân, nhưng vũ khí và đạn dược phải đến từ Trung Quốc, một quốc gia đang tan rã dưới áp lực nước ngoài và các cuộc nổi dậy nội bộ chống lại chế độ nhà Thanh.
Một số quân Cờ đen bắt đầu rút qua biên giới để trở về căn cứ, hoặc để về nhà vì đã mệt mỏi sau quá nhiều năm chiến đấu không ngừng. Cuối cùng, khi Trung Quốc và Pháp ký hòa ước năm 1885, chấm dứt ảnh hưởng của Trung Quốc và thiết lập vững chắc sự đô hộ của Pháp tại Việt Nam, quân Cờ đen được lệnh rút về Trung Quốc. Hầu hết thi hành mệnh lệnh đó, nhưng một số nhỏ ở lại trên đất Việt và sáp nhập với các nhóm chống Pháp hoặc các nhóm thổ phỉ địa phương để tồn tại.
***
Cũng trong đêm bữa tiệc đón mừng quan Tuần Phủ mới, một người đàn ông đến một ngôi nhà nhỏ cách xa làng nhiều cánh đồng. Sự cô lập được chủ ngôi nhà và những người dân còn lại trong làng đồng ý.
Có nhiều thuật ngữ để nói về nghề của những người cư ngụ trong ngôi nhà này, từ cách phát âm sai cho đến những danh từ cao cả, tùy theo mức độ thanh nhã của người nói chuyện. Cặp vợ chồng sống trong ngôi nhà làm một công việc thiết yếu đối với hầu hết các xã hội loài người, đó là lấy phân do con người sản xuất và đem ra một nơi đủ cách xa để không xúc phạm đến thị giác và khứu giác của dân làng. Những gì họ mang đi được gọi là “vàng,” hay là “phẩn.” Chất đó được bày ra trên những cánh đồng của hai vợ chồng, và để phơi tại đó cho đến khi hầu hết mùi hôi bay mất. Ánh sáng mặt trời và đặc biệt là những tia cực tím sẽ làm phần việc còn lại trong việc tiêu diệt vi khuẩn và biến phân người thành một sản phẩm hữu ích.
Sau đó, hai vợ chồng nông dân “vàng” bán lại chất phân rải trên ruộng của họ cho các nông dân khác trong làng để làm phân bón. Thu gom là công việc họ phải làm mỗi ngày trong năm, trừ những khi họ bị đau ốm hoặc trong dịp Tết. Những thế hệ của cùng một thị tộc đã làm điều đó hàng mấy trăm năm ở ngôi làng này và những ngôi làng xung quanh. Trong khi thiên hạ sẵn sàng trả tiền cho các dịch vụ của họ và mua sản phẩm của họ, hầu hết mọi người đều coi thường những người hành nghề này, tương tự như dân Dalit ở Ấn Độ hay dân Eta ở Nhật Bản. Bất kể giá trị hoặc sự hữu dụng của họ, đối với xã hội họ là những kẻ bị coi là ô uế, cần phải được tránh xa, và bị từ chối tiếp xúc với dân chúng bình thường.
Người đàn bà trong nhà là Phạm Thị Cơ xuất thân từ một dòng dõi nông dân vàng lâu đời, còn chồng bà là Vũ Văn Khang là người ngoài vào gia tộc qua ngả hôn nhân. Trừ khi họ sẵn sàng kết hôn với họ hàng xa từ các vùng khác trong nước, thanh niên và thiếu nữ của những người nông dân vàng thường khó mà tìm ra người vợ hay người chồng không sợ bị lôi kéo vào một nghề mà hầu hết mọi người coi là ghê tởm hoặc làm hạ phẩm giá.
Bởi vì họ sẽ nói gì khi người ngoài hỏi cha mẹ làm gì để kiếm sống? Người ta bao giờ cũng tránh xa khi bắt gặp họ trên đường với đòn gánh và hai thùng “vàng.” Làm sao mà họ bắt chuyện và làm quen với một người ngoại tộc? Do đó, theo thời gian, những người trong tộc, nhất là lớp trẻ, bỏ đi các tỉnh xa để làm nghề khác, và không bao giờ trở về cội nguồn.
Trong trường hợp của Cơ, cha mẹ nàng quyết định gả cô năm 16 tuổi cho một chàng trai chỉ bằng nửa tuổi nàng. Anh ta xuất thân từ một gia đình nghèo khó với quá nhiều miệng ăn, và cha mẹ anh đã cho anh ta đi để những người còn lại không phải chết đói. Sau lễ kết hôn đơn giản nhất, Cơ sống cuộc đời thanh bạch bên người chồng, ngủ bên anh như chị với em. Điều này kéo dài trong nhiều năm.
