NGUYỄN TRỌNG HIỀN
Căn cứ (tiếp theo)
Tâm ngủ chập chờn suốt đêm, cuộn tròn trong một góc phòng và chống chọi với cái lạnh từ những ngọn đồi xung quanh tràn xuống. Chiếc chăn và nệm họ cho mượn không cho chàng đủ ấm.
Tâm dậy sớm và tập thể dục như thường lệ. Xong xuôi, chàng ngồi ngắm mặt trời mọc và chiêm ngưỡng sắc đỏ và cam trên bầu trời u ám ở chiếc bàn trong góc trong khi chờ đợi. Khi có đủ ánh sáng, chàng lấy một quyển sách nhỏ ra đọc nhưng thấy rằng không thể tập trung tư tưởng vào sách như bình thường ở nhà.
Tâm mong được gặp lại Cô Nhân hoặc Ve để hỏi họ xem quân nổi dậy đang chuẩn bị phòng thủ như thế nào trước một cuộc tấn công. Chàng nhớ Chí có nói anh phải về tỉnh gấp để đón quân từ miền Nam đi đường khác lên. Quan Tuần Phủ mới sẽ dẫn đầu cuộc tấn công vào thành trì của phiến quân này chăng? Làm sao một người được chọn lựa qua các kỳ thi và không hề được huấn luyện quân sự hay có kinh nghiệm gì về chiến trường có thể ra lệnh về chiến lược và chiến thuật mà trong không có vẻ ngây thơ hay khôi hài?
Một giọng nói quen thuộc cắt ngang tư tưởng của Tâm.
“Thầy Tâm đây rồi! Đêm qua có lạnh quá không? Thầy có ngủ được không?”
“Cám ơn Cô Nhân. Tôi ngủ được.”
Nàng ngồi xuống đối diện với Tâm, với những người bảo vệ đứng gần đó. Theo lệnh của nàng, người hầu dọn nước chè và xôi đậu xanh gói gọn gàng trong lá chuối. Cô chỉ vào thức ăn.
“Tôi thường không dùng gì ngoài trà vào buổi sáng, nhưng thầy cần ăn cho chuyến đi về nhà. Trong khi thầy ăn, tôi có thể mượn quyển sách thầy đang đọc không?”
Tâm đưa cho nàng quyển sách và trước khi nàng kịp mở ra, chàng đã giải thích.
“Đó là một quyển sách có người tặng cho tôi tại kinh đô. Trong đó có in những từ ngữ hoặc câu thông dụng hàng ngày bằng cả tiếng Việt và tiếng Pháp. Tôi đang dùng quyển này để học cả lối viết chữ mới và tiếng Pháp cùng một lúc.”
Cô Nhân lật giở quyển sách một lúc lâu, dừng lại ở một vài chỗ để đọc.
“Khi tôi còn nhỏ, các linh mục người Pháp tại triều đình đã tổ chức lớp học để dạy chúng tôi tiếng Pháp và cách phiên âm tiếng Việt mới này,” nàng nói. “Nhiều kẻ trong hoàng gia không muốn học hỏi vì sợ các linh mục sẽ cải đạo chúng tôi sang đạo Thiên Chúa. Trái lại, cha tôi bắt tất cả các con phải tham gia các lớp học. Ngài nghĩ chúng tôi nên cố gắng học hỏi càng nhiều càng tốt từ người Pháp. Ngài tin rằng chúng ta nên mở rộng xã hội của mình để đón nhận những tư tưởng phương Tây, đặc biệt là trong lĩnh vực khoa học và công nghệ hiện đại của họ.”
Cô Nhân tiếp tục: “Tuy nhiên, ngày nay chính những người đã từ chối học với các nhà truyền giáo lại đang hợp tác với chính quyền thuộc địa Pháp. Trong khi đó, chúng tôi đã trở thành quân nổi dậy ở những vùng này, và nhà Vua mới đang gửi lực lượng hoàng gia, cùng với binh lính Pháp, để tiêu diệt chúng tôi.”
Tâm nói: “Chắc hẳn người Pháp đang gây áp lực lên các quan trong triều đình để giải quyết vấn đề mà phong trào Cần Vương đã tạo ra cho họ. Tuy nhiên, dân chúng cũng như nhiều học giả, sẵn sàng ủng hộ quân nổi dậy.”
