Thầy Giáo Làng – kỳ 4

by Tim Bui
Thầy Giáo Làng (kỳ 5)

NGUYỄN TRỌNG HIỀN

Ngày hôm đó, trong khi Kham, người thư ký của mình, đi mời Thầy Tâm, Bonneau và vợ ngồi nghỉ thoải mái trong phòng khách của ngôi nhà mà Bonneau đã cho xây theo kiến trúc Âu Châu.

Trần nhà thật cao, cửa sổ rộng rãi, và nhà có một tầng thứ nhì với buồng ngủ riêng biệt cho cha mẹ và hai cô con gái. Một người giúp việc đứng đằng sau hai ông bà chủ, lấy tay đưa đẩy một cái quạt bằng lông cắm vào một sào tre dài.

Lúc đó vào khoảng chiều gần tàn, và Giang, ngồi trên một ghế đối diện cha mẹ, cứ chốc lát lại nhìn về phía đằng trước nhà.

Gần đó, trong một cái ghế khác, Mai đang giả vờ đọc một quyển sách nhưng không thể không nhìn cô chị với vẻ không đồng
ý. Nàng đã nghe chị thuật lại chuyện hôm trước nhiều hơn là một lần.

“Chị ơi, bỏ đi! Người ta không đến đâu.”

Không để ý đến em gái, Giang quay sang bố.

“Cha đã bảo Monsieur Kham đi từ lúc nào?”

“Chắc là cách đây hai tiếng đồng hồ,” Bonneau trả lời và quay sang nháy mắt với người vợ. “Này Mạ, tôi sai người ta đi hôm qua hay hôm nay?”

“Con không thể chịu được!” Giang nói.

“Đáng lẽ Cha phải cho người ta đi hẹn trước, rồi sau đó cho đi đón khách đúng hẹn.”

“Françoise, anh sĩ tử đó chưa đỗ đạt gì cả. Cha sẽ đối sử với anh ta như một ông quan, sau khi biết kết quả.”

Bonneau giả vờ lắc đầu và thở dài, làm cho cô con gái càng bực mình hơn. Đến lúc đó, cô em chen lời vào.

“Chị ơi, người ta không đến đâu. Chắc người ta còn đang bận mài móng tay dài, hay là đã đi câu cá, và Monsieur Kham đang
phải đi hỏi từng thuyền một ở bến Phu Văn Lâu.”

Phu Văn Lâu là một tòa nhà lầu được dùng làm nơi trưng bày hoăc niêm yết nhưng chỉ dụ và văn kiện quan trọng của nhà Vua hay của triều đình, trong đó có danh sách những học giả đã trúng cử kỳ thi tại kinh thành. Tuy nhiên, ai cũng biết nơi đó nổi tiếng vì gần bến đậu của các con đò cho khách từ xa, kể cả sĩ tử, đi du ngoạn và hưởng lạc trên sông Hương.

“Mai!” Giang bực bội kêu lên. Nàng đứng dậy đi ra ngoài để hưởng không khí mát mẻ một mình.

Nàng đi lang thang chung quanh vườn đằng trước, thăm hoa giấy mầu tím đang nở và những bụi cây cà phê với những quả
mọng xanh, cam, và đỏ. Để cho có việc gì làm trong khi chờ đợi, nàng bắt đầu hái những quả đã chín và đặt vào khăn tay của
mình.

Nàng, mẹ, và Francine phải mặc quần áo Tây phương mỗi buổi tối theo lời yêu cầu của người cha. Ông đã giải thích từ lâu rằng đó là một cách để ba mẹ con nhớ đến thành phần và truyền thống Pháp trong gia đình. Ban ngày ba mẹ con tùy tiện mặc quần áo Việt, nhưng khi mặt trời lặn phải trở về phong tục của Pháp.

Nàng tự hỏi chàng sẽ ngạc nhiên đến độ nào khi thấy nàng. Qua lời báo cáo của người lính mà nàng đã cho theo dõi chàng,
nàng biết chàng ở quán trọ nào và chàng tên là Lê Duy Tâm. Cha nàng đã hỏi triều đình và đã xác nhận anh ta là một trong những sĩ tử đã trúng cử kỳ thi Hội và mới thi xong kỳ thi Đình.