Một bàn tay gõ nhẹ vào cửa trong khi hai vợ chồng đang ngủ. Cơ nghe thấy, lắng nghe tiếng gõ lần thứ hai rồi đứng dậy khỏi giường và mò mẫm ra cửa trước.
“Con đây, mẹ.”
Cơ vội vàng mở cửa, và ngay khi cánh cửa vừa mở rộng, một bóng đen lách vào nhà.
“Đừng làm ồn, hãy để cha con ngủ,” nàng thì thầm.
Nàng thắp một ngọn đèn dầu và mang nó lại gần con trai trước khi nắm tay anh chàng và dẫn vào bếp ở phía sau căn nhà một phòng. Nàng nắm lấy vai con, nhìn vào khuôn mặt đẹp trai với đôi mắt sáng và cái miệng gợi cảm. Nàng nhìn thấy một chút của mình trong đó, và thoáng nuối tiếc vẻ đẹp đã tàn phai trên khuôn mặt mình dưới tác động của thời gian và công việc nặng nhọc mà nàng phải làm ngày này qua ngày khác.
“Tại sao con lại đến đây ban đêm vào giờ này? Con khỏe chứ? Con có đói không?”
“Mẹ, con đến thăm mẹ!” Vũ Văn Chính đáp, cố gắng không nhăn mũi trước mùi mà anh đã từng quen thuộc khi lớn lên trong căn nhà này. “Mọi chuyện đều tốt cả, và con đã ăn rồi. Cha mẹ thì sao?”
Cơ nhìn lại góc tối nơi chồng đang ngủ rồi nói.
“Cha mẹ vẫn vậy, nhưng cha mẹ không trẻ đi. Cha con và mẹ vẫn còn gánh vác được, nhưng không biết được vài năm nữa thì như thế nào. Còn con thì sao, con vẫn giao dịch với những lái buôn đó chứ?”
Cả hai đều hiểu ý nàng. Chính là đứa con một của gia đình, và khi anh ta bỏ nhà ra đi, cả hai vợ chồng đều biết rằng sẽ không có ai tiếp tục công việc của họ sau này. Đối với nàng, điều đó có nghĩa là năm thế hệ nông dân khai thác vàng sẽ kết thúc và nàng phải bó tay chịu vậy. Hai vợ chồng không thể có thêm một đứa con nữa. Nàng đã quá nhiều tuổi và nhiều năm trước họ đã cố gắng trong nhưng nàng không bao giờ có thể thụ thai được nữa sau khi sinh đứa con đầu lòng.
Mỗi lần Chính ghé thăm, nàng đều nhắc khéo đến vấn đề kế vị mà sự ra đi của người con duy nhất đã để lại cho nàng. Lúc đầu, anh còn nói rõ rằng anh ấy đã vĩnh viễn rời khỏi gia tộc. Gần đây, anh cũng chẳng buồn từ chối, và chỉ nói đến những đề tài khác.
“Công việc kinh doanh rất khả quan. Con và mấy người cộng tác sắp nhận được một món hàng tốt mà lại rẻ. Thêm một vài vụ như thế này nữa, thì tương lai của chúng con sẽ được đảm bảo! Nhân tiện đây, con nghe nói làng có một ông quan mới và hôm nay đã có một đám rước vinh quy tưng bừng cho quan này. Dòng tộc Nguyễn Hữu từ nay sẽ càng khó chịu hơn nữa.”
Cơ giữ im lặng, và chỉ nhìn vào khuôn mặt của con trai mình, khuôn mặt mà trên đó những nếp nhăn vì tuổi tác và những nỗi gian lao và khó khăn đã bắt đầu xuất hiện. Con trai nàng tiếp tục.
“Họ nói anh ấy không bằng thầy Tâm, và sẽ là một ông quan bất tài và một gánh nặng cho xã hội.”
“Con ơi, mình đừng quan tâm nhiều đến những gì mọi người nói, và dù sao thì điều đó cũng sẽ không ảnh hưởng đến chúng ta.”
Chính nói tiếp, không để ý đến lời nhận xét của bà mẹ.
“Hồi còn học trường làng, con biết cha thầy Tâm luôn luôn khuyến khích các học trò khác, như con ông Xã Trưởng, thi đua với con mình, nhưng môn nào cũng không ai qua mặt được thầy Tâm. Không những thế, thầy Tâm lúc nào cũng sẵn lòng giúp đỡ những học trò khác học, còn anh Chí thì chẳng bao giờ giúp đỡ ai. Anh ấy cứ ở riêng một chỗ, làm như anh ấy quá tốt so với những học trò khác.”