“Điều đó có thể đúng, nhưng câu hỏi đặt ra là: họ sẽ hỗ trợ chúng tôi trong bao lâu nữa? Nếu chúng tôi không thể thắng những trận tiếp theo, liệu họ có tiếp tục tin tưởng vào chúng tôi không? Thầy Tâm ơi, cổ nhân nói gì về việc thu phục lòng dân? Nếu tôi không nhớ sai, lý tưởng trong sạch là điều cần thiết nhưng không đủ để người cai trị duy trì quyền lực của mình.”
Thấy Tâm đã ăn xong, Cô Nhân đứng dậy dẫn chàng ra ngoài, với những người bảo vệ theo sau. Họ đi bộ một đoạn ngắn cho đến khi đến một cây cầu bắc qua con sông với nước gần như đen. Tâm thấy rằng nơi chàng ở lại đêm trước chỉ là một phần nhỏ của một thị trấn lớn hơn ở phía bên kia cầu. Có thành lũy gồm những bức tường đắp bằng bùn dày trên đỉnh là những cọc tre nhọn bao quanh thị trấn cho đến quá tầm nhìn của chàng. Ngoài thành lũy, người dân thị trấn đang bận rộn với các hoạt động hàng ngày.
“Tại sao thành lũy chỉ nằm ở bên kia sông?” Tâm hỏi.
Cô Nhân giải thích: “Hầu hết người dân thị trấn đều sống ở bên đó. “Nơi thầy ở đêm qua chỉ là một phần nhỏ ở ngoài thị trấn. Khi kẻ thù đến, chúng tôi sẽ chặn chúng ở đó trước khi chúng tiến đến cầu. Nếu thất bại, chúng tôi sẽ rút lui và tự vệ từ phía sau thành lũy. Chúng tôi sẽ sẵn sàng chiến đấu từ vị trí đó.”
“Điều gì sẽ xảy ra nếu họ dùng đại bác pháo kích vào trong thị trấn?”
“Chúng tôi sẽ có thể chống lại họ, nhưng chúng tôi không tin chúng sẽ mang theo nhiều súng đại bác,” Cô Nhân trả lời.
Trước khi Tâm có thể phản ứng, nàng hỏi thẳng.
“Thầy có thể hứa với tôi thầy sẽ không nói với ai về những gì nhìn thấy ở đây không? Kẻ thù chắc chắn biết chúng tôi ở đâu, nhưng chúng tôi không muốn chúng biết chỗ này được phòng thủ tốt hay kém đến mức nào.”
“Tôi hứa sẽ không nói với ai cả,” Tâm trả lời không một chút do dự. “Tôi không có và cũng không muốn có quan hệ gì với chính quyền hiện tại. Cô Nhân có thể cho tôi biết ai là tướng chỉ huy quân ở đây không?”
“Người đó là chồng tôi, và ngài là một trong những tên đứng đầu danh sách những người mà triều đình tuyên bố là phiến quân. Cho đến nay, ngài đã đánh bại mọi tướng lĩnh mà triều đình đưa ra để chống lại quân nổi dậy.”
“Ngay bây giờ ngài không có ở đây,” nàng tiếp tục, đoán trước câu hỏi của Tâm. “Chồng tôi đang đi chiêu mộ thêm quân và kiếm thêm vũ khí và lương thực. Quân nổi dậy có những người chỉ huy giỏi, một trong số đó là học trò cũ của thầy. Nhưng quân đội cần được cho ăn và trang bị đầy đủ súng ống. Vì vậy ngài phải đi mọi nơi để yêu cầu được tiếp tế đầy đủ lương thực và để thiết lập những đường tiếp vận hỗ trợ lực lượng dân quân tại đây.”
Điều đó có nghĩa là ngài có thể đã đi sang Trung Quốc, Tâm nghĩ, nhưng không nói gì khi họ băng qua cầu và sang bên kia sông.
Nhiều người đàn ông mang vũ khí hơn đang đợi và dẫn họ xuống một con đường dốc và hẹp đến bờ sông bên dưới cây cầu. Khi lại gần, Tâm thấy Ve đang đi bên cạnh một thanh niên cường tráng mà chàng nhận ngay là Chính. Anh học trò cũ bây giờ đã cao hơn và chín chắn hơn so với vài năm trước, tuy nhiên Chính vẫn cười nói vui vẻ, với nụ cười hơi nhếch lên từng là đặc điểm khi còn học ở trường làng. Anh ta không mang vũ khí hay đồng phục, nhưng từ vẻ ngoài và sự nể trọng của những người đàn ông khác, Chính rõ ràng là người chỉ huy của họ.