Tâm là một thầy giáo tại một làng ở miền Bắc, và nói với giọng Bắc hơi lạ đối với nàng. Chàng đã nổi tiếng vì học vấn uyên bác, nhưng không ai ngoài nàng ra biết là chàng cũng giỏi võ nghệ. Nàng vẫn còn nhớ chàng đã nhanh chóng đánh ngã hai kẻ cướp đang tấn công nàng và chị hầu, và đôi mắt sắc bén và nghiêm nghị của chàng đã làm cho hai tên cướp khiếp sợ và bỏ chạy.

Cũng với đôi mắt đó chàng đã nhìn thẳng vào mắt nàng và tỏ vẻ ân cần lo ngại. Nhưng ngay sau khi đưa nàng về đến nhà, chàng đã vội vàng từ giã, làm cho nàng không kịp nói gì cả. Ít nhất nàng cũng muốn gặp lại chàng để tỏ lời cám ơn thành thật. Nhưng bóng chiều đã gần tàn hết và ngày hè, tuy dài, cũng phải kết thúc. Nhìn lên cao nàng thấy trời đã tối hẳn đi.

Nàng nghe tiếng vó ngựa trước khi nhìn thấy xe. Một anh lính chạy ra mở cổng. Người thư ký xuống trước, rồi đến chàng
thầy giáo làng. Tóc chàng ướt, buộc thành đuôi ngựa ở phía sau. Trang phục của chàng đơn giản, chỉ bao gồm một cái áo dài đen hơi phai mầu và quần dài mầu nâu. Nàng chạy ra đón trước khi chàng nhìn thấy nàng.
“Thầy Tâm, em rất mừng Thầy đã đến được.”

Mắt chàng biểu lộ sự ngạc nhiên khi trông thấy trang phục Tây phương. Nàng mặc một áo dài tay với cổ lên cao tới cằm. Một cái váy dài che nửa dưới người nàng, xòe ra từ bụng đến hai bàn chân. Một lần nữa, chàng nhìn khuôn mặt của nàng để thấy đôi mắt xanh biếc và biết chắc là nàng chính là người mình gặp hôm trước. Sau đó chàng mỉm cười, và nàng cảm thấy tim mình đập nhanh hơn một ít.

“Françoise, con có mời khách vào nhà không?” giọng nói của cha nàng vang lên đằng sau nàng.


Đắc Sứ Nguyễn Văn Hải là một người Pháp có chức vụ quan trọng và có nhiều ảnh hưởng trong triều đình. Ông là một người
dáng cao, mặc bộ y phục hải quân Pháp nhưng không đội mũ, với nước da hồng hào, vẻ mặt tươi cười, và một bộ ria tay lái gọn ghẽ.

Tâm đã từng thấy những người như vậy từ đằng xa, và đa số không thân thiện và cởi mở như người đang đứng đối diện mình. Bên cạnh người cha Pháp là một người đàn bà Việt trông phảng phất như Giang. Bà mẹ cao và không mảnh khảnh như đa số đàn bà Việt khác. Bà ta cũng mặc trang phục Tây phương như con gái. Đứng đằng sau là một thiếu nữ khác, chắc là người em gái của Giang. Cô em trông có vẻ tinh nghịch và bộ dạng giống người Pháp hơn là cô chị, với nước da trắng hơn, mũi cao và nhọn, và tóc mầu nâu nhạt. Đôi mắt không xanh mà lại nâu đậm như đa số dân Việt. Đôi mắt đó có vẻ vui đùa với tình cảnh người thầy giáo làng vừa mới xuất hiện trước mặt gia đình ông quan Tây.

Bà mẹ và cô em chăm chú nhìn Tâm, dường như ngạc nhiên với bộ quần áo đơn giản, bộ duy nhất còn khô và sạch mà chàng
đem theo từ quê nhà. Ở kinh thành, quần áo phải tương xứng với con người và đia vị, mà bộ chàng đang mặc không thể nào phù hợp với một sĩ tử. Tuy nhiên chàng trai trông có vẻ thông minh tuấn tú, và mấy móng tay không thấy cong và dài.
Đặc Sứ Hải tiến lại gần khách và đưa tay ra.

“Xin chào Thầy Tâm đã đến thăm chúng tôi,” Bonneau nói bằng tiếng Việt thuần túy.

Giọng Huế của ông Đặc Sứ gần như tuyệt hảo, làm Tâm sửng sốt không ngờ có người nước ngoài nói được tiếng Việt giỏi như vậy. Chàng đưa tay ra bắt tay chủ nhà, theo phong tục Tây phương mà chàng đã nghe đến.