Bà mẹ thở dài: “Mẹ chỉ tiếc là con đã không tiếp tục học ở trường làng. Con đang học giỏi cho đến khi con nghỉ học và bỏ nhà ra đi.”
“Con không muốn đi học miễn phí mà không đóng góp gì như tất cả những người khác. Thật là xấu hổ, mặc dù cả thầy Tâm và cha của thầy trước đó không bao giờ nói gì cả. Dù sao đi nữa, giáo dục sẽ giúp ích gì cho con, nếu con tiếp tục nghề nghiệp của gia tộc mình? Ít nhất là bây giờ con đang sử dụng một vài điều con học được trong các giao dịch kinh doanh của con.”
Người cha đang ngủ lật người trên chiếc giường tre kẽo kẹt và lầm bầm trong giấc ngủ. Hai mẹ con giữ im lặng cho đến khi tiếng thở đều đặn của người cha cho biết rằng ông ta đã tiếp tục ngủ lại.
“Người ta nói rằng con đang liên kết mình với một số nhân vật tai tiếng,” bà mẹ hạ thấp giọng hơn nữa. “Có thật không? Con chắc là con không sao chứ.”
“Mẹ đừng nghe những gì người ta nói. Con không sao đâu, mẹ đừng lo lắng cho con.”
Cơ muốn hỏi Chính tại sao không đến thăm nàng vào ban ngày, thay vì lén lút đến vào ban đêm. Nàng cần nói với con những nghi ngờ và nỗi sợ hãi của mình, nhưng nàng biết từ những lần gặp trước rằng điều đó vô ích. Nàng sợ rằng có quá nhiều câu hỏi sẽ chỉ khiến Chính tránh xa hơn nữa. Cuối cùng, trong thâm tâm của mình, nàng sợ phát hiện ra sự thật về sự nghiệp của con trai mình.
Chính cắt ngang dòng suy nghĩ của bà mẹ.
“Mẹ, thôi con phải đi.”
“Con đợi trời sáng thêm một tí. Mẹ đi chuẩn bị đồ cho con ăn.”
“Các bạn con đang đợi con. Con phải đi ngay bây giờ.”
“Con sẽ không uống rượu hay tiệc tùng với họ, phải không?”
Chính gần như cười thành tiếng trước khi thì thầm vào tai bà mẹ.
“Thật ra, chúng con sẽ tham gia bữa tiệc của quan Tuần Phủ mới.”
“Con đừng đùa nữa!” Cơ kêu lên. “Họ không bao giờ mời những người như chúng ta đâu. Hơn nữa, nghe nói hắn còn mang theo binh lính, và nếu con đến gần bọn họ nhất định con sẽ bị đuổi đi.”
“Mẹ đi ngủ tiếp đi, không phải lo lắng gì cả.”
Chính ra khỏi nhà nhanh như chớp và biến ngay vào trong bóng tối. Cơ đứng ở cánh cửa hé mở, buồn bã và bất ổn trước những lời nói nửa đùa nửa thật của con trai mình.
Trong bóng tối quen thuộc, Cơ đến quỳ trước một bàn thờ nhỏ, nơi đặt một chiếc bát đầy gạo và tro để thắp hương trước một tượng Phật nhỏ làm bằng đất sét. Nàng lấy chuỗi hạt ra và bắt đầu trì tụng bài Bát Nhã Tâm Kinh mà chú của thầy Tâm đã dạy cho nàng. Hai trăm sáu mươi chữ đến với nàng một cách dễ dàng, và mặc dù nàng không bao giờ tuyên bố mình hoàn toàn nắm được ý nghĩa của chúng, âm thanh và nhịp điệu của chúng cuối cùng đã xoa dịu nàng. Nàng nhẩm đi đọc lại câu thần chú cuối cùng nhiều lần, mỗi lần yếu hơn lần trước, cho đến khi miệng nàng chỉ còn hơi thở ra và không có âm thanh.
Yết đế Yết đế Ba la Yết đế Ba la tăng Yết đế
Bồ-đề Tát bà ha
Cuối cùng, khi nằm xuống cạnh chồng, Cơ thấy mắt chồng mình mở và nhìn lên trần nhà. Câu hỏi của chàng không làm cho nàng ngạc nhiên.
“Con trai có nói nó làm gì để kiếm sống không?”
“Không, nó không nói,” Cơ thở dài.
(Còn tiếp)