“Thưa cô Nhân, thưa thầy,” Chính cúi đầu chào cô Nhân và người thầy giáo làng.
Đứng bên cạnh Chính, Ve nhìn Chính một cách kiêu hãnh. Tâm đoán có điều gì đó sâu xa hơn giữa người học trò cũ của mình và thiếu nữ từ kinh đô lên. Chàng cảm thấy vui và cảm phục sự tự tin và ý chí của chàng trai trẻ.
“Chính khỏe không? Đã mấy năm rồi.”
“Em chưa bao giờ tốt hơn bây giờ, cám ơn thầy,” Chính vừa cười vừa trả lời. “Tuy nhiên, em phải nói rằng cuộc sống của em sẽ thoải mái hơn một khi thầy đem được cô làu bàu này ra khỏi tay em. Cô nàng đã phàn nàn và la hét chửi bới chúng em cả ngày lẫn đêm.”
“Mày gọi ai là làu bàu hả, tên cướp khốn nạn?”
Tiếng nói phát ra từ một túp lều nhỏ cách chỗ họ chừng hai mươi bước, nhưng Tâm nhận ra ngay tiếng của Kim Liên. Cả Chính và Ve đều cười và lắc đầu. Mọi người đi về phía túp lều. Đến nơi, Tâm ngó vào trong thì thấy con gái Xã Long đang ngồi dưới đất, mắt bịt bằng khăn đen, hai tay bị trói bên hông. Nàng đầu bù tóc rối và quần áo nhàu nhĩ, nhưng có vẻ không hề hấn gì.
“Có người ở đây vì ngươi,” cô Nhân tuyên bố. “Hôm nay chúng tôi sẽ để ngươi đi.”
“Tôi không thể nhìn thấy bất cứ ai hay bất cứ thứ gì,” Kim Liên nói với giọng giận giữ. “Tôi đã bị bịt mắt kể từ khi bị bắt cóc.”
“Ta đây, Kim Liên. Thầy Tâm đây.”
Lần đầu tiên nàng bắt đầu khóc nức nở, như một đập ngăn nước thất vọng, sợ hãi và oán giận đã vỡ tung.
“Thầy ơi! Thầy làm ơn đưa em về nhà!”
Tâm nhìn Chính, định xin bỏ khăn bịt mắt và dây trói cho người thiếu nữ, nhưng cô Nhân lại nói.
“Thầy Tâm, chúng tôi yêu cầu Thầy đừng cởi bất cứ dây trói nào cho cô ấy ít nhất vài giờ sau khi rời khỏi nơi này. Chúng tôi sẽ cung cấp một con thuyền để đưa Thầy và cô này xuôi dòng và bớt phải đi bộ. Thầy sẽ đi về làng bằng một ngả khác, nhưng chuyến đi này sẽ nhanh hơn, ít mệt mỏi hơn, và dễ chịu hơn. Cả hai người có thể lên chiếc thuyền đang cập bờ ngay bây giờ.”
Một con thuyền tam bản tiến vào bờ, lái bởi một người phụ nữ đang điều khiển thuyền với một mái chèo đơn. Một cô gái nhỏ ngồi ở mũi tàu cầm một sợi dây. Chính đỡ Kim Liên còn đang run rẩy đứng dậy và đưa nàng về phía con thuyền, Chính dẫn nàng bằng sợi dây vải trói tay nàng. Khi gần đến mép nước, cô bé con đã ném đầu dây thừng của mình cho một trong những người đàn ông có vũ trang. Người này giữ chặt nó để ngăn không cho thuyền trôi đi. Một người đàn ông khác đang bám vào mạn sau của con thuyền. Kim Liên bỗng kêu lên một tiếng khi Chính bất ngờ dùng hai tay nhấc bổng nàng lên, lội xuống nước và đặt nàng lên thuyền một cách đột ngột nhưng hiệu nghiệm.
Không còn thời gian và cũng chẳng còn gì để nói, Tâm cảm ơn cô Nhân và Ve, vỗ vai Chính rồi trèo lên thuyền. Người đàn bà lái thuyền ra dòng sông và con thuyền bắt đầu di chuyển xuôi dòng. Tâm quay đầu lại, nhìn nhóm người đứng trên bờ, tự hỏi không biết bao giờ mới gặp lại họ.
(Còn tiếp)
Cùng một tác giả: https://www.toiyeutiengnuoctoi.com/category/tac-gia/a-to-h/nguyen-trong-hien/