Tâm cũng kính cẩn cúi đầu chào bà mẹ của Giang, và sau đó đi theo cả gia đình vào trong nhà. Căn phòng chàng bước vào rộng mênh mông, không giống căn phòng nào mà chàng đã thấy ở nhà dân Việt. Giang đưa chàng đến một cái ghế và nàng ngồi xuống một ghế bên cạnh. Sau khi mọi người được giới thiệu, chàng trở thành trung tâm mọi con mắt của cả gia đình. Bà mẹ là người đầu tiên nói chuyện.

“Chúng tôi muốn cám ơn Thầy đã giải cứu con gái chúng tôi ngày hôm qua. Chính vì vậy mà chồng tôi sai người thư ký đi mời
Thầy đến đây.”

“Xin tất cả tha lỗi cho tôi đã đến muộn màng như thế này,” Tâm nói. “Hôm nay tôi đi du ngoạn trên thuyền suốt ngày và không biết thầy thư ký đến tìm tôi.”

Chàng thấy Mai, cô em, hình như cảm thấy những gì chàng nói thật đáng buồn cười. Giang nhìn em lườm để cảnh cáo.
“Không sao, Thầy đừng lo,” người cha nói.

“Tất cả lỗi tại tôi không có lo mọi chuyện cho thật chu đáo. Dù sao chăng nữa, Thầy đã đến với chúng tôi, và đó là điều quan
trọng nhất. Françoise, hay là Giang đây, đã kể cho tôi biết cách Thầy đối xử với hai tên cướp hôm qua. Tôi muốn cám ơn Thầy đã làm chuyện đó.”

“Chuyện ấy đâu có gì là đặc biệt. Bất kể ai trong trương hợp đó cũng đã hành động như tôi.”

“Nhưng chắc chẳng có ai có được những tài năng đặc biệt của Thầy. Tôi biết Thầy là một sĩ tử vừa mới thi Đình xong, nhưng tôi muốn hỏi Thầy có phải là một võ sĩ không?”

“Không đâu, tôi không tự cho mình là một võ sĩ,” Tâm nhanh chóng đáp lại. “Trong cả họ chúng tôi, qua nhiều thế kỷ có lẽ bắt đầu từ đời nhà Trần, mọi người đều luyện tập những miếng võ dùng để tự vệ do một trong những cụ tổ thời đó phát minh ra.
Tôi tập võ như là tập thể dục dưới sự chỉ dẫn của một người chú. Chẳng bao giờ tôi nghĩ mình sẽ có cơ hội đem ra áp dụng những miếng võ mà tôi học được của chú tôi.”

Ba người đàn bà để ý theo dõi cuộc chuyện trò, nhìn từ Bonneau sang đến Tâm.

“Điều đó thật là tuyệt vời,” Bonneau nói trước khi đổi sang đề tài khác.

“Thi cử nay đã chấm dứt và tôi biết Thầy chỉ còn phải đợi cho đến khi kết quả được công bố. Có thể phải vài tuần nữa mới biết. Từ bây giờ đến lúc đó, Thầy có định làm gì không?”

“Tôi hy vọng sẽ tiếp tục đi thăm nhiều nơi trong kinh thành và các vùng lân cận. Hôm qua là ngày đầu tiên, và tôi đã đi thuyền qua lăng vua Tự Đức, đến tận lăng vua Minh Mạng. Huế có rất nhiều di tích lịch sử, đài kỷ niệm và chùa chiền ở trong cũng như ở ngoài thành phố. Tôi chỉ hy vọng có đủ thời giờ đi thăm viếng từng chỗ.”

Một người giúp việc đến báo cáo là cơm nước đã được dọn ra xong xuôi. Cả nhà cùng đứng dậy. Bonneau nghiêng đầu về
phía người khách.

“Thầy Tâm, xin mời Thầy xơi cơm cùng với chúng tôi.”

Chàng lưỡng lự không biết phải làm sao. Chàng không ngờ gia đình Bonneau lại ăn cơm tối muộn như vậy, nhưng chàng không nghĩ ra cách nào để khước từ lời mời. Chàng nghĩ bữa ăn cơm hến hồi trưa đă tiêu biến đi từ lâu rồi và bụng chàng đã bắt đầu phản đối. Trong khi chàng còn đang lưỡng lự, Giang đến đứng trước mặt.

“Đi ra ngoài cả ngày, chắc Thầy phải đói lắm. Xin mời Thầy đi theo em.”

Nhìn vào đôi mắt xanh và nụ cười đầy thiện cảm, Tâm không tìm ra được lý do nào để từ chối nàng.

Mọi người tiến về phía một cái bàn hình chữ nhật. Bonneau ngồi đầu bàn, vợ và cô út ngồi một bên, cô chị cả và khách ngồi đối diện.

Tâm thấy hoa mắt với số lượng và các loại món ăn bầy sẵn trên bàn. Những người giúp việc đang bận rộn đặt thêm thức ăn lên bàn hoặc dọn vào từng bát đĩa cho gia đình và người khách. Tất cả bát đĩa dều nhỏ nhắn nhưng thuộc loại đồ sứ tốt.

Chàng nghe thiên hạ nói người Pháp dùng dao nĩa để ăn nhưng không thấy những đồ dùng đó. Mỗi người có một cái bát đặt trên một cái đĩa với một đôi đũa bên cạnh. Các món ăn xứng đáng cho nhà Vua, nhưng chàng phải công nhận mình không biết nhà Vua ăn uống ra sao.

Sau khi tất cả ngồi vào chỗ, Bonneau nhìn chàng và nói.

“Thầy Tâm, tôi thường đọc một bài kinh ngắn trước khi ăn cơm tối. Tôi hy vọng Thầy thông cảm cho.”

Trong khi chàng còn đang nhìn chủ nhà, chang cảm thấy dưới mặt bàn có một bàn tay nắm lấy tay phải của chàng và siết nhẹ.
Tâm nhìn xuống thấy bàn tay của Giang nắm chặt tay chàng và không chịu buông ra.

Cử chỉ đó làm cho chàng đột ngột xúc động. Chàng không nhớ Bonneau nói gì trong khi đọc kinh, chỉ biết rằng ông chủ nhà đọc kinh bằng tiếng Pháp. Kinh đọc xong, nàng thả tay chàng ra và tiếp tục hành động bình thường như không có chuyện gì xảy ra.

Trong bữa ăn, cả nhà nể khách cho nên mọi người đều chuyện trò vui vẻ bằng tiếng Việt. Các người hầu ra vào luôn, đem thêm nhiều món ăn nữa. Ngồi bên cạnh Tâm, Giang không ăn gì nhiều và luôn luôn dùng đũa gắp thêm thức ăn để vào bát chàng.

Cuối cùng chàng phải ngưng không ăn nữa vì đã no rồi và không quen ăn nhiều quá độ. Sau đó chàng mới thấy Giang lấy
thức ăn cho bản thân, nhưng chỉ nếm thử mỗi món một ít thôi.

Ông chủ gia đình thì ăn mạnh, cầm đũa rất khéo không ngượng ngạo gì, và rõ ràng thích những món ăn dân tộc của vợ mình.
Trong khi bàn ăn được dọn sạch để chuẩn bị cho bánh ngọt và trà, Bonneau ngả người ra sau ghế với vẻ hài lòng. Hắn liếc nhìn người khách lạ ngồi bên cạnh con gái của hắn.

Đa số những người bản xứ mà hắn gặp hàng ngày thường cố gắng tối đa để tỏ ra quá lễ phép và nịnh bợ. Ngược lại, anh thầy
giáo làng vẫn giữ được nhân phẩm của mình và tỏ ra rất là điềm tĩnh. Anh ta bắt tay một cách tự nhiên, vững chắc như là một
người Tây phương, và không có vẻ bị choáng váng với khung cảnh mới lạ giữa những kẻ lạ mặt vây quanh.

Có thể nào người ấy là một trong những kẻ phiến loạn hay thù ghét người nước ngoài và sẵn sàng cầm súng để đánh lại mặc dầu biết thế nào cũng sẽ bị thất bại? Tuy nhiên, sau hơn hai thập niên tại Việt Nam, Bonneau tự hào mình biết đánh giá tâm hồn người Việt. Hắn không nghĩ rằng Tâm là một mối đe dọa hay là một con người nguy hiểm cho an ninh trật tự.

Trước đó Bonneau đã hỏi thăm tin tức về Tâm, và những dữ kiện về chàng, tuy rất ít, đều tốt cả. Chỉ có một điều là người hương sư đó thiếu gia hệ vẻ vang và không có kẻ nào làm hậu thuẫn. Trong giới chình quyền, không ai biết về cha mẹ và gia đình Tâm. Chàng đi lên từ con số không, chẳng có ai ủng hộ hay tài trợ, và nếu thi trượt chắc sẽ trở về bóng tối.

Tuy nhiên, nếu Tâm thi đỗ, chàng sẽ là một bằng chứng cho thấy chế độ thi cử lỗi thời của xứ này thực sự có tính cách dân
chủ và có công đưa những con người khá nhất và thông minh nhất trong toàn quốc bước ra khỏi bóng tối để phục vụ nước nhà. Nếu thật vậy, Bonneau sẽ chộp lấy Tâm để đem về phục vụ chính quyền thuộc địa. Khá nhiều học giả Việt vô cùng căm tức sự hiện diện và oách thống trị của người Pháp. Nếu Bonneau thuyết phục được chàng trẻ tuổi và dễ mến này, việc đó sẽ là một bước quan trọng trong nỗ lực thuyết phục giới trí thức Việt Nam ủng hộ các chính sách và mục tiêu của chính quyền Pháp.

“Thầy Tâm, tôi biết còn phải đợi vài tuần nữa mới có kết quả kỳ thi, nhưng thầy nghĩ mình sẽ thi đỗ hay không?”

“Cha không được hỏi thiếu lịch sự như thế,” Giang trách bố mình. Nàng đã chuyển sang nói bằng tiếng Pháp.

“Nhưng cha không có ý định xấu xa nào,” Bonneau trả lời cũng bằng tiếng Pháp.

“Chưa kể cha có thể giúp đỡ anh ấy, nếu cần.”

Sau khi Bonneau giải thích như vậy, mặt cô con vẫn còn hơi giận. Tâm không hiểu đươc một chữ trong cuộc trao đổi ngắn ngủi giữa hai cha con. Chàng nhìn hai người để thử đoán họ tranh luận về điều gì. Cuối cùng chàng trả lời Bonneau như thường lệ.

“Tôi đã cố gắng tối đa trong kỳ thi, nhưng kết quả ra sao sẽ tùy thuộc vào các vị giám khảo và định mênh.”

“Vâng, đúng thế. Chúng ta chỉ cần chờ đợi thôi,” Bonneau nói. Rồi quay sang một đề tài rất quan trọng cho mình và cho các cấp trên trong chính quyền thuộc địa.

“Vì Thầy là một hương sư, tôi muốn hỏi Thầy về một đề tài khác: Thầy có quen thuộc với cách viết tiếng Việt bằng chữ cái La Tinh không, như các nhà truyền giáo đạo Thiên Chúa đã phát minh ra từ hơn hai thế kỷ vừa qua?”

Tâm trả lời ngay:

“Tôi có nghe thấy chuyện đó, và tôi vẫn muốn tìm hiểu thêm. Nhưng cho đến nay tôi chưa tìm được cách tự học lối viết ấy,
hoặc tìm ra bất cứ ai dạy và chỉ bảo tôi.”

“Thầy phải biết rằng trong nhà này, chỉ có vợ tôi biết đọc và viết chữ Nho. Còn phần tôi thì không biết gì cả, mặc dầu đã có nhiều lần tôi muốn làm được chuyện đó khi tôi phải giao thiệp với nhà Vua và các quan tại triều đình.”

Hắn phẩy tay để xua đuổi những ý nghĩ đen tối có thể đưa hắn đi lạc đề.

“Hai đứa con tôi không chịu học tiếng Hán vì cho là khó và quá tốn kém thời giờ. Vì thế chúng tôi nhất định yêu cầu hai đứa
học đọc và viết tiếng Việt bằng mẫu tự La Tinh. Cả nhà tôi và tôi đều biết lối viết đó. Ở nhà bà ấy dạy tiếng Việt cho hai đứa. Đi đến trường thì các linh mục giảng dạy tất cả các môn bằng tiếng Pháp. Hai đứa đã học hành như vậy được mấy năm nay rồi, và cả hai đều thông thạo cả tiếng Pháp lẫn tiếng Việt.”

Hắn quay sang hai cô con gái, và hai cô gật đầu xác nhận những điều mà người bố vừa nói. Bonneau đứng dậy và nói với Tâm:
“Mời Thầy đi theo tôi và tôi sẽ cho Thầy thấy bằng chứng liên quan đến những gì tôi vừa nói.”

(Còn tiếp)

Xem thêm
https://www.toiyeutiengnuoctoi.com/thay-giao-lang-ky-3/
https://www.toiyeutiengnuoctoi.com/thay-giao-lang-ky-2/

You may also like

Leave a Comment

Verified by MonsterInsights